Các nhà lập pháp lưỡng đảng đang tìm cách chính thức hình sự hóa cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ
‘Tấn công người khác là bất hợp pháp. Chỉ là vấn đề liệu cơ quan chấp pháp có theo dõi và có thực sự chủ động giải quyết việc này hay không.’
HOA THỊNH ĐỐN—Một hội đồng các nhà lập pháp lưỡng đảng đang tìm cách chính thức hình sự hóa cuộc đàn áp xuyên quốc gia của chế độ Trung Quốc nhằm mục đích bảo vệ những người chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên đất Hoa Kỳ.
Vấn đề này đã thu hút sự chú ý của mọi người tại phiên điều trần tối hôm thứ Tư (13/12) do Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ tổ chức, nơi các nhân chứng đã lên bục để làm chứng về hành vi sách nhiễu và hành hung mà chính quyền Trung Quốc đã thực hiện ở Hoa Kỳ.
Các nhân chứng cho biết, các hình thức lạm dụng khác nhau của chính quyền Trung Quốc và mạng lưới rộng lớn của những kẻ tiếp tay cho chính quyền này đã tạo ra bầu không khí sợ hãi xung quanh họ ở bất cứ nơi nào mà họ đi tới.
“Cho dù quý vị đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, ngay cả ở những quốc gia dân chủ trưởng thành nhất với truyền thống tự do dân sự lâu đời nhất, chừng nào những người và những điều quý vị quan tâm vẫn nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, thì quý vị sẽ không bao giờ được tự do,” anh Trương Tân Duệ (Zhang Jinrui), một sinh viên luật tại Đại học Georgetown, nói tại phiên điều trần.
Cũng như nhiều người khác, từ lâu anh Trương đã giấu kín quan điểm của mình đối với “chủ nghĩa độc tài của ĐCSTQ cùng nhiều tội ác trong quá khứ của đảng này” vì sợ bị trả thù. Tuy nhiên vào cuối năm 2022, vụ cháy tại một tòa nhà cao tầng bị phong tỏa do các hạn chế hà khắc về COVID-19 của chế độ này ở Urumqi đã thay đổi suy nghĩ của anh. Vụ cháy đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, trong đó có một đứa trẻ 3 tuổi— “không phải vì vụ cháy này quá lớn” mà bởi vì họ bị mắc kẹt và xe cứu hỏa không thể vào tòa nhà bị khóa, anh nói với những người tham dự phiên điều trần của Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ.
Trong khi phát truyền đơn về các chính sách đàn áp của chế độ trong khuôn viên trường, một sinh viên Trung Quốc thân Cộng đã mắng mỏ anh Trương và cố gắng báo cáo anh với công an Trung Quốc. Sau đó anh đã bị trả đũa.
Từ tháng Sáu đến tháng Mười Một, công an Trung Quốc đã sách nhiễu gia đình anh Trương, lôi cha anh đi thẩm vấn và chỉ thả ông đi với điều kiện là ông phải khiến anh Trương “yêu Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều hơn,” anh Trương kể với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Tôi rất chắc chắn rằng sẽ có lần thứ năm vì sự hiện diện của tôi ở đây tối hôm nay,” anh nói với các khán giả tại phiên điều trần.
Bà Anna Kwok, giám đốc điều hành của Hội đồng Dân chủ Hồng Kông, kể lại rằng bà đã thấy những người đàn ông có vẻ ngoài đáng ngờ với kiểu tóc của quân đội Trung Quốc và đeo tai nghe xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hồi tháng Mười Một. Những người này đã theo dõi bà cùng những người khác trên đường phố ở San Francisco khi họ biểu tình bên ngoài địa điểm tổ chức sự kiện của nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình.
Nhóm vận động Nhân quyền ở Trung Quốc ghi nhận hơn 10 người bị thương và ba người phải nhập viện vì bị các nhóm thân Cộng tấn công.
Các nhà lập pháp của ủy ban cho biết họ muốn xem xét luật liên bang để tìm cách ngăn chặn hành vi đó.
Mặc dù Bộ Tư pháp đã khởi tố một số vụ án liên quan đến vấn đề đàn áp xuyên quốc gia, nhưng các nhà lập pháp của ủy ban vẫn nhận thấy có lỗ hổng trong việc giám sát hoạt động chấp pháp. Những lỗ hổng này thường xuyên giúp cho các đặc vụ Trung Quốc tự tung tự tác.
Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois), thành viên cao cấp của ủy ban, nhận thấy rằng các cuộc truy tố liên bang đối với thủ phạm đàn áp xuyên quốc gia đều dựa vào luật liên quan đến việc theo dõi và ghi danh đại diện ngoại quốc.
Ông nói tại phiên điều trần rằng, “Theo tôi, có vẻ như Quốc hội cần phải chính thức xác định và hình sự hóa” hành vi đàn áp xuyên quốc gia.
Bà Sophie Richardson, một chuyên gia về các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, cũng đồng tình với quan điểm của ông.
“Tôi nghĩ có quá nhiều thứ chưa được hợp pháp hóa,” bà cho biết. “Vậy nên, tôi nghĩ sẽ hữu ích khi làm rõ luật.”
The Epoch Times đã ghi nhận bằng chứng về sự tham gia của các lãnh sự quán Trung Quốc trong việc điều phối những kẻ chống lại người biểu tình tại hội nghị thượng đỉnh APEC, gây rối các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và sau đó dùng đến bạo lực.
“Họ được cấp cho đồng phục, cờ, bữa ăn, trái ngược với những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ – họ là không có tiền, là chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau họ,” anh Trương nói với The Epoch Times.
