PHÂN TÍCH: Nghị trình thức tỉnh của Hoa Kỳ thất bại ở Mỹ Latinh
Nhóm các nhà hoạt động cực tả, những người đã tiếp nhận hệ tư tưởng “thức tỉnh” của Hoa Kỳ đã xuất hiện ở Mỹ Latinh như những kẻ phá bĩnh chính trị. Tuy nhiên, tiếng kêu gọi tập hợp của họ đã rơi vào những đôi tai gần như điếc bất chấp một làn sóng mới của các nhà lãnh đạo cánh tả trong khu vực.
Do quan điểm cứng nhắc đặc trưng của phong trào thức tỉnh về các vấn đề xã hội gây chia rẽ như nhận dạng giới tính, chủ nghĩa nữ quyền mới, phân phối của cải, và cắt giảm ngân sách cảnh sát, tiếng kêu xung trận của các nhà hoạt động hầu như đã bị phớt lờ hoặc bị bỏ phiếu bác bỏ.
Trong khi đó, các phong trào chống thức tỉnh đang mọc lên nhanh hơn cỏ dại sau đó.
Những lý tưởng cấp tiến đã không tìm được chỗ đứng vững chắc ngay cả trong số những người cánh tả khác ở các quốc gia có môi trường thuận lợi cho mục tiêu của họ, như các nền văn hóa bị phương Tây hóa nhiều ở Chile và Argentina. Hai quốc gia này đều có tổng thống theo xã hội chủ nghĩa.
Không khó để nhận ra những nhà hoạt động thức tỉnh ở các thành phố Mỹ Latinh. Họ để lại những tấm danh thiếp giống như hình ảnh của nhà cách mạng ghê gớm Che Guevara mặc đồ khác giới trên nền cầu vồng.
Một vài trong số những hành động đặc trưng của họ: đập phá các bức tượng trong các quảng trường thành phố để viết vẽ nguệch ngoạc các biểu tượng vô chính phủ lên các bức tượng này, hét lên các khẩu hiệu của chủ nghĩa Marx, và ném các vũ khí tự chế vào cảnh sát.
Những hành động ấy có toàn bộ sức mạnh, khả năng quảng bá, và sự liên kết triết học với phong trào cùng hệ thống của kiểu hành xử này ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, triết học thức tỉnh ở Mỹ Latinh đã gặp phải sự thờ ơ và phản kháng ngày càng tăng ở cấp độ dân sự. Các nhà lãnh đạo hồng triều mới trong khu vực cũng đã phần lớn phớt lờ thứ triết học này.
Vậy tại sao phong trào thức tỉnh ở Bắc Mỹ lại bùng cháy trong khi người chị em ở phía nam của nó dường như không thể bắt lửa?
Các nhà phân tích và người dân nói rằng cội rễ văn hóa kết hợp với thực tế quản trị ở các nền kinh tế đang phát triển là điều mà không hệ tư tưởng nào có thể thay đổi được.
Văn hóa có nguồn gốc sâu xa từ gia đình
Ông Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược (SSI) thuộc Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Mỹ Latinh hiểu về ‘thức tỉnh’ hơi khác so với chúng ta.”
Ông Ellis nói rằng một “trận chiến văn hóa” đang diễn ra trong khu vực giữa bối cảnh căng thẳng kinh tế và chính trị gia tăng. Những yếu tố này đã khiến nhiều người quay lưng lại với những ý tưởng cực đoan hơn của cánh tả.
Ông nói ngoài việc phản ánh Hoa Kỳ trong các vấn đề như môi trường và công bằng xã hội, văn hóa Mỹ Latinh có rất ít điểm chung với văn hóa thức tỉnh của Hoa Kỳ.
Trớ trêu thay, đó là bởi vì, ý thức hệ thức tỉnh đòi hỏi phải có đặc quyền về kinh tế và giáo dục để phát triển.
