Lấy lịch sử làm gương: Người xưa đều làm việc này để tiêu tai tránh nạn!
Đối với hầu hết mọi người, dịch bệnh trong vài năm qua có lẽ được xem là thảm họa lớn nhất mà chúng ta từng trải qua trong đời. Tuy nhiên trên thực tế, trong lịch sử Trung Quốc, những trận dịch có quy mô như vậy hoặc thiên tai nhân họa được ghi chép lại rất nhiều. Chúng ta có thể học hỏi từ các ví dụ thực tế cổ xưa, nhìn lại trong lịch sử, các vị Hoàng đế hay bách tính đã dựa vào phương pháp gì để lần lượt vượt qua kiếp nạn, dập tắt được dịch bệnh.
Hoàng đế tự trách tội
Thời Trung Quốc cổ đại, mỗi khi quốc gia gặp phải kiếp nạn lớn, trách nhiệm này cuối cùng đều thuộc về Hoàng đế. Thời cổ đại có câu nói rằng “Quân quyền Thần thụ” (quyền của Vua là do Thần trao cho), Hoàng đế thời cổ gọi là Thiên Tử, ý tứ chính là con của ông Trời, thay Trời quản lý chúng dân.
“Bộ Vương”
Vương: Là nơi thiên hạ quy về. Đổng Trọng Thư nói: “Người xưa tạo chữ viết, ba nét vẽ mà liên kết lại gọi là Vương (王). Ba nét đó, là Thiên, Địa, Nhân vậy, mà người thông suốt ba điều ấy là Vương.” Khổng Tử nói: “Nhất quán tam vi Vương” (một người quán thông ba thứ là Vương).
Khổng Tử nói “Nhất quán tam vi Vương” chính là nói chữ Vương (王) này, tam hoành nhất thụ (ba nét ngang, một nét sổ), người thông được ba cái này chính là Vương. Triết học gia thời Tây Hán Đổng Trọng Thư giải thích rằng, ba nét này phân biệt đối ứng với Tam tài “Thiên, Địa, Nhân,” cũng chính là nói chức trách của Vương là liên thông trời đất và người dân. Ông có quyền lực chí cao vô thượng, đồng thời cũng gánh vác trách nhiệm Thượng Thiên trao cho.
Một khi phát sinh thiên tai nhân họa, có nghĩa là Thượng Thiên đang cảnh báo cho Thiên tử rằng ngài đã làm sai chuyện gì rồi, cho nên Thiên Tử phải có trách nhiệm đối với tất cả mọi thiên tai nhân họa. Trách nhiệm như thế nào? Đầu tiên là tự mình kiểm thảo, nhận lỗi và đồng thời sửa chữa sai lầm. Điều Thần kỳ là, thường sau khi các Thiên Tử thành tâm phản tỉnh và hối lỗi, tình hình thiên tai sẽ có chuyển biến tốt. Về phương diện này đã có rất nhiều ví dụ được ghi chép trong tư liệu lịch sử.
Thang Vương tế lễ cầu mưa
Thời nhà Thương, thiên hạ liên tiếp mấy năm khô hạn, dân chúng lầm than. Thang Vương mỗi năm đều thiết lập đàn tế lễ cầu mưa nhưng không được đáp ứng. Đến năm thứ bảy, Thái sử bốc quẻ nói rằng phải hiến tế một người sống để cầu mưa. Thang Vương sau khi nghe chuyện liền nói: “Ta sở dĩ cầu mưa là vì nhân dân, nếu nhất định phải dùng phương thức giết người cầu mưa, vậy thì dùng ta để làm tế phẩm đi!” Thế là ông bèn trai giới, cắt móng, cắt tóc, ngồi xe thô ngựa trắng, thân khoác cỏ tranh, lấy thân mình làm vật hiến tế, quỳ gối giữa rừng dâu hoang vắng.
