PHÂN TÍCH: Việc gia nhập NATO cho thấy Thụy Điển đã chấm dứt chính sách trung lập lâu năm
Thụy Điển đã gia nhập NATO trước những lo ngại ngày càng tăng về an ninh.
Trong một bước chuyển mình lớn sau hơn hai thế kỷ giữ trung lập, Thụy Điển đã sẵn sàng trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Nghị viện Hungary phê chuẩn đơn ghi danh của nước này.
Xảy ra sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, hành động này đã định hình lại lập trường chính sách ngoại giao của Thụy Điển từ không liên kết sang tích cực tham gia phòng thủ tập thể và đi theo các giá trị dân chủ do Hoa Kỳ và các đồng minh thúc đẩy.
Quyết định hôm 26/02 của Nghị viện Hungary về việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển là bước cuối cùng trong quá trình mở rộng liên minh này, báo hiệu một xu thế lớn hơn: sự suy giảm trong tính trung lập toàn cầu khi căng thẳng địa chính trị leo thang.
Cùng với nước lân bang Phần Lan, Thụy Điển đã tìm kiếm tư cách thành viên NATO trước những lo ngại về an ninh ngày càng tăng trong khu vực, vốn đã càng trở nên nghiêm trọng hơn sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Trong khi tư cách thành viên của Phần Lan được xác nhận vào năm 2023 thì hành trình gia nhập của Thụy Điển đã kết thúc với sự chấp thuận của Hungary, đánh dấu một thời điểm trọng đại trong lịch sử của quốc gia này.
Thể hiện sự hân hoan trước diễn biến mới nhất này, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã gọi việc gia nhập NATO là “mang tính lịch sử,” nhấn mạnh cam kết của Thụy Điển trong việc đóng góp cho các nghĩa vụ an ninh tập thể của liên minh trong một tin nhắn trên X (trước đây là Twitter).
Chia sẻ niềm vui này, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh việc Thụy Điển gia nhập, khẳng định rằng điều này sẽ “làm cho Liên minh của chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn,” củng cố sự thống nhất chiến lược và tư thế phòng thủ của các quốc gia thành viên trước những thách thức an ninh của hiện tại và tương lai.
Từ trung lập đến NATO: Sự thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách an ninh
Thụy Điển, một cường quốc Bắc Âu với nền kinh tế thịnh vượng, có GDP trung bình trên dân số là 65,000 USD vào năm 2023 và dân số khoảng 10 triệu người, đang đứng trước ngã rẽ mang tính lịch sử. Từng là một cường quốc thống trị ở Bắc Âu, vượt qua cả Nga về sức mạnh quân sự trong thế kỷ 17, bối cảnh địa chính trị của Thụy Điển đã được định hình bởi cạnh tranh, xung đột, và trung lập chiến lược trong nhiều thế kỷ.
Sự vươn lên của đất nước này bắt đầu bằng vai trò của họ trong Chiến tranh Ba Mươi Năm (1618–1648), cuộc chiến đưa Thụy Điển trở thành một trong những cường quốc lớn ở châu Âu. Tuy nhiên, những ngọn sóng quyền lực đã đổi chiều trong Đại chiến Bắc Âu (1700–1721), với việc Thụy Điển phải nhượng lại vị thế thống trị của mình cho Đế quốc Nga đang trỗi dậy. Khoảnh khắc then chốt xảy ra vào năm 1809, khi Thụy Điển bị đánh bại trong Chiến tranh Phần Lan (1808–1809), buộc phải nhường Phần Lan cho Nga, khiến ảnh hưởng về lãnh thổ và chính trị của nước này suy giảm.
Sau thời kỳ Các cuộc chiến tranh của Napoleon (1799–1815), việc Thụy Điển giành được Na Uy từ Đan Mạch như đã nêu trong quy định của Hòa ước Kiel (14/01/1814), và Chiến tranh Thụy Điển-Na Uy năm 1814 sau đó, đánh dấu những trận chiến cuối cùng của Thụy Điển. Từ đó trở đi, Thụy Điển đi theo con đường trung lập, lập trường sau này được cải tiến thành không liên kết sau Chiến Tranh Lạnh, duy trì khoảng cách với các liên minh quân sự trong khi tham gia các nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế.
