‘Cách mạng Giấy Trắng’ tại các trường đại học Hồng Kông để ủng hộ các cuộc biểu tình ở Trung Quốc
Phiên bản tiếng Trung Quốc phổ thông của bài hát ‘Glory to Hong Kong’ (‘Nguyện vinh quang cho Hồng Kông’) lan truyền trên mạng, cư dân mạng đại lục xin lỗi vì từng chế nhạo Hồng Kông
Hôm 27/11, để hưởng ứng “Cách mạng Giấy Trắng” ở Trung Quốc đại lục, người đại lục sống ở Hồng Kông, công dân Hồng Kông, cùng sinh viên cao đẳng và đại học, trong đó cả những sinh viên đến từ đại lục, đã giơ những tờ giấy trắng trên đường phố Hồng Kông cũng như trong các trường cao đẳng và đại học để trợ giúp người dân Trung Quốc phản đối các quy định COVID khắc nghiệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 24/11, một vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), thủ phủ của Tân Cương, đã khiến 10 người trong một tòa nhà bị phong tỏa nhiều tuần thiệt mạng. Các quy định khắt khe về COVID khiến lực lượng cứu hỏa khó tiếp cận tòa nhà, dẫn đến nhiều người tử nạn. Phản ứng với thảm kịch này, các cuộc biểu tình đã được tổ chức tại nhiều thành phố Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, nhằm bày tỏ sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng đối với chiến lược zero COVID của Bắc Kinh. Tại Thượng Hải, các đám đông lớn đã hô vang những khẩu hiệu như “Đả đảo ĐCSTQ. Đả đảo Tập Cận Bình” khi biểu tình. Tính đến ngày 28/11, 18 tỉnh, thành phố và 79 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã tham gia biểu tình.
Một số cư dân mạng Trung Quốc đã sáng tác lời mới cho bài hát biểu tình “Glory to Hong Kong” (“Nguyện vinh quang cho Hồng Kông”) được đưa ra trong phong trào ủng hộ dân chủ năm 2019 phản đối việc ban hành dự luật dẫn độ ở Hồng Kông, thành một phiên bản tiếng Trung Quốc phổ thông, tải bài hát này lên YouTube và lan truyền trên internet. Một số cư dân mạng đại lục đã ngẫm lại về sự khó hiểu của mình đối với các cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông hồi năm 2019, nay nói rằng “giờ thì tôi đã hiểu”: những gì người Hồng Kông muốn chỉ là “các quyền cơ bản.”
这首《赐我勇气卫自由》完成了自己多年的一个心愿。
求上天赐给每个人勇气做对的事,捍卫自己天赋的权利。天快亮了。 — SillyLego (@LegoSilly) May 15, 2022
下载:https://t.co/Rqd8ov4YtZ pic.twitter.com/CMEYnVMUTN
Nhiều sinh viên đại học tham gia vào các buổi lễ để bày tỏ lòng thương tiếc
Kể từ ngày 27/11, nhiều trường đại học ở Hồng Kông, trong đó có Đại học Bách khoa (PolyU), Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK), Đại học Lĩnh Nam (LU), và Đại học Hồng Kông (HKU), đã tổ chức các buổi lễ bày tỏ lòng thương tiếc. Một số sinh viên đến từ đại lục đã cầm những tờ giấy trắng và những bó hoa trên Đường Đại học tại HKU để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn nói trên.
Theo báo cáo của Ban biên tập, Hội sinh viên HKUST, một số sinh viên đại lục đã đặt hạc giấy và thắp nến bên bờ biển để tạo thành hàng số “1124” vào lúc 9 giờ tối hôm 28/11 nhằm tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn. Một số sinh viên đại lục đặt hạc giấy và thắp nến bên bờ sông trong khuôn viên trường gần đó vào khoảng 21 giờ ngày 28/11, sắp thành hàng số “1124” để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn, trong khi những sinh viên khác hóa trang thành “Đại Bạch” (thuật ngữ chỉ nhân viên phòng chống dịch bệnh của đại lục) và đi bộ từ bờ sông đến cổng phía bắc, giương cao các thông điệp chế nhạo sự kiểm duyệt của đại lục trên đường đi; một số sinh viên để lại nến trắng và lời chia buồn trên mặt đất gần cổng phía bắc.
Cùng ngày, các sinh viên đã bày tỏ lòng thương tiếc các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở thành phố Ô Lỗ Mộc Tề tại Quảng trường Văn hóa của CUHK. Một số người thắp nến xếp thành hàng số “1124”, đặt hoa, treo bích chương, và phát giấy trắng cho các sinh viên có mặt để thể hiện sự đồng tình với những người biểu tình ở đại lục. Đám đông đã hát vang các bài hát, gồm Do You Hear The People Sing, Sea Wide Sky, Quốc tế ca, và Nghĩa dũng quân tiến hành khúc (quốc ca Trung Quốc).