Ông thành tâm hướng lên trời cầu nguyện, đồng thời lấy sáu sự việc tự trách mình, nói: “Chính bất tiết dư? Dân thất chức dư? Cung thất sùng dư? Nữ yết thịnh dư? Bao tư hành dư? Sàm phu xương dư?” (Việc triều chính tạp loạn chưa tiết chế ư? Quan thần thất trách bách tính mất nơi ở ư? Cung thất xây dựng cao đẹp ư? Nữ nhi can dự triều chính ư? Quan lại tham ô hối lộ ư? Nghe lời tiểu nhân ư?) Kết quả lời còn chưa nói xong, đã cảm động Thượng Thiên, mấy ngàn dặm vuông bắt đầu mưa lớn tầm tã, kết thúc nạn hạn hán bảy năm. (Theo “Lịch đại danh thần tấu nghị”).
“Luận ngữ”
Trong “Luận ngữ” còn ghi chép, vua Nghiêu nói với Thượng Thiên: “Nếu như ta có tội, xin đừng liên lụy đến bách tính thiên hạ; nếu như bách tính có tội, xin đem hết tội tính lên thân của ta.”
Những bậc minh quân chân chính trong lịch sử, họ không chỉ phản tỉnh sai lầm của bản thân mình, thậm chí còn chủ động gánh vác trách nhiệm thay cho thiên hạ.
“Trinh Quán chính yếu”
Một bài trong “Trinh Quán chính yếu” của triều Đường viết rằng, vào năm Trinh Quán thứ hai, chính là năm 628, Trường An đại hạn, châu chấu bay đầy trời.
Hoàng đế Đường Thái Tông khi đi thị sát tình hình, nhìn thấy rất nhiều châu chấu, bèn bắt vài con vào trong tay rồi nói với chúng: “Người dân dựa vào ngũ cốc sinh sống, mà ngươi ăn mất, là hại đến bách tính. Bách tính có tội, cũng là tội của ta, nếu như các ngươi có linh tính, hãy đục khoét tim ta, đừng làm hại bách tính.” Nói xong liền muốn nuốt mấy con châu chấu. Tả hữu vội vã can ngăn: “Bệ hạ! Châu chấu không sạch sẽ, ăn rồi sẽ nhiễm bệnh, không thể nuốt được!” Nhưng Đường Thái Tông lại nói: “Trẫm mong gánh vác cái nạn này, sao còn sợ nhiễm bệnh?” Sau đó ông liền nuốt chửng mấy con châu chấu đó. Từ đó, nạn châu chấu đã thật sự được tiêu trừ.
Trong lịch sử Trung Quốc, ngoài các vị Hoàng đế có thể hy sinh tính mệnh vì bách tính này, còn có Hoàng đế vì các con dân, thậm chí nguyện ý từ bỏ giang sơn và quyền lực của mình.
“Sách phủ Nguyên quy”
Hoàng đế Đường Văn Tông là một ví dụ. Ngày Mậu Thìn tháng 6 năm thứ tư, vì hạn hán đã lâu nên Hoàng đế Đường Văn Tông lệnh cho các quần thần đi khắp nơi cầu đảo. Từ khi Hoàng Đế lên ngôi, mỗi năm đều có hạn hán nhẹ, lập tức thành kính tế lễ. Đến khi hạn hán kéo dài, Hoàng đế lo lắng, ở trên điện Tử Thần nói với tể tướng. Tể tướng dựa vào quan sát chòm sao bẩm báo về thời tiết, xin Hoàng đế đừng quá lao tâm khổ tứ. Hoàng đế thay đổi sắc mặt, nói: “Trẫm là chủ thiên hạ, vô đức không bảo hộ được bách tính, dẫn đến nạn hạn hán này. Nay lại bị Thượng Thiên trách phạt, nếu như trong ba ngày không mưa, trẫm sẽ lui về phương Nam, các đại thần hãy chọn một bậc hiền minh khác làm chủ thiên hạ.” Các quan trong triều nghe xong đều nước mắt lưng tròng, nhao nhao nhận tội, thỉnh cầu bãi miễn chức vị của họ. Kết quả, sự thành tâm của Đường Văn Tông đã thấu đến Thiên đình, trong đêm hôm đó trời bắt đầu mưa như trút nước.
