Các tiểu bang mong muốn liên bang rõ ràng trong việc cấm Trung Quốc mua đất nông nghiệp Hoa Kỳ
INDIANAPOLIS, Indiana — Những lo ngại về việc các công ty và nhà đầu tư từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) mua đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ đã khiến các nhà lập pháp ở 35 tiểu bang xem xét các dự luật trong năm 2023 nhằm kêu gọi hạn chế hoặc xem xét lại các chính sách pháp lý liên quan đến quyền sở hữu đất của người ngoại quốc.
Hiện tại, không có luật liên bang nào đề cập đến các tập đoàn hoặc cá nhân từ các quốc gia khác mua đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, 24 tiểu bang có các đạo luật khác nhau liên quan đến quyền sở hữu đất của ngoại quốc.
Nhưng điều đó có thể sẽ sớm thay đổi. Hồi tháng Bảy, Thượng viện đã bỏ phiếu với 91 phiếu thuận và 7 phiếu chống để thông qua Đạo luật Thúc đẩy An ninh và Bảo vệ Nông nghiệp được đề nghị, hay Đạo luật PASS, như một sửa đổi đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) vốn quy định về ngân sách quốc phòng thường niên.
Dự luật này, do hai Thượng nghị sĩ Jon Tester (Dân Chủ-Montana) và Mike Rounds (Cộng Hòa-South Dakota) đưa ra, sẽ cấm các doanh nghiệp hoặc cá nhân từ Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn, và Nga mua đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ.
Việc thông qua dự luật này sẽ mang lại sự rõ ràng cho 26 tiểu bang không có luật quy định về quyền sở hữu đất đai của người ngoại quốc.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp tiểu bang cho biết trong buổi thuyết trình hôm 14/08 tại Hội nghị Lập pháp năm 2023 của Hội nghị Quốc gia các Cơ quan lập pháp Tiểu bang (NCSL) tại Trung tâm Hội nghị Indiana ở Indianapolis, rằng dự luật liên bang được đề nghị nói trên chỉ áp dụng cho các tổ chức từ bốn quốc gia “đối thủ” và dành riêng cho đất nông nghiệp chứ không đề cập đến việc thuê hoặc cho thuê đất.
Hội nghị thượng đỉnh NCSL thường niên thu hút hơn 5,000 nhà lập pháp tiểu bang, các nhân viên lập pháp, các nhà vận động hành lang, những người ủng hộ bất vụ lợi, và các đại diện cơ quan từ tất cả 50 tiểu bang và vùng lãnh thổ. Sự kiện này kéo dài ba ngày và kết thúc vào ngày 16/08.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tính đến năm 2021, các tập đoàn và cá nhân từ 109 quốc gia sở hữu hơn 40 triệu mẫu đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ.
Trong số đó, các công ty và nhà đầu tư của CHND Trung Hoa sở hữu khoảng 384,000 mẫu Anh đất nông nghiệp, xếp thứ 18 trong số các quốc gia — sau Quần đảo Cayman — với các nhà đầu tư trên các vùng đất nông nghiệp của Hoa Kỳ, bao gồm các khu rừng trong mô tả đó.
Người Canada, còn nhiều hơn, sở hữu nhiều nhất đến 12.845 triệu mẫu Anh và người Hà Lan đứng thứ hai với 4.875 triệu mẫu Anh.
Tuy nhiên, các vụ mua bán đất và nỗ lực mua đất nông nghiệp gần đây của người mua Trung Quốc — sau khi một tập đoàn Trung Quốc mua lại Smithfield Foods, nhà chế biến thịt heo lớn nhất Hoa Kỳ — đã khiến nhiều nhà lập pháp tiểu bang nêu lên mối lo ngại về tác động đối với nguồn cung cấp thực phẩm và an ninh quốc gia.
