Quy định quá mức của Ủy ban Âu Châu: Nông dân Âu Châu biểu tình, tỷ lệ tự tử của nông dân Pháp đang ở mức rất cao
Nông dân hiện đang biểu tình ở nhiều quốc gia Âu Châu. Nguyên nhân sâu xa của việc nông dân biểu tình là gì và có những điểm chung nào giữa những quốc gia có biểu tình?
Cuộc biểu tình của nông dân Đức đã mở rộng thành cuộc biểu tình của giai tầng trung lưu. Ngoài các nông dân, trong tuần lễ từ ngày 15-21/01, các nhà vận chuyển, tài xế xe tải, và các công ty giao nhận hàng hóa cũng đã xuất hiện trên đường phố. Bên cạnh đó, còn có những người kinh doanh ngành nhà hàng, thợ thủ công, và công dân đến từ nhiều ngành nghề khác nhau tham gia biểu tình.
Hiện tượng này không chỉ giới hạn trong nước Đức. Hiện có những cuộc biểu tình tương tự đang diễn ra ở một số quốc gia Âu Châu khác. Tuy nhiên, truyền thông nội địa ít khi đề cập hoặc thậm chí không đề cập gì đến điều này. Có vẻ như ngay cả ChatGPT cũng không hiểu biết nhiều về chủ đề này.
Ban đầu ChatGPT không đề cập đến cuộc biểu tình nào
Khi được hỏi “Trong những ngày và tuần vừa qua, các cuộc biểu tình của nông dân diễn ra ở những quốc gia nào ngoài Đức?” câu trả lời của chatbot* phiên bản 4.0 là:
“Hiện tại, không có báo cáo nào xác nhận về cuộc biểu tình của nông dân ở các quốc gia khác ngoài Đức mà có liên quan trực tiếp đến cuộc biểu tình ở Đức. Mặc dù có những tuyên bố trên mạng xã hội rằng nông dân từ Áo và Hungary sẽ tham gia vào cuộc biểu tình ở Đức, nhưng những tuyên bố này đã bị bác bỏ. Video lan truyền tương ứng đã được xác thực là tư liệu cũ và là cảnh quay về một cuộc biểu tình tại khu vực Koblenz, Đức. Các hiệp hội nông dân ở Áo và Hungary cũng không có thông tin về các cuộc biểu tình có tổ chức hoặc các cuộc biểu tình thể hiện sự đoàn kết liên quan đến cuộc biểu tình của nông dân Đức.”
Ngược lại, các phóng viên của Epoch Times trong chương trình “Trực tiếp Tại Hiện Trường” (Vor Ort) đã ghi nhận được sự ủng hộ từ ngoại quốc đối với cuộc biểu tình của nông dân, ví dụ như từ Ba Lan và Hungary.
‘Cũng có các cuộc biểu tình của nông dân trên toàn quốc tại Romania’
Nếu quý vị hỏi lại Bot này (“Có cuộc biểu tình nào của nông dân ở các quốc gia khác mà không liên quan trực tiếp đến cuộc biểu tình ở Đức không?”) và đưa ra một gợi ý nhỏ (“ví dụ như ở Romania?”), thì quý vị sẽ nhận được một câu trả lời khẳng định.
“Vâng, hiện nay cũng có các cuộc biểu tình của nông dân trên toàn quốc tại Romania. Những cuộc biểu tình này là do nông dân và người vận chuyển thực hiện và đã khiến một phần giao thông bị tắc nghẽn. Những người biểu tình ở Romania đang yêu cầu giảm thuế, trợ cấp và bồi thường nhiều hơn, cũng như nhiều điều khác, cho những bất lợi mà họ phải gánh chịu mà được cho là do ngũ cốc nhập cảng từ Ukraine gây ra. Cuộc biểu tình này đã lan rộng và hiện diễn ra ở 27 trong tổng số 41 khu vực hành chính của đất nước này, bao gồm cả việc phong tỏa bằng máy kéo và các phương tiện khác ở ít nhất tám thành phố, trong đó có thủ đô Bucharest cũng như ở các cảng nhập cảnh biên giới với Hungary và Serbia. Những cuộc biểu tình đầu tiên bắt đầu cách đây một tuần, và cho đến nay, cuộc đàm phán với chính phủ vẫn chưa làm hài lòng các hiệp hội nông dân. Dự kiến sẽ có thêm những cuộc biểu tình và đàm phán giữa nông dân và chính phủ trong những ngày sắp tới.”
