Phân tích: EU gia tăng nỗ lực thu hút các nước Tây Balkan làm thành viên mới
Kế hoạch tăng trưởng trị giá 6 tỷ euro của EU dành cho Tây Balkan phụ thuộc vào những cải tổ kinh tế-xã hội cụ thể mà những quốc gia này phải thực hiện.
Trong bối cảnh Liên minh Âu Châu thực hiện một cách tiếp cận táo bạo, chủ động trong việc kết nạp thêm thành viên mới, khối này đang cố gắng tự cải tổ để giải quyết việc mở rộng.
Lãnh đạo của sáu quốc gia Tây Balkan — Albania, Bosnia, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia, và Serbia — đã gặp nhau hôm thứ Hai (22/01) tại Skopje, Bắc Macedonia, để thảo luận về những cải tổ cần thiết nhằm tiếp cận kế hoạch tăng trưởng mới của EU dành cho Tây Balkan.
Theo một tuyên bố, hồi tháng 11/2023, Ủy ban Âu Châu — cơ quan điều hành của Liên minh Âu Châu — đã thông qua một kế hoạch tăng trưởng mới trị giá 6 tỷ euro (6.5 tỷ USD) để đẩy nhanh việc các nước Tây Balkan gia nhập EU từ năm 2024-2027.
Ủy ban Âu Châu cho biết mục tiêu của kế hoạch này là giúp các quốc gia xin gia nhập đẩy mạnh các cải tổ cần thiết để tham gia EU.
Ủy ban cho biết, quỹ được phân bổ gồm 2 tỷ euro (2.2 tỷ USD) viện trợ và 4 tỷ euro (4.3 tỷ USD) vay ưu đãi, nhưng các khoản này chỉ được trao sau khi các quốc gia Tây Balkan thực hiện “các cải tổ về căn bản và về kinh tế-xã hội cụ thể” mà họ đã đồng thuận.
Ông Gert Jan Koopman, Tổng Giám đốc Ủy ban Âu Châu về Đàm phán Vùng lân cận và Mở rộng cho biết: “Kế hoạch tăng trưởng là một yếu tố thay đổi cuộc chơi tiềm năng và có thể tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế của quý quốc trong thập niên tới.”
Kế hoạch này đặt ra điều kiện tiên quyết để Serbia và Kosovo giải quyết các vấn đề tồn đọng của họ thông qua các cuộc đàm phán do nhà ngoại giao hàng đầu này của EU tạo thuận tiện.
Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo bắt nguồn từ cuộc chiến ở Kosovo năm 1998 và 1999. Kosovo là nơi sinh sống của người Albania, chủ yếu theo Hồi Giáo, trong khi Serbia chủ yếu theo đạo Cơ Đốc Giáo. Kosovo giành được độc lập từ Serbia vào năm 2008 nhưng Serbia và một số nước Âu Châu khác vẫn chưa công nhận nền độc lập của quốc gia này.
Thị trường Đơn nhất Âu Châu
Ủy ban cho biết, kế hoạch tăng trưởng cũng nhằm mục đích để Tây Balkan hội nhập vào thị trường đơn nhất của Liên minh Âu Châu, đòi hỏi họ phải mở cửa các lĩnh vực và khu vực liên quan cho tất cả các nước láng giềng cùng một lúc.
Thị trường đơn nhất Âu Châu quy định rằng hàng hóa, dịch vụ, vốn, và con người được di chuyển tự do.
Do đó, các quốc gia mong muốn tham gia thị trường này trước tiên nên tạo ra một “thị trường khu vực chung” Tây Balkan, mà theo ủy ban, đây là “bước đệm cho các cơ hội của thị trường chung. Ủy ban khẳng định: “Thị trường khu vực cũng rất quan trọng để khắc phục các thị trường nhỏ bị phân tán, giúp doanh nghiệp cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư, và giữ chân nhân viên.”
Ở khu vực Tây Balkan, “tổng số giờ mà các xe tải phải chờ đợi ở biên giới mỗi năm là 28 triệu giờ — một gánh nặng chiếm 1% GDP của khu vực,” ủy ban lấy ví dụ để minh họa quan điểm của mình. “Xây dựng một thị trường chung gồm 18 triệu dân, hoạt động dựa trên các quy tắc của EU, có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với Tây Balkan và sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực này lẫn EU.”
Ủy ban cho biết, việc xây dựng một thị trường khu vực cũng sẽ khiến cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực thu về nhiều lợi ích hơn và sẽ thu hút thêm các khoản đầu tư.
Bosnia
Hôm thứ Ba (23/01), Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, thủ tướng Hà Lan, và thủ tướng Croatia đã yêu cầu Bosnia phải tiếp tục cải tổ và nắm bắt cơ hội để bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh Âu Châu trước khi khối 27 quốc gia này tổ chức một cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện vào tháng Sáu tới.
Ba quan chức cao cấp này đã đến thăm đất nước Bosnia-Herzegovina và cho biết trong một cuộc họp báo ở Sarajevo rằng, mặc dù quốc gia Balkan này đã đạt được tiến bộ trong việc đạt được các tiêu chí để bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức, nhưng họ còn nhiều việc phải làm để giành được một khuyến nghị tích cực từ Ủy ban Âu Châu vào tháng Ba.
