Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa muốn biết mức độ mà các khoản đầu tư của Hoa Kỳ đang trợ giúp cho Trung Quốc
Dữ liệu cho thấy đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đang suy giảm.
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã đệ trình dự luật nhằm phơi bày mức độ mà các khoản đầu tư của Hoa Kỳ đang chảy vào Trung Quốc cũng như sự trợ lực mà các khoản đầu tư này đang tạo ra cho các lĩnh vực và công ty nhạy cảm dùng để làm suy yếu Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) và Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) đã giới thiệu Đạo luật Trách nhiệm Đầu tư của Hoa Kỳ hôm 12/12. Đề nghị này nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường tần suất dữ liệu đầu tư ra ngoại quốc như một phần của nỗ lực minh bạch. Đạo luật này cũng yêu cầu thông tin về các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc phải được cung cấp thường xuyên cho Quốc hội.
Dự luật sẽ yêu cầu Bộ Ngân khố báo cáo về các danh mục đầu tư vượt quá 10 triệu USD trong một giao dịch hoặc tổng cộng 25 triệu USD. Bộ Thương mại sẽ có nhiệm vụ báo cáo về các khoản đầu tư trực tiếp vượt quá 5 triệu USD trong một giao dịch hoặc vượt quá 10 triệu USD về tổng số.
Cả hai cơ quan liên bang này sẽ buộc phải áp dụng các chỉnh sửa cấp quốc gia đối với dữ liệu của họ để giám sát tốt hơn mức độ đầu tư vào “các quốc gia gây lo ngại” và phân tách các dòng đầu tư theo khu vực kinh tế và chia sẻ đầu tư “vào các công ty bị trừng phạt.” Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) sẽ được yêu cầu báo cáo về “các liên doanh, những thương vụ sáp nhập và mua lại cũng như tách công ty, và các khoản đầu tư mới vào các quốc gia gây lo ngại.”
“Các chính sách báo cáo đầu tư hiện tại của chúng ta có những lỗ hổng thông tin quan trọng,” ông Rubio cho biết trong một tuyên bố. “Dự luật này sẽ bảo đảm rằng các nhà hoạch định chính sách có quyền tiếp cận dữ liệu chính xác về các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc cộng sản.”
Các nhà lập pháp khác ủng hộ
Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina), người đồng bảo trợ dự luật, đã lưu ý rằng các công ty do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát đang lợi dụng thị trường Hoa Kỳ để chuyển những số lượng tiền vốn, dữ liệu, và thông tin rất lớn về cho chính quyền Bắc Kinh.
Ông Scott nói: “Chúng ta cần sự minh bạch về cách tiền chảy ra khỏi Hoa Kỳ và dự luật này sẽ tạo ra sự minh bạch và công bố thông tin cần thiết để hiểu được ảnh hưởng thực sự của Trung Quốc đối với thị trường của chúng ta.”
Dân biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York) đã giới thiệu dự luật đồng hành ở Hạ viện “để bảo đảm rằng có thông tin chính xác và kịp thời về phạm vi và bản chất thực sự của các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc cộng sản và các quốc gia đối địch khác.”
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa làm việc về vấn đề đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
Kể từ năm 2019, ông Rubio đã thúc đẩy các nỗ lực của lưỡng đảng nhằm ngăn cản Ủy ban Đầu tư Tiết kiệm Hưu trí Liên bang đầu tư tiền tiết kiệm hưu trí vào các công ty Trung Quốc. Kết quả là, hồi tháng Mười Một, quỹ hưu trí liên bang trị giá 771 tỷ USD này của Hoa Kỳ đã quyết định loại trừ các khoản đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
Ông Rubio nói: “Trung Quốc cộng sản không nên thu lợi từ tài khoản hưu trí của các nhân viên và quân nhân của chính phủ Hoa Kỳ.”
Tình trạng các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc
Trong 15 năm qua, đầu tư trực tiếp ngoại quốc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã tăng nhanh, đạt 125 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường toàn cầu đang thay đổi khi ngày càng nhiều nhà quản lý tài sản và nhà đầu tư cảnh giác khi đổ tiền vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Nhìn chung, khoảng 1% khối lượng đầu tư trực tiếp ngoại quốc của Hoa Kỳ nằm ở Trung Quốc.
Xu hướng giảm đầu tư này cũng đã được chứng kiến ở ngoài biên giới Hoa Kỳ. Lần đầu tiên, con số đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc đã chuyển thành âm kể từ khi việc ghi nhận dữ liệu bắt đầu vào năm 1998. Tương tự như vậy, dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc cho thấy đầu tư trực tiếp của các công ty ngoại quốc vào Trung Quốc đã giảm mạnh 87% trong quý 2 so với cùng thời kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong hơn hai thập niên.
Các nhà phân tích thị trường cho biết dữ liệu gần đây cho thấy các khoản thoái vốn lớn hơn các khoản đầu tư mới, dù nguyên nhân là do đa dạng hóa chuỗi cung ứng hay lo ngại về an ninh quốc gia. Tất nhiên, kết quả này không có nghĩa là đầu tư đã cạn kiệt hoàn toàn.
Theo báo cáo của Liên minh vì một nước Mỹ Thịnh vượng (Coalition for a Prosperous America), các quỹ chỉ số Wall Street đã đưa nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đầu tư của họ, bao gồm một số công ty bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì có liên kết với quân đội Trung Quốc.
Mùa hè vừa qua, một cuộc điều tra của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về ĐCSTQ đã phát hiện ra rằng đại công ty đầu tư BlackRock đã sử dụng tài sản của công dân Hoa Kỳ để đầu tư vào các công ty Trung Quốc được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Để ứng phó với những lo ngại ngày càng tăng này, Tòa Bạch Ốc đã công bố những hạn chế mới đối với đầu tư tư nhân của Hoa Kỳ vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, và cơ học lượng tử. Tuy nhiên, một nhóm thành viên Đảng Cộng Hòa cho rằng các biện pháp này chưa đi đủ xa để áp dụng cho các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như công nghệ sinh học và công nghệ năng lượng.
Bộ Ngân khố cho biết trong một tuyên bố hồi tháng Tám: “Chính phủ Tổng thống Biden cam kết giữ an toàn cho Hoa Kỳ và bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ thông qua việc bảo vệ một cách thích hợp các công nghệ quan trọng đối với thế hệ đổi mới quân sự tiếp theo.”
Trong khi chính quyền Trung Quốc phàn nàn về các hạn chế này, thì các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ khó có thể tiến hành việc ăn miếng trả miếng.
Hoa Kỳ đang tiến hành sáng kiến “giảm rủi ro” bằng cách mở rộng danh sách các đối tác thương mại. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang trong thời kỳ suy thoái, với xuất cảng giảm mạnh vào tám trong số 11 tháng qua và hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times