Bách tính sửa lỗi
Như đã nói ở trên, khi quốc gia xuất hiện tai họa, là người nắm triều chính, họ nên có sự gánh vác và đối phó. Nhưng nếu đổi góc độ mà nói, thiên tai có thật sự đều là do lỗi lầm của cá nhân người nắm quyền dẫn đến hay không?
Mọi người có thể từng nghe qua câu nói: “Trong tuyết lở, không có một bông tuyết nào cảm thấy mình có lỗi” (No snowflake in an avalanche ever feels responsible). Đây là câu nói nổi tiếng của nhà thơ Ba Lan Staniław Jerzy Lec. Triết học gia Edmund Burke người Anh cũng từng nói “Điều kiện duy nhất để cái ác chiến thắng là người tốt im lặng đứng nhìn.” Cho dù là Hoàng đế, Tổng thống, cán bộ các cấp, hay là bách tính bình dân, mỗi người đều phải trả giá cho những gì mình làm và không làm.
Những người cầm quyền phạm sai lầm tự phản tỉnh, trách tội bản thân, sau đó sửa đổi, thì có thể thoát khỏi thiên tai. Vậy, người dân bình thường thì sao? Chúng ta sửa chữa lỗi lầm cũng có thể thoát nạn không?
“Thái Bình quảng ký – Bát Tiên – Trương Đạo Lăng”
Trong “Thái Bình quảng ký” ghi chép lại câu chuyện về người sáng lập ra Đạo giáo – Trương Đạo Lăng:
Trương Đạo Lăng vốn là một thư sinh trong Thái học, tinh thông ngũ kinh, nhưng đến những năm cuối đời mới phát hiện đọc sách không có tác dụng gì đối với việc kéo dài thọ mệnh, thế là ông chuyển sang tu Đạo.
Trương Đạo Lăng dẫn các đệ tử đi độ hóa bách tính ở Tứ Xuyên. Ông không muốn sử dụng hình pháp, cho nên lập ra mấy quy định: Người nào mắc bệnh thì cần ghi lại rõ ràng những việc mình làm sai từ khi sinh ra vào giấy, sau đó thả xuống nước, đồng thời thề với Trời sau này sẽ không bao giờ tái phạm, nếu không thì sẽ để Thần linh giáng tội chết để trừng phạt mình. Sau khi bách tính làm theo, không những bệnh tật đều khỏi, mà mọi người cũng cảm thấy xấu hổ về những lỗi lầm mình đã phạm. Họ ôm lòng kính sợ Thần linh Thiên địa, từ đó đều không làm việc xấu ác nữa.
Con người chỉ cần có thể thành tâm phản tỉnh bản thân, sám hối và sửa chữa sai lầm, Thần linh nhìn thấy sẽ giúp tiêu tai trừ bệnh. Tuy nhiên, nếu như có người chỉ là muốn làm một chút cho có lệ, thì tuyệt đối không thể lừa được Thánh Thần.
“Canh Tỵ biên”
Vào thời nhà Minh có một câu chuyện như vậy: Mùa hạ năm Tân Mùi niên hiệu Chính Đức (năm 1511), cả vùng Tô Châu bị dịch bệnh hoành hành. Gia đình Cố Trấn sống ở phía tây Quỳnh Cơ Đôn, Phong Môn, từ già đến trẻ đều bị nhiễm bệnh dịch. Thế là Cố Trấn dẫn đầu cả nhà thề nguyện với Thần linh, nói sau này cả nhà sẽ ăn chay hành thiện, không sát sinh nữa. Sau đó bệnh của cả nhà quả nhiên đã khỏi.
