Các nước đồng minh tiến gần hơn đến việc cho phép Kyiv sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu ở Nga
Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo họ ‘nên nhận thức được mình đang chơi trò gì.’
Trong tuần này, một số nhà lãnh đạo Âu Châu đã tỏ ý rằng họ sẵn sàng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên hôm 28/05: “Chúng ta nên cho phép họ phá hủy các địa điểm quân sự [bên trong nước Nga] mà từ đó các phi đạn được phóng đi.”
Ông đưa ra nhận xét này tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông Scholz cũng đồng tình rằng Ukraine nên “được phép tự vệ” trước các cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga.
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ quan điểm tương tự, nhấn mạnh “quyền tự vệ” của Kyiv.
“Quyền này… cũng bao gồm cả việc tấn công các mục tiêu bên ngoài Ukraine—các mục tiêu quân sự chính đáng bên trong nước Nga,” ông nói trước cuộc gặp với các bộ trưởng quốc phòng EU tại Brussels.
Theo ông Stoltenberg, vấn đề này hiện “đặc biệt có liên quan” trong bối cảnh Nga đạt được một loạt lợi ích quân sự gần đây ở khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine.
Kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược vào đầu năm 2022, các đồng minh của Ukraine đã cấm Kyiv sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong Nga vì lo ngại một hành động như vậy có thể mở rộng đáng kể cuộc xung đột.
Tuy nhiên, khi các lực lượng Nga tiếp tục chiếm giữ lãnh thổ—ở Kharkiv và những nơi khác—thì hầu hết các thủ đô phương Tây hiện nay dường như đang thay đổi quan điểm của mình.
Ngoại trưởng Anh David Cameron đã bắt đầu xu hướng này từ đầu tháng này khi ủng hộ “quyền” của Ukraine sử dụng phi đạn tầm xa của Anh để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Moscow đáp trả bằng cách thề sẽ tấn công các tài sản quân sự của Vương quốc Anh—ở Ukraine và các nơi khác—nếu các phi đạn Storm Shadow do Anh quốc cung cấp được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Bất chấp cảnh báo của Nga, hôm 27/05, Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics tuyên bố “không có lý do hợp lý nào để không cho Ukraine sử dụng những vũ khí [do phương Tây cung cấp] này để chống lại Nga.”
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur kêu gọi các đồng minh của Kyiv “cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự” nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Thủ tướng Đan Mạch và Cộng hòa Czech cùng với Bộ Quốc phòng Hà Lan cũng đưa ra những tuyên bố tương tự trong tuần này.
Trong bối cảnh châu Âu gửi đi những tuyên bố ngày càng hiếu chiến, Hoa Thịnh Đốn dường như đang thể hiện sự dùng dằng nước đôi.
Hôm 28/05, phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby đã tỏ ra kiên quyết rằng Hoa Thịnh Đốn đã không thay đổi lập trường về vấn đề này.
“Hiện tại, không có thay đổi nào đối với chính sách của chúng tôi.” Ông Kirby nói với các phóng viên. “Chúng tôi không khuyến khích cũng như không cho phép các cuộc tấn công bằng vũ khí của Hoa Kỳ trên đất Nga.”
Tuy nhiên, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Hoa Thịnh Đốn có thể “điều chỉnh” lập trường của mình về vấn đề này phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.