Luật Texas là một kế hoạch chi tiết
Thượng nghị sĩ Bogner (Cộng Hòa-Miles), Chủ tịch Thượng viện Montana Lâm thời, cho biết một chủ đất vốn không thể xác định chắc chắn người mua 370 mẫu Anh đất nông nghiệp gần khu đất của mình, cách Căn cứ Không quân Grand Forks 12 dặm (19.3 km) qua ranh giới tiểu bang trong North Dakota, đã gây ra một nghi vấn khiến ông phải xem xét việc mua đất phải được sự cho phép của cơ quan lập pháp.
“Tôi nghĩ có lẽ ông ấy chỉ là một người hàng xóm tọc mạch,” ông Bogner nói trong buổi thuyết trình hôm 14/08 có tiêu đề “Thâu tóm Đất: Thông tin mới nhất về Quyền sở hữu Đất của Người ngoại quốc” mà ông đã điều phối cùng với ba tham luận viên.
Hóa ra, khu đất đó đã được Tập đoàn Phụ Phong (Fufeng Group), một công ty Trung Quốc mua hồi năm 2022 với kế hoạch xây dựng một nhà máy xay bắp trị giá 700 triệu USD mà họ hứa sẽ mang lại hơn 200 việc làm trực tiếp tại địa phương.
“Khi tôi bắt đầu nghiên cứu, tôi thấy có rất nhiều vấn đề với luật liên bang,” ông Bogner nói. “Vì vậy, tôi bắt đầu thu thập các luật hiện hành” đề cập đến quyền sở hữu đất đai của người ngoại quốc và tìm đến Đạo luật Bảo vệ Cơ sở hạ tầng Ngôi sao Cô đơn của Texas.
Dự luật năm 2021 này đã được đồng thuận thông qua sau khi các nhà lập pháp Texas biết rằng GH America Energy có trụ sở tại Houston — một công ty con của Tập đoàn Đầu tư Quảng Hội Tân Cương của Trung Quốc, thuộc sở hữu của tỷ phú và là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tôn Quảng Tín (Sun Guangxin) — đã mua 140,000 mẫu Anh ở quận Val Verde và dự định xây dựng một trang trại gió rộng 15,000 mẫu Anh trên khu đất này.
Trang trại gió được đề nghị sẽ có các tua-bin cao tới 700 feet (213 mét). Một số người lo ngại rằng những tua-bin đó có thể được sử dụng để nghe lén và giám sát các hoạt động tại Căn cứ Không quân Laughlin cách đó chưa đến 70 dặm (112.7 km).
Ông Bogner cho biết một dự luật Texas được đề nghị năm 2023 dựa trên luật năm 2021 đã tìm cách cấm bất kỳ ai hoặc bất kỳ thứ gì có liên kết với Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn, và Nga có được quyền sở hữu nhà đất ở Texas.
Dự luật Texas này, cuối cùng đã bị bác bỏ tại Hạ viện sau khi được Thượng viện thông qua, là một trong những nguồn cảm hứng của ông trong việc đệ trình SB 203 để cấm “đối thủ” ngoại quốc mua, cho thuê, hoặc thuê đất gần hoặc được xem là “cơ sở hạ tầng quan trọng” và đất nông nghiệp ở Montana.
Ông Bogner nói: “Tôi đã giới thiệu dự luật này vào tuần cuối cùng của tháng Một. Chưa đầy một tuần sau, có một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc khiến mọi người chú ý đến những gì đang xảy ra với những kẻ thù ngoại quốc ở nước ta và những gì mà họ đang làm.”
Ông nói: “Điều đó đã trở thành một chủ đề rất sôi nổi, một vấn đề quan trọng trong vài tháng qua khi các tiểu bang đưa ra các dự luật,” và Quốc hội cũng vậy.
Lần theo dấu vết “dòng tiền” không minh bạch
Thật vậy, tham luận viên Micah Brown, một luật sư làm việc cho Trung tâm Luật Nông nghiệp Quốc gia, đã đồng ý. Ông lưu ý rằng có những dự luật đề cập đến quyền sở hữu đất đai của người ngoại quốc ở 35 tiểu bang với “một bản đồ màu sắc” về lập pháp trên khắp các tiểu bang miền nam.