Ông Ellis nói, “Ở một mức độ nào đó, tôi nghĩ chủ nghĩa cấp tiến xã hội cực đoan là một thứ xa xỉ của các xã hội có trình độ phát triển cao.”
Ở một khu vực có hơn 30% tổng dân số sống trong nghèo đói, các chiến dịch ủng hộ các đại từ trung lập về giới tính và sắc thái màu hồng của luận điệu cộng sản là những điều khó khăn đối với những người chỉ đang chật vật để tồn tại.
Do đó, chủ nghĩa hoạt động thức tỉnh có xu hướng xuất hiện ở các quốc gia có nền kinh tế lớn nhất, giàu có nhất.
Nhưng các nhà hoạt động thức tỉnh có xu hướng lãng mạn hóa hoặc hoàn toàn phớt lờ hàng triệu người đã hoặc vẫn đang phải chịu đựng đau khổ dưới các chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa.
Ông Alvaro Gomez nói với The Epoch Times: “Hãy hỏi bất kỳ ai đang làm việc ở Argentina, hay tốt hơn là một người Venezuela, xem các ý tưởng của Cánh tả đã có tác dụng tốt như thế nào.”
Ông Gomez là một tài xế taxi mới về hưu và là cư dân lâu năm của Buenos Aires, người đã chứng kiến những khía cạnh cực đoan hơn của nền văn hóa thức tỉnh Hoa Kỳ lưu hành ở quê hương ông.
Ông cho biết phong trào này được gọi là “Cánh tả mới”, nhưng có rất ít điểm chung với nhiều cử tri cánh tả.
Ông Gomez gọi những khái niệm như chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến và hệ tư tưởng giới tính là “sự phân tâm lố bịch” khỏi những thách thức thực sự mà đất nước ông phải đối mặt.
‘Sự phân tâm lố bịch’
Ông nói, “Nền kinh tế của chúng tôi đang bị hủy hoại; chính phủ của chúng tôi là một mớ hỗn độn. Chúng tôi có những vấn đề thực sự cần giải quyết. Phần lớn những người cánh tả ở đây chỉ muốn có nhiều trợ cấp hơn, và cánh hữu muốn trả ít thuế hơn. Nhưng ai cũng có cội rễ sâu xa với nhà, với gia đình.”
Cội rễ này đi sâu vào cốt lõi của lý do tại sao triết học thức tỉnh vẫn chưa bén rễ sâu hơn trong khu vực. Công giáo hầu như đã thuộc địa hóa Châu Mỹ Latinh. Ngày nay, Cơ Đốc Giáo vẫn là một lực lượng thịnh hành và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của các đơn vị gia đình truyền thống.
Ông Ellis nói rằng chủ nghĩa truyền thống thời thuộc địa đã được thay thế bằng một “kiểu truyền thống mới”, cả hai đều có nguồn gốc Cơ Đốc Giáo mạnh mẽ.
Nhà phân tích khu vực và tác giả nổi tiếng, Tiến sĩ Orlando Gutierrez-Boronat nói với The Epoch Times: “Mỹ Latinh tiếp tục rất có tín ngưỡng và rất truyền thống. Ngay cả những người cánh tả cũng thuộc vào diện theo chủ nghĩa bảo tồn truyền thống về mặt xã hội.”
Bên cạnh việc làm xói mòn khái niệm truyền thống về gia đình, hệ tư tưởng thức tỉnh của Hoa Kỳ đã bỏ qua những bài học quan trọng từ lịch sử của khu vực.
Mù quáng
Ở Hoa Kỳ, việc chỉ trích chính phủ thường không phải là điều khiến một người bị sát hại giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng ở nhiều quốc gia Mỹ Latinh, đây là điều đã xảy ra trong nhiều năm.
Tại Argentina, một cuộc điều tra pháp y với quy mô khủng khiếp đã diễn ra vào năm 2020 để xác định danh tính thi thể của 600 nhà bất đồng chính kiến chính trị bị buộc “biến mất” trong thời chế độ độc tài quân sự những năm 1970 và 1980.