Bất chấp lịch sử tránh xa các cuộc xung đột toàn cầu, bao gồm cả hai cuộc chiến tranh thế giới, chính sách an ninh của Thụy Điển đã có sự thay đổi to lớn sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine năm 2022. Sự kiện này, được người dân Thụy Điển xem là mối đe dọa trực tiếp, đã đóng vai trò như một chất xúc tác cho việc đánh giá lại lập trường trung lập lâu năm của quốc gia này.
Sự thay đổi trong quan điểm chính trị và thái độ của công chúng đã kết thúc bằng việc Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO vào ngày 18/05/2022, một quyết định đánh dấu sự thay đổi hướng đi sau hơn hai thế kỷ không liên kết quân sự.
Lời mời chính thức của NATO đã được gửi tới Thụy Điển và Phần Lan vào tháng 06/2022, theo sau là việc ký kết các nghị định thư gia nhập, đánh dấu một chương mới trong chiến lược phòng thủ của Thụy Điển, nhấn mạnh đến an ninh tập thể thay vì lập trường trung lập trong quá khứ.
Sự chuyển dịch trong chính sách này, như chuyên gia bình luận về các vấn đề thời sự Trung Quốc và nhân vật truyền thông Thạch Sơn (Shi Shan) lưu ý, thể hiện một “sự kiện mang tính bước ngoặt” trong chính sách quốc gia của Thụy Điển, phản ánh sự thích ứng đáng kể với môi trường an ninh toàn cầu đang biến hóa không ngừng này.
Chất xúc tác đằng sau việc gia nhập NATO
Các yếu tố then chốt thúc đẩy quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển có mối liên hệ sâu sắc với thái độ hung hãn của Nga, nổi bật là việc nước này xâm lược Ukraine và liên tục đe dọa tấn công bằng hạt nhân. Lập trường của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt là việc ông tỏ thái độ miễn cưỡng rõ ràng trong việc tiến hành các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Hoa Kỳ, được xem như là một hình thức tống tiền hạt nhân.
Cảm nhận được mối đe dọa trực tiếp từ sự khó đoán của Nga và từ kho vũ khí hạt nhân to lớn của nước này, Thụy Điển đã tìm kiếm sự bình tâm dưới chiếc dù bảo vệ của Hoa Kỳ và NATO. Những lo ngại về an ninh ngày càng gia tăng ở châu Âu, càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi các hành động của Nga khiến cộng đồng quốc tế cảnh giác, nhấn mạnh tính cấp bách của mối liên kết này.
Ông Thạch giải thích rõ hơn về tính cần thiết của sự bảo vệ từ NATO, đặc biệt là trong bối cảnh các mối đe dọa hạt nhân, “Đối với các nước như Thụy Điển … việc đối đầu với Nga trong chiến tranh thông thường là có thể, nhưng một khi xung đột có liên quan đến vũ khí hạt nhân, thì nó sẽ trở thành một vấn đề hoàn toàn khác … Thụy Điển cần sự bảo vệ của NATO.”
Điều thú vị nhưng vô cùng nghịch lý đó là sự phản đối kịch liệt của ông Putin đối với việc mở rộng về phía đông của NATO đã thúc đẩy sự phát triển của khối này, không chỉ về phía đông mà còn đáng kể về phía bắc, để bao gồm cả Phần Lan và Thụy Điển. Sự mở rộng này đã thúc đẩy Nga tái cấu trúc quân đội, thể hiện vũ điệu phức tạp của quyền lực và an ninh vốn định hình bối cảnh địa chính trị hiện tại.
Thay đổi chiến lược ở Biển Baltic
Việc Thụy Điển gia nhập NATO đánh dấu sự tái tổ chức chiến lược ở khu vực Biển Baltic, mà trên thực tế là hoàn thiện vòng vây của khối liên minh NATO đối với khu vực quan trọng này. Sau nhiều thập niên cam kết trung lập, được nhấn mạnh thông qua khả năng quân sự mạnh mẽ để duy trì vị thế không liên kết của mình, Thụy Điển đã thay đổi lập trường.
Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng của Thụy Điển đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh, từ 2.6% GDP năm 1990 xuống còn 1.2% vào năm 2020, phản ánh sự chuyển đổi sang vai trò gìn giữ hòa bình toàn cầu thay vì quốc phòng.