Nông dân cũng đang biểu tình ở các quốc gia Âu Châu khác
Ở Pháp, cuộc biểu tình chủ yếu tập trung vào miền Nam. Có các cuộc biểu tình và phong tỏa chủ yếu ở tại và xung quanh Toulouse, trên các con đường nông thôn và một số xa lộ. Đài truyền hình khu vực của chính phủ France 3 đã ghi lại sự kiện này hôm 21/01/2024:
“Các đường cao tốc bị đóng cửa, những đống rơm nằm giữa đường, những chiếc máy kéo đậu giữa trung tâm thành phố Toulouse, những thùng rác được đổ lên các tòa nhà chính quyền. Những hành động chống đối của nông dân thường rất nổi bật và ấn tượng.”
Điều này cũng áp dụng cho các cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Toulouse, nơi quy tụ hàng ngàn nông dân và 450 máy kéo trong tuần lễ từ ngày 15-21/01. Thành phố đã tuyên bố thiệt hại tổng cộng 75,000 euro.
Hôm 22/01, đài truyền hình Pháp LCI đưa tin về những kiện rơm bị đốt cháy làm tắc nghẽn đường cao tốc A64 trong đêm.
Tỷ lệ tự tử của nông dân Pháp cao hơn 20-30% so với trung bình dân số
Nguyên nhân của cuộc biểu tình có thể xuất phát từ một số vấn đề. Bao gồm sự tăng giá phí nước, việc làm đắt đỏ nhiên liệu diesel nông nghiệp, chi phí năng lượng tăng cao, và tình hình thu nhập chung không ổn định của nông dân trong khu vực.
Phóng viên LCI, cô Catherine André, đã giải thích trong một cuộc thảo luận trên kênh tin tức này rằng thu nhập trung bình của nông dân Pháp là 1,860 euro. Những người chăn nuôi gia súc sẽ nhận được 1,480 euro, những người chăn nuôi cừu và dê sẽ nhận được 680 euro mỗi tháng. 15% nông dân sẽ không thể kiếm được bất kỳ thu nhập nào. Tỷ lệ tự tử trong ngành vô cùng cao: hai vụ tự tử mỗi ngày, đây là theo số liệu từ năm 2015.
Ngoài ra, các lệnh cấm thuốc trừ sâu của EU và các khó khăn thử thách trong khu vực như hạn hán dai dẳng và sự lây lan của bệnh xuất huyết trên gia súc (EHD) cũng đóng một vai trò nào đó. Nông dân Pháp đang yêu cầu giảm các mức giá đang tăng, chấm dứt các quy trình hành chính quan liêu, và trợ cấp từ phía chính phủ.
Quay ngược biển báo địa phương như một hành động biểu tình phản đối: ‘Thế giới đang bị đảo lộn’
Các cuộc biểu tình bắt đầu vào mùa thu năm 2023. Như một hành động mang tính biểu tượng, nông dân đã quay ngược lại các biển hiệu ở nhiều thị trấn. Biển hiệu bị đảo ngược thể hiện ý nghĩa: Thế giới đang bị đảo lộn, hoặc như một thông điệp trên một tấm biểu ngữ cho biết:
“Chúng tôi nuôi sống các vị, nhưng lại đang bỏ đói chính mình.”
Chính phủ Pháp đã nhượng bộ một phần trước áp lực từ nông dân và từ bỏ kế hoạch tăng phí nước thải và thuế “ô nhiễm lan tỏa” (diffuse pollution) được thu từ việc bán thuốc trừ sâu.
Tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã tiếp kiến các hiệp hội nông nghiệp hôm 22/01. Dự thảo luật sắp được trình bày sẽ bị hoãn lại một vài tuần để tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán.
