Canada có thể có hơn ba đồn cảnh sát không chính thức của Trung Quốc
Trong một báo cáo của một tổ chức nhân quyền phi chính phủ, một đồng tác giả cho biết, chính quyền Trung Quốc có khả năng đã thành lập nhiều đồn cảnh sát không chính thức ở hải ngoại tại Canada ngoài ba đồn tại Toronto đã được xác định.
Hồi tháng Chín, tổ chức Safeguard Defenders (Tổ chức Bảo Vệ An Toàn) có trụ sở tại Tây Ban Nha đã công bố một báo cáo cảnh báo về “việc kiểm soát vươn dài” của chính quyền này trên khắp thế giới thông qua cái được gọi là “đồn cảnh sát 110 ở hải ngoại” — một hoạt động được đặt tên theo số điện thoại khẩn cấp của công an 110 ở Trung Quốc.
Bản báo cáo có nhan đề “110 Hải Ngoại: Kiểm Soát Xuyên Quốc Gia Của Trung Quốc Đã Trở Nên Điên Cuồng” (“110 Overseas: Chinese Transnational Policing Gone Wild”) đã xác định được 54 đồn cảnh sát của Trung Quốc ở hải ngoại tại 30 quốc gia, trong đó có ba đồn ở Toronto. Báo cáo này cho biết các đồn cảnh sát này đều thuộc quyền quản lý của hai cơ quan công an cấp địa phương ở Trung Quốc — Cục Công an Phúc Châu ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, và công an huyện Thanh Điền ở tỉnh Chiết Giang.
Ông Peter Dahlin, người sáng lập kiêm giám đốc của Safeguard Defenders và đồng tác giả của báo cáo, nói rằng sau khi các phát hiện được tổ chức của ông công bố, cảnh sát hoặc các cơ quan chính phủ liên quan từ Bắc Mỹ và Âu Châu đã tiếp cận tổ chức của ông yêu cầu “ngồi lại và thảo luận tường tận” về các hoạt động của Trung Quốc ở hải ngoại.
“Vì vậy, họ chắc chắn biết về việc này, chí ít là ở một số quốc gia,” ông Dahlin nói với The Epoch Times.
Nhiều nơi hơn nữa
Trong khi các nhà chức trách Trung Quốc nói rằng các đồn cảnh sát này được tạo ra để phục vụ công dân ở hải ngoại tốt hơn, báo cáo lưu ý rằng các đồn đó đã được sử dụng để “thuyết phục” 230,000 công dân Trung Quốc “tự nguyện” trở về Trung Quốc để đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022.
Theo Safeguard Defenders, “Thuyết phục hồi hương” là một phương pháp chính trong các hoạt động “hồi hương không tự nguyện” của chính quyền Trung Quốc, trong đó có “Chiến dịch Săn Cáo” (“Operation Fox Hunt”) và chiến dịch “Lưới Trời” (“Sky Net”) rộng lớn hơn. Nhiều mục tiêu bị thuyết phục hồi hương là những Hoa kiều bị cáo buộc liên quan đến gian lận viễn thông, mặc dù báo cáo cho biết một số người không phải là nghi phạm và thân nhân của họ ở Trung Quốc cũng bị cảnh sát sách nhiễu và uy hiếp.
Ông Dahlin nói rằng ngoài ba đồn ở Toronto — trong đó có hai đồn ở Markham và một đồn ở Scarborough có vị trí đã được công bố trên một hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc — có khả năng có những đồn cảnh sát không chính thức khác của Trung Quốc hoặc đang hiện hữu hoặc được thành lập ở Canada, mặc dù chúng vẫn chưa được phát hiện.
“Chúng tôi cũng đã thấy một thông báo của chính phủ [Trung Quốc] nói rằng 10 tỉnh khác nhau nên khai triển các loại hình hoạt động này trên cơ sở làm thí điểm,” ông nói với The Epoch Times, chỉ vào một trích dẫn đề ngày 05/07/2018 trong báo cáo, là một bản tin do chính quyền Trung Quốc phát hành.
“Vì vậy, chúng tôi đã phát hiện ra hai trong số các hoạt động này [ở tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Chiết Giang]. Có thể có thêm tám tỉnh làm điều này có thể có đồn cảnh sát riêng của họ, và chúng tôi vẫn chưa thể theo dõi thông tin đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn nói như vậy … chúng tôi tin tưởng và chúng tôi có lý do chính đáng để nghĩ rằng có nhiều [đồn cảnh sát Trung Quốc ở hải ngoại] hơn.”
