Các trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc tuyển dụng nhân tài công nghệ được đào tạo ở Anh Quốc
Năm nay, ba viện nghiên cứu do nhà nước Trung Quốc tài trợ đã đăng quảng cáo việc làm nhắm vào các nhà khoa học Trung Quốc ở Vương quốc Anh trong nỗ lực tuyển dụng nhân tài công nghệ cao.
Các viện này đang đăng quảng cáo trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc để tìm kiếm các ứng cử viên cho Chương trình Quỹ Khoa học dành cho các Học giả Trẻ Xuất sắc (ở Ngoại quốc) của Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia (NSFC)—một kế hoạch tuyển dụng và tài trợ tương tự như cái gọi là Kế hoạch Ngàn Nhân tài.
Vị trí tuyển dụng nằm trong các lĩnh vực như khoa học môi trường biển và khoa học y sinh cho đến các lĩnh vực nhạy cảm hơn như chất bán dẫn và vật liệu tiên tiến, mặc dù một số công nghệ được sử dụng trong các lĩnh vực không có hại, chẳng hạn như viễn thám, nhưng cũng được ứng dụng trong quân sự.
Không có bằng chứng nào cho thấy những chiến dịch tuyển dụng này là nhằm mục đích đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc phát triển các năng khả quân sự, nhưng chúng đã làm dấy lên những lo ngại về việc bí quyết của Anh được chuyển giao cho nước Trung Quốc do cộng sản kiểm soát.
Các chuyên gia về Trung Quốc nói với The Epoch Times rằng mặc dù Vương quốc Anh không nên áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với sinh viên Trung Quốc, nhưng nước này cần cẩn thận hơn trong việc lựa chọn ứng viên trong các lĩnh vực nhạy cảm.
Quảng cáo
Viện Y học Hệ thống Tô Châu, Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc đã đăng một quảng cáo bằng tiếng Anh tìm kiếm các nhà nghiên cứu và giáo sư trong lĩnh vực y tế.
Hai viện trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), Viện Công nghệ Nano và Sinh học Nano Tô Châu (SINANO) và Viện Nghiên cứu Vùng Ven biển Yên Đài (YIC), chỉ đăng quảng cáo việc làm bằng tiếng Trung.
YIC đang tìm kiếm tài năng trong các lĩnh vực bao gồm tài nguyên biển, môi trường, sinh thái, sinh học, hóa học, thông tin, viễn thám, và kỹ thuật.
SINANO đang tìm kiếm các nhà nghiên cứu về điện tử, y sinh, và vật liệu, bao gồm 20 lĩnh vực phụ như vật liệu bán dẫn và sản xuất; vật liệu bảo vệ, năng lượng, hoặc quản lý nhiệt; và các nền tảng và hệ thống không người lái kỹ thuật sinh học — nhiều lĩnh vực trong số đó sẽ được ứng dụng trong cả dân sự lẫn quân sự.
Chẳng hạn, các vật liệu tiên tiến rất quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả chất bán dẫn hoặc phi cơ và các hệ thống không người lái kỹ thuật sinh học trên các phi cơ không người lái hình bướm, hình chim, hoặc hình khinh khí cầu hoặc các phương tiện dưới nước hình cá có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ giám sát và trinh sát và tránh bị radar nhận diện.
Các chương trình do nhà nước tài trợ
Cả ba viện trên đang tìm kiếm các ứng cử viên để ghi danh cho Chương trình Quỹ Khoa học dành cho Các học giả Trẻ Xuất sắc (ở Ngoại quốc) của NSFC, trong khi SINANO cũng đang tuyển dụng theo các chương trình khác nhau.
Chương trình tài trợ ba năm này cung cấp 1 đến 3 triệu nhân dân tệ (119,000 đến 359,000 bảng Anh) cho mỗi người, nhằm thu hút các nhà khoa học trẻ và tài năng, có tiềm năng trở thành những người đi đầu trong lĩnh vực của mình.
Nói chung, YIC đang hứa hẹn với những ứng viên trúng tuyển rằng họ sẽ được hưởng mức lương cạnh tranh, nhà ở, chi phí học tập ăn ở tại trường và kỳ nghỉ, cũng như khoản tài trợ và chi phí nghiên cứu lên tới 4 triệu nhân dân tệ (476,000 bảng Anh).
