Cựu quan chức Bộ Ngân khố Hoa Kỳ: 3,000 tỷ USD ‘dự trữ ngầm’ của Trung Quốc đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Theo một nhà kinh tế và là cựu quan chức Bộ Ngân khố dưới thời cựu Tổng thống Obama, chính quyền Trung Quốc đang giấu hàng ngàn tỷ USD “dự trữ ngầm.”
Ông Brad Setser, người từng phục vụ trong Nhóm Đánh giá Tổ chức chuyển tiếp năm 2020 của Tổng thống Joe Biden, gần đây đã cảnh báo rằng Trung Quốc sở hữu lượng dự trữ ngoại hối lớn hơn nhiều so với những gì chính quyền này đang báo cáo. Ông đã ước tính trên The China Project rằng Bắc Kinh có khả năng “giấu” khoảng 3 ngàn tỷ USD, một điều có thể đe dọa nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
“Trung Quốc quá lớn nên cách quốc gia này quản lý nền kinh tế và tiền tệ của mình có liên quan rất lớn đối với thế giới,” ông nói hôm 29/06. “Thế nhưng qua thời gian, thì cách thức quốc gia này quản lý tiền tệ và dự trữ ngoại hối của mình đã trở nên kém minh bạch hơn nhiều—gây ra những loại rủi ro mới cho nền kinh tế toàn cầu.”
Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE), tính đến tháng 04/2023, Trung Quốc chính thức có 3.204 ngàn tỷ USD tài sản ngoại quốc trên sổ sách. Bàn cờ chiến tranh của Bắc Kinh bao gồm tiền mặt, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng, vàng, và các loại tiền tệ khác.
Cựu phó trợ lý Bộ trưởng Ngân khố về phân tích kinh tế quốc tế lưu ý rằng việc quốc gia này đột ngột tạm dừng hoạt động báo cáo là một gợi ý quan trọng về tình trạng dự trữ hiện tại của Trung Quốc.
Từ năm 2002 đến năm 2012, dự trữ ngoại hối của chính quyền Trung Quốc đã tăng đều đặn trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mua USD để ngăn đồng nhân dân tệ tăng giá quá cao và bảo đảm cho hàng xuất cảng duy trì ở mức rẻ. Tuy nhiên, trong thập niên qua, dự trữ quốc gia này đã ngừng tăng lên, bất chấp mức thặng dư thương mại kỷ lục.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đã tăng gần 28% so với cùng thời kỳ năm ngoái lên 359.48 tỷ USD. Hơn nữa, ước tính có một mức chênh lệch khoảng 200 tỷ USD giữa thặng dư hàng hóa của Trung Quốc theo cán cân thanh toán và thặng dư hàng hóa mà hải quan Bắc Kinh báo cáo trong dữ liệu chính thức.
Ông Setser, hiện là thành viên cao cấp về kinh tế quốc tế tại Hội đồng Đối ngoại (CFR), tin rằng các quan chức Trung Quốc đang ngăn dữ liệu xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương bằng cách dựa vào các ngân hàng do nhà nước điều hành và các quỹ tài sản quốc gia.
“Hệt như việc Trung Quốc có ‘ngân hàng ngầm’ — các tổ chức tài chính có hoạt động như ngân hàng và chấp nhận loại hình các rủi ro mà một ngân hàng thường có thể gánh chịu nhưng lại không bị quản lý như ngân hàng — Trung Quốc cũng có cái có thể được gọi là ‘dự trữ ngầm.’ Không phải mọi thứ mà Trung Quốc hành động trên thị trường hiện đều thể hiện trên bảng cân đối kế toán của PBoC,” ông viết, và đồng thời cho biết thêm rằng các quan chức sử dụng hệ thống ngân hàng nhà nước để che giấu những khoản dự trữ này khỏi sự theo dõi của công chúng.
Cuối cùng, ông Setster nói, thứ dự trữ ngầm này có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và gây ra rủi ro lớn, nếu xét đến tầm quan trọng của Trung Quốc đối với thị trường quốc tế.
Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Sáng kiến vành đai và con đường
Ông Tester lưu ý, một trong những mục tiêu chính đằng sau Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc — kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu quy mô lớn được khai triển hồi năm 2009 — là để đa dạng hóa các khoản đầu tư của quốc gia này trong một thế giới hậu khủng hoảng tài chính. Sáng kiến này đã biến Trung Quốc thành một chủ nợ đáng kể trong nền kinh tế quốc tế.
“Họ là một lực lượng kinh tế đủ mạnh đến mức mà theo một cách nào đó, một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn diện, toàn cầu, kéo dài hàng thập niên chỉ là một tác dụng phụ của quyết định tìm ra những cách thức mới để quản lý ngoại hối của Trung Quốc năm 2009,” ông viết. “Chà, Trung Quốc là một nền kinh tế quá lớn — và một nền kinh tế không cân bằng — đến nỗi toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế đó đúng là có một tác động quá lớn trên toàn cầu.”
Đồng thời, vẫn chưa rõ những diễn biến mới đây nhất có những tác động gì lên dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã giảm cho vay ngoại quốc khi có nhiều quốc gia đi vay nghèo khó tiếp tục chật vật với lãi suất cao và kế hoạch thanh toán.
Chính phủ Hoa Kỳ đã tổ chức các phiên điều trần trước Quốc hội thảo luận về việc Trung Quốc đã trở thành bên cho vay quan trọng đối với các tổ chức tài chính quốc tế, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) như thế nào. Các quan chức tin rằng Hoa Thịnh Đốn cần mở rộng khả năng cho vay của mình để ngăn chặn Bắc Kinh có được ảnh hưởng lớn hơn trong các tổ chức toàn cầu này và ngăn các quốc gia nghèo trở nên quá lệ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Số liệu của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng các khoản cho vay mới của Trung Quốc dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã giảm 58% so với mức cao chưa từng có hồi năm 2018. Hồi năm 2022, dư nợ cho vay của Trung Quốc là 170.4 tỷ USD.
Hơn nữa, một loạt các quốc gia lưu ý rằng nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã không đóng góp được gì cho các nền kinh tế. Chẳng hạn như Sri Lanka, quốc gia này đã phàn nàn rằng các con đường ở cảng phía nam của quốc gia này vẫn chưa được hoàn thành.
BRI đã cho phép chính quyền Trung Quốc khởi được tác dụng của nguồn dự trữ ngoại hối rất lớn của mình và đạt được nhiều mục tiêu khác nhau, cho dù là gây ảnh hưởng ở các khu vực khác nhau trên khắp Trung Quốc hay mở rộng lợi thế sang các chính phủ ngoại quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times