Bản tin này liên quan đến “Kế hoạch Làm việc để Giám sát Cuộc đấu tranh Đặc biệt Chống Tội phạm Băng đảng Toàn quốc” năm 2018 của Quốc vụ viện Trung Quốc. Hồi tháng 01/2019, một hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng Bắc Kinh đã tiến hành một khóa đào tạo giám sát vòng một kéo dài một tháng từ tháng 07/2018 đến tháng 09/2018 tại 10 tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông, Trùng Khánh, và Tứ Xuyên.
Một báo cáo khác trong năm đó, vào tháng 04/2019, cho biết chính quyền đã hoàn thành khóa huấn luyện vòng hai cho 11 tỉnh khác, trong đó có tỉnh Chiết Giang, nơi đặt trụ sở của cơ quan công an Thanh Điền.
Với lượng lớn Hoa kiều ở Vancouver, ông Dahlin cho biết ông sẽ thấy “rất lạ” nếu thành phố không có ít nhất một đồn cảnh sát 110.
‘Đàn áp xuyên quốc gia’
Safeguard Defenders cho biết báo cáo tháng Chín của họ là một phần trong quá trình giám sát liên tục hoạt động đàn áp xuyên quốc gia toàn cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ông Dahlin cho biết báo cáo này được đưa ra sau một báo cáo khác của tổ chức của ông, có nhan đề “Những cuộc hồi hương không tự nguyện — báo cáo phơi bày việc kiểm soát vươn dài ra hải ngoại” (“Involuntary Returns — report exposes long-arm policing overseas”).
Báo cáo trước đó, được công bố hồi tháng 01/2022, xem xét tuyên bố của chính quyền Trung Quốc hồi tháng 12/2021 rằng các hoạt động Sky Net của họ, cùng với đối tác Chiến dịch Săn Cáo, đã thành công đưa khoảng 10,000 “kẻ đào tẩu” từ khắp nơi trên thế giới trở lại Trung Quốc kể từ năm 2014, khi chiến dịch này được khai triển trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các hoạt động đó nhắm đến những gì mà ông Dahlin mô tả là “các mục tiêu có giá trị cao.” Sky Net chính thức cho biết họ chỉ nhắm mục tiêu vào các tội phạm kinh tế và các quan chức bị cáo buộc về các tội danh như tham nhũng hoặc hối lộ, theo báo cáo của Safeguard Defenders, nhưng ông Dahlin cho biết người ta phát hiện Sky Net còn nhắm mục tiêu vào những người bảo vệ nhân quyền. Ông Dahlin nói, các hoạt động nhắm vào các mục tiêu có giá trị cao là do công an trung ương Trung Quốc điều hành, trong khi những người liên quan đến hành động phạm tội cấp thấp hơn như lừa đảo — được coi là các đối tượng có giá trị thấp — bị công an địa phương Trung Quốc theo dõi.
“Phương pháp phổ biến nhất để làm điều này là thuyết phục họ quay trở lại ‘một cách tự nguyện.’ Chúng tôi cũng đã gặp một số trường hợp [Bắc Kinh] cử đặc vụ — cảnh sát Trung Quốc, hoạt động bí mật — đến các quốc gia mục tiêu; chúng ta có một số người ở Hoa Kỳ bị truy tố vì điều này,” ông nói.
Cách thứ ba, ông Dahlin nói, là sử dụng các vụ bắt cóc. Ông cho biết rằng tổ chức của ông đã xác định được 22 trường hợp bắt cóc.
Mặc dù tổ chức của ông không tìm thấy bất kỳ trường hợp bắt cóc trực tiếp nào ở Canada, nhưng ông Dahlin nói rằng ở Canada và Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc thực hiện “nhiều hơn nữa [trong việc] cử mật vụ để uy hiếp người dân và kiểu hoạt động như thế.”
Khi được hỏi về mức độ nghiêm trọng của các hoạt động ở hải ngoại của Trung Quốc, ông Dahlin cho biết tác động đối với Canada “chắc chắn là tệ hơn Âu Châu.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times