Hoa Kỳ: Dự luật quốc phòng yêu cầu báo cáo về khả năng xảy ra chiến tranh với Trung Quốc vào năm 2030
Báo cáo sẽ xem xét ‘phạm vi hậu quả của cuộc chiến với [Trung Quốc]’ vào năm 2030, và đề ra các con đường tấn công có thể xảy ra.
Dự luật chi tiêu quốc phòng thường niên của Hoa Kỳ sẽ quy định về việc thực hiện một số báo cáo và hành động nhằm cải thiện vị thế chiến lược của quốc gia trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) trị giá 886 tỷ USD bao gồm hàng trăm tài liệu tham khảo về Trung Quốc cộng sản và quân đội của nước này, đồng thời đề ra các lộ trình để bắt đầu tăng cường khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Quốc hội dự kiến sẽ thông qua dự luật quốc phòng cho năm tài khóa 2024 vào cuối tuần này, sau đó gửi đến Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Dự luật này (pdf) sẽ yêu cầu Bộ Quốc phòng (DoD) phân tích gần như mọi khía cạnh trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Đáng chú ý nhất trong số các báo cáo đó là đánh giá về hậu quả kinh tế và địa chính trị có thể xuất phát từ một cuộc chiến giả định giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 2030.
Báo cáo sẽ xem xét “phạm vi hậu quả của cuộc chiến với [Trung Quốc]” vào năm 2030 và đề ra các con đường tấn công có thể xảy ra, hoạt động mạng, và các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng, cũng như hậu quả kinh tế toàn cầu của một cuộc chiến như vậy.
Báo cáo này cũng sẽ tiên liệu về tổn thất nhân mạng dự kiến của cả hai bên, cũng như “những tác động đối với thường dân của Nhật Bản, Đài Loan, Úc, và các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Dự luật cũng sẽ đòi hỏi việc khám phá và phân tích các khoản đầu tư của ĐCSTQ vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên toàn thế giới, bao gồm các cảng và khoáng sản, các phương tiện mà chế độ này có thể đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu và vai trò của ĐCSTQ trong việc thúc đẩy hoạt động buôn bán fentanyl.
Một sửa đổi sẽ cấm Ngũ Giác Đài tài trợ cho các dự án truyền hình và điện ảnh nếu có bằng chứng cho thấy dự án đó có thể đã “tuân thủ hoặc có khả năng tuân thủ” yêu cầu kiểm duyệt của ĐCSTQ.
Một sửa đổi khác sẽ cấm Ngũ Giác Đài tài trợ cho việc sử dụng “dịch vụ dạy kèm trực tuyến” do các tổ chức có liên đới với ĐCSTQ sở hữu hoặc điều hành.
Trong khi đó, Quốc hội dường như đã loại bỏ những đề xướng sửa đổi nhằm ngăn chặn dòng chảy của dầu chiến lược từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc.
Đáng chú ý, cả phiên bản Hạ viện và Thượng viện của dự luật đều yêu cầu Bộ trưởng Năng lượng cấm xuất cảng các sản phẩm dầu mỏ từ Cục Dự trữ Dầu khí Chiến lược sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả hai sửa đổi đó rõ ràng đều không thấy xuất hiện trong phiên bản cuối cùng của dự luật, mặc dù đã nhận được sự ủng hộ áp đảo của lưỡng viện hồi đầu năm.
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times