Cảm ngộ Tây Du Ký (P.14): Phật Di Lặc giải nguy khốn
Trong tiểu thuyết “Tây Du Ký”, Đường Tăng là đệ tử Kim Thiền Tử của Phật Tổ Như Lai chuyển sinh, là người đã tu hành mười kiếp. Khi đó lúc ông rời Trường An, từng lập lời thề nguyện: “Lên Tây phương, gặp miếu thắp hương, gặp chùa bái Phật, gặp tháp quét tháp.”
Trên đường đi Tây phương thỉnh Kinh, Đường Tăng quả thực gặp chùa vào chùa, gặp Phật bái Phật, trong tâm rất thành kính. Đoàn thỉnh kinh xuyên qua Kinh Cức lĩnh, đi vào địa giới Tiểu Tây Thiên. Lúc này bởi vì Đường Tăng khăng khăng phải vào Tiểu Lôi Âm Tự, cho nên mới dẫn đến tai họa. Ngộ Không huy động viện binh khắp nơi, nhưng đều bị lão quái Hoàng Mi bắt cho vào túi đưa đi. Cuối cùng, ai là người đã giải quyết vấn đề nan giải cho đoàn thỉnh kinh?
Lại nói “Tây Du Ký” Hồi thứ 65, thầy trò Đường Tăng xuyên qua Kinh Cức lĩnh, thoát khỏi bụi gai đâm, dây leo chằng chịt, rồi tiếp tục lên đường. Thầy trò họ đi đã lâu, lúc này mùa xuân đã về trên đại địa, cỏ xanh mơn mởn khắp nơi, dương liễu phủ khắp mặt đê. Chính là cảnh tượng:
“Khắp núi đào hoa như gấm nhuộm,Nửa khe hoa khói lụa trong xanh“, “Dưới nắng hoa diễm lệ, Én ngậm rêu nhẹ bay”.
Mấy thầy trò Đường Tăng vượt qua bao sơn thủy, trải qua bao gió mưa, bấy giờ trong lòng vui sướng vô hạn, nghênh đón không khí ngày xuân.
Đi mãi, đi mãi, mấy thầy trò ngẩng đầu nhìn lên, chợt thấy một tòa núi cao. Đường Tăng cưỡi Long Mã phi nhanh như bay, một hồi đã đến bên vách núi, bắt đầu leo lên.
Mới vừa đó không khí mùa xuân rực rỡ, nay đi đến chân núi, lại là một cảnh tượng hoàn toàn khác. Gió rừng ào ào, nước chảy róc rách, chỗ nào cũng là những khối đá lởm chởm. Bởi vì ngọn núi quá cao, ngay cả quạ cũng không thể bay qua. Nhìn kỹ lại, còn có báo đốm, sói xám chặn đường, và tiếng hổ gầm khiến cho người dũng khí cũng cảm thấy kinh hãi.
Ngộ Không dùng gậy Kim Cô mở đường ở phía trước, dọa cho hổ báo sói trùng chạy hết. Vượt qua sơn lĩnh là xuống đến đất bằng. Phía trước không thấy thôn trang, phía sau không thấy cửa tiệm, bỗng nhiên xuất hiện đám khí lành rực rỡ hào quang, cách đó không xa là một ngôi chùa, lầu cao điện các, rường cột chạm trổ, rất có khí thái, trên tấm biển có đề chữ “Tiểu Lôi Âm Tự” .
Ngộ Không đã đi qua Linh Sơn mấy lần rồi, nên biết đường đi. Nhìn cảnh tượng trước mắt, trông giống Lôi Âm Tự, nhưng mà đường đi không đúng, hơn nữa nơi này tràn ngập hung khí. Thế là Ngộ Không nhắc nhở Đường Tăng: “Không thể đi vào, nơi đây lành ít dữ nhiều.”
Ngộ Không là nhân vật được Quan Âm Bồ Tát đích thân an bài bảo hộ Đường Tăng. Từ thời khắc Bồ Tát an bài Thần hộ pháp cho Đường Tăng trở đi, Thần linh trên thượng giới luôn dùng tiêu chuẩn thành tựu Thần Phật để đo lường tâm tính của Đường Tăng. Khi Ngộ Không nói với Đường Tăng rằng địa điểm Linh Sơn này không đúng, hơn nữa còn có hung khí, Đường Tăng vẫn không tin, quyết tâm đi vào bái Phật.
