Cai nghiện tiêu tiền: 5 mẹo giúp bạn giảm ham muốn mua sắm
Sau khi sở hữu chiếc thẻ tín dụng đầu tiên, tôi đã yêu thích tính năng mua trả góp.
Thực ra lúc đầu tôi rất sợ thẻ tín dụng. Trước đây, trên các bản tin thường xuất hiện thuật ngữ “nô lệ của thẻ,” hầu hết chúng đều mang ấn tượng tiêu cực. Mãi cho đến khi có thẻ tín dụng, tôi mới phát hiện mình có thể dùng thẻ này để mua những thứ mà hiện tại tôi không đủ khả năng chi trả. Việc vay tiền mặt của bản thân trong tương lai dường như không phải là vấn đề lớn, dù sao thì đến kỳ hạn trả là được rồi. Tôi có thể có được thứ mình muốn trước và chỉ phải trả một số tiền nhỏ mỗi tháng. Điều này rất thuận tiện đối với một người tiểu tư sản như tôi.
Điều quan trọng nhất là tôi không phải chịu đựng quá trình tiết kiệm khó khăn. Bất tri bất giác tôi đã nghiện thẻ tín dụng và bắt đầu mua sắm những thứ linh tinh.
Việc cai cơn nghiện tiêu tiền là rất khó, nó đã trở thành thói quen và chắc chắn sẽ có một khoảng thời gian khổ sở trong quá trình này. Tôi dùng hết tiền của tháng này trước khi có lương của tháng tiếp theo, không có ngày nào không tiêu tiền. Trong lòng tôi có một cảm giác kỳ lạ, muốn cai cũng cảm thấy rất khó chịu, nhất thời không thể thay đổi được.
Thông qua tính toán và phương pháp “Danshari” (lối sống tối giản của người Nhật, Dan – từ chối, Sha – vứt bỏ và Ri – tránh xa; tiếng Việt là “Đoạn – Xả – Ly”), tôi dần dần tìm ra mình nên tiêu tiền vào đâu và không nên tiêu vào đâu. Nợ thẻ tín dụng là vấn đề đầu tiên tôi phải giải quyết. Khi tôi mua thứ gì đó, tôi không còn nghĩ đến việc thẻ tín dụng sẽ mang lại cho tôi bao nhiêu điểm, hay việc tích lũy tín dụng quan trọng như thế nào. Mục tiêu trước mắt chỉ có một, đó là tiết kiệm tiền thật tốt. Vì vậy, phải cố gắng hết sức để không tạo ra những khoản nợ mới và trả hết nợ thẻ tín dụng trước đã.
Dưới đây là năm cách để giảm bớt ham muốn vật chất trong quá trình trả nợ thẻ tín dụng:
①Mua sắm trước ngày lĩnh lương
Rất nhiều người đều mua những thứ họ muốn ngay khi nhận được tiền lương. Hãy thử dời ngày mua sắm sang một ngày trước ngày lĩnh lương. Nếu vẫn còn tiền, hãy xem chúng như một phần thưởng cho bản thân. Nếu bạn không còn tiền thì nghĩa là bạn chưa thể mua chúng được.
②Xóa app (ứng dụng) mua sắm
Đây là cách làm trực quan nhất. Các nền tảng mua sắm thường gửi tin nhắn thông báo giảm giá. Nếu không cẩn thận mà bấm vào, bạn có thể rơi vào bẫy khuyến mãi của họ. Ban đầu chỉ muốn nhìn qua một chút, nhưng cuối cùng lại đặt hàng rồi. Do đó, xóa app sẽ giúp hạn chế việc bạn mua sắm.
③Thoát khỏi các tài khoản khơi dậy ham muốn mua sắm
Ngày nay, mô hình mua sắm theo nhóm của những người nổi tiếng trên Internet đang là hiện tượng phổ biến. Nếu những người theo dõi đăng một sản phẩm tốt, bạn có thể cũng muốn theo họ và mua sản phẩm đó. Hãy thoát khỏi các tài khoản khơi dậy ham muốn mua sắm, và tập trung nhiều hơn vào các tài khoản có chủ đề quản lý tài chính, đầu tư và tiết kiệm.
④Tự nhủ “mình rất nghèo”
Câu nói này đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiết kiệm tiền của tôi. Mặc dù tốt nhất là không nên thường xuyên nói về nghèo, nhưng khi bản thân bắt đầu tiêu tiền một cách tùy tiện, bạn có thể nhắc nhở bản thân rằng “mình rất nghèo” trước khi tiết kiệm được số tiền mục tiêu, vì vậy không thể tiêu tiền một cách bừa bãi.
⑤Cứ để sản phẩm đó trong một khoảng thời gian
Hễ có người giới thiệu về một sản phẩm, bạn sẽ lập tức muốn mua ngay, nhưng bạn hãy để sản phẩm đó một thời gian rồi mới mua. Hãy lướt khỏi trang đó hoặc rời khỏi cửa hàng, trước hết cần để lý trí của bạn phục hồi. Thông thường sau khi xung động nguội đi, thì sẽ không còn chuyện gì nữa.
Ghi chú
Đừng vội thay đổi ngay xu hướng tiêu tiền của mình, mà qua mỗi lần tiêu dùng, hãy nghĩ đến tầm quan trọng của các vật phẩm đối với cuộc sống.
(Bài viết này được trích từ cuốn “Bắt đầu ở tuổi 30, không lo lắng trong quản lý tài chính: Thu xếp tiền bạc bắt đầu từ đoạn xả ly” do Nhà xuất bản Như Hà tại Đài Loan cung cấp).
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