Cảm ngộ Tây Du Ký (P.8): Ngộ Không dùng binh pháp trấn an Đường Tăng
Trong “Tây Du Ký” hồi thứ 32, Công Tào Trực Nhật đã dặn dò Ngộ Không rằng kiếp nạn ở Bình Đỉnh sơn rất nguy hiểm, nhất định phải cẩn thận bảo hộ sư phụ. Ngộ Không biết được sự tình nghiêm trọng, không biết phải nói như thế nào với Đường Tăng.
Ngộ Không rơi lệ, Bát Giới thất kinh
Ngộ Không nghĩ rằng nếu đem sự thật nói với Đường Tăng thì “Sư phụ không làm được gì, chắc chắn sẽ khóc mất thôi”, điểm này Ngộ Không có thể nhìn thấy hết sức rõ ràng. Nếu không nói với Đường Tăng mà mạo hiểm đưa thầy tiếp tục lên đường, cũng không biết phía trước an nguy thế nào, không may thầy bị bắt đi thì lão Tôn lại phải lao tâm khổ tứ.
Do đó, Ngộ Không bèn nghĩ, hay là tốt nhất cứ để Bát GIới đi trước. Cho dù có bị yêu quái bắt đi thì sau đó cứu cũng không muộn. Nhưng sau đó lại nghĩ, “chỉ e Bát Giới lười biếng không chịu xuất đầu lộ diện, sư phụ lại bênh vực hắn”. Ngộ Không biết Đường Tăng bênh vực Bát Giới vốn là một kẻ lười biếng, có thể sẽ không đồng ý, sau đó Ngộ Không bèn nghĩ ra một cách, miễn cưỡng rơi lệ mà thực hiện.
Điều này sẽ khiến Bát Giới sợ chết khiếp mất thôi. Bát Giới nhanh chóng hiểu ra biểu cảm trên gương mặt của Ngộ Không, ngay lập tức nhanh chóng đòi phân chia hành lý, bán ngựa Bạch mã rồi mua quan tài chuẩn bị sẵn cho Đường Tăng lúc về già. Sa Tăng thật thà không hiểu ý của nhị Sư huynh, tại sao đột nhiên lại muốn giải tán chứ.
Bát Giới cho rằng Ngộ Không là bậc hảo hán “lên trời xuống đất, lên núi đao, xuống biển lửa, vào vạc dầu đều không sợ hãi”, bậc hảo hán hôm nay bỗng dưng lo lắng, nước mắt đầm đìa, do đó đoán định rằng con yêu quái này nhất định rất hung tợn, bọn họ yếu ớt như vậy vốn chẳng thể thắng được nó.
Thiện ác nhất niệm, tự có quả báo
Ngộ Không vừa khóc vừa nói với sư phụ rằng: “Sư phụ à, người báo tin lúc nãy là Nhật Trực Công Tào. Ông ấy nói rằng yêu quái rất hung tợn, nơi này rất khó đi, quả nhiên núi cao hiểm trở, không thể tiếp tục tiến về phía trước, chúng ta dời sang hôm khác vậy!”
Đường Tăng sau khi biết được sự tình thì vô cùng lo sợ, thân là người đứng đầu, không thể lùi bước, do đó liền giao quyền điều binh khiển tướng cho Ngộ Không. Ngộ Không được tự ý điều động Bát Giới và Sa Tăng.
Ngộ Không sai Bát Giới vào núi dò đường. Trước khi vào núi, Bát Giới nói: “Nếu ta vào núi thăm dò, người ta nhìn thấy cái đầu heo của lão Trư ta, nhất định sẽ bao vây ta lại, rồi bắt đem về nhà làm thịt, đợi đến cuối năm sẽ ăn ta mất thôi.”