Biểu tình ở Hà Lan, Ba Lan, Hungary, và Bulgaria
Ở Hà Lan, các kế hoạch giảm quy mô nông nghiệp đã dẫn đến các cuộc biểu tình liên tục, sự đắc cử của một đảng mới của công dân và nông dân, và cuối cùng là dẫn đến sự rạn nứt trong chính phủ.
Cũng đã có những cuộc biểu tình của nông dân ở Ba Lan, Hungary, và Bulgaria trong các tuần và tháng gần đây. Các liên đoàn nông nghiệp Ý và Tây Ban Nha cũng đang cân nhắc biểu tình.
Kích hoạt quốc gia
Trong một số trường hợp, nguyên nhân có tính chất quốc gia, chẳng hạn như sự bùng phát của bệnh xuất huyết trên gia súc (EHD) ở Pháp. Virus lây truyền qua muỗi này chủ yếu ảnh hưởng đến hươu và bò. Căn bệnh khiến vật nuôi bị sốt, sụt cân, lở miệng, khó thở, hoặc thậm chí đi lại khó khăn.
Các trang trại của nông dân bị ảnh hưởng ở Pháp trong bán kính 150 km đã bị đóng cửa vì lý do an toàn, và lệnh cấm động vật rời khỏi đất nước đã được ban hành. Hiện có 3,729 cụm dịch được ghi nhận ở 20 tỉnh thành.
Nhập cảng nông sản giá rẻ từ Ukraine
Ở Đông Âu, việc nhập cảng ồ ạt các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ từ Ukraine đã khiến nông dân xuống đường. Ở Ba Lan, Bulgaria, Slovakia, Romania, và Hungary, số lượng lớn lúa mạch, hạt cải dầu, và ngô trên thị trường nông nghiệp đã khiến giá cả giảm và các kho chứa trống rỗng đối với các nhà sản xuất địa phương. Đáp lại, nông dân Ba Lan đã chặn cảng nhập cảnh biên giới quan trọng với Ukraine để thu hút sự chú ý về vấn đề này. Sau khi chính phủ Ba Lan hứa trợ giúp, việc chặn đường đã dừng lại.Bà Christiane Lambert, Chủ tịch Ủy ban các Hiệp hội Nông nghiệp (COPA) của Liên minh Âu Châu, nhận thấy, bất chấp sự khác biệt giữa các quốc gia, có những điểm tương đồng nhất định giải thích cho sự bức xúc của nông dân. Trong một cuộc phỏng vấn với France 3, bà giải thích:
“Hiện nay có một tình trạng quy định quá mức. Ủy ban Âu Châu muốn thông qua các văn bản về khôi phục thiên nhiên và hướng dẫn về khí thải công nghiệp trong chăn nuôi trước cuộc bầu cử tiếp theo ở châu Âu. Tuy nhiên, văn bản về chất bảo vệ thực vật và bảo vệ động vật đã không được thông qua. Thỏa thuận Xanh Châu Âu (hướng tới giảm lượng khí CO₂ phát thải) vẫn đang dẫn đến sự sụt giảm sản xuất nông nghiệp.”
17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc
Định hướng chính sách Nông nghiệp của Liên minh Âu Châu (EU) đang dựa theo kế hoạch hành động 2030 của Liên Hiệp Quốc. Nghị trình được gọi là các mục tiêu phát triển bền vững này hiện đã được đưa vào hệ thống các tổ chức, trường học, và trung tâm đào tạo nghề. Mặc dù các mục tiêu này chưa bao giờ được đưa ra bầu chọn trực tiếp trong một quá trình bỏ phiếu dân chủ, nhưng 17 điểm này lại có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và tình hình chính trị tại Đức, châu Âu, và trên toàn thế giới.
Bộ phim tài liệu “No Farmers no Food – Will You Eat the Bugs?” (Không có nông dân, Không có lương thực: Quý vị sẽ ăn sâu bọ chứ?) đề cập đến các kế hoạch và mục tiêu đằng sau nghị trình đó. Bộ phim tài liệu này của Epoch Times cũng kể về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực và cuộc đấu tranh sinh tồn của các nông dân. Anh Roman Balmakov, người dẫn chương trình của Epoch Times, đã đi nửa vòng trái đất để thu thập thông tin cho bộ phim.