Sự trỗi dậy của những lo ngại về an ninh khu vực, đặc biệt là các hoạt động xâm lược của Nga ở Ukraine, đã khiến Thụy Điển đánh giá lại chi tiêu quân sự và tư thế chiến lược của mình. Đến tháng 03/2022, Thụy Điển cam kết tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, với các dự báo cho thấy mức tăng lên 2.1% vào năm 2024, biểu thị cam kết mạnh mẽ hơn trong việc tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa ngày càng tăng.
Việc Thụy Điển gia nhập NATO kéo theo những sửa đổi đáng kể đối với các hoạt động quân sự của nước này, chuyển từ các nhiệm vụ độc lập sang các nỗ lực phòng thủ hợp tác phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO.
Ông Jan Henningson đến từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (FOI) nhấn mạnh sự cần thiết của việc Thụy Điển điều chỉnh các chiến lược phòng thủ của mình để phù hợp với khuôn khổ an ninh tập thể của liên minh. Ông Robert Dalsjo, một nhà phân tích khác của FOI, người đã nhấn mạnh hơn nữa lập trường hợp tác này, nêu bật tầm quan trọng của việc Thụy Điển phải học cách hoạt động với vai trò là thành viên của một nhóm, tức là không chỉ tập trung vào việc phòng thủ của quốc gia mình mà còn cần bảo vệ cả các lãnh thổ của đồng minh.
Tầm quan trọng chiến lược của Thụy Điển với tư cách thành viên NATO là không thể xem nhẹ. Với lực lượng quân sự lớn nhất ở khu vực Bắc Âu, bao gồm một phi đội khoảng 100 chiến đấu cơ được trang bị vũ khí dẫn đường chính xác tân tiến và khả năng tác chiến điện tử, Thụy Điển đã tăng cường đáng kể khả năng răn đe và tư thế phòng thủ của NATO chống lại Nga. Hơn nữa, chuyên môn của Thụy Điển về chiến tranh tàu ngầm, đặc biệt phù hợp với độ sâu nông của Biển Baltic, đã bổ sung thêm một khía cạnh độc đáo cho năng lực hàng hải của NATO.
Ý nghĩa của việc Thụy Điển gia nhập NATO mở rộng đến việc biến Biển Baltic thành thành trì của sức mạnh liên minh, thách thức sự tự do quân sự của Nga trong khu vực. Việc đảo Gotland của Thụy Điển chỉ cách căn cứ hải quân Kaliningrad của Nga 300 km (186 dặm), đặt Thụy Điển vào vị trí chiến lược để giám sát và chống lại các hoạt động hải quân của Nga, tăng cường an ninh và ổn định của khu vực Biển Baltic.
Sự chuyển đổi của các liên minh toàn cầu: Không thể giữ nguyên trạng thái trung lập nữa
Việc thành lập NATO vào ngày 04/04/1949 đã đánh dấu một thời điểm then chốt đối với các liên minh quân sự toàn cầu. Được Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, cùng các quốc gia khác thành lập, liên minh này đặt mục tiêu đối trọng với Liên Xô và các đồng minh Đông Âu của nước này. Trọng tâm của hiệp ước thành lập NATO là nguyên tắc phòng thủ tập thể, khẳng định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên được xem là một cuộc tấn công vào tất cả mọi người, do đó yêu cầu có sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên.
Đội hình này tạo tiền đề cho bối cảnh địa chính trị lưỡng cực của Chiến Tranh Lạnh, được khắc họa rõ hơn bằng sự kiện thành lập Khối Hiệp ước Warsaw vào ngày 14/05/1955. Khối này, gồm Liên Xô và một số nước Đông Âu, đóng vai trò là biện pháp đối trọng của khối cộng sản đối với NATO. Tuy nhiên, sự kết thúc của Chiến Tranh Lạnh và sự giải thể của Khối Hiệp ước Warsaw vào năm 1991 đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong các liên minh toàn cầu, với việc các nước thuộc khối Đông Âu cũ chuyển sang làm thành viên của NATO.
Cuộc xâm lược gần đây của Nga vào Ukraine đã tác động đáng kể đến trật tự thế giới đương đại, minh họa cho sự phân hoạch rõ ràng giữa các quốc gia ủng hộ Nga như Trung Quốc, Iran, và Bắc Hàn, và khối phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times