Trùng hợp là, sau đó Bát Giới quả thật đã bị bắt. Bọn yêu quái dự tính đem Bát Giới đi ngâm ở hồ Tịnh Thuỷ, xát muối lên rồi sẽ đem Bát Giới làm thành thịt sấy khô. Những lời mà yêu quái nói thật không khác gì những gì Bát Giới đã nói trước đó. Một lời nói đùa của Bát Giới quả thật đã ứng nghiệm. Diễn biến của sự việc đã diễn ra theo đúng niệm đầu của Bát Giới.
Từ xưa đến nay, mọi người đều biết rằng phàm là việc gì cũng đều có Thiện Ác báo ứng, một niệm thiện ác đều có quả báo. Cổ nhân nói rằng: “Phúc họa không có cửa, đều do người tự chiêu mời”, tựa như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu vậy, chính là đạo lý này.
Trong tiểu thuyết, thông qua sự miêu tả về Ngộ Không và Bát Giới, đã phác họa được tâm chấp trước của Đường Tăng. Đường Tăng có nghi tâm, chưa trông thấy yêu quái mà lòng đã lo lắng, trông gà hóa cuốc. Đường Tăng bênh vực bao che cho Bát Giới, duy hộ tâm chấp trước của bản thân, điểm này Ngộ Không nhìn thấy hết sức rõ ràng. Những tạp niệm và tâm chấp trước này ngược lại còn cung cấp thêm năng lượng cho yêu ma.
Ngộ Không sử dụng binh pháp trấn an Đường Tăng
Lúc yêu quái chỉ tay vào Đường Tăng, Đường Tăng ngay lập tức rùng mình sợ hãi, tinh thần bất định. Để trấn an Đường Tăng, Ngộ Không lấy gậy Kim Cô ra, dựa theo binh pháp Lục thao tam lược mà thi triển thần thông.
Đường Tăng ngồi trên lưng ngựa, mặc dù không hiểu binh pháp, nhưng khi trông thấy trận thế của Ngộ Không thì cũng cảm thấy đây là trận thế hiếm gặp, thế gian có một không hai. Đám yêu quái trên núi sau khi nhìn thấy cũng bị làm cho sợ đến hồn xiêu phách lạc, cả bọn đều thất thanh.
Lục thao tam lược là binh pháp, Ngộ Không vung gậy Kim Cô theo binh pháp. Binh pháp thời Trung Quốc cổ đại, bất luận là binh pháp của Tôn Tử, Khương Tử Nha hay Gia Cát Lượng thì căn nguyên đều lấy Đạo làm gốc. Đằng sau đó bao hàm Đạo pháp, căn cứ theo Âm dương ngũ hành, lý niệm Bát quái, quán thông thiên địa, điều động năng lượng từ không gian khác. Do đó các bậc Quân sư Khai quốc của các triều đại khi sử dụng trận pháp đều tạo ra những chiến thắng bất ngờ. Trong các tiểu thuyết cổ điển cũng có rất nhiều miêu tả về trận pháp.
Trận pháp huyền diệu – Đạo lý ẩn tàng phía sau
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Gia Cát Lượng tinh thông binh pháp, ông đã sử dụng những hòn đá để tạo nên Bát quái trận, vận dụng thần cơ, biến hóa khôn lường, hòn đá bình thường cũng có thể trở thành mười vạn hùng binh.
Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”, được tin Thái Sư đại chiến Tây Kỳ, Thân Công Báo liền mê hoặc các vị Đại Tiên tu đạo, bày bố Thập Tuyệt trận. Trong cuộc đại chiến chính-tà này, giúp đỡ cho Chu Vũ Vương phá trận đồ đều là những thế ngoại cao nhân, Nhiên Đăng Cổ Phật, Thái Ấp Chân Nhân, Văn Thù, Phổ Hiền Chân Nhân, Từ Hàng đại sĩ… các vị chính Thần đều hết lòng tương trợ. Binh trận xem ra có vẻ tầm thường, nhưng đằng sau đó là các vị Tiên nhân đang thi triển Đạo hạnh. Đạo hạnh càng chính, càng thâm sâu thì thần thông càng to lớn.
Vương Du Duyệt biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