Cảm ngộ Tây Du Ký (P.3): Đường Tăng gặp nạn ở nước Bảo Tượng
Thầy trò Đường Tăng trên đường đi thỉnh Kinh, phải đi qua nước Bảo Tượng. Nước này vốn không có voi, cũng không sùng đạo Phật, nhưng lại có tên rất có phong vị của Thiền.
Tiếp theo của: ‘Cảm ngộ Tây Du Ký’ (P.2): Một tín niệm xuyên suốt kiếp trước kiếp này của Sa Tăng
Công Chúa nước Bảo Tượng cứu Đường Tăng
Đường Tăng giữa đường đi lạc vào yêu động, khiến Hoàng Bào Quái giật mình tỉnh giấc, cuối cùng bị đám tiểu yêu trói trên cọc định hồn. Khi tam công chúa của nước Bảo Tượng Bách Hoa Tu hỏi ông, tại sao lại vào động yêu, Đường Tăng rầu rĩ trả lời rằng, “Vào cửa nhà các người rồi, số ta là đáng phải chết. Các người muốn ăn thì ăn, hỏi nhiều như vậy làm gì?”
Về lý, Đường Tăng là một tăng nhân, đã xuất gia rồi, nên phải sớm quên đi nỗi vinh nhục sinh tử, buông tâm xuống tận đáy để quy y Thần Phật. Nhưng vào thời khắc then chốt đối diện với sinh tử, có lẽ Đường Tăng đã để sự bi thương của bản thân lấn át. Dường như lúc ấy, tâm sợ hãi đã lấn át tín ngưỡng của ông đối với Phật Đà và sự kiên trì đối với chân lý. Đây cũng chính là tâm chấp trước cần buông bỏ, là quan ải mà Đường Tăng phải vượt qua trên suốt con đường thỉnh kinh này.
Ngược lại, công chúa cười và an ủi Đường Tăng, nói là có biện pháp cứu ông ra ngoài, chỉ là có việc nhờ cậy, nhờ ông mang hộ phong thư cho Quốc vương của Vương quốc Bảo Tượng. Trong tiểu thuyết, không có miêu tả cụ thể biểu lộ của Đường Tăng, chỉ thấy ông gật đầu, lộ vẻ hoang mang lo sợ.
Hoàng Bào Quái đối với Tam công chúa tình ý rất sâu đậm. Hắn vừa nghe nói công chúa vì để thực hiện lời hứa cúng dường trai tăng nên đã thả Đường Tăng, thì cũng chỉ đành coi như không có gì, giơ cương đao nói to với Bát Giới, “nể tình vợ ta đã nói như vậy, tha cho sư phụ ngươi, mau đi cửa sau mà tìm sư phụ ngươi đi”.
Bát Giới và Sa Tăng nghe được lời này, cũng giống như được thả từ Quỷ Môn quan, vội vàng dắt ngựa, gồng gánh lủi thủi bước đi. Họ tìm được Đường Tăng ở cửa sau, vội vàng đỡ ông lên ngựa.
Đường Tăng mất đi năng lực biện luận
Thầy trò Đường Tăng đi vào nước Bảo Tượng, đệ trình lên bức gia thư của công chúa. Quốc vương sau khi biết được sự tình thì than thở khóc lóc, khiến cho mọi người không khỏi đau buồn thương tiếc. Vì cứu công chúa, Đường Tăng vẻ mặt cương quyết, phân công Bát Giới, Sa Tăng quay lại trừ yêu. Kết quả, Bát Giới lâm trận liền chuồn đi, bỏ mặc Sa Tăng một mình độc chiến. Sa Tăng một mình yếu không địch được mạnh, đã bị bắt vào động phủ.
Hoàng Bào Quái vì để báo thù, liền biến thành một công tử tuấn tú đến nước Bảo Tượng nhận thân. Hắn ta khi đối mặt với văn võ bá quan trên đại điện, ăn nói bừa bãi, bàn lộng thị phi, lấy lời dối trá che đậy sự thật, ương ngạnh nói Đường Tăng là hổ tinh mê hoặc hại người.
Nhắc tới cũng kỳ lạ, Đường Tăng xưa kia danh tiếng chấn Trường An, là một cao tăng có đức hạnh, nếu nói tài biện luận có thể là bậc nhất. Nhưng lúc này trên đại điện, khi đối mặt với yêu quái hùng hổ dọa người, khẩu tài của ông dường như đã bị biến mất.
Qua đây có thể thấy rằng, một người nếu như không có chính niệm, thì ngay cả tài năng của chính mình cũng không thể nào phát huy được. Đường Tăng lần nữa lâm vào cảnh vây khốn, bị yêu quái thi triển pháp thuật, biến thành một con mãnh hổ.
Tinh thần nghĩa dũng trong sáng của Long Mã
Nhìn thấy cảnh đoàn thỉnh Kinh có nguy cơ tan rã. Bạch Long Mã đang ăn cỏ trong chuồng, bỗng nhiên nghe thấy cung nhân đều nói Đường Tăng là hổ, trong lòng rất kinh ngạc, “Sư phụ ta rõ ràng là người tốt, tất nhiên là yêu quái hại sư phụ, biến sư phụ thành hổ”. Bạch Long Mã quả nhiên có linh tính, suy nghĩ thẳng tới vấn đề trung tâm – có yêu quái đang làm loạn.
