Các nhà lập pháp kêu gọi không gia hạn thỏa thuận công nghệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, trích dẫn rủi ro ‘hủy diệt’
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã kêu gọi Hoa Kỳ không nên gia hạn một thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ mà nước này đã ký với Trung Quốc vào năm 1979, với lo ngại rằng chính quyền cộng sản này có thể lợi dụng thỏa thuận đó để đạt được một lợi thế quân sự chống lại Hoa Kỳ.
Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ-Trung Quốc (STA), vốn sẽ hết hạn vào ngày 27/08, đã tạo thuận tiện cho sự hợp tác trong các lĩnh vực từ khoa học nông nghiệp đến nghiên cứu cơ bản về vật lý và hóa học.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa cảnh báo rằng các quan hệ đối tác nghiên cứu được tổ chức theo STA có thể dẫn đến việc Trung Quốc phát triển các công nghệ mà có thể được sử dụng để chống lại Hoa Kỳ trong tương lai.
Trong một bức thư chung gửi cho Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 27/06, các nhà lập pháp nói rằng, “Hoa Kỳ phải ngừng thúc đẩy sự hủy diệt của chính mình. Để STA hết hạn là bước đầu tiên nên làm.”
Bức thư này, do Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Trung Quốc, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), và chín nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa khác đồng công bố, đã trích dẫn một dự án năm 2018 được thực hiện theo thỏa thuận STA để khai triển “những khinh khí cầu mang thiết bị.”
Họ nhấn mạnh rằng một khinh khí cầu do thám khả nghi của Trung Quốc đã được nhìn thấy bay qua lãnh thổ Hoa Kỳ nhiều năm sau khi dự án đó được khai triển, và việc này đã xâm phạm chủ quyền của Hoa Kỳ.
Cuối cùng, khinh khí cầu đó đã bị quân đội Hoa Kỳ bắn hạ hôm 04/02, bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố rằng đó là một khinh khí cầu thời tiết đã bay chệch hướng.
Các nhà lập pháp cũng tuyên bố rằng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang có “hơn một chục” dự án nghiên cứu đang được thực hiện với các tổ chức Trung Quốc theo thỏa thuận STA. Họ nói rằng những dự án này bao gồm các công nghệ có “ứng dụng lưỡng dụng rõ ràng,” chẳng hạn như phát triển các kỹ thuật phân tích hình ảnh vệ tinh và phi cơ không người lái phục vụ công tác quản lý tưới tiêu.
“Không có gì ngạc nhiên khi CHND Trung Hoa sẽ khai thác các quan hệ đối tác nghiên cứu dân sự cho các mục đích quân sự ở mức độ lớn nhất có thể. CHND Trung Hoa công khai thừa nhận hoạt động hợp nhất quân sự-dân sự của họ,” các nhà lập pháp cho hay, đề cập đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tên hiệu chính thức của chính quyền Trung Quốc.
“Họ cũng cho biết thêm: “CHND Trung Hoa sử dụng các nhà nghiên cứu hàn lâm, gián điệp công nghiệp, cưỡng bách chuyển giao công nghệ, và các chiến thuật khác để đạt được một lợi thế trong các công nghệ quan trọng, từ đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân.”
Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn nói rằng một năm trước, các quan chức Trung Quốc đã liên lạc với Hoa Kỳ để đàm phán về việc gia hạn STA nhưng Hoa Thịnh Đốn đang tiến hành xem xét lại thỏa thuận này.
Hoạt động đánh cắp công nghệ của Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns đã cảnh báo rằng Bắc Kinh đã tham gia vào “hoạt động đánh cắp tài sản trí tuệ một cách dai dẳng và liên tục” để đẩy nhanh “việc cưỡng bách chuyển giao công nghệ” từ Hoa Kỳ.
Ông Burns cho biết hành động gây ảnh hưởng nguy hại đó đã khiến hai cường quốc này ngày càng khó cạnh tranh một cách hòa bình và sẽ gây ra những hậu quả trước mắt cũng như lâu dài đối với an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực.
Tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Lãnh đạo Toàn cầu hôm 07/06, ông nói: “Chúng ta chắc chắn đang cạnh tranh về sức mạnh quân sự và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông Burns đã kết nối vấn đề đánh cắp công nghệ với một cuộc tranh đấu lớn hơn giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm định hướng sự phát triển của hệ thống quốc tế. Ông cho rằng Hoa Kỳ đang ủng hộ một trật tự tự do dựa trên luật lệ, còn ĐCSTQ đang theo đuổi một hệ thống độc tài ủng hộ các chế độ toàn trị giống như của chính họ.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke và Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times