Trong cuộc biểu tình, một số người đã hô vang khẩu hiệu từ cuộc biểu tình tại Cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh và nhắm vào chính sách phòng chống dịch bệnh “Chúng tôi không cần xét nghiệm PCR, chúng tôi cần thực phẩm; chúng tôi không muốn phong tỏa, chúng tôi muốn tự do.” Một số người đáp lại rằng họ muốn tự do ngôn luận, tự do báo chí, nghệ thuật, và học thuật. Vụ việc kéo dài nửa tiếng đồng hồ, nhân viên bảo vệ đã đến hiện trường và quay video toàn bộ sự kiện bày tỏ lòng thương tiếc này.
Hôm 28/11, nhiều sinh viên và người dân đã tổ chức một cuộc biểu tình flash mob ở Theater Lane, Central, để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn. Nhiều người tại hiện trường là người Trung Quốc đại lục. Họ cầm những tờ giấy trắng để phản đối, và một số cầm nến điện, hoa cúc trắng, và giơ cao những khẩu hiệu như “Hồi chuông thương tiếc cho các bạn.” Vào lúc đông nhất, có khoảng 50 người tại hiện trường.
Hôm 29/11, một số nữ sinh Trung Quốc đại lục đang theo học tại HKU giương cao những tờ giấy trắng trong khuôn viên trường, tự gọi mình là các công dân Trung Quốc bằng tiếng Trung Quốc phổ thông, “không phải thế lực ngoại bang,” và hô khẩu hiệu, “Chúng tôi không muốn phong tỏa, chúng tôi muốn tự do.” và “Chúng tôi không cần xét nghiệm PCR, chúng tôi cần thực phẩm.”
Sau đó, một nam sinh tham gia sự kiện nói rằng có một vài cô gái đứng tại hiện trường, anh nhìn thấy “đôi tay họ run rẩy nhưng họ vẫn dám đứng ở đây” và đặt câu hỏi tại sao người Hồng Kông không tham gia cùng họ. Người thanh niên này thú thực rằng lúc đó anh cũng sợ hãi, lo sợ rằng chỉ một khắc sau đó mình sẽ bị bắt nhưng anh vẫn sẽ đứng lên và hy vọng thay đổi chính sách phòng chống dịch bệnh cũng đang lan tràn ở Hồng Kông.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, cô Ellie, một sinh viên năm thứ ba tại HKUST, đã thẳng thắn thừa nhận rằng trong phong trào năm 2019, nhiều sinh viên Trung Quốc đại lục đã bị ĐCSTQ tẩy não; những sinh viên này đã thể hiện sự thù ghét và tiến hành các cuộc tấn công vào người Hồng Kông. Cô vẫn cảm thấy rất buồn về chuyện này. “Người Hồng Kông đã đấu tranh cho phong trào dân chủ (sự kiện ngày 04/06) ở Trung Quốc đại lục trong 31 năm…” Cô tin rằng ĐCSTQ là nguyên nhân. Nếu những yêu cầu của sinh viên Trung Quốc chỉ là vì “phong tỏa và thiếu thực phẩm,” và “miễn là ĐCSTQ thay đổi chính sách phòng chống dịch bệnh, thì sinh viên sẽ không tiếp tục cuộc đấu tranh này. Đổ rượu cũ vào bình mới sẽ không giải quyết được vấn đề căn bản.”
Cô Ellie gợi ý các sinh viên Trung Quốc nên thay đổi yêu cầu của họ và nhắm vào ĐCSTQ. Người Hồng Kông sẽ thấy sự thay đổi căn bản của họ và sẽ có nhiều người ủng hộ họ hơn.
Từ ‘phản đối các quy định COVID’ đến hô khẩu hiệu ‘chống cộng sản’
Tại Trung Quốc đại lục, các cuộc tụ tập hoặc biểu tình bày tỏ lòng thương tiếc đã xuất hiện trong khuôn viên của hơn chục trường đại học nổi tiếng. Tại Đại học Bắc Kinh, ai đó đã viết bằng sơn đỏ, “Chúng tôi không muốn phong tỏa; chúng tôi muốn tự do! Chúng tôi không muốn xét nghiệm PCR, chúng tôi muốn thực phẩm, Hãy mở mắt và nhìn ra thế giới! Chính sách zero COVID linh hoạt của Trung Quốc là một lời dối trá! Quay đầu lại vẫn chưa muộn đâu!”