Chile có một ngôi mộ tập thể kinh hoàng tương tự ở Santiago được gọi là Patio 29, nơi chứa hài cốt của các nhà hoạt động chống chính phủ bị hành quyết trong thời kỳ nước này bị một nhà độc tài quân sự cai trị.
Cả hai chế độ độc tài đều đã xuất hiện sau sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng dưới tay của các lãnh đạo xã hội chủ nghĩa. Lịch sử này đã in hằn vĩnh viễn trong ký ức của các gia đình, những người vẫn còn nhớ việc mù quáng theo đuổi lý tưởng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa gì.
Hàng ngàn người biểu tình và những người bất đồng chính kiến đã bị chế độ cộng sản Cuba bắt giữ, hành quyết, hoặc trục xuất từ những năm 1960. Cuộc đàn áp họ dưới tay của chế độ cố hữu này vẫn đang tiếp diễn.
Các tổng thống cánh tả trong kỷ nguyên hiện đại cũng không khá hơn chút nào. Ông Daniel Ortega của Nicaragua và ông Nicolas Maduro của Venezuela phải đối mặt với một danh sách ngày càng tăng các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Và ở giữa các nhân vật này là “Cánh tả mới” của Mỹ Latinh, vốn dĩ là nhóm văn hóa thức tỉnh của Hoa Kỳ trá hình dưới tên gọi khác, chuyên bám lấy những nhà cách mạng tàn bạo như ông Guevara trong khi kêu la về áp bức, nhưng đồng thời lại phớt lờ toàn bộ các chương của lịch sử khu vực.
“Mọi người phản ứng theo kiểu, ‘vâng’, chúng tôi đã nghe về những ý tưởng này trước đây,” ông Ellis nói.
Ở Argentina, một trong những sai lầm mù quáng mang tính lịch sử là sử dụng ông Guevara như nhân vật tiêu biểu của phong trào LGBT vì một nhận dạng giới tính hòa nhập hơn.
Biểu tượng này hoàn toàn trái ngược với di sản được ghi chép rõ ràng của nhà độc tài này về cả việc căm ghét và nhắm vào những người đồng tính để bỏ tù và hành quyết.
Ông Boronat, người đồng sáng lập Ban Giám đốc Dân chủ Cuba, thấy việc thần tượng hóa Guevara này thật nực cười.
Ông Boronat nói, “Guevara và Fidel Castro đã khởi động một chương trình đàn áp, quấy rối, và bỏ tù có hệ thống những người đồng tính luyến ái. Loại chương trình này chưa từng bao giờ diễn ra trong lịch sử Cuba. Kiểu đàn áp này đã vẫn đang diễn ra ở Cuba cho đến rất, rất gần đây.”
Ở Chile, rõ ràng là các nhà hoạt động thức tỉnh đã xa rời cuộc sống thực trước những thực tế về quản trị vào tháng 09/2022 sau khi đất nước này bỏ phiếu chống lại một cách vang dội đối với dự thảo cực tả cho Hiến Pháp mới của quốc gia.
Các nhà phê bình gọi dự thảo này là “quá rộng một cách lố bịch” và là một “mớ hỗn độn khó hiểu” nặng về các vấn đề xã hội và những thay đổi kinh tế mạnh mẽ.
62% áp đảo đã bỏ phiếu chống lại cuộc trưng cầu dân ý về Hiến Pháp, nhằm thay thế cuộc trưng cầu dân ý được thành lập dưới thời của nhà độc tài quân sự Augusto Pinochet.
Đó là một kết quả đáng ngạc nhiên vì gần 80% người Chile đã bỏ phiếu ủng hộ việc thay thế Hiến Pháp Pinochet trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10/2020.
Dù vậy, một thông điệp rõ ràng đã xuất hiện: Cải tổ xã hội quyết liệt không đáng khi cái giá phải trả là ổn định kinh tế.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times