Khi đó, vừa vặn gặp lúc quan tuần phủ địa phương đang mở kho phát lương cứu tế dân chúng, Cố Trấn cũng vào thành nhận gạo cứu tế. Trên đường về nhà, anh gặp người bán cá, lập tức quên bẵng lời thề mà mình đã phát nguyện. Anh ta mua ba con cá và một vò rượu, cơm no rượu say rồi lên thuyền về nhà. Khi về nhà, anh cũng không nói gì với người nhà về chuyện này. Kết quả vào hôm đó, bệnh dịch của anh ta tái phát, sau đó nhanh chóng qua đời.
Khi nhập quan, người nhà nhìn thấy ba con cá cùng nhảy vào quan tài của Cố Trấn, nhưng tìm thế nào cũng không thấy. Sau đó, người nhà hỏi một người cùng đi vào thành mới biết chuyện Cố Trấn phá vỡ lời thề, mới hiểu ra đây chính là ba con cá mà anh ta đã ăn. Đây chính là Thần đang mượn chuyện này để cảnh cáo thế nhân.
****
Kỳ thực, không chỉ có người Trung Quốc tin vào sự tồn tại của Thần linh và nhân quả báo ứng. Trong xã hội thời cổ đại, các giá trị phổ quát của toàn thế giới rất giống nhau. Mọi người đều biết rõ nguyên nhân đằng sau tai họa, dịch bệnh và bệnh tật, cho nên phương thức mà mọi người lựa chọn để tránh tai họa cũng giống nhau.
Ví dụ, vào năm 1633, khi dịch bệnh Cái chết Đen tàn phá châu Âu, ngôi làng Oberammergau cũng không tránh khỏi kiếp nạn. Trong làng, cứ hai hộ thì có ít nhất một người tử vong, khiến dân làng vô cùng sợ hãi. Vì vậy, tất cả dân làng do linh mục dẫn đầu đã tập trung lại, thành kính hướng tới Chúa cầu nguyện. Họ đã thề với Chúa rằng, nếu Chúa có thể cứu họ thoát khỏi thảm họa của Cái chết Đen, họ sẽ tổ chức vở diễn “Chúa Jesus chịu nạn” mười năm một lần cho đến ngày tận thế. Kể từ thời điểm dân làng phát lời thề, tất cả những người bị nhiễm dịch trong làng đều khỏi bệnh một cách thần kỳ, và sau đó không còn ai phải gặp bất hạnh qua đời vì Cái chết Đen. (Sang năm thứ hai, làng Oberammergau bắt đầu thực hiện lời hứa của mình, họ tổ chức vở diễn “Chúa Jesus chịu nạn” lần đầu tiên. Hàng trăm năm sau, làng Oberammergau vẫn luôn tuân thủ lời thề và tổ chức vở diễn này, mãi cho đến ngày nay.)
****
Hầu hết người Trung Quốc hiện nay đều lớn lên trong nền giáo dục của chủ nghĩa vô thần. Họ ngày càng rời xa văn hóa truyền thống, và cười nhạo những người kính Trời tín Thần.
Tuy nhiên, một người có tín ngưỡng không có nghĩa là họ ngu dốt hay mê muội. Chẳng hạn như Trương Hoành là nhà khoa học, nhà thiên văn học thời Đông Hán phát minh ra máy đo địa chấn, ông đã viết: “Thần linh trong thiên địa tỏ tường hết thảy. Tai họa mà họ giáng xuống, đều là có nguyên nhân và có quy luật vậy.”
Con người hiện đại có xu hướng coi thiên tai là hiện tượng tự nhiên phát sinh. Thế nhưng, con người không thừa nhận sự tồn tại của Thần linh, thì không có nghĩa là Thần linh không tồn tại.
Đổng Trọng Thư, một triết học gia thời Tây Hán đã viết: “Con người không kính sợ trời, tai ương sẽ đến trong lặng lẽ, và lặng lẽ đến mức không thể nhìn thấy manh mối, giống như tự nhiên vậy.”
Kỳ thực, việc phát sinh dịch bệnh hiện nay hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Còn nếu như nói, người mà ông Trời muốn trừng phạt là ai? Mỗi người chúng ta có thực sự vô tội hay không? Những câu hỏi này là để lại cho mỗi chúng ta tự suy ngẫm.