Tại Đại học Thanh Hoa, một trường đại học hàng đầu khác ở Trung Quốc, một số sinh viên giơ những tờ giấy trắng để phản đối, và hô vang “Dân chủ, pháp quyền, tự do biểu đạt.”
Những đám đông lớn ở Thượng Hải đã xuống đường để phản đối quy tắc hà khắc về COVID của Trung Quốc và tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương. Những người phẫn nộ giơ những tờ giấy trắng và hô vang những khẩu hiệu như “Đả đảo ĐCSTQ” và “Đả đảo Tập Cận Bình.” Kể từ khi thành lập ĐCSTQ, đây lần đầu tiên đám đông lớn yêu cầu ĐCSTQ thoái vị trước công chúng.
Các video trực tuyến cho thấy các sinh viên đại học và người dân ở Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải, và các thành phố khác đã giơ những tờ giấy trắng để âm thầm phản đối. Một số sĩ quan công an hoặc bảo vệ trường giật giấy của họ hoặc giải tán họ. “Sợ giấy trắng ư… đây có phải là trông gà hóa cuốc, nhìn đâu cũng ra kẻ thù không?” Cư dân mạng chỉ trích, “làm gì có loại giấy nào có thể sử dụng để tấn công người khác chứ?”
Một số cư dân mạng Trung Quốc xin lỗi vì đã chế giễu Hồng Kông
Năm 2019, người dân Hồng Kông đã khởi động một phong trào phản đối dự luật dẫn độ quy mô lớn. Khi phản đối “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” (NSL) vào năm tiếp theo, người dân Hồng Kông đã biểu tình bằng cách cầm những tờ giấy trắng. Việc cầm giấy trắng để phản đối không phải là điều mới lạ đối với người Hồng Kông.
Vào ngày 01/07/2020, ngày đầu tiên thực hiện NSL, một số công dân đã xuống đường biểu tình, và ít nhất 370 người đã bị bắt giữ. Khi nhìn những công dân bị bắt đưa lên xe buýt, một cô gái trẻ đã giơ một xấp giấy trắng và cho biết kể từ ngày đầu tiên thực hiện NSL, cô không biết cầm gì để không vi phạm pháp luật.
Hai năm sau, hôm 28/11, tài khoản Twitter “火焰革命” (Ngọn Lửa Cách Mạng) đã chia sẻ một bài đăng, nói rằng khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp đất nước, một lượng lớn người dân Trung Quốc đã bắt đầu hối hận và cảm thấy tội lỗi và xin lỗi người dân Hồng Kông. “Chế giễu Hồng Kông vào năm 2019, nhạo báng Hồng Kông vào năm 2020, hiểu được Hồng Kông vào năm 2021, theo sau Hồng Kông vào năm 2022. Xin lỗi người dân Hồng Kông, người dân Thượng Hải, người dân Đài Loan, người dân Tây Tạng, người dân Tân Cương.”
Một người Trung Quốc tên Rosamund Qu đã viết trên Twitter rằng cô đã đến Hồng Kông để tham dự kỳ thi vào năm 2019. Do các cuộc biểu tình, kỳ thi đã bị trì hoãn, và sau đó cô cảm thấy “mệt mỏi vì nhóm người này đã gây khó khăn và rắc rối cho mình.” Cô nói: “Tôi nhận ra rằng mình đã quỳ gối quá lâu mà không hiểu rằng những gì họ yêu cầu chỉ là những quyền cơ bản. Tôi thấy họ thật lạ lùng vì tôi không biết một con người nên sống như thế nào. Tôi nhìn vào đầm lầy mà mình đang kẹt bên trong, và tôi thừa nhận rằng đây là cái giá mà tôi phải trả. Đây là kết quả của sự thiếu hiểu biết của tôi và trải nghiệm của tôi với những người cùng dân tộc. Cái giá phải trả cho sự thờ ơ…”
Bài hát phản kháng phổ biến rộng rãi “Nguyện vinh quang cho Hồng Kông”, vốn được hát trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019 và được chuyển thể thành một phiên bản tiếng Trung Quốc phổ thông, đã bất ngờ được cư dân mạng đại lục đăng tải và lan truyền trên mạng.
Một số cư dân mạng Hồng Kông đã rớt nước mắt khi biết rằng người dân đại lục cuối cùng đã tỉnh ngộ; một số cư dân mạng nói rằng sau khi nghe bài hát chuyển thể, họ cảm thấy như: “Ngay cả ở một thế giới khác, miễn là giai điệu tồn tại và lời bài hát hướng đến sự tự do, thì mọi người sẽ hát với các phiên bản lời bài hát khác nhau và mọi người sẽ hiểu ý của nhau.” Điều đó thể hiện sự thấu hiểu, khích lệ, và tương trợ lẫn nhau.