Ông Brown cho biết trong khi dữ liệu của USDA chứng minh rằng hồi năm 2021, các công dân không phải người Mỹ đã công khai 40 triệu mẫu đất nông nghiệp, thì trong hai năm qua, các công ty và nhà đầu tư ngoại quốc đã mua thêm ít nhất 14 triệu mẫu đất nông nghiệp Hoa Kỳ.
Nhưng ông cho biết có những vấn đề với những luật này “bởi vì có quá nhiều điều liên quan đến vấn đề này” với việc các tiểu bang thông qua luật định nghĩa “đất nông nghiệp” và “đất canh tác” khác nhau, một số luật hạn chế các loại nhà đầu tư ngoại quốc khác nhau, một số giới hạn diện tích mà người mua ngoại quốc có thể mua, một số tiểu bang cấm mua các loại đất này nhưng không cấm các loại đất đó, và một số tiểu bang thành lập “cơ quan nghiên cứu mới được ban hành” để theo dõi việc mua đất nhằm chuẩn bị thông qua luật trong các phiên họp trong tương lai.
Các tham luận viên và các nhà lập pháp tiểu bang có chung quan điểm rằng Đạo luật PASS được đưa vào như một sửa đổi trong ngân sách quốc phòng được đề nghị sẽ giúp làm rõ các định nghĩa.
Dự luật này sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Quốc phòng năm 1950 để thêm nông nghiệp vào danh sách các ngành mà Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS) phải xem xét khi xác định liệu một giao dịch có gây ra một mối đe dọa an ninh quốc gia hay không.
Đạo luật này cũng sẽ xem USDA là thành viên thường trực của CFIUS.
Tham luận viên Zoe Lưu, một thành viên của Hội đồng Đối ngoại (Council on Foreign Relations), cho biết ngoại quốc sở hữu “tổng cộng” 3% đất nông nghiệp Hoa Kỳ, trong đó các nhà đầu tư từ Trung Quốc sở hữu chưa đến 1% trong số 40 triệu mẫu Anh đó.
“Ngoại quốc thật sự sở hữu rất ít đất nông nghiệp Mỹ,” bà nói. “Mặc dù số lượng sở hữu ít ỏi như vậy, nhưng điều đó đã gây tranh cãi.”
Bà Lưu nêu ra hai lý do. Đầu tiên là “ở Hoa Kỳ, chúng ta lo ngại rằng quyền sở hữu của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm và chuỗi cung ứng năng lượng của chúng ta,” bà nói. “Và thứ hai, chúng ta cũng lo ngại rằng thông qua các công ty Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc có thể … có quyền truy cập vào không chỉ tài sản của chúng ta, tài sản vật chất của chúng ta mà còn cả thông tin nhạy cảm.”
Là một người sinh ra ở Trung Quốc và sau đó nhập quốc tịch Hoa Kỳ, bà Lưu cho biết trong nhiều năm, đặc biệt là trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã ráo riết theo đuổi “sự tự cung cấp” từ công nghệ đến an ninh lương thực.
Bà cho biết chính sách của nhà lãnh đạo CHND Trung Hoa Tập Cận Bình được xác định bằng một câu: “Chén cơm của người dân Trung Quốc phải được người dân Trung Quốc giữ vững” để bảo đảm họ có thể tự nuôi sống mình mà không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác.
Bà Lưu lưu ý rằng nền kinh tế hậu đại dịch của Trung Quốc đang gặp khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp 21% — cao hơn gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp thông thường. Bà cho biết thêm, kể từ năm 2016, mô hình chung về việc các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc mua đất ở Hoa Kỳ đã thay đổi.
Bà nói rằng có nhiều “khoản đầu tư liên doanh với một tổ chức địa phương” hoặc “các nhóm có uy tín của quốc gia,” cho nên việc xác định “ai thực sự tài trợ cho khoản đầu tư” và “theo dõi dòng tiền” trở nên khó khăn.
