Các nhà quan sát: Tư cách thành viên của Liên minh Phi Châu trong G20 là tín hiệu cho sự trỗi dậy của lục địa này
Tổ chức này sẽ gia nhập một khối kinh tế mà tính thích đáng của họ bị đặt nghi vấn trong bối cảnh xuất hiện các tổ chức đa phương mới tuyên bố sẽ mang tính đại diện hơn.
Sau gần một thập niên vận động hành lang để trở thành thành viên chính thức của G20 – một nhóm gồm 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới và Liên minh Âu Châu – Liên minh Phi Châu (AU) cuối cùng đã được kết nạp vào diễn đàn đa quốc gia về hợp tác kinh tế và tài chính toàn cầu này.
Việc liên minh này được kết nạp hôm 09/09 khi kết thúc diễn đàn thường niên G20 ở Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại về sự thích đáng của khối trước tình hình địa chính trị đang rạn nứt và sự trỗi dậy của các tổ chức đa phương mới tuyên bố mang tính đại diện nhiều hơn cho các quốc gia trước đây được xem là không quan trọng.
55 quốc gia thành viên của AU — bao gồm cả khu vực Tây Sahara đang tranh chấp — trong nhiều năm đã thúc đẩy cho các vai trò quan trọng trong các tổ chức toàn cầu vốn từ lâu đã đại diện cho một trật tự hậu Đệ nhị Thế chiến hiện đã phai nhạt, trong đó có Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Thành viên đa dạng của G20 — bao gồm các siêu cường toàn cầu như Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Liên minh Âu Châu (EU) — chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu, hơn 75% thương mại toàn cầu, và khoảng 2/3 dân số thế giới.
Các nhà quan sát cho rằng việc trao quyền thành viên thường trực cho Liên minh Phi Châu trong G20 báo hiệu sự trỗi dậy của một lục địa có dân số trẻ khoảng 1.3 tỷ người vốn dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và chiếm 1/4 dân số hành tinh này.
Với tư cách thành viên chính thức của G20, AU có thể đại diện cho một lục địa có khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, nắm 60% tài sản năng lượng tái tạo của thế giới, và hơn 30% khoáng sản quan trọng cho các công nghệ tái tạo và carbon thấp.
Liên minh Phi Châu hiện có địa vị tương tự như Liên minh Âu Châu — khối khu vực duy nhất có tư cách thành viên chính thức. Cho đến nay, Nam Phi là thành viên G20 duy nhất của khối này.
Các nhà lãnh đạo Phi Châu hoan nghênh sự kiện gia nhập
Ông Paul Nantulya, nhà Nghiên cứu và Chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi cho biết việc các nước Phi Châu gia nhập G20 — giống như mong muốn gia nhập BRICS và các tổ chức đa phương thay thế khác của họ như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Diễn đàn Boao, và Ngân hàng Phát triển Mới — có thể được giải thích bởi bốn lý do chính.
“Đầu tiên, họ muốn mở rộng các nền tảng có thể nâng giá trị tiếng nói và ảnh hưởng của châu Phi ở cấp độ toàn cầu vượt ra ngoài các tổ chức đã tồn tại trước đó,” ông Nantulya nói với The Epoch Times qua thư điện tử.
Theo nhà nghiên cứu này, lý do thứ hai là việc châu Phi tìm kiếm các nguồn tài chính và công cụ cho vay thay thế để trợ giúp các ưu tiên chính như năng lượng và cơ sở hạ tầng.
“Thứ ba, họ muốn tiếp tục củng cố tình đoàn kết Nam-Nam mới hình thành trong một môi trường mà căng thẳng và cạnh tranh toàn cầu ngày càng leo thang.”
“Và thứ tư, họ đang tìm kiếm các thị trường mới và các hình thức hợp tác kinh tế mới sau khi thành lập Khu vực Thương mại Tự do Lục địa Phi Châu,” ông Nantulya nói.
Một vài nhà lãnh đạo Phi Châu đã hoan nghênh việc trở thành thành viên thường trực của G20.
Ông Moussa Faki Mahamat, Chủ tịch Ủy ban Liên minh Phi Châu, cho rằng tư cách thành viên của G20 này sẽ giúp “nâng giá trị” tiếng nói của lục địa này trong các vấn đề toàn cầu.
Tổng thống William Ruto của Kenya cho biết điều này sẽ “nâng giá trị tiếng nói, tầm nhìn, và ảnh hưởng của Châu Phi” trên vũ đài toàn cầu trong khi cũng cung cấp một nền tảng để thúc đẩy lợi ích chung của người Phi Châu.
