Các tướng lĩnh quân đội cảnh báo: Trung Quốc đang tạo dựng ‘quyền lực và ảnh hưởng’ ở Nam Mỹ
Một số tướng lĩnh của Hoa Kỳ đã cảnh báo về chiến dịch bành trướng và gây ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc ở khu vực Nam Mỹ và vùng Caribe, thể hiện qua hoạt động đầu tư của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng đồng thời thúc đẩy hình thức cai trị độc tài trong khu vực này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “tiếp tục mở rộng ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao, công nghệ, thông tin, và quân sự ở khu vực Mỹ Latinh và vùng biển Caribe. CHND Trung Hoa có khả năng này và cũng có ý định phớt lờ các chuẩn tắc quốc tế, nâng cao thương hiệu chủ nghĩa độc tài của mình, từ đó tạo dựng quyền lực và ảnh hưởng bằng cái giá phải trả của các nền dân chủ trong khu vực,” Tướng Laura J. Richardson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Nam Hoa Kỳ, cho biết trong một phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm 08/03, đề cập đến tên gọi chính thức của nhà cầm quyền Trung Quốc là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
ĐCSTQ đã và đang “mở rộng khả năng khai thác các nguồn tài nguyên, xây dựng các hệ thống cảng, thao túng các chính phủ qua các hoạt động đầu tư ăn chặn, và xây dựng các cơ sở hàng không lưỡng dụng tiềm năng, [đây là khu vực có] nhiều cơ sở hàng không nhất trong bất kỳ khu vực chỉ huy tác chiến nào.”
Bà Richardson dẫn chứng về việc Trung Quốc đã lợi dụng sự tàn phá mà đại dịch COVID-19 gây ra để tăng cường ảnh hưởng của mình ở Mỹ Latinh. Khu vực này là nơi sinh sống của 8% dân số toàn cầu, nhưng lại chiếm tới 29% số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới. Bà ước tính rằng 170 triệu người ở Mỹ Latinh đang sống trong cảnh nghèo đói, còn nền kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực này đang gặp khó khăn.
Bà nói, nhân lúc khu vực này lâm vào khủng hoảng, ĐCSTQ đã xuất hiện với những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng trọng yếu như các xa lộ, đập thủy điện, cảng nước sâu, viễn thông, v.v.
Tướng Glen D. VanHerck, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Bắc Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã trao cho Mexico những khoản đầu tư rất lớn. Ông cho biết khoảng 80% thiết bị viễn thông của Mexico được các công ty Trung Quốc như Huawei cung cấp.
Ở Bahamas, ĐCSTQ đang “tích cực theo đuổi chiến lược cưỡng bách kinh tế của họ,” ông nói. Trung Quốc đã xây dựng đại sứ quán lớn nhất thế giới của mình ở Bahamas, với một “ngài đại sứ rất hiếu chiến, người sử dụng không gian thông tin này để phá hoại chúng ta mỗi một ngày.”
Phát triển thương mại, rủi ro an ninh, thiếu chiến lược toàn diện
Trong tuyên bố của mình (pdf) trước ủy ban Hạ viện nói trên, bà Richardson nhấn mạnh hoạt động giao thương ngày càng tăng của Trung Quốc với khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Năm 2002, kim ngạch thương mại của ĐCSTQ với khu vực này chỉ đạt 18 tỷ USD. Hai mươi năm sau vào năm 2022, con số này đã tăng vọt lên 450 tỷ USD.
Bà Richardson ước tính rằng con số này sẽ tăng lên 700 tỷ USD vào năm 2035. Bà cho biết tổng kim ngạch thương mại hiện tại của Hoa Kỳ với khu vực này là 700 tỷ USD, cho thấy lợi thế thương mại tương đối của Mỹ đang bị xói mòn.
Bà Richardson cho rằng hoạt động đầu tư của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe là một rủi ro an ninh lớn đối với Hoa Kỳ.
Nếu như trên thế giới xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào, thì ĐCSTQ cũng có thể “tận dụng các cảng chiến lược trong khu vực này để hạn chế sự tiếp cận của tàu thương mại và tàu hải quân Hoa Kỳ. Đây là một rủi ro chiến lược mà chúng ta không thể chấp nhận cũng không thể nhắm mắt làm ngơ,” bà nói.
Bà Richardson cho biết các công ty do ĐCSTQ hậu thuẫn đang đấu thầu các dự án liên quan đến Kênh đào Panama, vốn là một “cửa ngõ chiến lược của thế giới.” Bà cũng cảnh báo rằng, tại Argentina, một doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ đang tìm cách giành được quyền xây dựng các cơ sở hàng hải gần thành phố cảng Ushuaia nhằm cải thiện “đáng kể” khả năng tiếp cận Nam Cực của Bắc Kinh.
Trong một cuộc phỏng vấn với EpochTV hồi tháng Sáu năm ngoái (2022), chuyên gia an ninh Joseph Humire cho rằng Hoa Kỳ thiếu một chiến lược toàn diện để chống lại hành vi bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Mỹ Latinh.
Ông nói rằng, vì Hoa Kỳ đã không hiện diện trong khu vực này suốt 30 năm qua, nên Trung Quốc đã “tận dụng cơ hội đó.” Ông cho biết, chính phủ cựu Tổng thống Reagan là chính phủ Mỹ cuối cùng có một “chính sách mở rộng” đối với khu vực Mỹ Latinh với chủ nghĩa chống cộng sản và cuộc Chiến tranh Lạnh.
“Nếu chúng ta nhìn lại 20 năm về trước, Trung Quốc chỉ là một đối tác thương mại với mỗi ba quốc gia … trong khu vực Nam Mỹ. Tua nhanh 10 năm tới năm 2010, [họ là] đối tác thương mại hàng đầu của bảy trong số mười hai quốc gia có chủ quyền ở Nam Mỹ,” ông nói. “Hiện tại, họ là đối tác thương mại hàng đầu của chín trong số các quốc gia có chủ quyền đứng đầu trong khu vực Nam Mỹ.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times