Bài học dành cho nhà quản lý hiện đại: Thuật dùng nhân tài của cổ nhân Trung Hoa
Ngạn ngữ của người Trung Hoa nói rằng: ”Không tin thì không dùng, đã dùng là phải tin”. Câu này được hiểu là: “Nếu bạn không tin tưởng ai đó, đừng thuê anh ta; nếu bạn thuê anh ta, đừng nghi ngờ. “
Tư tưởng này rất phù hợp trong thế giới kinh doanh ngày nay. Nếu bạn đang đọc bài viết này, có thể bạn đang làm nhân viên hay làm ông chủ hoặc làm công việc quản lý, các vị trí này có thể là trong quá khứ hoặc hiện tại. Các nhà lãnh đạo thành công trong nhiều lĩnh vực nhận ra rằng những công việc sáng tạo, yêu cầu kiến thức đòi hỏi cách làm việc cởi mở, minh bạch và có ý thức trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, một số nơi vẫn duy trì môi trường làm việc khép kín, thường sử dụng phương pháp lãnh đạo áp đặt mệnh lệnh. Tại các tổ chức này, nhu cầu kiểm soát của lãnh đạo và nhu cầu tự chủ của nhân viên phát sinh mâu thuẫn căng thẳng.
Các nhà lãnh đạo của Trung Hoa cổ đại có cách nhìn sâu sắc về mối quan hệ này. Bằng cách liên hệ các tình tiết từ sự nghiệp của Vua Tề Hoàn Công và Quản Trọng, những người đã cùng nhau cai trị nước Tề ở vùng đất Trung Hoa hơn 2,000 năm trước, chúng tôi minh họa một số nguyên tắc lãnh đạo xoay quanh sự tin tưởng và đức tính tự chủ.
Gạt bỏ thù riêng, chiêu mộ nhân tài
Bạn có thuê một người đã từng cố hãm hại bạn không? Bạn có tuyển dụng ứng viên với một lý lịch đầy kết quả thất bại? Vua nước Tề (Tề Hoàn Công, vị quân chủ chư hầu xưng bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu) đã làm điều đó khi thu dụng Quản Trọng, người đã phạm cả hai vấn đề kỵ húy ở trên.
Quản Trọng từng là quân dưới trướng của một trong những địch thủ của Tề Hoàn Công, theo lệnh của chủ cũ, ông đã cố giết vua Tề. Không chỉ vậy, các công việc quá khứ của ông không hề có chút thành tựu. Là một người lính, ông đã từng đào ngũ, là một doanh nhân có thành tích tầm thường.
Tuy nhiên, thông qua đại thần là Bào Thúc Nha, cũng đồng thời là bạn thân của Quản Trọng, Tề Hoàn Công đã học được cách đánh giá con người ông trên một góc độ khác.
Theo cách nhìn của Bào Thúc Nha – người đã từng làm việc với Quản Trọng từ khi họ còn là những chàng trai trẻ – nhiệm vụ hành thích thất bại không phải là dấu hiệu của sự kém cỏi. Hoặc việc Quản Trọng tận sức phò tá chủ cũ của mình đến giây phút cuối cùng cũng không có nghĩa là ông không đáng tin cậy ( nếu chiêu mộ ông ta). Dựa trên những trải nghiệm chung, Bào Thúc Nha tin rằng ưu tiên hàng đầu của Quản Trọng chính là dùng năng lực của mình để bình định thiên hạ, bất kể là ai đang nắm quyền. Ông sẵn sàng lùi bước chấp nhận thất bại nếu điều đó có ý nghĩa chiến thắng vì cuộc chiến chung, vì mục tiêu lớn hơn.
Thừa tướng nói, “Nếu quân thượng muốn cai trị một nước chư hầu, tôi có đủ khả năng làm, nhưng nếu ngài muốn mang lại trật tự cho toàn cõi Trung Hoa, không ai tốt hơn Quản Trọng”
Trong hai ngày liên tiếp, vua Tề triệu kiến Quản Trọng. Tề Hoàn Công nhận ra rằng ngoài những nhược điểm rõ ràng kia thì Quản Trọng là hiện thân của tầm nhìn rộng lớn và khoáng đạt, vua Tề rất cần những người như vậy cho triều đình.
