Các quốc gia Baltic xây hầm trú ẩn theo dọc biên giới với Nga sau khi có ‘lời đe dọa’ từ ông Putin
Những bình luận chỉ trích của Tổng thống Nga Putin về chính sách đối với dân tộc thiểu số của Latvia khiến các quốc gia Baltic xem là ‘lời đe dọa.’ Estonia, Latvia, và Lithuania đã công bố dự định xây dựng hàng trăm hầm trú ẩn dọc theo biên giới phía Đông.
Trong tương lai gần, Albania có thể sẽ không còn là “đất nước có hàng ngàn hầm trú ẩn” duy nhất ở châu Âu nữa. Không một quốc gia nào từng có kế hoạch xây dựng hầm trú ẩn lên tới hàng trăm ngàn hầm như ở quốc gia cộng sản cũ dưới thời cựu Thủ tướng Enver Hoxha này.
Tuy nhiên, theo một bản tin của Spiegel, các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia, và Lithuania đang có mong muốn xây dựng ít nhất vài trăm hầm trú ẩn ngay trên biên giới với Liên bang Nga.
Hầm trú ẩn được xây dựng nhằm thực hiện các kế hoạch phòng thủ của NATO
Hôm thứ Sáu (19/01), các bộ trưởng quốc phòng của ba quốc gia này thông báo tại thủ đô Riga của Estonia rằng họ đã đạt được thỏa thuận về “đường phòng thủ Baltic” chung. Cố vấn của Estonia, ông Mikk Tarros, giải thích trên X rằng kế hoạch này xoay quanh “các vị trí phòng thủ được củng cố dọc theo biên giới phía Đông.” Những vị trí này có thể “được liên kết với nhau trong thời kỳ khủng hoảng.” Đây cũng là một hành động được tiến hành trong khuôn khổ các kế hoạch phòng thủ của NATO.
Estonia, Latvia and Lithuania decided to create a common Baltic defence line along their eastern border today.
This means creating fortified defence positions that could be connected in times of crisis. This is an actual implementation of NATOs defence plans. #BalticDefenceLine pic.twitter.com/Rs4xUEtGMc
— Mikk Tarros (@MikkTarros) January 19, 2024
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết các cơ sở này phục vụ mục đích “bảo vệ Estonia ngay từ những tấc đất đầu tiên.” Người đồng cấp Latvia của ông, ông Andris Spruds, than phiền rằng cả ba quốc gia đều phải đối mặt và giáp ranh với “cùng một nước láng giềng hung hăng và đầy thách thức.”
Ông Putin chỉ trích cách cộng đồng người Nga được đối đãi ở Latvia
Theo một tuyên bố gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Latvia, ông Putin đã nói rằng “hạnh phúc sẽ không đến với mái ấm” của những quốc gia có chính sách bài Nga như vậy. Tuyên bố này được xem như là một “lời đe dọa.”
Tổng thống Nga đã nói về cách đối xử “thô lỗ” đối với các dân tộc thiểu số tại quốc gia này. Đặc biệt, ở Estonia và Latvia có hơn 20% người nói tiếng Nga như là tiếng mẹ đẻ của họ, trong số đó có một số người đã bị từ chối cấp quốc tịch sau khi Liên Xô tan rã. Những người như thế chủ yếu là những người Nga đã di cư đến đây sau khi Baltic bị Liên Xô sáp nhập vào năm 1940-1941.
Thậm chí ngày nay, khoảng 9.3% người nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ ở Latvia vẫn không được xem là công dân nước này. Họ có một số quyền lợi hơn so với những người không có quốc tịch theo cách thông thường, nhưng có thể không được làm một số công việc hoặc không có quyền bầu cử. Để trở thành công dân Latvia, họ phải chứng minh được khả năng sử dụng tiếng Latvia và hiểu biết về Hiến Pháp. Nhiều người bị ảnh hưởng, đa phần là những người lớn tuổi, đã từ chối thực hiện thủ tục này — nhiều người trong số họ lấy lý do là họ đã sống ở khu vực này với tư cách là công dân chính thức vào thời Xô Viết.
Tổ chức Ân xá Quốc tế và Ủy hội Âu Châu đã nhiều lần chỉ trích Latvia về cách đối xử với những người không được xem là công dân này. Tuy nhiên gần đây, quy định này chỉ liên quan đến một vài ngàn công dân Nga, những người mà chính phủ địa phương đã hứa là sẽ thực hiện các bài kiểm tra về khả năng sử dụng ngôn ngữ trong tương lai.
Các hầm trú ẩn dự kiến sẽ bắt đầu được xây dựng từ năm 2025
Cả Estonia, Latvia, và Lithuania đều trở thành thành viên của NATO kể từ năm 2004. Khi đó, Tổng thống Putin từng bày tỏ “lo ngại” liên quan đến an ninh của Liên bang Nga. Bởi vì dù sao thì ba quốc gia Baltic này cũng là ba nước đầu tiên thuộc Liên Xô cũ gia nhập NATO, một liên minh mà sau đó đã bắt đầu ngày càng hiểu được vai trò của mình với tư cách là một “cộng đồng phòng thủ chung” theo chiều hướng ngày càng tích cực.
Một số hiềm khích xoay quanh các cuộc tuần hành của các cựu binh SS, việc đối đãi với tượng đài của các binh sĩ Hồng quân, và hình khắc biên giới quốc gia trên tiền xu đã khiến mối bang giao của Nga với các quốc gia vùng Baltic trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, kể từ khi các quốc gia này trở nên độc lập, thì cho đến thời điểm gần đây vẫn chưa có nguy cơ leo thang nào xảy ra.