SINANO tuyên bố rằng những ứng viên trúng tuyển sẽ nhận được mức lương 700,000 nhân dân tệ (83,800 bảng Anh), ít nhất 3.75 triệu nhân dân tệ (450,000 bảng Anh) chi phí chuyển nhà và các chi phí khác, ít nhất 9 triệu nhân dân tệ (1 triệu bảng Anh) tài trợ nghiên cứu, chỗ ở tạm thời, và các lợi ích cùng phần thưởng khác.
SINANO cũng đang thuê các nhà nghiên cứu theo các chương trình nội bộ khác, chẳng hạn như chương trình tài năng trẻ CAS, nhắm đến những người có ba năm kinh nghiệm làm việc hoặc đang làm việc trong các lĩnh vực công nghệ then chốt “cần gấp cho một nhiệm vụ quan trọng của quốc gia”.
Các ứng viên sau tiến sĩ cũng được hứa hẹn về các cơ hội đi du học do nhà nước tài trợ.
Trong số 162 nhà nghiên cứu được liệt kê trên trang web của SINANO, thì gần 2/3 có kinh nghiệm học tập hoặc làm việc ở bên ngoài Trung Quốc đại lục hoặc Hồng Kông.
Hơn một phần ba đã học tập hoặc làm việc tại Hoa Kỳ; 8 phần trăm, hay 13 người, đã từng ở Vương quốc Anh; và 12 phần trăm đã ở Nhật Bản. Những người khác đã ở các quốc gia bao gồm Singapore, Đài Loan, Đức, Nam Hàn, Pháp, Úc, Thụy Điển, và Canada.
Các chuyên gia: Vương quốc Anh cần định hướng tốt hơn, kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn
Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác từ lâu đã quan tâm đến các kế hoạch tuyển dụng nhân tài của Bắc Kinh chẳng hạn như Kế hoạch Ngàn Nhân tài.
FBI nói rằng các doanh nghiệp, trường đại học, và các phòng thí nghiệm nên hiểu được những rủi ro tiềm ẩn và hành vi bất hợp pháp mà các chương trình này khuyến khích và thực hiện các bước để bảo vệ bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ.
Theo The Guardian, các yêu cầu về Quyền tự do Thông tin cho thấy vào năm 2022, Bộ Ngoại giao Anh đã cấm hơn 1,000 khoa học gia và sinh viên sau đại học—nhiều người trong số họ là người Trung Quốc—làm việc tại Vương quốc Anh vì lý do an ninh quốc gia.
Ông Alan Mendoza, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu đối ngoại và quốc phòng Hiệp hội Henry Jackson, cho biết đây là một lĩnh vực “khó khăn” để cân bằng rủi ro.
“Quý vị muốn có một số trao đổi khoa học, điều đó là quan trọng, nhưng đồng thời, quý vị muốn bảo đảm rằng thông tin có được từ năng lực của quý vị không bị lấy đi để được sử dụng theo cách thù địch với quý vị,” ông Mendoza nói với The Epoch Times.
Ông nói rằng sẽ “hơi hà khắc” khi áp đặt một lệnh cấm toàn diện đối với sinh viên Trung Quốc, nhưng “cần phải có một định hướng tốt hơn cho những loại dự án mà họ có thể thực hiện”.
Ông Benedict Rogers, đồng sáng lập của tổ chức Theo dõi Hồng Kông và Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ, cũng tin rằng việc áp đặt lệnh cấm toàn diện là không thực tế và cũng không phù hợp, vì các sinh viên “không nên bị trừng phạt hoặc phân biệt đối xử chỉ dựa trên quốc tịch của họ” nhưng ông cũng nói rằng “cần phải kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn nhiều, và các trường đại học nên cẩn thận hơn trong việc cung cấp các suất học trong một số môn học.”
Trong một email gửi tới The Epoch Times, ông Rogers cho biết điều này “không nên là vấn đề và thậm chí có thể có lợi” khi cung cấp cho sinh viên Trung Quốc các suất học trong các chương trình nhân văn, “nhưng một số lĩnh vực khoa học và công nghệ có thể có một số hạn chế vì chúng ta không nên chuyển giao kiến thức, dù cố ý hay vô tình, trong các lĩnh vực nhạy cảm mà một ngày nào đó kiến thức đó có thể được sử dụng để chống lại chúng ta thông qua hoạt động gián điệp, tấn công mạng, các mục đích quân sự, hoặc theo những cách khác.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times