Các nhà khoa học phát hiện ra ngoại hành tinh kỳ lạ có cái đuôi dài tới 560,000 dặm Anh
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một ngoại hành tinh khổng lồ kỳ lạ kéo theo một cái đuôi dài tới 350,000 dặm Anh (563,000 km) khi đang vận động, khiến nó trông giống như một ngôi sao chổi. Mặc dù các nhà khoa học đã phát hiện ra ngoại hành tinh này vào năm 2014, nhưng trong những nghiên cứu gần đây, họ mới xác nhận được rằng nó có một đuôi dài do chất khí cấu thành.
Đại học California, Los Angeles (UCLA) cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, ngoại hành tinh này có tên là WASP-69b, cách Trái Đất khoảng 160 năm ánh sáng. Nó có kích thước tương đương với Sao Mộc và quỹ đạo của nó rất gần với hằng tinh mẹ.
Một nhóm nghiên cứu do các nhà vật lý thiên văn của trường này dẫn đầu đã phát hiện ra rằng, WASP-69b ở gần hằng tinh mẹ đến mức bầu khí quyển của nó bốc hơi với tốc độ 200,000 tấn mỗi giây. Dưới tác dụng của gió sao (stellar wind), nó tạo thành một cái đuôi dài ít nhất 350,000 dặm Anh. Lúc này, trông nó giống như đuôi của sao chổi và dài hơn nhiều so với khi các quan sát trước đây.
Ông Dakotah Tyler, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại UCLA và là một trong những tác giả của báo cáo nghiên cứu này, cho biết nghiên cứu trước đây cho thấy WASP-69b đã mất một phần bầu khí quyển, từ đó tạo thành một cái đuôi không rõ ràng lắm, hoặc không có cái đuôi nào cả. Nhưng lần này, họ đã phát hiện ra cái đuôi của nó và xác nhận rằng cái đuôi này dài ít nhất gấp 7 lần bản thân hành tinh này.
WASP-69b là một Sao Mộc nóng (hot Jupiter) được phát hiện lần đầu tiên cách đây 10 năm. Nó là một hành tinh khổng lồ rất gần với hằng tinh mẹ. WASP-69b có đường kính gấp 1.1 lần Sao Mộc nhưng quay quanh hằng tinh mẹ với chu kỳ chỉ 3.9 ngày. Có thể so sánh nó với Sao Thủy, hành tinh gần Mặt Trời nhất và quay quanh Mặt Trời với chu kỳ 88 ngày.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc nghiên cứu trực tiếp các hành tinh mất bầu khí quyển như vậy rất quan trọng để hiểu được các hành tinh trong Dải Ngân hà đã phát triển theo thời gian như thế nào.
Một tác giả báo cáo khác, ông Erik Petigura, Giáo sư vật lý thiên văn tại UCLA, cho biết các nhà khoa học trước đây tin rằng hầu hết các ngoại hành tinh được biết đến đều đã mất bầu khí quyển từ lâu. Nhưng WASP-69b giống như một viên ngọc quý, mang đến cho họ cơ hội hiếm có để nghiên cứu sự mất đi bầu khí quyển của một hành tinh trong thời gian thực, đồng thời hiểu được cơ chế vật lý quan trọng hình thành nên hàng ngàn hành tinh khác.
Nghiên cứu này cho thấy chất khí bị mất của WASP-69b chủ yếu là hydro và heli, chúng bị gió sao thổi về phía Trái Đất. Các nhà nghiên cứu có thể tính toán hành tinh này đã mất đi bao nhiêu khối lượng.
Ông Tyler cho biết, ngay cả khi WASP-69b ở rất gần hằng tinh mẹ, bầu khí quyển của nó cũng sẽ không bốc hơi hoàn toàn. Nó nặng đến nỗi trước khi bầu khí quyển của nó biến mất thì hằng tinh mẹ đã mất rất lâu trước đó rồi.
Ông giải thích rằng, WASP-69b có khối lượng gấp khoảng 90 lần Trái Đất và chứa một lượng vật chất rất lớn. Dù nó mất đi một phần khối lượng thì cũng không gây ảnh hưởng nhiều. Nó không có nguy cơ mất toàn bộ bầu khí quyển trong suốt cuộc đời của hằng tinh mẹ.