Việc thu dụng được thực hiện, và nước Tề bắt đầu khởi sắc.
Trọng dụng hiền tài, quốc gia hưng thịnh
Sau khi được nước Tề trọng dụng, Quản Trọng sử dụng nguyên tắc tự nhiên của Đạo gia để cai trị, đồng thời giảng dạy và nâng cao chuẩn mực đạo đức khắp thiên hạ, những điều này sau đó được gọi là đạo đức Nho giáo. Ví dụ, Quản Trọng đề cao trụ cột của một nước là: lễ nghi, công bằng, chính trực và danh dự, nhờ đó mà khuyến khích những bản tính tốt đẹp của con người.
Khi Hoàn Công giao phó cho ông cai quản đất nước, Quản Trọng lãnh đạo theo cách tin tưởng và tôn trọng mọi người, không đánh thuế quá nặng đối với người dân hoặc sử dụng các biện pháp hành chính không cần thiết.
Trong vài thập kỷ, dưới sự quản lý của Quản Trọng, nước Tề đã trở thành quốc gia giàu có nhất Trung Hoa. Quân đội chỉ dùng để phòng thủ và bảo vệ đồng minh chống lại kẻ xâm lược, đội quân được huấn luyện và trang bị tốt, do vậy luôn bách chiến bách thắng. Hơn nữa, các học giả từ khắp Trung Hoa tụ hội tại nước Tề để nghiên cứu và truyền bá tư tưởng của họ.
(Nhờ có sự phò tá của Quản Trọng) vua Tề Hoàn Công nổi tiếng khắp các nước chư hầu ở Trung Hoa như một bá chủ – thường được xếp vào hàng đầu tiên của danh sách ngũ bá. Ông không chỉ mang lại trật tự cho vùng đất của mình mà còn giữ hòa bình với các nước láng giềng.
Quản Trọng với nhận thức sâu sắc theo quan điểm của Đạo gia cho rằng triều đình tốt nhất là triều đình mà người dân cảm thấy họ ít bị cai trị nhất. Các nguyên tắc mà ông sử dụng để quản lý nước Tề đã lan rộng khắp Trung Hoa và sau đó ảnh hưởng trong tư tưởng của Khổng Tử.
Không nghe trung ngôn, quốc gia suy vong
Nhiều năm trôi qua, tuổi của Quản Trọng ngày một già đi. Thấy vị tướng thông tuệ trên giường bệnh, Vua Tề tìm người thay thế một cách rất khó khăn, bởi vì nhân tài như lá mùa thu. Tề Hoàn Công đề xuất ba người, nhưng Quản Trọng đều không đồng ý. Ông nhìn nhận rằng: ba người này bề ngoài tỏ vẻ trung thành, tận tụy nhưng đã từng có những hành vi đê tiện đối xử với gia đình của họ, điều này phản ánh tâm tính nhỏ nhen và thiếu những nguyên tắc đạo đức cơ bản, ( đều là những kẻ tiểu nhân).
Theo Quản Trọng, gia đình là đơn vị cơ bản quan trọng trong các mối quan hệ xã hội. Một người sẵn sàng ngược đãi gia đình mình để lấy lòng quân chủ thì không thể tin cậy nếu nắm quyền lực xã hội. Khổng Tử sau này cũng có quan điểm tương tự.
Quản Trọng qua đời, Tề Hoàn Công không coi trọng sự nghi ngờ của vị tể tướng. Thay vì phải nhìn thấy được hành vi những người kia chỉ vì danh lợi cá nhân mà phục vụ triều đình, vua Tề lại coi đó là biểu hiện của lòng trung thành.
Tề Hoàn Công đã phong ba người này tới chức Thượng Thư và đương nhiên những kẻ tiểu nhân này đã nổi loạn phản lại nhà vua.
Ba gian thần nhốt vua Tề trong tẩm cung và giả truyền thánh chỉ. Tề Hoàn Công, vị quân vương quyền lực nhất Trung Hoa một thời, đã chết đói khi bị giam cầm, và nước Tề rơi vào cảnh suy vong.
Leo Timm
Thanh Vân biên dịch
Xem thêm: