Những vị Thần cứu người trong ôn dịch
Khắp nơi trên thế giới có muôn hình muôn vẻ những người tu Đạo. Có vị làm quan, có vị là bậc cao nhân thông tỏ Ngũ Kinh, am hiểu Hà Đồ, Lạc Thư, hiểu được biến hóa của thiên tượng. Bên cạnh đó còn có những vị mang vẻ ngoài bình dị, thường ra tay giúp người trong thời khắc nguy nan, cuối cùng thành Tiên mà rời đi.
Người đời gọi họ là những “vị Thần” cứu người. Dưới đây là một vài trong số đó.
Doãn Quỹ
Doãn Quỹ, tự Công Độ, là người gốc Thái Nguyên thời nhà Chu, ông cũng là hậu duệ của Doãn Hỉ thời Chu Khang Vương. Doãn Quỹ thông thạo Ngũ Kinh, đặc biệt tinh thông Hà Đồ, Lạc Thư, và hiểu được sự biến hóa của thiên tượng. Lúc về già ông chuyển sang tu Đạo, thường uống Hoàng Tinh mỗi ngày ba lần, nên dù đã sống vài trăm năm nhưng dáng vẻ bề ngoài vẫn trẻ trung như thời niên thiếu.
Doãn Quỹ đi chu du khắp nơi trong thiên hạ, trên lưng luôn mang hàng chục ống tre, bên trong mỗi ống tre đều có thuốc cứu người. Khi đại dịch bùng phát, có người được ông cấp thuốc, thuốc ấy có mùi giống như táo tàu, bôi lên trước cửa thì cả nhà sẽ không mắc bệnh, nếu có bệnh thì sẽ lập tức khỏi ngay.
Doãn Quỹ có một đệ tử tên là Hoàng Lý, sống ở núi Lục Hồn. Gần nhà Hoàng Lý thường có hổ xuất hiện tấn công người. Doãn Quỹ dặn Hoàng Lý chặt một khúc gỗ lớn, rồi lại chặt thành bốn cây trụ, sau đó đem trồng ở bốn góc cách nhau một dặm, mỗi phương một cây. Doãn Quỹ phong ấn trên một cây trụ lớn, từ đó trở đi loài hổ tuyệt nhiên không còn đến quấy phá nữa. Một hôm, có một con chim lạ không biết từ đâu bay đến đậu trên nóc nhà, kêu mãi không dứt. Doãn Quỹ liền vẽ một lá bùa đặt tại chỗ con chim hay kêu, đến đêm thì thấy con chim lạ nằm chết dưới lá bùa rồi sau đó biến mất.
Có một người con hiếu thảo đang chịu tang cha mẹ, đau buồn đến mức không thiết ăn thiết uống. Doãn Quỹ đến gặp vị hiếu tử này, cảm thấy thương xót cho hoàn cảnh bần cùng của anh ta nên đã âm thầm giúp đỡ. Ông dặn anh hãy tìm một chục cân chì rồi đem lên núi. Doãn Quỹ luyện chì thành bạc rồi cấp lại cho hiếu tử. Có khi ông còn luyện bạc thành vàng để giúp đỡ một đứa trẻ gặp khó khăn. Sau này, Doãn Quỹ trở về núi Thái Hà, Nam Dương rồi thành tiên.
Phụ Cục tiên sinh
Xưa nước Ngô có một bậc cao nhân là Phụ Cục tiên sinh, không ai biết ông từ đâu đến. Nghe qua khẩu âm thì có thể đoán ông đến từ nước Yên hay nước Đại phía Bắc. Nhà ai có người mang bệnh, ông liền cho một viên thuốc màu tím, uống vào liền khỏi. Khi dịch bệnh bùng phát, Phụ Cục tiên sinh lại đến gõ cửa từng nhà để cấp thuốc, nhờ đó ông đã cứu sống hàng chục nghìn người nhưng lại không lấy một đồng tiền thuốc. Sau này, dân nước Ngô mới biết rằng ông chính là bậc chân nhân đã đắc Đạo.
Tương truyền Phụ Cục tiên sinh sống ở vùng đỉnh núi nước Ngô, thường hay xuống núi để bốc thuốc cứu người. Một ngày nọ, khi chuẩn bị rời đi ông bèn nói với những người ở dưới núi: “Tôi sắp trở về núi Bồng Lai rồi, trước khi đi tôi sẽ cho các vị một chút nước thần. Mọi người hãy để ý từ phía trên vách đá, giữa các tảng đá có một dòng nước tinh khiết màu trắng chảy xuống, uống vào là khỏi bệnh”. Quả nhiên rất nhiều người tin lời đến uống nước thần thì thấy lập tức khỏi bệnh, dân chúng biết ơn ông bèn lập miếu thờ.
Lưu Cang và Phàn phu nhân
Lưu Cang, tự Bá Loan, sống thời nhà Hán, là một vị quan thanh liêm giản dị, thường lựa chọn những chính sách có lợi cho dân. Bản thân Lưu Cang cũng là một người tu Đạo cao thâm, tinh thông đạo thuật, có thần thông biến hóa, còn có thể triệu hồi quỷ Thần. Đây là những công năng xuất lai trong quá trình tu luyện bí mật của ông, người khác không thể biết được.
Vợ của Lưu Cang họ Phàn, cũng là một người tu Đạo, đạo thuật của bà đã đến trình độ cao siêu tuyệt diệu. Có một lần Lưu Cang cùng phu nhân đến núi Minh Sơn, trên đường gặp một con hổ. Khi đó con hổ đang nằm trên mặt đất, vừa thấy họ bèn cúi mặt xuống như thể cảm nhận được năng lượng to lớn từ hai người. Nó trở nên ngoan ngoãn như một con cừu, không dám tỏ ra bất kính. Phu nhân Lưu Cang bèn lấy ra một sợi dây thừng nhỏ buộc vào con hổ rồi dắt nó về nhà, cột vào chân giường.
Vùng địa phương nơi Lưu Cang cai quản không những không có lũ lụt, hạn hán, thiên tai, mà còn không có bệnh dịch hay mãnh thú hại người. Nơi nơi mùa màng bội thu, dân chúng gần xa đều ngưỡng mộ. Đây đều là phúc phận từ việc tu luyện và đức hạnh của vợ chồng Lưu Cang.
Tài liệu tham khảo:
- “Cát Hồng thần tiên truyện”,
- “Liệt tiên truyện”.
Duẫn Gia Nhược
Minh Sơn biên dịch
Xem thêm: