Các vị Thần của Tết Nguyên Đán
Theo truyền thống, Tết Nguyên Đán được tổ chức tại Trung Quốc và các nước Đông Á khác. Mặc dù Tân Niên chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng có rất nhiều lễ hội và nghi lễ kéo dài đến tận 15 tháng Giêng âm lịch, như Lễ Hội Đèn Lồng.
Một số sự kiện và phong tục quan trọng nhất diễn ra trong 15 ngày Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ các truyền thuyết cổ xưa hay các nghi lễ được tổ chức để tôn kính các vị Đại Thần. Trên thực tế, bản thân Tân Niên bắt nguồn từ một truyền thuyết, đó là Niên Thú ăn thịt người.
Làm cho Niên Thú sợ hãi bỏ chạy và bắt giữ Niên thú
Theo truyền thuyết, Niên Thú xuất hiện mỗi năm một lần để săn người và đặc biệt, chúng thích ăn thịt trẻ con. Để xua đuổi quái thú, dân làng buộc phải đặt thức ăn trước cửa nhà với hy vọng làm giảm cơn thèm khát của nó.
Cuối cùng, người dân đã thoát khỏi mối họa khi được một vị Thần chỉ dạy cách dùng màu đỏ, thứ mà Niên Thú rất sợ. Dân làng dán giấy đỏ lên nhà, mặc quần áo đỏ, treo đèn lồng đỏ và chuẩn bị pháo hoa. Vào ngày đầu năm mới, Niên Thú vẫn đến như thường lệ, nhưng nó hoảng sợ bỏ chạy bởi toàn thị trấn ngập tràn sắc đỏ và tiếng pháo vang trời.
Về sau, Niên Thú bị một vị Đạo sĩ thu phục làm vật cưỡi. Bản thân từ “Niên” (年) nghĩa là “năm” trong tiếng Trung, và ký tự 年 gần giống với 牛, có nghĩa là “con bò”.
Ngày nay, người Trung Quốc vẫn còn giữ truyền thống đón mừng năm mới bằng pháo hoa và đồ trang trí màu đỏ.
Táo Quân lên thiên đình báo cáo
Còn được gọi là Vua Bếp hay Thần bếp, Táo Quân là một trong những phong tục phổ biến nhất của Tết Nguyên Đán. Mỗi gia đình đều có bàn thờ và hình nộm của vị Thần này, ông có nhiệm vụ trông coi và ghi lại những việc làm của cả gia đình trong một năm trước khi về Thiên Đình báo cáo.
Để tiễn Táo Quân lên trời, người ta sẽ đốt hình nộm vào đêm giao thừa. Một số gia đình đốt pháo để hỗ trợ hành trình của ông. Họ bày cúng đồ ngọt với hy vọng Táo Quân sẽ chỉ tấu những điều tốt đẹp của gia đình với Ngọc Hoàng trên thiên đình.
Ngọc Hoàng, chính là vị Thần sấm cổ đại tên là Thượng Đế, là vị thần được tôn kính nhất trong tín ngưỡng Đạo gia. Vào ngày Mùng Chín Tết, người ta nói rằng vô số vị Thần trên trời dưới đất sẽ gác lại mọi nhiệm vụ để mừng sinh nhật Ngọc Hoàng.
Vào ngày này, pháo hoa được bắn lúc nửa đêm và các buổi lễ lớn sẽ được tổ chức tại các đền thờ Đạo giáo. Người dân thị trấn hiến tế một con gà trống lên Ngọc Hoàng. Các thành viên trong gia đình tắm gội sạch sẽ nhưng không được phơi quần áo ướt hoặc đổ rác, vì hai việc này sẽ mang lại điềm gở.
Lễ Nhân Nhật vào ngày Mùng Bảy tháng Giêng
Người ta tin rằng Thần Nữ Oa đã tạo ra con người vào ngày Mùng bảy tháng Giêng, vì thế lễ Nhân Nhật nghĩa là Ngày Nhân Loại, là ngày sinh nhật chung của tất cả mọi người. Truyền thống này có lịch sử từ thời nhà Hán.
Vào lễ Nhân Nhật, người dân còn kỷ niệm sự ra đời của lửa. Họ đốt pháo, làm thơ và ăn món chay “súp bảy loại thảo mộc quý,” nhằm tôn vinh sáu loài vật – gà, chó, heo rừng, cừu, bò và ngựa – mà Nữ Oa được đã tạo ra trước khi tạo ra con người. Truyền thống dùng súp bảy loại thảo mộc quý này ngày nay vẫn còn được gìn giữ tại đất nước Nhật Bản, nơi mà ngày Nhân Nhật được gọi là “jinjitsu.”
Một điều thú vị khác trong ngày Nhân Nhật là người dân đeo các đồ trang trí trên đầu gọi là “Nhân Thăng”; vào thời nhà Đường, hoàng đế đã ban tặng những bộ quần áo đẹp đẽ cho các thần dân của mình.
Di Lặc, vị Phật của tương lai
Di Lặc là một vị Giác Giả gắn liền với đức tin và nhiều lời tiên tri của Phật giáo. Theo giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Phật nguyên thủy, Ngài sẽ xuất hiện trong giai đoạn lịch sử cuối cùng và ban ơn cứu độ cho tất cả chúng sinh.
Được tôn thờ rộng rãi ở Đông Á, ngày đầu năm mới được coi là ngày sinh của Phật Di Lặc. Tại Trung Quốc, Di Lặc là vị Thần Phật giáo đầu tiên được thờ cúng rộng rãi và cho đến ngày nay, ông được coi là vị Phật tối thượng sẽ thuyết giảng Phật Pháp chân chính vào một ngày nào đó.
Tuy nhiên, giáo luật Phật giáo nói rằng Đức Di Lặc sẽ bắt đầu thuyết giảng vào thời Mạt Pháp, thời kì mà con người không thể hiểu và đạt được giác ngộ thông qua các tín ngưỡng truyền thống. Tuy nhiên, ẩn tàng giữa thanh thiên bạch nhật, Ngài sẽ chỉ được biết đến bởi những người hữu duyên.
Ở Trung Quốc và Nhật Bản, một trong những hóa thân gần đây của Phật Di Lặc được cho là hòa thượng Bố Đại. Ông được biết đến với những vần thơ sau:
Phật Di Lặc đích thực
Có hàng tỷ hóa thân.
Ngài vẫn thường hiện diện
Người đời ai nhận ra!
Phương Du biên dịch