Tổng thống Hakainde Hichilema của Zambia nói rằng lời mời này có nghĩa là châu Phi đã được công nhận là “một nhân tố chủ chốt” trong bối cảnh kinh tế thế giới.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng hoan nghênh sự kiện này, nói rằng các nền kinh tế đang phát triển đang “chịu đựng tác động của biến đổi khí hậu,” dù chịu trách nhiệm ít nhất về cuộc khủng hoảng này.
Châu Phi đang thu hút các cường quốc toàn cầu mới
Nhưng các quốc gia thành viên của AU từ lâu đã ủng hộ những cải cách đối với hệ thống tài chính toàn cầu — bao gồm Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác — vốn buộc các nước Phi Châu phải trả nhiều tiền hơn các nước khác để vay tiền, làm tăng thêm nợ nần.
Các nhà lãnh đạo Phi Châu đã nóng lòng phản đối việc coi lục địa này là một nạn nhân thụ động của chiến tranh, chủ nghĩa cực đoan, nạn đói, và thảm họa vốn buộc các nước này phải đứng về phía này hoặc phía kia giữa các cường quốc trên toàn cầu.
Bà Ivory Kairo, nhà phân tích chính sách tại công ty tư vấn Development Reimagined, cho biết việc AU gia nhập G20 là quá muộn vì châu Phi hết lần này đến lần khác đã chứng minh có giải pháp cho những thách thức toàn cầu.
Bà nói với The Epoch Times trong một cuộc trò chuyện: “Châu Phi phải đối mặt với những thách thức tương tự mà các thành viên G20 gặp phải nhưng chúng tôi đã không được tham gia vào các cuộc thảo luận tìm kiếm giải pháp.”
“Châu Phi mang đến vô số giải pháp cho những thách thức mà thế giới gặp phải: Những thách thức chẳng hạn như nợ — Khuôn khổ Chung của G20 được bắt đầu trong thời kỳ đại dịch COVID-19 do các quốc gia nhận thấy bản thân họ phải đối mặt với tình trạng không gian tài khóa eo hẹp; Khuôn khổ Chung này đã bị chỉ trích vì chậm chạp — nhưng châu Phi sẽ có những giải pháp nhanh chóng, lâu dài vì hầu hết các nước có thu nhập thấp nhất và trung bình đều nằm ở lục địa này,” bà nói.
Châu Phi đang ngày càng thu hút đầu tư và lợi ích chính trị từ một thế hệ cường quốc toàn cầu mới ngoài Hoa Kỳ và các nước thực dân Âu Châu cũ của lục địa này.
Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của châu Phi. Các quốc gia vùng Vịnh trở thành một số trong những nhà đầu tư lớn nhất của lục địa này.
Năm ngoái, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã kêu gọi AU trở thành thành viên thường trực của G20, nói rằng điều đó “đã được mong đợi từ lâu.”
Trung Quốc, hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và là một trong những bên cho vay lớn nhất, là quốc gia đầu tiên bày tỏ rõ ràng sự ủng hộ cho tư cách thành viên của AU.
Ông David McNair, giám đốc điều hành tại ONE.org và là một thành viên ban điều hành sáng lập của Quỹ Châu Âu Châu Phi, cho biết Hoa Kỳ, Trung Quốc, và các thành viên G20 khác ủng hộ việc gia nhập của Liên minh Phi Châu nhận ra rằng họ cần châu Phi cũng nhiều như châu Phi cần họ.
“Với dân số trẻ phát triển nhanh, 70% tiềm năng quang năng của thế giới và là nguồn chính của các khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng … các tổ chức tuyên bố đại diện cho nền kinh tế toàn cầu [trong khi] loại trừ 18% dân số thế giới sẽ nhanh chóng mất tính hợp pháp,” ông McNair, cũng là Học giả Không thường trú tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie và là một thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
Ông McNair nói rằng cơ quan điều phối trên thực tế của nền kinh tế toàn cầu này đã loại trừ quyền đại diện của 1.4 tỷ người ở Châu Phi “trong thời gian quá dài.”
“Kết quả là, các quyết định được đưa ra về quản lý nợ, IMF và Ngân hàng Thế giới và các cơ quan quan trọng khác đã loại trừ những quan điểm quan trọng đó. Và những quyết định này có tác động hữu hình đến cuộc sống của người dân — dịch vụ y tế, giáo dục, tiền lương.”
Ông nói: “Bây giờ Liên minh Phi Châu đã có một vị trí thì điều quan trọng là phải đưa ra các cơ cấu phù hợp để thiết lập các quan điểm chung và đàm phán về những quan điểm đó tại bàn G20.”
Sự gia nhập ‘không làm ai ngạc nhiên’
Quan điểm của ông được ông Joseph Siegle, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn chia sẻ. Ông Siegle tin rằng sự hiện diện thường trực của AU tại G20 sẽ tạo điều kiện cho các mối quan hệ bền chặt hơn và có thể dẫn đến hành động hợp tác nhiều hơn trong một loạt các thách thức xuyên quốc gia.