Bạch Long Mã khổ chịu đựng được đến canh hai, lúc cảnh vật còn yên lặng như tờ thì giãy đứt dây cương, hiện ra chân thân Bạch Long để đi cứu Đường Tăng. Đại chiến với Hoàng Bào Quái, Bạch Long lại bị đánh cho thê thảm, thân mang thương tích, bại trận quay về.
Lúc này, Bát Giới sau khi lâm trận bỏ chạy cũng tỉnh ngủ, hắn đi vào hoàng cung tìm không thấy Đường Tăng, tìm đến bên chuồng ngựa thì giật mình phát hiện Bạch Mã bị thương. Lúc này Bạch Mã lần đầu tiên mở miệng nói chuyện với Bát Giới bằng tiếng người, làm hắn giật mình sợ hãi.
Bát Giới trước kia là Thiên Bồng nguyên soái được Ngọc Đế thân phong, có Thiên Cương biến hóa (tức 36 phép thần thông), còn có một cây binh khí của thiên giới là cây đinh ba có chín răng. Năm đó Ngộ Không đại náo thiên cung, Thiên Bồng nguyên soái dẫn đầu thiên binh thiên tướng đánh nhau với Ngộ Không, cũng là một thời dũng mãnh. Bát Giới vốn có lịch sử huy hoàng như thế, mang theo trong người một binh khí sắc nhọn, lúc này lại bị con Bạch Mã nói tiếng người dọa sợ đến mức run rẩy.
Ngay tại thời khắc quan trọng này, Bát Giới nhanh chóng nghĩ đến việc giải tán, đường ai nấy đi. Hai chữ “Thỉnh kinh” lúc này bị hắn ném đi xa lắc khỏi trái tim mình. Đại nghiệp thỉnh Kinh được Thần Phật đầy trời kính trọng, lúc này trong lòng lão Trư lại nhẹ tựa lông hồng.
Bát Giới muốn đi thẳng một mạch, Bạch Long Mã cố sức cắn chặt áo của Bát Giới, không ngừng rơi lệ, đau khổ năn nỉ hắn tuyệt đối không nên nói đến chuyện giải tán, tuyệt đối không nên có tâm lười biếng; Muốn cứu sư phụ ra, chỉ có mời Đại sư huynh Ngộ Không quay về mới được. Trước đó Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Bát Giới khích bác Đường Tăng niệm chú Khẩn cô nhi và đuổi Ngộ Không đi. Bây giờ nếu lại mời Ngộ Không xuống núi, Bát Giới lo lắng nếu một khi bất hòa, Ngộ Không sẽ vung gậy Kim Cô đánh hắn, thì hắn sống thế nào?
Bạch Long nhìn người rất chuẩn, đảm bảo với Bát Giới: “Sư huynh quyết sẽ không đánh huynh đâu, sư huynh là Hầu Vương có nhân có nghĩa”.
Bạch Long chân thành tha thiết và kiên trì cảm hóa Bát Giới mông muội. Ngộ Không thân ở Hoa Quả Sơn, nhưng tâm lại theo sư phụ thỉnh Kinh, một chút cũng không hề thay đổi. Ngộ Không biết rõ trên đường thỉnh Kinh, Đường Tăng từng bước đều gặp nạn, khắp nơi đều có tai họa. Khi Bát Giới xuất hiện trước mặt, Hầu Vương biết Đường Tăng đã gặp nạn rồi.
Huynh đệ đồng môn tình sâu kết nghĩa, hiệp ý trừ nan
Khi cả đoàn đứng trước thời khắc tan rã cuối cùng, sự xuất hiện của Ngộ Không khiến tất cả các thành viên như như được tiếp thêm sức mạnh, hết thảy khoảng cách và sự đứt đoạn, cùng theo sự xuất hiện của Kim Hầu mà bắt đầu vận động dính kết lại.
Tác giả Ngô Thừa Ân lấy câu thơ “Nghĩa kết khổng hoài, pháp quy bản tính” (Nghĩa kết tình anh em, Pháp quy về bản tính) để biểu đạt sự ăn ý của các thành viên trong nhóm. “Khổng” có nghĩa là rất nhiều; “Hoài” là nhớ nhung. Khổng hoài, chỉ tình cảm nhớ nhung và quan tâm lẫn nhau giữa các huynh đệ kết nghĩa. Sau khi Ngộ không quay trở về cứu được Đường Tăng, cả đoàn thỉnh Kinh đồng tâm một khối, ngay lập tức phá trừ được ma nạn.
Từ câu chuyện trong tiểu thuyết, ngụ ý của Bảo Tượng, bao hàm tinh thần dũng cảm tiến tới của Long Mã, khi đoàn thỉnh Kinh sắp bị tan rã, là Bạch Long khẩn cầu Bát Giới mời Ngộ Không ra mặt, giải quyết được vấn đề khó khăn; Bao hàm tình nghĩa kim lan đồng tu đồng môn, Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng một lần nữa phối hợp ăn ý; Cũng bao hàm Đường Tăng tán thành Ngộ Không dùng võ trừ ác, năm người đồng tâm hợp lực, giải trừ được ma nạn trước mắt. Có lẽ, đây chính là thâm ý của cái tên “Bảo Tượng” vậy.
Vương Du Duyệt biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