Một giải pháp là áp dụng quy tắc “Biết Khách hàng của Quý vị” tương tự như quy tắc được Cơ quan Quản lý Ngành Tài chính (FINRA) sử dụng. Đây là một tập đoàn phi chính phủ điều chỉnh các công ty môi giới thành viên và các thị trường trao đổi.
Quy tắc này nêu rõ: “Mọi thành viên phải cẩn trọng một cách hợp lý, liên quan đến việc mở và duy trì mọi trương mục, để biết [và lưu trữ] các dữ kiện thiết yếu liên quan đến mọi khách hàng và liên quan đến thẩm quyền của mỗi người hành động thay mặt cho khách hàng đó.”
Bà Lưu cho biết Quốc hội nên áp dụng một quy tắc “Biết Khách hàng của Quý vị” hoặc FINRA nên mở rộng và kéo dài quy tắc của mình đối với việc mua đất nông nghiệp.
Các nhà lập pháp tiểu bang: Đạo luật PASS không đầy đủ
Các nhà lập pháp tiểu bang cho biết Đạo luật PASS liên bang được đề nghị vẫn để lại cho họ nhiều vấn đề mơ hồ cần giải quyết. Ví dụ, một số nhà lập pháp lưu ý rằng không có chính sách liên bang liên quan đến quyền sở hữu ngoại quốc đối với loại nhà đất để ở.
Theo Hiệp hội Môi giới Quốc gia (NAR), hồi năm 2022, người mua Trung Quốc đã chi 6.1 tỷ USD cho những ngôi nhà hiện có ở Hoa Kỳ, nhiều hơn bất kỳ những người mua nhà quốc tế nào khác.
Theo một tài liệu báo cáo của NAR, trong khoảng năm 2015-2020, các nhà đầu tư từ Trung Quốc là những người ngoại quốc mua địa ốc để ở hàng đầu tại Hoa Kỳ, chiếm gần 14% tổng số người mua.
Dân biểu Colorado Junie Joseph (Dân Chủ-Thành phố Boulder) cho biết có những lo ngại về việc người mua từ Trung Quốc mua nhà gần các căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng ở tiểu bang của bà, trong khi tiểu bang này không có bất kỳ luật nào quy định quyền sở hữu đất của người ngoại quốc.
“Có một dự luật mà chúng tôi đang xem xét đưa ra vào năm tới và tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng — đây là một vấn đề an ninh quốc gia,” bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng Quốc hội cần dẫn dắt khởi xướng một “chính sách quốc gia về vấn đề này, trái ngược với việc chỉ để cho các tiểu bang [giải quyết]. Vì vậy, tại sao chính phủ liên bang không thực hiện điều này?”
Tham luận viên Dan Burke, giám đốc Đánh giá Rủi ro Đầu tư ngoại quốc của Không lực Hoa Kỳ, cho biết từ “quan điểm của Lực lượng Không quân,” tất cả các vụ mua đất xung quanh căn cứ không quân đều phải được xem xét dựa trên tình trạng gần [căn cứ không quân] như một phần của CFIUS.
Ông không nói chi tiết về những tiêu chuẩn gần [căn cứ không quân] đó là gì và văn phòng của ông đang xem xét vụ mua đất nào, nhưng ông lưu ý rằng trong những tháng gần đây, ông đã đến Grand Forks, North Dakota, bốn lần “và tôi vừa trở về sau chuyến đi đến Colorado.”
Dân biểu Arizona John Kavanaugh (Cộng Hòa-Fountain Hills) cho biết luật liên bang được đề nghị cũng không quy định về các chủ sở hữu ngoại quốc thuê hoặc cho thuê đất hoặc các vấn đề tiềm ẩn do người mua từ các quốc gia không được xác định là “đối thủ” tạo ra.
Ông nói: “Chúng tôi hiện đang có một cuộc tranh cãi lớn ở Arizona về một tổ chức ngoại quốc. Đó là một doanh nghiệp đang thuê đất nông nghiệp ở nam Arizona với mục đích trồng cỏ linh lăng, họ đang vận chuyển trở lại Saudi Arabia bởi vì người ta không cho phép trồng cỏ linh lăng do cỏ này cần quá nhiều nước.”