Theo Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch ủy ban, việc ngăn chặn các hoạt động như vậy là một nỗ lực đa chiều, một phần có liên quan đến việc giáo dục lực lượng chấp pháp và yêu cầu họ hành động.
“Tấn công người khác là bất hợp pháp,” ông nói với The Epoch Times. “Chỉ là vấn đề liệu cơ quan chấp pháp có theo dõi và có thực sự chủ động giải quyết việc này hay không.”
Dân biểu Dusty Johnson (Cộng Hòa-South Dakota) cho biết phiên điều trần đã chứng minh “cuộc đàn áp này thâm sâu và toàn diện đến mức nào.”
Ông nói với The Epoch Times: “Có những giới hạn về mức độ mà quý vị có thể bắt nạt hoặc đe dọa ai đó,” và nói thêm rằng ông hy vọng việc bắt đầu một cuộc trò chuyện về việc hình sự hóa hành vi như vậy có thể khuyến khích nhiều nhà bất đồng chính kiến hơn bước ra và “gửi một thông điệp rõ ràng tới Đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng việc này là không thể chấp nhận được.”
“Chúng tôi biết rằng có thể có những quan chức cao cấp đang chỉ thị kiểu đàn áp xuyên quốc gia này một cách có hệ thống. Sau đó, chúng ta để các quan chức cao cấp này tới Hoa Kỳ để thực hiện công việc ngoại giao và chúng ta không bắt họ phải chịu trách nhiệm. Nhưng chúng ta cần gửi một thông điệp rõ ràng, cho dù đó là thông qua các nỗ lực trừng phạt hay là thông qua nỗ lực pháp lý, rằng các vị không thể trở thành nòng cốt của loại tội phạm có tổ chức này và cần phải tránh xa việc làm đó,” ông nói với NTD.
Dân biểu Jim Banks (Cộng Hòa-Indiana) đã đào sâu vào vấn đề trong phiên điều trần, trích dẫn lời của một sinh viên Đại học Purdue bị sách nhiễu vì đã đăng một bức thư trên mạng nhằm vinh danh những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989.
Ông hỏi anh Trương liệu Hoa Kỳ có nên thu hồi thị thực của những sinh viên trợ giúp theo dõi và báo cáo những bạn bè nào của họ mà bày tỏ quan điểm bất đồng với Bắc Kinh hay không, ngăn chặn các nhà ngoại giao Trung Quốc và ngoại quốc khác tham gia vào cuộc đàn áp xuyên quốc gia, loại bỏ Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA)—một nhóm sinh viên có mặt ở hầu hết các trường đại học ở Hoa Kỳ và liên lạc trực tiếp với các lãnh sự quán Trung Quốc tại địa phương—và hiệp hội này đã ghi danh đại diện ngoại quốc. Anh Trương đã trả lời bằng cách khẳng định là có cho tất cả những câu hỏi trên.
“Họ đang được hưởng sự bảo vệ từ hệ thống các trường đại học của chúng ta, nhưng họ đang cố gắng phá hoại điều đó. Vì vậy, tôi nghĩ điều đó là công bằng,” anh nói về việc cấm CSSA.
Một số thành viên ủy ban khác cũng đồng tình với những biện pháp như vậy.
Dân biểu Andy Barr (Cộng Hòa-Kentucky) nói với The Epoch Times: “Thủ phạm lớn nhất của tội ác căm thù đối với người Mỹ gốc Á mà tôi từng chứng kiến ở đây là ĐCSTQ.”
Ông cho rằng, việc thực hiện quấy rối để trợ giúp cuộc đàn áp của chính quyền này còn có một khía cạnh phạm tội khác và cần phải nhận hình phạt nghiêm khắc hơn.
Dân biểu Michelle Steel (Cộng Hòa-California) cũng đồng ý.
“Chúng ta phải kiểm tra tất cả những nhà ngoại giao đã nhập cảnh, tất cả những người nhập cảnh vào Hoa Kỳ, khi họ thực sự phạm bất kỳ tội ác hoặc bất kỳ hành vi đàn áp nào đối với các sinh viên đồng hương, thì chúng ta cần hủy thị thực của họ,” bà nói với The Epoch Times. “Chúng ta phải thực sự nghiêm khắc với những người chúng ta tiếp đón ở đây, và nghiêm khắc với những gì chúng ta sẽ làm khi họ chống lại quyền tự do của chúng ta, hoặc quý vị biết đấy, quyền tự do ngôn luận của bất cứ ai.”
Những biện pháp lập pháp nào có thể được áp dụng vẫn là một câu hỏi để ngỏ, nhưng ủy ban vẫn chưa rõ ràng về phương hướng của mình.
“Tôi không nghĩ rằng quý vị có thể thành lập một tổ chức bất vụ lợi hoặc một tổ chức nghe có vẻ vô hại nào đó được kiểm soát một cách hiệu quả bởi Ban Công tác Mặt trận Thống nhất và sau đó sử dụng tổ chức đó làm cơ sở để giám sát và quấy rối người khác trên đất Mỹ,” ông Gallagher cho biết, ám chỉ việc chính quyền cộng sản này đang tạo thuận tiện cho các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở ngoại quốc. “Liệu điều đó có vi phạm luật hiện hành hay không là điều mà chúng ta sẽ cần phải xác định khi chúng ta cố gắng và [thực hiện] các giải pháp lập pháp trong tương lai.”
Bộ Ngoại giao lên tiếng ủng hộ quyền tự do biểu đạt nhưng không đi sâu vào chi tiết khi được hỏi về các cuộc tấn công nhắm vào người biểu tình chống ĐCSTQ.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times