Cảm ngộ Tây Du Ký (P.4): Sa Tăng thủ nghĩa, xả thân cứu người
Thầy trò Đường Tăng đến nước Bảo Tượng để đổi thông quan văn điệp, cũng thành công trong việc trình bức thư của công chúa lên Quốc vương. Quốc vương và công chúa ly tán đã 13 năm, nay nhận được tin của công chúa thì nước mắt đầm đìa, tam cung hậu phi cũng vì thế mà buồn theo, văn võ đại thần cũng âm thầm đau xót. Nhìn thấy quốc vương nóng lòng nhớ thương công chúa, Đường Tăng không đành lòng, bèn sai Bát Giới và Sa Tăng đi hàng yêu.
Bát Giới lâm trận chạy trốn, Sa Tăng bị bắt
Bởi vì Thần Hộ pháp phải bảo hộ Đường Tăng, cho nên khi Bát Giới và Sa Tăng kêu yêu quái Hoàng Bào ra hàng, do thiếu mất sự chi viện bên ngoài của hộ pháp nên dần dần bại trận. Bát Giới xem chừng đánh không lại, vì thế vừa lâm trận liền bỏ trốn. Hắn chui vào trong đám cỏ gai nằm lăn ra ngủ, không dám tiếp tục xuất đầu lộ diện. Sa Tăng thân cô lực yếu trở tay không kịp, liền bị yêu quái bắt vào động phủ.
Trong con mắt của Hoàng Bào Quái, Đường Tăng là một nhân vật bậc trên hiểu lễ nghĩa, làm sao có thể làm chuyện lấy oán báo ân, vong ơn bội nghĩa như thế? Thế là hắn ta nghi ngờ duyên cớ là do công chúa Bách Hoa Tu ngầm gửi thư tín, tự thả Đường Tăng để nhờ đưa thư.
Hoàng Bào Quái và công chúa Bách Hoa Tu vốn là thiên nhân ở trên trời, vì nhớ trần gian mà hạ giới. Một người chuyển sinh đến hoàng cung, người kia độc chiếm một vùng tự xưng Vương, cuối cùng là đi cùng nhau một đoạn đường để cho trọn vẹn tình phu thê. Cách thể hiện tình yêu của Hoàng Bào Quái rất cực đoan, yêu rất mãnh liệt nhưng hận cũng rất mãnh liệt; khi yêu thì ngọt ngào gọi công chúa là “nương tử”, khi hận thì không tiếc lời gọi là “tiện phụ”. Hơi không vừa ý, Hoàng Bào Quái liền nảy sinh hung tính muốn giết công chúa.
Sa Tăng nghĩa khí cứu công chúa thoát hiểm
Công chúa vừa bị Hoàng Bào Quái ép hỏi thì cùng đường mạt lộ, không dám thừa nhận viết thư cho Phụ vương. Nàng bèn đem hy vọng nhờ cậy Sa Tăng. Công chúa nói với Hoàng Bào Quái: “Thiếp và chàng đến hỏi hắn một tiếng. Nếu thật sự có thư, thì chàng đánh chết thiếp cũng cam tâm; nếu không có thư, chẳng phải chàng uổng công giết tiện thiếp sao?”
Sa Tăng bị lũ tiểu yêu trói chặt hai tay hai chân rồi treo lên, nhìn thấy thấy Hoàng Bào Quái túm lấy tóc công chúa rồi đẩy nàng ngã xuống đất. Hoàng Bào Quái tay cầm cương đao hỏi Sa Tăng, “có phải công chúa viết thư cho Quốc Vương, Quốc Vương ra lệnh cho các ngươi tới phải không?”
Sa Tăng nhìn thấy yêu quái đang nổi cơn thịnh nộ, vô cùng hung dữ. Lúc này nếu như nói ra sự thực, công chúa lập tức sẽ mất mạng. Sa Tăng suy nghĩ: Công chúa đã cứu Sư phụ, đây là ân tình lớn lao, tuyệt không thể lấy oán trả ơn! Lão Sa ta đây theo sư phụ một phen, cũng chưa lập được chút công nào để báo đáp, hôm nay bị bắt, sá gì không dùng tính mệnh để báo ơn sư phụ!
Thế là, Sa Tăng hét lớn một tiếng: “Không được hại tính mệnh công chúa. Muốn giết cứ giết lão Sa ta. Không được đổ oan cho người tốt, như vậy là thương thiên hại lý.”
