Các nhà phân tích: Chiến hạm Iran cập cảng ở Mỹ Latinh phản ánh trục quyền lực mới
Iran dường như đang thực hiện tốt tuyên bố đưa các chiến hạm đến Kênh đào Panama trước cuối năm 2023, nhưng các nhà phân tích cho rằng đó mới chỉ là khởi đầu.
Tuần trước (27/02-05/03), Brazil đã cho phép hai chiến hạm Iran neo đậu ngoài khơi các bãi biển nổi tiếng của Rio de Janeiro. Vụ việc xảy ra từ ngày 26/02 đến ngày 04/03, gây chấn động các quốc gia dân chủ trong khu vực.
Những người hiểu biết nội tình về phương diện chính trị và an ninh nói rằng sự xuất hiện của các chiến hạm này là hệ quả của một làn sóng các nhà lãnh đạo cánh tả mới đã quét qua Mỹ Latinh trong những năm gần đây, trong đó có tân tổng thống của Brazil.
Và Iran đang tận dụng mối bang giao chặt chẽ của mình với các chế độ xã hội chủ nghĩa trong khu vực.
“Bức tranh lớn ở đây có vẻ không tốt,” cựu Ngoại trưởng Brazil Ernesto Araujo nói với The Epoch Times.
Ông Araujo cho biết thật đáng báo động khi chứng kiến quê hương ông trải thảm đỏ đón các chiến hạm Iran. “Tôi rất lo lắng với tư cách là một người Brazil và là một người có một khái niệm về những gì Iran đang làm trên thế giới.”
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva — thường được công chúng gọi là Lula — đã đón chào sự xuất hiện của các tàu IRIS Makran và IRIS Dena hôm 26/02 sau hơn một tháng trì hoãn.
Thời điểm xảy ra sự kiện này không phải là ngẫu nhiên, mà là một hành động chiến lược do ông Lula dự định viếng thăm Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 13/01.
Tài liệu từ Bộ Quốc phòng Brazil cho thấy các chiến hạm ban đầu được phép vào cảng Rio de Janeiro cùng ngày với chuyến thăm ông Biden của ông Lula.
Hôm 03/02, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã trừng phạt cả hai tàu Makran và Dena. Đồng thời, Hoa Thịnh Đốn đã gây áp lực buộc ông Lula phải từ chối không cho các tàu này đi vào vùng biển của Brazil.
Bất chấp điều đó, ông Lula vẫn cho phép các chiến hạm này cập cảng. Chính quyền của ông thậm chí còn đi xa hơn nữa bằng cách tham dự một lễ kỷ niệm trên tàu Dena vào ngày 28/02.
Ông Araujo cho biết nhiều quan chức Brazil cao cấp trong chính quyền của ông Lula đã tham dự sự kiện này, điều mà một bản tin truyền thông địa phương đã xác nhận. Buổi tiệc này đã kỷ niệm 120 năm mối bang giao giữa Iran và Brazil.
Hoa Thịnh Đốn đã nắm bắt được những ý định đưa các chiến hạm vào sân sau của Mỹ từ phía Iran.
Hồi tháng Một, Chuẩn đô đốc Hải quân Shahram Irani nói với Tehran Times rằng quân đội Iran sẽ sắp xếp chiến hạm tại Kênh đào Panama trước cuối năm nay. Ông Irani cho biết cuộc diễn tập này là nhằm “tăng cường sự hiện diện hàng hải của chúng tôi trong các vùng biển quốc tế.”
“Cho đến nay, lực lượng hải quân của quân đội đã hiện diện ở tất cả các eo biển chiến lược trên thế giới, và chúng tôi chỉ không hiện diện ở hai eo biển. Chúng tôi sẽ hiện diện ở một trong những eo biển này trong năm nay … Chúng tôi đang dự định sẽ hiện diện ở Kênh đào Panama,” ông Irani khẳng định.
Cựu Ngoại trưởng Araujo không phải là chính trị gia Brazil duy nhất không cảm thấy mừng trước sự xuất hiện chưa từng có của các chiến hạm Iran trên vùng biển Brazil.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, cựu Tổng thống Jair Bolsonaro nói: “Nếu tôi là tổng thống, thì những chiến hạm này sẽ không ở đó.”
Tuy nhiên, bất chấp một sự xem thường rõ ràng của chính quyền ông Lula đối với những lo ngại về an ninh của Hoa Kỳ, phản ứng của Mỹ đối với sự kiện này chủ yếu là trung lập.
Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói với The Epoch Times rằng, “Các quốc gia sẽ tự đưa ra những quyết định của mình. Học thuyết Monroe là một di sản của lịch sử. Đó không phải là điều mà Hoa Kỳ ủng hộ.”
Ông Price lưu ý rằng Brazil là một “đối tác dân chủ thân thiết của Hoa Kỳ,” nhưng cũng nói thêm, “những chiến hạm như thế này không có chỗ đứng ở Tây bán cầu, vì tín hiệu mà sự hiện diện đó gửi đi.”
“Chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác với các đối tác Brazil của mình để gửi thông điệp phù hợp tới Iran, tới những nước khác có thể gây ra một mối đe dọa, gây ra một thách thức đối với các lợi ích chung của tất cả chúng ta trên khắp thế giới,” ông Price nói.
Khi được hỏi liệu Brazil có phải chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vì cho Makran và Dena cập cảng hay không, ông Price đã né tránh câu hỏi.
Mặc dù một số nhà phân tích an ninh khu vực cho rằng một phản ứng thờ ơ của chính phủ Tổng thống Biden và các biện pháp trừng phạt hời hợt từ phía Hoa Kỳ sẽ không cản trở các kế hoạch của Iran ở phương Tây.
Bà Irina Tsukerman, nhà phân tích an ninh và là chủ sở hữu của Scarab Rising, nói với The Epoch Times: “Không nghi ngờ gì nữa, Iran đang thách thức Hoa Kỳ ngay trên sân nhà, ngay trên chính lãnh địa của họ.”
“Con tàu ở Panama này báo hiệu việc mở rộng phạm vi quyền lực của Iran, không chỉ về mặt bang giao thực tế với những quốc gia này mà còn về việc họ sẵn sàng đuổi Hoa Kỳ ra khỏi khu vực lân cận của chính nước này,” bà Tsukerman nói.
“Đó là một bằng chứng cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran cũng như sự yếu kém và ảnh hưởng đang suy giảm của Hoa Kỳ.”
Bà nói thêm rằng về lâu dài, Iran sẽ làm nhiều hơn là “thỉnh thoảng ghé thăm” khu vực này.
Nhà phân tích khu vực đồng thời là cây bút, Tiến sĩ Orlando Gutierrez-Boronat, đồng ý rằng sự xuất hiện của các chiến hạm Iran là điềm báo cho một điều gì đó lớn hơn.
Đứng đầu trong số những biến động này là sự thay đổi các ưu tiên địa chính trị trong khu vực này.
“Có một quá trình thể chế hóa rõ rệt đối với sự hiện diện địa chính trị của Iran ở Mỹ Latinh,” ông Boronat nói với The Epoch Times.
Từng bước một
Chính quyền Iran đã xây dựng liên minh với các nhà nước cùng chí hướng ở Mỹ Latinh trong nhiều thập niên.
Điều này bao gồm từ việc xây dựng các cơ sở hạt nhân ở các quốc gia có chính quyền xã hội chủ nghĩa cố hữu đến việc trợ giúp các chiến dịch bầu cử của các nhà lãnh đạo cánh tả.
Ngược dòng thời gian, một cuộc họp của Thượng viện Hoa Kỳ hồi năm 2012 đã lưu ý rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran ở Mỹ Latinh là một sự cảnh báo về an ninh.
Các quốc gia đang lớn tiếng kêu gọi các lợi ích như viện trợ nhân đạo và đầu tư bên ngoài, chẳng hạn như Ecuador, Bolivia, Venezuela. và Nicaragua, đặc biệt thân thiện với Iran.
Trong báo cáo nói trên, Thượng viện Hoa Kỳ gọi mối bang giao của Iran với các quốc gia Mỹ Latinh trong khu vực này là một “mối lo ngại nghiêm trọng.”
“Trong hai thập niên qua, Iran đã phát triển một chiến lược rõ ràng đối với Mỹ Latinh,” ông Boronat nói. “Sự hiện diện của Iran ở Venezuela đã diễn ra thông qua một sự trao đổi thương mại và tài chính rất vững chắc.”
Trong một thông báo hồi tháng Một, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã kêu gọi sự “hợp nhất” giữa một cường quốc địa chính trị mới và hội nhập khu vực.
Ông nhấn mạnh rằng với sự trợ giúp của các chính quyền xã hội chủ nghĩa ở Argentina, Colombia, và Brazil, một “thời khắc mới đặc biệt đang đến để quy tụ những cố gắng và đường hướng của các dân tộc ở Mỹ Latinh và Caribe.”