Đằng sau sự cố chấp này của Đường Tăng, phải chăng là ông đang bám vào hình thức ngày qua ngày tụng kinh lễ Phật, dần dần mơ hồ quên mất ý nghĩa thực sự của việc bái Phật? Mỗi ngày đều phải lặn lội đường xa, thường xuyên đối mặt với bao chướng ngại trên đường, những cảnh tượng kéo dài bất tận, “công việc thỉnh Kinh” đơn điệu buồn tẻ này, phải chăng đã khiến ông dần dần quên đi nội hàm của tu luyện? Tụng kinh và đọc sách bề ngoài đều giống nhau, đều là hình thức nhìn thấy được. Và điều không nhìn thấy được chính là nội tâm, làm sao có thể niệm kinh nhất tâm bất loạn? Làm thế nào để tâm thanh tịnh đến nỗi mỗi chữ đọc ra đều có thể khiến pháp môn mà ông tu trì phát sinh chấn động?
Khi Ngộ Không nói với Đường Tăng rằng đây không phải là núi Linh Sơn, hơn nữa còn có hung khí, Đường Tăng không nghe lời khuyên, ngay cả mấy chữ trên cửa núi còn không nhìn thấy rõ, đã vội mắng: “Con khỉ già khốn kiếp kia! Nhà ngươi muốn giết ta sao, rõ ràng ba chữ ‘Lôi Âm tự’ mà vẫn nói dối ta!” Ngộ Không cười ngất, nói: “Sư phụ đừng buồn, cứ đọc lại xem nào. Trên cửa là bốn chữ, sư phụ đọc thành ba, rồi trách con?”
Phần mở đầu Hồi thứ 65 có một câu rằng: “Hiểu nguồn cội, thoát bản xác. Muốn trường sinh, cần nắm chắc. Muốn thời thời sáng suốt, đề hồ soi xét. Quán triệt tam quan điền hắc hải, quản giáo thiện giả cưỡi loan hạc. Thương xót nhân gian kia càng từ bi, lên miền cực lạc.”
Mấy câu này nhắc nhở mọi người về mục đích tu Phật bái Phật, không phải là vì cầu tài, tiêu tai, giải nạn, mà là nhận biết cội nguồn của sinh mệnh, mau chóng cởi bỏ tầng “bản xác” do thất tình lục dục kết thành. Nắm chắc thời cơ, tìm kiếm con đường vĩnh hằng của sinh mệnh. Luôn luôn bảo trì sự sáng suốt thanh tỉnh, luôn luôn soi xét. Loại bỏ tạp niệm trong tư tưởng, cuối cùng sẽ siêu thoát khỏi tam giới, ngược lại nếu lấp đầy các loại dục vọng sẽ tạo thành “hắc hải” (biển đen). Và người thiện lương thì nhất định sẽ cưỡi lên loan hạc, bay lên Thiên quốc. Khi con người không có quan niệm hậu thiên trói buộc, trong tâm bình hòa giống như đến miền cực lạc, sẽ cảm nhận được sức mạnh lớn mạnh của từ bi.
Đường Tăng vội đến trước tượng Phật giả bái lạy, lão quái Hoàng Mi giả hình Phật liền lập tức hiện thân. Khi đó, Phật Kim Cang giả, La Hán giả, Bồ Tát giả,v.v, ở trong chùa, tất cả cũng đều hiện nguyên hình. Yêu Vương bắt Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng ngay tại chỗ, còn sử dụng nạo bạt bằng vàng chụp lấy Ngộ Không.
Tất cả thành viên trong đoàn thỉnh kinh đều lâm vào khốn cảnh. Thần hộ pháp Ngũ Phương Yết Đế làm sứ giả trở về Thiên Cung, tấu xin Ngọc Đế. Ngọc Đế phái hai mươi tám vị Tinh Quân đến trước để hàng yêu. Thế nhưng các vị Tinh Quân dẫu có sử dụng tất cả các loại binh khí, vẫn không thể cạy được chiếc nạo bạt bằng vàng kia. Cuối cùng tinh tú Cang Kim Long biến thân thể nhỏ lại, dùng mũi nhọn của sừng chọc được một kẽ hở. Ngộ Không ở trong nạo bạt, biến thành một mũi khoan thép, khoan vào sừng của Cang Kim Long một cái lỗ nhỏ, mất rất nhiều công sức mới có thể thoát thân. Vừa mới thoát thân, Đại Thánh rút cây thiết bổng đập nát chiếc nạo bạt vàng, tiếng nổ phát ra giống như nổ tung một mỏ vàng vậy, làm lũ yêu quái lớn nhỏ đều tỉnh giấc.