Sa Tăng dũng khí chấn nhiếp yêu quái
Tiếp đó, Sa Tăng lại nói ra một tràng hợp tình hợp lý để giải vây cho công chúa. Lời vừa nói ra, cảnh tượng nguy khốn đột nhiên chuyển biến kinh ngạc. Yêu quái hung hãn nghe xong thì ném đao xuống đất, hai tay ôm lấy công chúa, lập tức hòa nhã giống như một vị công tử. Hắn vén tóc, cài trâm lại cho nàng, thái độ chân thành từ tốn, mời nàng ngồi xuống rồi vội vàng nhận lỗi, lại vui vẻ dỗ dành công chúa đi vào.
Hoàng Bào Quái lại nghe lời công chúa, lệnh cho lũ tiểu yêu cởi trói cho Sa Tăng. Định lực và dũng khí của Sa Tăng trong nháy mắt đã hóa giải được hoàn cảnh nguy hiểm, khiến người ta không thể không bội phục. Sa Tăng vì nghĩa cứu công chúa đã trở thành một tình tiết đặc sắc nhất trong đoạn hành trình của thầy trò Đường Tăng tại đất nước Bảo Tượng.
Sa Tăng sở dĩ có thể cứu công chúa, trong tiểu thuyết nói đến một từ “hùng tráng”, yêu quái bị những lời nói hùng tráng của Sa Tăng làm cho kinh hãi.
Để cứu người và báo đáp ân sư, Sa Tăng đã dũng khí ký thác sinh mệnh của chính mình, vì đại nghĩa mà báo ân. Vì để cứu người, Sa Tăng dám đem tính mệnh của mình ra để đánh đổi, đồng thời khơi dậy khí khái anh hùng của một vị cao thủ võ lâm trong tiền kiếp. Lúc bấy giờ trong tâm của ông, chính nghĩa được đặt lên hàng đầu, không màng đến hai chữ sinh tử.
Giải thích ý nghĩa của chữ “Nghĩa”
Chữ “Nghĩa” tiếng Hán chính thể là “義”, trong đó, chữ Ngã (我) và chữ Dương (羊) biểu thị sự uy nghi của bản thân. Trong các bia ký bằng đồng, uy nghi và minh đức có ý nghĩa tương thông, đều có ý tứ là tuân theo đạo đức. Đạo đức được dưỡng từ nội tâm có thể quyết định dung mạo và cử chỉ bên ngoài, cho nên thời cổ coi việc tu dưỡng sự uy nghi là một phương diện trọng yếu để tu đức. Trong thiên ‘Văn Vương’ và ‘Ngã tướng’… của “Kinh Thi”, thì nghĩa rộng của “Nghĩa” chính là Thiện.
Về chữ “Ngã” trong chữ “Nghĩa”, chữ “Ngã” này vào thời cổ đại là một loại binh khí uy mãnh có nhiều răng, về sau diễn biến thành đại từ nhân xưng như ngày nay. Trong chữ “Ngã 我” có bộ “qua 戈”, cũng là binh khí. Thời cổ đại, các võ tướng “thao qua vệ quốc”, chính là lấy nghĩa xả thân để báo quốc. Chữ “Dương 羊” là chữ tượng hình, là sính vật để tế lễ, biểu thị lấy tâm thành kính để kính Trời.
Nhìn vào chữ “Nghĩa 義” có thể thấy được sự tu dưỡng đạo đức, cũng thể hiện chí khí dương cường.
Văn hóa Trung Quốc xưa nay luôn giảng thiên nhân hợp nhất, Tam tài Thiên Địa Nhân hài hoà và câu thông. Điều này cho thấy văn hóa Thần truyền Trung Quốc là lập thể, là tại ba tầng diện thiên-địa-nhân đồng thời vận hành. Vì vậy, khi hành vi của một người hoàn toàn phù hợp với thần tính của văn hóa Thần truyền và dung hợp với các giá trị quan truyền thống, thì có thể triển hiện ra uy lực rất lớn. Đây cũng chính là điều mà tà ác sợ nhất.
Với ngôn từ hùng tráng của Sa Tăng, yêu quái thực sự chịu không được khí khái anh hùng ấy, những ác niệm hung hãn kia đã bị luồng chính khí hạo nhiên làm cho tan rã và tiêu mất. Các sinh mệnh xấu ác ở tầng thấp kia, một khi đối mặt với chính niệm đại nghĩa hào hùng, đã mất đi khả năng chống đỡ.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa Ngữ