Tỷ phú Canada gốc Hoa Tiêu Kiến Hoa lĩnh án 13 năm tù
Hôm 19/08, một tòa án ở Thượng Hải đã kết án tỷ phú người Canada gốc Hoa Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), người đã không xuất hiện trước công chúng kể từ năm 2017 và được biết là có quan hệ tài chính với một số người trong giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), 13 năm tù cùng với mức phạt tiền 55.03 tỷ nhân dân tệ (8.1 tỷ USD).
Ông Tiêu và tập đoàn Tomorrow Holdings của ông bị kết tội bòn rút trái phép công quỹ (tiền của chính phủ tại ngân hàng), sử dụng tài sản được ủy thác không đúng cam kết, và sử dụng trái phép tiền quỹ và hối lộ, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Thượng Hải cho biết trong một tuyên bố được công bố trên mạng xã hội.
“Các hành vi phạm tội của Tomorrow Holdings và ông Tiêu Kiến Hoa đã gây tổn hại nghiêm trọng đến trật tự quản lý tài chính, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh tài chính quốc gia, và xâm phạm nghiêm trọng đến sự liêm chính của đội ngũ nhân viên nhà nước,” tòa án cho biết.
Nhưng hình phạt đã được tuyên giảm vì “tự đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội của mình và hợp tác trong việc thu hồi các khoản lợi phi pháp và phục hồi tổn thất,” theo tài liệu tòa án.
Ông Tiêu Kiến Hoa
Ông Tiêu gây xôn xao dư luận hồi tháng 01/2017 khi đột nhiên ông bị mất tích trong một căn hộ tại khách sạn Four Seasons Hong Kong, nơi ông cư trú tại thời điểm đó.
Các hãng thông tấn Hồng Kông và hải ngoại đưa tin rằng ông Tiêu đã bị các nhân viên an ninh mặc thường phục của Bắc Kinh bắt giữ, những người vốn không được phép hoạt động ở thuộc địa cũ của Anh này tại thời điểm đó. Khi được hỏi về ông Tiêu, cảnh sát thành phố xác nhận tại thời điểm đó ông đã vượt biên sang Trung Quốc đại lục.
Kể từ đó không có thông tin chính thức nào về vị tỷ phú này cho đến tháng Bảy năm nay (2022), khi Đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh cho biết ông Tiêu sẽ phải đối mặt với các phiên tòa. Người đàn ông 50 tuổi này là một công dân Canada có hộ chiếu ngoại giao từ Antigua và Barbuda, mặc dù ông sinh ra tại Trung Quốc.
Các phiên tòa xét xử ông bắt đầu hôm 04/07. Trong tuyên bố hôm thứ Sáu (19/08), tòa án lưu ý rằng các phiên tòa xét xử ông có sự tham gia của các quan chức hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm các thành viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp bù nhìn của chính quyền này và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cơ quan cố vấn của nó.
Các nhà phân tích cho rằng mức án tù của ông Tiêu nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ chính trị của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có trong văn phòng chính phủ vào mùa thu này.
Một nguồn tin trong trụ sở trung ương ĐCSTQ trước đây đã nói với The Epoch Times rằng ông Tiêu có quan hệ mật thiết với cựu Phó Chủ tịch Đảng Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), một thành viên chủ chốt của một phe chính trị — được gọi là “phe Giang” vì lòng trung thành của họ với cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân — vốn phản đối sự lãnh đạo của ông Tập. Theo nguồn tin này, ông Tiêu từng là kẻ rửa tiền chủ chốt của phe Giang.
Tuy nhiên, có nhiều người giới tinh hoa khác của ĐCSTQ cũng tham gia vào hoạt động kinh doanh của ông Tiêu, theo ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một chuyên gia về Trung Quốc. Ông Viên cho biết cuộc điều tra về vị tỷ phú này cho phép ông Tập có được bằng chứng về các giao dịch mờ ám giữa ông Tiêu và các quan chức cấp cao khác của Đảng và sử dụng nó để hạ gục các đối thủ của ông.
“Bản án của ông Tiêu có thể được coi là một lời cảnh báo đến tất cả phe phái, đặc biệt là phe Giang, trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XX,” nhà bình luận Trung Quốc Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times hôm thứ Sáu (19/08). “Đó là kết quả của cuộc tranh đấu chính trị.”
Tomorrow Holdings
Được thành lập vào năm 1999, Tomorrow Holdings có nhiều loại hình đầu tư, từ ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản đến kim loại đất hiếm.
Trước khi ông Tiêu mất tích, đế chế công ty của ông được ước tính trị giá khoảng 5.8 tỷ USD, khiến ông trở thành người giàu thứ 32 của quốc gia hồi năm 2016, theo báo cáo của Hồ Nhuận (Hurun), một tạp chí theo dõi những người giàu nhất Trung Quốc.
Tòa án cho biết từ năm 2001 đến năm 2021, ông Tiêu và Tomorrow Holdings đã đưa cho các quan chức tổng cộng 680 triệu nhân dân tệ (99,7 triệu USD), bao gồm cổ phiếu, bất động sản, tiền mặt và các tài sản khác, nhằm trốn tránh sự giám sát tài chính và kiếm lời phi pháp.
Hồi tháng 07/2020, chín tổ chức liên quan của tập đoàn này đã bị các cơ quan quản lý Trung Quốc bắt giữ.
Trong số chín công ty đó có bốn công ty bảo hiểm — Công ty Bảo hiểm Tài sản Thiên An của Trung Quốc, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Hoa Hạ, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Thiên An và Công ty Bảo hiểm Yi’an P&C — cũng như New Times Trust Co và New China Trust Co. Ba công ty còn lại là Chứng khoán Thành Thông (Chengtong Securities), Chứng khoán Quốc Tín (Guosheng Securities), và Hợp đồng tương lai Thành Thông (Guosheng Futures).
Tòa án cho biết từ năm 2004, ông Tiêu và Tomorrow đã kiểm soát nhiều tổ chức tài chính và nền tảng tài chính internet, bao gồm cả Ngân hàng Bao Thương (Baoshang Bank) bị thất bại, thông qua nhiều lớp cổ đông gián tiếp và quyền sở hữu ẩn danh.
Cô Dorothy Li là ký giả của The Epoch Times tại Âu Châu.