Lão quái Hoàng Mi tự xưng “Hoàng Mi lão Phật”, xưng là đã sớm tu hành đắc chính quả. Ma Vương này so với các yêu quái khác thì có chút khác biệt, hắn tới không phải để ăn thịt Đường Tăng, mà là từ lâu đã biết Ngộ Không sẽ đi Tây Thiên thỉnh kinh, muốn cùng Ngộ Không đấu võ tỷ thí, cho nên mới lập ra cái bẫy này. Điều kiện của Ma Vương là, nếu như đấu được hắn, hắn sẽ thả mấy người sư đồ; còn như đấu không lại, hắn sẽ đánh chết tất cả những người đi thỉnh kinh, rồi sẽ tự mình đi gặp Như Lai để lấy Kinh Phật, tương lai đắc chính quả ở Trung Hoa.
Lời nói của Ma Vương rất mâu thuẫn, đã sớm tu thành chính quả, vậy còn đến Tây Thiên thỉnh Kinh làm gì? Một người sớm đã thành Phật, làm sao còn có tâm tranh đấu, tâm thù hận mãnh liệt như vậy, nhất định phải biến Ngộ Không thành vũng huyết mới vừa lòng?
Ngộ Không và Ma Vương đánh nhau năm mươi hiệp, mãi vẫn không phân thắng bại. Về sau lão yêu tung ra một chiếc túi vải màu trắng, trong nháy mắt đem Tôn Đại Thánh, hai mươi tám vị Tinh Quân và Thần hộ pháp Ngũ Phương Yết Đế, tất cả đều nhốt vào trong. Trải qua giày vò khổ sở, cuối cùng chỉ có Ngộ Không có thể thoát thân.
Để cứu Đường Tăng, Ngộ Không đi nhờ viện binh. Trước tiên, Lão Tôn đi mời Chân Vũ Đại Đế danh xưng “Đãng Ma Thiên tôn”. Đại Đế không có ra mặt, phái hai tướng rùa, rắn và Ngũ Đại Thần Long đi, nhưng cũng bị chiếc túi kia cho vào trong luôn. Về sau Ngộ Không đi mời thần thông quảng đại Đại Thánh Quốc sư Vương Bồ Tát. Bồ Tát cũng không có ra mặt, phái Tiểu Trương Thái tử cùng bốn viên đại tướng, kết quả cũng bị nhốt vào túi luôn.
Còn lại Ngộ Không trơ trọi một mình, đứng trên sườn núi, vô cùng thất vọng đau khổ khóc lóc: “Sư phụ ơi! Con từ ngày được dẫn dắt đến với Thiền Lâm, đội ơn Bồ Tát thoát trần giải nạn, bảo hộ thầy đi Tây Thiên cầu đại đạo, cùng nhau bái Phật đến Lôi Âm. Tưởng rằng đường phẳng yên tâm, nào ngờ yêu quái sừng sững ngăn trở. Trăm kế ngàn phương khó cứu thầy, cầu đông cầu tây uổng bao sức.”
Ngay tại lúc Đại Thánh đang khóc lóc thê thảm, Phật Di Lặc mỉm cười xuất hiện, nói rằng sẽ thu phục tên yêu quái này. Ngộ Không hỏi Ngài cần loại binh khí gì. Phật Di Lặc cười nói, Ngài muốn đóng giả thành người nông dân trồng dưa, dựng một cái am cỏ dưới sườn núi, bảo Ngộ Không dẫn yêu quái tới ruộng dưa, còn Ngộ Không thì biến thành cái một trái dưa chín dẫn dụ yêu quái đến ăn.
Trước kia, khi Quan Âm Bồ Tát thu phục Hồng Hài Nhi, từng viết trên tay Ngộ Không một chữ “Mê”; Phật Di Lặc thu phục Hoàng Mi quái, thì viết lên tay Ngộ Không một chữ “Cấm”. Lão quái Hoàng Mi bị pháp thuật mê hoặc, tiến vào cái bẫy, ăn phải dưa giả, rồi bị Ngộ Không ở trong bụng quấy loạn, ngã lên ngã xuống. Phật Di Lặc rất nhẹ nhàng đã thu phục được yêu quái, cho vào trong túi, giải trừ được khó nạn cho thầy trò Đường Tăng.
Đại Thánh một lòng muốn bảo vệ Đường Tăng cầu lấy chân Kinh, đưa đến nhiều cứu binh như vậy, mời nhiều Thiên Thần Thiên Tướng như vậy, kết quả đều bị lão yêu quái cho vào túi đưa đi. Năng lực trừ yêu của Ngộ Không là nhất hạng, nhưng tại Tiểu Tây Thiên phải chịu áp lực nặng nề, mấy lần đều bất lực, không cách nào cứu được Đường Tăng.
Vương Du Duyệt biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