Bà von der Leyen thừa nhận việc Bosnia ban hành các luật để đáp ứng các yêu cầu gia nhập, chẳng hạn như “tính liêm chính của cơ quan tư pháp,” nhưng bà nói thêm rằng Ủy ban cần nhận thấy sự tiến bộ “về ‘các nguyên tắc căn bản’ của việc gia nhập EU, điều này sẽ yêu cầu ban hành thêm nhiều luật nữa nhắm vào các vấn đề “rửa tiền, xung đột lợi ích, và chẳng hạn như luật về tòa án.”
Thủ tướng Bosnia Bojana Kristo hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung và làm việc chăm chỉ” để đạt được những mục tiêu này.
Bosnia nằm trong số sáu quốc gia Tây Balkan đang tìm cách gia nhập EU sau thời kỳ chiến tranh và khủng hoảng vào những năm 1990. Tiến trình này đã bị đình trệ trong nhiều năm, nhưng vào năm 2022, Bosnia đã được cấp tư cách ứng cử viên và hồi năm ngoái, Hội đồng Âu Châu cho biết rằng các cuộc đàm phán gia nhập có thể bắt đầu sau khi đạt được mức độ tuân thủ cần thiết.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã đề cập đến trang sử đen tối trong lịch sử chung của Bosnia và Hà Lan, đề cập đến nạn diệt chủng ở Srebrenica năm 1995 khiến hơn 8,000 người thiệt mạng.
Theo Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ, vào thời điểm đó, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc mang quốc tịch Hà Lan đã “chuyển những người dưới sự bảo vệ của họ cho người Serb ở Bosnia,” điều này đã góp phần gây ra nạn diệt chủng. “Hồi năm 2017, Tòa phúc thẩm La Hay đã ra phán quyết rằng Hà Lan phải chịu một phần trách nhiệm về việc khoảng 350 người Hồi Giáo thiệt mạng ở Srebrenica.”
“Chúng tôi ủng hộ tham vọng gia nhập Liên minh Âu Châu của Bosnia vì rốt cuộc lợi ích chung của chúng tôi là để [đất nước Bosnia-Herzegovina] có được vị trí trong gia đình Âu Châu với tư cách là một quốc gia thống nhất và có chủ quyền,” ông Rutte cho biết, theo Đài Truyền hình N1 có trụ sở tại Balkans.
Theo Đài N1, ông Rutte cho biết Bosnia vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để tiến tới mở đầu giai đoạn đàm phán, đây là giai đoạn tiếp theo của tiến trình gia nhập.
“Theo như những gì Hà Lan nhận thấy, không có đường tắt, mà việc cải tổ là cần thiết. Sẽ có rất nhiều việc phải làm trong sáu tuần tới. … Thời gian không còn nhiều; đến cuối tháng Ba thì có hội này sẽ không còn nữa,” ông Rutte cảnh báo, theo N1.
Ông Andrej Plenkovic, Thủ tướng Croatia, một nước thành viên EU giáp Bosnia, kêu gọi quốc gia Balkan này nắm bắt điều mà ông cho là những thay đổi “mang tính xây dựng” trong các chính sách vì Ukraine của EU. Ông cảnh báo rằng “nếu chúng ta bỏ lỡ tháng Ba, thì [cơ hội cho] cả một năm sẽ qua đi” vì cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu sắp diễn ra từ ngày 06 đến 09/06.
Ông nói: “Thông điệp của tôi, lời kêu gọi của tôi tới tất cả những bằng hữu và đối tác của chúng ta, là hãy tận dụng cơ hội này, thời cơ đã được mở ra này.”
Kêu gọi cải tổ EU
Theo một tuyên bố, để bảo đảm rằng EU có thể tiếp nhận các thành viên mới trong dài hạn, các nghị sĩ EU đã kêu gọi cải tổ thể chế và tài chính của Liên minh.
Tuyên bố cho biết, các nghị sĩ khuyến nghị nên giảm sử dụng sự đồng thuận trong quá trình ra quyết định của EU, mà thay vào đó nên sử dụng các phương thức linh hoạt hơn, chẳng hạn như bỏ phiếu đa số đủ điều kiện đối với một số đề xướng lập pháp nhất định.
Tuyên bố này cho biết việc tính toán các ngưỡng bỏ phiếu đa số đủ điều kiện cần được sửa đổi để cải thiện “sự cân bằng giữa các quốc gia lớn hơn và nhỏ hơn, đồng thời đặt ra ngưỡng cao hơn cho các quyết định quan trọng nhất.”
Một Nghị viên của Nghị viện châu Âu, ông Pedro Silva Pereira, từ Bồ Đào Nha, đại diện cho Liên minh Tiến bộ Người theo Xã hội chủ nghĩa và Dân chủ, cho biết trong tuyên bố nói trên, rằng EU sẽ không thể tiếp nhận thêm các nước thành viên mới nếu [những nước đó] không cải tổ thể chế và tài chính. “Một EU mở rộng, với 35 quốc gia thành viên trở lên, không thể hoạt động theo các quy tắc hiện hành được thiết lập cho 27 quốc gia.”
Tuyên bố này cho biết việc nới lỏng yêu cầu bỏ phiếu đồng thuận sẽ diễn ra trước khi các hiệp ước EU có thể được sửa đổi.
Hồi tháng 11/2023, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một đề nghị sửa đổi các hiệp ước EU. Một trong những bản tu chính được đề xướng khuyến nghị giới hạn số lượng ủy viên trong cơ quan điều hành EU ở mức 15 người.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times