Các nhà lập pháp thúc giục TT Biden ban hành sắc lệnh sàng lọc các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc
Nỗ lực để bảo vệ chuỗi cung ứng ‘đầy sơ hở’ của Hoa Kỳ
Một nhóm lưỡng đảng gồm các nhà lập pháp tại Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ đã thúc giục Tổng thống (TT) Joe Biden ban hành một sắc lệnh nhằm tăng cường sàng lọc các khoản đầu tư của các công ty Hoa Kỳ vào các địch thủ ngoại quốc, đặc biệt là Trung Quốc.
Tám thượng nghị sĩ đã viết trong một lá thư hôm 27/09 (pdf) gửi TT Biden rằng, một sắc lệnh kiểm soát việc Hoa Kỳ đầu tư ra ngoại quốc sẽ “bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng đối với các khoản đầu tư ra hải ngoại vào các địch thủ ngoại quốc.”
Quốc hội đã xem xét một đề nghị lập pháp sẽ trao các quyền mới cho chính phủ Hoa Kỳ để xem xét hoặc chặn hàng tỷ Mỹ kim đầu tư ra ngoại quốc vào Trung Quốc. Dự luật được đề nghị này, mang tên Đạo luật Phòng thủ Các Năng lực Trọng yếu Quốc gia (National Critical Capabilities Defense Act), đã được sửa đổi hồi tháng Sáu. Tuy được ủng hộ mạnh mẽ, nhưng dự luật này đã vấp phải một trở ngại khi bị loại bỏ khỏi đạo luật trợ cấp cho việc nghiên cứu và sản xuất vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ được thông qua hồi tháng Tám (Đạo luật CHIPS và Khoa học).
Một tuyên bố từ Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas), và các nhà lập pháp khác cho biết, mặc dù các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục, nhưng “người lao động Mỹ, các doanh nghiệp, và an ninh quốc gia của chúng ta không thể chờ đợi nữa.”
Các nhà lập pháp viết trong bức thư nói trên, “Đại dịch đã khiến chúng ta chú ý rằng chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ đầy sơ hở như thế nào và cái giá khốc liệt phải trả khi các năng lực trọng yếu của Quốc gia chúng ta bị lệ thuộc vào các địch thủ ngoại quốc.”
Nhóm nói trên cũng có Dân biểu Bill Pascrell (Dân Chủ-New Jersey), Dân biểu Rosa DeLauro (Dân Chủ-Connecticut), Thượng nghị sĩ Bob Casey (Dân Chủ-Pennsylvania), Dân biểu Brian Fitzpatrick (Cộng Hòa-Pennsylvania), và Dân biểu Victoria Spartz (Cộng Hòa-Indiana). Họ đã thúc giục TT Biden “tiến tới hành động hành pháp” để bảo vệ người lao động Mỹ và thúc đẩy lợi ích an ninh kinh tế của Hoa Kỳ.
Tòa Bạch Ốc đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận.
Chính phủ hành động ‘quá chậm trễ’
Quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Peter Harrell cho biết hồi đầu tháng này, chính phủ TT Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về một cơ chế tiềm năng nhằm sàng lọc việc các khoản đầu tư ra hải ngoại vào Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Ông Harrell nói tại một sự kiện đánh dấu việc phát hành một báo cáo về các biện pháp đầu tư ra ngoại quốc, “Điều quan trọng là phải xem xét liệu các danh mục đầu tư vào các công ty bán dẫn của địch thủ ngoại quốc được chọn kỹ lưỡng làm mục tiêu của Hoa Kỳ có thể làm giảm hiệu quả của những quy định chính sách khác này hay không và làm giảm hiệu quả như thế nào.”
Tuy nhiên, trong bức thư này, các nhà lập pháp đã nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc “có lịch sử vi phạm nghiêm trọng trong việc thúc đẩy hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ và cưỡng bức chuyển giao công nghệ.”
“Khi chúng ta nhượng quyền sản xuất và bí quyết công nghệ cho các địch thủ ngoại quốc, chúng ta đang làm tổn hại đến nền kinh tế của chúng ta, khả năng cạnh tranh toàn cầu của chúng ta, người lao động Mỹ, nền công nghiệp, và an ninh quốc gia.” Các nhà lập pháp viết. “Về phương diện này, hành động của chính phủ đã quá chậm trễ để có thể giải quyết phạm vi và mức độ của những rủi ro nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt với tư cách là một quốc gia.”
‘Nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chính trên thế giới’
Theo tuyên bố của Bộ Tư pháp năm 2021, khoảng 80% tổng số vụ khởi tố gián điệp kinh tế của bộ đều là về hành vi được cho là có lợi cho Trung Quốc.
Một báo cáo cập nhật về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (pdf), do Văn phòng Nghiên cứu Á Châu Quốc gia xuất bản hồi năm 2017, ước tính rằng thiệt hại do việc đánh cắp tài sản trí tuệ (IP) gây ra cho nền kinh tế Hoa Kỳ có thể lên tới 600 tỷ USD mỗi năm.
Ủy ban Quyền sở hữu Trí tuệ đã gọi Trung Quốc là “nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chính trên thế giới”, là thủ phạm của từ 50% đến gần 90% tổng số thiệt hại do đánh cắp tài sản trí tuệ tại thời điểm báo cáo.
“Trung Quốc tiếp tục có được tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ từ các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, từ các tổ chức ở các nơi khác trên thế giới, và tất nhiên từ Hoa Kỳ trực tiếp thông qua các cách thức thông thông thường cũng như trên mạng,” Ủy ban Quyền sở hữu Trí tuệ viết trong báo cáo nói trên. “Các hoạt động này bao gồm các hoạt động cưỡng chế do nhà nước lập ra để buộc chuyển giao toàn bộ tài sản trí tuệ hoặc mang đến cho các tổ chức Trung Quốc một vị thế tốt hơn để từ đó thu được hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.”
Đánh cắp bí mật công nghệ và buộc phải chuyển giao công nghệ là một trong những lý do khiến chính phủ cựu TT Trump khai triển cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc hồi năm 2018.
Hôm 29/09, Ủy ban Ngân hàng Thượng viện sẽ tổ chức một phiên điều trần về đầu tư ra hải ngoại, với Thượng nghị sĩ Cornyn, Thượng nghị sĩ Casey, cùng các cựu quan chức từ Bộ Thương mại và Bộ Ngân khố ra làm chứng. Phiên điều trần này cũng sẽ có ông Robert Strayer, phó chủ tịch điều hành phụ trách về chính sách tại Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin, ra làm chứng.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và J.M. Phelps
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times