“Và điều này gây tranh cãi bởi vì họ đang bơm nước từ một tầng chứa nước là ‘tầng chứa nước chuyển giao,’ vốn được cho là sẽ được các khu vực khác của tiểu bang sử dụng.”
Ông Kavanaugh cho biết việc không quy định về đất được thuê hoặc được cho thuê để lại một kẽ hở lớn có thể bị các chủ sở hữu ngoại quốc không có lợi ích lâu dài đối với đất đai lợi dụng.
“Tôi tò mò muốn biết lý do nào mà các tiểu bang dường như nói rằng ‘Quý vị không thể sở hữu, nhưng quý vị có thể thuê mảnh đất đó và quý vị có thể làm cạn kiệt tài nguyên’ nước hoặc khoáng sản,” ông nói. “Lý do đằng sau những luật này là gì?”
Ông Bogner cho biết luật mới của Montana cũng cấm người ngoại quốc thuê đất và ông Burke cho biết quân đội đang “làm việc với [CFIUS] để thu hẹp một số lỗ hổng đáng kể trong các quy định hiện hành,” bao gồm cả việc cho thuê.
Thượng nghị sĩ Tiểu bang Nebraska Myron Dorn (Cộng Hòa-Adams) cho biết các nhà lập pháp ở tiểu bang của ông nêu lên những thắc mắc về cách họ có thể áp đặt các hạn chế mở rộng mà không cần “cho phép không cần tuân thủ” quyền sở hữu đất đai ngoại quốc hiện hành.
Và một vấn đề khác là tính hợp pháp của các dự luật đó. Dự luật được đề nghị ở Texas, nhằm cấm người dân và doanh nghiệp từ “bốn đối thủ lớn” sở hữu đất, đã bị đình trệ do phản ứng dữ dội từ các cộng đồng người Hoa địa phương và các chuyên gia pháp lý. Họ cho rằng những hạn chế đó là phân biệt đối xử và lặp lại luật đất đai bài ngoại vốn đã cấm nhiều người nhập cư Á Châu được sở hữu đất đai.
Vụ kiện liên bang thách thức luật Florida
Thử thách pháp lý đầu tiên có thể xảy ra ở Florida.
Hôm 08/05, Thống đốc Ron DeSantis đã ký một dự luật, SB 264, ‘Đạo luật về Quyền lợi của Ngoại quốc’ cấm công dân và công ty từ Trung Quốc, Nga, Cuba, Bắc Hàn, Iran, và Venezuela mua đất ở Florida trong vòng 10 dặm quanh bất kỳ “cơ sở quân sự hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng nào,” bao gồm hải cảng, phi trường, và nhà máy điện. Những người có thị thực tị nạn và không phải khách du lịch được miễn theo luật, có hiệu lực từ ngày 01/07.
Hôm 22/05, một nhóm công dân Trung Quốc sống ở Florida và một công ty địa ốc đã đệ đơn kiện liên bang lên Tòa án Địa hạt Liên bang ở Tallahassee để thách thức luật này, cho rằng luật này vi phạm quyền được bảo vệ bình đẳng, điều khoản về thủ tục tố tụng, và điều khoản về quyền tối cao theo Hiến pháp Hoa Kỳ cũng như Đạo luật Nhà ở Công bằng.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tham gia cùng bên nguyên đơn. Cơ quan này giữ lập trường rằng SB 264 áp đặt “các lệnh cấm phân biệt đối xử đối với quyền sở hữu và mua địa ốc dựa trên chủng tộc, sắc tộc, ngoại kiều và nguồn gốc quốc gia — và áp đặt các hạn chế đặc biệt hà khắc đối với người đến từ Trung Quốc.”
Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Allen Winsor đã nghe các tranh luận kéo dài hai giờ từ các nguyên đơn đang theo đuổi một kiến nghị khẩn cấp cho một lệnh sơ bộ đình chỉ việc thi hành luật này trong khi luật này được tranh luận tại tòa.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times