‘ĐCSTQ đã rơi vào bẫy Tacitus’
Ông Stephen Shiu, nhà bình luận các vấn đề thời sự của Hồng Kông, cho rằng phong trào sinh viên này là kết quả của 3 năm hạn chế COVID, suy thoái kinh tế, và tư tưởng siết chặt của chính quyền khiến sinh viên phải suy nghĩ. “Khi người dân phát hiện các nhà chức trách đang nói dối, thì sau đó họ sẽ không tin bất cứ điều gì cả,” đó là cái “bẫy Tacitus.” Do đó, các sinh viên sẽ vượt qua kiểm duyệt internet để truy cập các trang web hải ngoại và trải qua một quá trình “tái nhận thức toàn diện.”
Nhà bình luận thời sự nổi tiếng Fung Hei-kin tin rằng các cuộc biểu tình ở Trung Quốc đã tràn qua các thành phố lớn và có nhiều yêu cầu khác nhau: cao nhất là “Đả đảo Đảng Cộng sản, Tập Cận Bình từ chức đi, đừng làm nô lệ, hãy là công dân, tự do ngôn luận”, nhưng có vẻ như đại đa số người dân Trung Quốc đều hy vọng “nới lỏng các hạn chế phong tỏa” và “khôi phục” “cuộc sống hạnh phúc” trước dịch bệnh, ngừng đeo khẩu trang, ngừng xét nghiệm acid nucleic, và ngừng cách ly … Ông tự hỏi liệu phần lớn người Trung Quốc đứng lên ngày nay có suy nghĩ thấu đáo đến những nguyên nhân đằng sau dẫn đến tình cảnh khó khăn của quốc gia này hay không.
Ông tuyên bố trên Facebook, “99.99% người Hồng Kông tham gia phong trào chống dự luật dẫn độ không lo lắng về việc bị dẫn độ sang Trung Quốc để xét xử. Những gì họ phản đối là hiệu ứng nghiêm trọng của luật này, phá hủy quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Người Hồng Kông đã không hiểu lầm mục tiêu đấu tranh của họ. Nhưng ngày nay, có bao nhiêu người dân đại lục nhận ra rằng vấn đề thực sự là gì, hoàn toàn không phải là các quy tắc hời hợt của COVID hay chính sách zero-COVID nào cả?”
‘Tâm lý phản kháng chưa trưởng thành, sự sụp đổ của ĐCSTQ là vấn đề tức thì.’
Nhà truyền thông cao cấp Shum Sei-hoi nói với phóng viên The Epoch Times hôm 28/11 rằng ông tin là tâm lý phản kháng của người dân đại lục chưa đủ trưởng thành để nhận ra đâu là “quyền lợi sinh ra đã có” của họ.
Ông nói: “Khi nghĩ về sự sụp đổ của ĐCSTQ, tôi phân tích nó từ góc độ lịch sử. Loại chế độ độc tài cực đoan này sẽ sụp đổ trong một thời gian ngắn, nhưng không ai có thể đoán trước được nó sẽ đột ngột sụp đổ vào lúc nào.”
Ông cảm thấy rằng trong tương lai, một số người trong một số nhóm biểu tình sẽ ra đường gây rối, “thậm chí tấn công công an và cảnh sát có vũ trang, (ĐCSTQ) sẽ sử dụng công an (trong các vụ xô xát) như một cái cớ để đàn áp người dân. Điều này rất có thể xảy ra.” Ông cũng cho biết rằng tình trạng hỗn loạn dự kiến sẽ lắng xuống vào tháng 12, nhưng tình trạng bất ổn chính trị sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai.
‘Ít nhất hãy chọn lập trường, chọn bên sau’
Biên tập viên cao cấp Nhan Thuần Câu (Ngan Shun-kau) đã đăng trên Facebook câu hỏi: “Khoảng cách giữa thiếu can đảm và đấu tranh cho tự do cho đến khi Đảng Cộng sản bị lật đổ là bao lâu?” Ông cho rằng tình hình sẽ phát triển như thế nào thì vẫn còn phải chờ xem. Những xung đột giữa chính phủ và người dân đã trở nên không thể hòa giải.
Ông nói: “Chừng nào ĐCSTQ còn nắm quyền, mâu thuẫn giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc sẽ không tự động biến mất. Sự phản kháng của nhân dân Trung Quốc có thể không sớm thành công, nhưng nếu sự phản kháng tiếp tục bùng phát, số phận của người dân Trung Quốc sẽ đảo lại. Mặt khác, thái độ bi quan vĩnh viễn và kết tội vĩnh viễn, chẳng phải là tương đương với sự khoan dung vĩnh viễn và sự phục tùng vĩnh viễn đối với những kẻ độc tài sao?”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times