Các nhà lập pháp điều tra kẽ hở pháp lý cho phép các công ty Trung Quốc tránh sự giám sát của Hoa Kỳ
Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang đề nghi Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ cung cấp thông tin chi tiết về khả năng có thư bất hợp pháp gửi đến từ Trung Quốc, theo một bức thư hôm 28/06.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) và Dân biểu James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) đang điều tra các công ty Trung Quốc tận dụng kẽ hở để né tránh các hoạt động kiểm tra giám sát của Mỹ đối với hàng hóa dành cho thị trường Hoa Kỳ.
Ông Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện, và ông Comer, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, đã gửi thư tới Tổng Giám đốc Bưu điện Hoa Kỳ Lous DeJoy yêu cầu các tài liệu, thông tin, và dữ liệu do USPS biên soạn liên quan đến bưu phẩm đến từ Trung Quốc.
Họ đang làm điều này như một phần của cuộc điều tra xem liệu các công ty Trung Quốc có thể lách luật của Hoa Kỳ và tránh các loại thuế, phí, và các luật khác của Mỹ hay không.
Họ viết: “Hầu hết các lô hàng có giá trị dưới 800 USD đều thuộc cái gọi là quy tắc tối thiểu, được vào Hoa Kỳ mà không phải nộp thuế hải quan, không bị đánh thuế, và không bị giám sát.
“Các công ty Trung Quốc có thể lợi dụng quy tắc tối thiểu để vận chuyển sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng Hoa Kỳ thông qua các công ty vận chuyển thương mại mà không phải trả thuế và phí, hoặc không phải trải qua quá trình kiểm tra sản phẩm của các nhà chức trách.”
Cuộc điều tra đang diễn ra
Bức thư này là phần tiếp theo của cuộc điều tra của Ủy ban Đặc biệt về Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các công ty dựa vào điều khoản tối thiểu mà họ tin rằng cho phép họ né tránh tuân thủ Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA).
“Có thông tin cho rằng các công ty Trung Quốc thường xuyên chia các lô hàng lớn thành nhiều lô hàng nhỏ hơn để tận dụng ngưỡng tối thiểu, qua đó né tránh thuế hải quan và thuế xuất nhập cảng.”
Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện hiện đang điều tra các cáo buộc về lao động cưỡng bức tại hai nhãn hiệu “thời trang ăn liền” (loại trang phục bắt kịp xu hướng nhanh chóng và có giá thành rẻ) của Trung Quốc là Shein và Temu, đã thúc đẩy yêu cầu này.
Theo kết quả của cuộc điều tra, mô hình kinh doanh của các tập đoàn như vậy “chủ yếu” dựa vào quy tắc tối thiểu cho phép họ vận chuyển các mặt hàng thẳng đến khách hàng Mỹ mà không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với việc tuân thủ các lệnh cấm lao động cưỡng bức.
Các nhà lập pháp tuyên bố rằng thông tin về các lô hàng từ Trung Quốc có thể sử dụng con đường tiểu ngạch này đã được các cơ quan liên bang bao gồm Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ công khai.
Họ viết, “Những hành vi như vậy lạm dụng mục đích của ngưỡng tối thiểu và mang lại những lợi thế không công bằng cho các nhà nhập cảng Trung Quốc nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế và an ninh quốc gia Hoa Kỳ.”
Do thực tế là một “tỷ lệ đáng kể các lô hàng bưu kiện nhỏ đi qua tuyến bưu chính USPS và không được chia công khai theo quốc gia.”
Ông Gallagher và ông Comer nhấn mạnh rằng USPS đang “được bố trí đặc biệt” để cung cấp thông tin.
Họ viết rằng, “Những thông tin như vậy sẽ cung cấp cho các ủy ban nhận thức sâu sắc về khối lượng và giá trị của các lô hàng từ CHND Trung Hoa.”
Hai nhà lập pháp này nhắc lại nhu cầu về thông tin khi nói rằng, “Thông tin do CBP cung cấp không bao gồm dữ liệu từ USPS. Những dữ liệu này không đầy đủ cũng không được hạch toán chính xác từ kênh USPS, vốn bao gồm thông tin liên quan đến khối lượng cụ thể của các lô hàng từ CHND Trung Hoa được chuyển vào Hoa Kỳ.”
Cụ thể, ông Gallagher và ông Comer muốn biết tổng giá trị bằng Mỹ kim của các khoản phí và tỷ giá chuyển tiếp hiện được định giá cho Trung Quốc, cũng như biểu phí đầy đủ định kỳ cho mọi quốc gia trên thế giới. Họ cũng muốn xem bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến các lô hàng tối thiểu đến từ Trung Quốc.
Lo ngại về lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ
Tháng trước, Ủy ban về Trung Quốc đã công bố một báo cáo tạm thời về cuộc điều tra lưỡng đảng của họ đối với các thương hiệu thời trang, trong đó phát hiện ra rằng các công ty này “không có hệ thống bảo đảm tuân thủ Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ [UFLPA],” điều mà các nhà lập pháp cho là gần như chắc chắn rằng những kiện hàng được làm từ lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ đang len lỏi vào các gia đình Mỹ.
Ủy ban này phát hiện ra rằng chỉ riêng Temu và Shein “có khả năng chịu trách nhiệm cho hơn 30 phần trăm tất cả các kiện hàng được vận chuyển đến Hoa Kỳ hàng ngày theo điều khoản tối thiểu, và có khả năng gần một nửa trong số toàn bộ các lô hàng tối thiểu đến Hoa Kỳ là từ Trung Quốc.”
Họ cũng phát hiện ra rằng Temu quản lý “không có kiểm toán và báo cáo, không có hệ thống tuân thủ để kiểm tra chắc chắn và bảo đảm việc tuân thủ UFLPA.”
Temu cho biết biện pháp duy nhất họ thực hiện để bảo đảm công ty này không vận chuyển đến Hoa Kỳ các mặt hàng được sản xuất bằng lao động cưỡng bức vi phạm luật pháp Hoa Kỳ là yêu cầu các nhà cung cấp của mình tuân thủ các điều khoản và điều kiện tiêu chuẩn cấm sử dụng lao động cưỡng bức.
Báo cáo của ủy ban này cũng nói rằng Temu thừa nhận rằng họ “không tuyệt đối cấm bên bán thứ ba bán các sản phẩm dựa trên nguồn gốc xuất xứ ở Khu tự trị Tân Cương của họ.”
Hai nhà lập pháp này đã kết thúc báo cáo của họ bằng cách tuyên bố rằng “Những phát hiện ban đầu và tạm thời này — cho thấy Temu không duy trì ngay cả bề ngoài của một chương trình tuân thủ có ý nghĩa và quy mô thực sự của việc sử dụng điều khoản tối thiểu của cả Shein và Temu — làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về sự hiện diện liên tục của các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức làm ô uế hàng nhập cảng của Mỹ quốc.
“Người tiêu dùng Mỹ nên biết rằng có nguy cơ rất cao là các chuỗi cung ứng của Temu bị vấy bẩn với lao động cưỡng bức.”
“Và tất cả các công ty đang hoạt động tại Hoa Kỳ có nghĩa vụ thanh tẩy chuỗi cung ứng của họ và bảo đảm rằng họ không góp phần vào tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ bằng cách tạo thuận lợi cho việc bán hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times