Ông Maduro đã đưa ra tuyên bố của mình hôm 13/01, cùng ngày Brazil cấp phép ban đầu cho các chiến hạm Iran cập cảng, và ông Lula gặp ông Biden tại Hoa Kỳ.
Bà Tsukerman nói: “Hoạt động kinh tế và tuyển dụng của Iran ở Mỹ Latinh luôn hướng tới việc xây dựng các lực lượng ủy nhiệm và củng cố các phong trào cánh tả địa phương.”
“Điều mới là … [Iran] sẵn sàng mở rộng các năng lực hải quân của mình. Do đó, lần đầu tiên, cho thấy một năng lực gây nguy hiểm cho an ninh hàng hải, có khả năng ngăn chặn việc tiếp cận các cảng, và nhắm mục tiêu vào các tàu của Hoa Kỳ và các tàu khác đang hoạt động trong vùng lân cận này.”
Bà Tsukerman nói thêm rằng sự hiện diện lâu dài của Iran ở Mỹ Latinh tương đương với các hỏa tiễn của Liên Xô ở Cuba thời hiện đại.
Ở Brazil, ông Araujo tin rằng ông Lula đang chơi “trò hai mặt.” Tương đương về mặt chính trị với câu ngạn ngữ cổ là được cả đôi đường.
Ông Araujo cho biết ông Lula đang cố gắng để, “Có mối bang giao hữu hảo với cả phương Tây dân chủ lẫn phương Đông toàn trị.”
Cảnh báo an ninh
Một tuần trước khi ông Irani khoa trương về việc điều các chiến hạm đến Kênh đào Panama trong những tháng tới, Tổng thống Iran Raisi đã tuyên bố sẽ trả thù cho sự thiệt mạng của tướng Qasem Soleimani của nước này, người đã bị sát hại trong một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái của Hoa Kỳ vào ngày 03/01/2020.
“Người Mỹ phải biết rằng sự trả thù cho việc đổ máu của ông Soleimani tử vì đạo là điều chắc chắn, và những kẻ sát nhân và thủ phạm sẽ không được ngủ ngon,” ông Raisi nói trong một bài diễn văn trước công chúng ở Tehran.
Và sau đó xảy ra việc các chiến hạm đến Brazil.
Vụ việc làm nổi bật các tham vọng địa chính trị ngày càng tăng của một liên minh gồm các cường quốc độc tài, trong đó có Iran, Trung Quốc, và Nga, những nước dường như đang hợp tác chặt chẽ để làm suy yếu Hoa Kỳ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ rộng lớn hơn.
Hồi tháng Hai, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã đến thăm Trung Quốc và gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình. Cả hai nhà lãnh đạo đều kiên định ủng hộ vị tổng thống đang bị cô lập của Nga, ông Vladimir Putin.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Nhật báo (China Daily) cho biết, tại thời điểm đó, ông Tập và ông Raisi đã thảo luận về một “kế hoạch hợp tác toàn diện” và việc mở rộng “quan hệ đối tác chiến lược” của họ.
Ngôn ngữ này tương tự như ngôn ngữ mà ĐCSTQ đã sử dụng để đề cập tới sự ủng hộ của họ đối với Nga.
Ông Tập và ông Raisi đã đưa ra một tuyên bố chung tại thời điểm đó, kêu gọi bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran để đổi lấy việc tuân thủ các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tương tự như vậy, nhà cầm quyền Trung Quốc đã yêu cầu bãi bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga vì nỗ lực xâm lược Ukraine của nước này và xem những biện pháp đó là “bất hợp pháp.”
Các nhà lãnh đạo từ các cường quốc độc tài nói trên (Nga-Trung) cho biết hồi tháng Chín năm ngoái rằng họ sẽ “thúc đẩy sự phát triển của trật tự quốc tế theo một hướng công bằng và hợp lý hơn.”
Ông Boronat nói rằng Mỹ đang đối mặt với một mối đe dọa nhiều mặt từ Iran, Trung Quốc, và Nga ngay tại sân sau của mình, và cả ba quốc gia này đều có những liên minh vững chắc ở Mỹ Latinh.
“Đó là một thách thức bổ sung trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt trước các chế độ chuyên chế và độc tài. Ngày nay, chiến trường chính của các nền dân chủ là Ukraine. Ở đó, Hoa Kỳ phải đối mặt với Nga, Trung Quốc, Iran, và Bắc Hàn,” ông nói.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times