Ông Siegle nói với The Epoch Times: “Việc kết nạp Liên minh Phi Châu vào G20 giúp chính thức hóa một vị trí tại bàn đàm phán cho châu Phi khi các chính sách về những ưu tiên kinh tế toàn cầu đang được tranh luận.” Ông cho biết điều này có thể giúp bảo đảm lợi ích của châu Phi được đại diện và xem xét.
“Điều này mang lại lợi ích cho cả các nước Phi Châu lẫn G20 bằng cách xây dựng thêm quyền sở hữu của châu Phi đối với các sáng kiến có ảnh hưởng đến lục địa này, cải thiện khả năng tác động tích cực và bền vững của họ.
“Việc này cũng giúp tạo thuận tiện cho một cộng đồng quốc tế công bằng và bình đẳng hơn, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia.”
Ông nói rằng việc Trung Quốc nhanh chóng tán thành AU gia nhập là “không làm ai ngạc nhiên” vì nhà nước cộng sản này từ lâu đã định hướng chính sách đối ngoại của mình phù hợp với Nam Bán Cầu và đã sử dụng các tổ chức đa phương như một phương tiện để thúc đẩy lợi ích của mình.
Trong khi đó, Hoa Kỳ có mối quan hệ lâu dài và trên nhiều phương diện với châu Phi với tư cách là một nguồn đầu tư, thương mại, và hỗ trợ phát triển hàng đầu.
Ông Siegle nói: “Dưới thời chính phủ Tổng thống Biden, đã có sự nhấn mạnh mới vào việc tăng cường quan hệ đối tác với châu Phi. Vì vậy, sự trợ giúp này của Hoa Kỳ dành cho AU đã hoàn thành một cam kết từ Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo châu Phi ở Hoa Thịnh Đốn hồi tháng 12/2022.”
Bà Kairo của công ty tư vấn Development Reimagined cho biết bà không thấy ngạc nhiên khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý để AU gia nhập G20.
Bà nói: “Hệ thống đa phương đang thay đổi và trở nên toàn diện hơn bao giờ hết.”
“Câu chuyện khác ngoài kia là cả hai quốc gia đều có lợi ích ở Châu Phi nhưng ở Development Reimagined thì điều mà chúng tôi tin là sự trợ giúp sẽ đưa họ đến gần hơn với lục địa này.”
Bà Kairo nói: “Hãy nhớ rằng, châu Phi có ý định trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất và đây là cơ hội để họ hợp tác chặt chẽ hơn với nhau vì lợi ích của châu Phi.”
Bà cho biết sẽ không có ai tranh đấu cho tiếng nói của châu Phi tại G21 — châu Phi có tiếng nói và tiếng nói đó sẽ được lắng nghe.
“Tiếng nói của châu Phi đã thúc đẩy cuộc thảo luận và thực hiện tất cả các công việc cơ bản. Châu Phi có khả năng tự mình lên tiếng và chính thức đại diện cho bản thân mình trong các diễn đàn như vậy.”
Một tiếng nói, nhiều lợi ích!
Một vấn đề khác trong việc AU gia nhập G20 là họ gặp khó khăn ra sao để tìm được vị trí chung giữa các quốc gia thành viên — từ các cường quốc kinh tế Nigeria và Ethiopia đến một số trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới như Burundi và Somalia.
Nhưng ông Nantulya thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi cho rằng việc các nước Phi Châu luôn khác nhau về các ưu tiên ở cấp quốc gia dựa trên các điều kiện độc nhất, hệ thống chính trị, diễn biến lịch sử, và văn hóa tổng thể của họ là điều bình thường.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng khi nói đến quan điểm chung về các vấn đề quốc tế — hoặc về các vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ lục địa này — thì bức tranh là “rất khác.”
Ông Nantulya nói: “Kể từ khi giành được độc lập, các nước Phi Châu có truyền thống và văn hóa sẵn có về đàm phán và đưa ra các quan điểm chung ở cấp độ đa phương. Những quan điểm này được hệ thống hóa và xã hội hóa hợp lý ở cấp quốc gia.”
Ví dụ, ông trích dẫn quan điểm chung của châu Phi về Liên Hiệp Quốc và cải cách hệ thống quốc tế được nêu ra trong Đồng thuận Ezulwini năm 2005; lập trường chung của châu Phi về tiếp cận năng lượng và chuyển đổi công bằng được đàm phán và thông qua hồi năm 2022; và quan điểm chung của châu Phi về hiệu quả nhân đạo đã được thông qua vào năm 2016.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times