Các ngân hàng Hoa Kỳ tăng lãi suất tiết kiệm để ngăn khách hàng lo sợ rút tiền sau sự sụp đổ của SVB
Các ngân hàng Mỹ hiện đang tăng lãi suất tiết kiệm để ngăn khách hàng tháo chạy vì hoảng sợ sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
USA Today đưa tin rằng, cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong ngành ngân hàng đang thúc đẩy các nhà cho vay cung cấp nhiều đặc quyền hơn cho khách hàng.
Các nhà phân tích cho biết nhiều người gửi tiền đã chuyển tiền của họ từ các ngân hàng khu vực sang các ngân hàng lớn hơn, buộc các ngân hàng nhỏ hơn phải tăng lãi suất cho tài khoản tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi (CD) để giữ chân khách hàng hoặc thu hút các tài khoản mới để bổ sung dự trữ.
Sự sụp đổ của SVB xảy ra khi tình trạng mất niềm tin vào sức khỏe tài chính của ngân hàng này dẫn đến những khách hàng không được bảo hiểm có số tiền gửi lớn hơn giới hạn 250,000 USD của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang chuyển tiền của họ sang các ngân hàng lớn hơn với tài sản ổn định hơn, dẫn tới tình trạng rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng.
Việc rút vốn hàng loạt khỏi SVB cũng khiến SVB không thể thực hiện bất kỳ khoản cho vay nào đối với cơ sở khách hàng mới thành lập của mình.
Signature Bank của New York cũng đã sụp đổ vì một lý do tương tự và đã đe dọa cả First Republic Bank.
Sự mất niềm tin lớn vào ngành ngân hàng đã khiến nhiều người gửi tiền trên khắp đất nước phải cải tổ lại khoản tiền gửi của họ, buộc các cơ quan quản lý liên bang phải ngăn ngừa khủng hoảng và chặn lại việc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng trong tương lai bằng chương trình cứu trợ để bảo đảm rằng những người gửi tiền không được bảo hiểm có thể tiếp cận tiền của họ.
Khủng hoảng ngân hàng khu vực thúc đẩy các nhà cho vay hành động
Sự sụp đổ của SVB và Signature đã cản trở Wall Street cùng hoạt động cho vay, đồng thời tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm trong năm nay trong khi khả năng xảy ra một cuộc suy thoái lớn đang gia tăng.
Hồi tuần trước (20-26/03), theo một phân tích dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang của JPMorgan, các ngân hàng khu vực và nhỏ hơn đã mất khoản tiền gửi kỷ lục 119 tỷ USD kể từ đầu tháng Ba, trong khi 25 ngân hàng lớn nhất đã có thêm 67 tỷ USD tiền gửi.
Ông Ken Tumin, người sáng lập DepositAccounts.com, nói với USA Today, tổ chức chuyên theo dõi lãi suất tiết kiệm ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi, cho biết: “Có vẻ như những lo ngại về việc duy trì mức tiền gửi đã gây áp lực lên một số mức lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng nhất định.”
Ông Tumin nói rằng tốc độ tăng lãi suất đã tăng vọt sau khi cuộc khủng hoảng SVB được đưa tin hôm 08/03, khi lãi suất tiết kiệm trực tuyến trung bình tăng 22 điểm căn bản, lên 3.74% trong khoảng thời gian từ hôm 01/03 đến 24/03.
Lãi suất đã chỉ tăng 4 điểm căn bản từ tháng Một đến tháng Hai và tăng 17 điểm căn bản từ tháng Hai đến tháng Ba.
Sự gia tăng này đã xảy ra bất chấp quyết định của Fed về việc giảm tốc độ tăng lãi suất, từ 50 điểm căn bản hồi tháng 12 xuống còn 25 điểm căn bản trong mỗi tháng Hai và tháng Ba.
Ông Tumin nói, điều đó cho thấy rằng sự thất bại của SVB và Signature Bank có khả năng là một phần nguyên do dẫn đến việc tăng lãi suất ngân hàng gần đây. Ông nói rằng các ngân hàng giờ đây muốn “bảo vệ các khoản tiền gửi của họ để giảm khả năng bị tổn thất bởi việc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng.”
Ông cho biết một số ngân hàng trực tuyến đã tăng lãi suất huy động vì khách hàng dễ dàng chuyển tiền sang các đối thủ cạnh tranh hơn.
Ông Tumin đã viết rằng hành động của Ally Bank nhằm tăng lãi suất cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 11 tháng, cho phép rút tiền bất cứ lúc nào mà không bị phạt từ 4.0% lên 4.75% hôm 11/03 — một ngày sau sự sụp đổ của SVB — có thể đã được thiết kế để “giảm dòng tiền gửi chảy ra từ các khách hàng dễ lo lắng.”
Lãi suất cao hơn của Ally Bank đã tăng thêm 138 USD tiền lãi trong thời hạn 11 tháng cho khoản tiền gửi 20,000 USD.
Ông Garry Zimmerman, người sáng lập MaxMyInterest.com, nói với USA Today rằng một số ngân hàng có thể đang cố gắng tận dụng cuộc khủng hoảng bằng cách giành lấy một số khoản tiền gửi đang bật ra từ hệ thống ngân hàng thay vì cố gắng ngăn chặn việc mất các nguồn tiền.
Ông Zimmerman nói: “Tôi nghĩ rằng các ngân hàng đang nắm bắt cơ hội và xem đây… là một cơ hội tốt để nắm bắt được mối quan hệ với khách hàng.”
Mặc dù mức tăng lãi suất trung bình còn khiêm tốn nhưng một số ngân hàng đã đẩy lãi suất tăng mạnh hơn.
Khách hàng được hưởng lợi từ lãi suất tiết kiệm cao hơn
Quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang hôm 22/03, cho tháng thứ chín liên tiếp, là một tin tốt cho những người tiết kiệm đang tìm kiếm lợi suất cao hơn trên tài khoản của họ. Và một số khách hàng thực sự đang được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng, khi họ nhận được lãi suất tiết kiệm tăng tại ngân hàng.
Ông Greg McBride, giám đốc phân tích tài chính của Bankrate.com cho biết: “Lợi nhuận từ tài khoản tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi đang là tốt nhất trong vòng 15 năm qua.”
Lãi suất tiết kiệm cao hơn sẽ cho phép người gửi tiền tại các ngân hàng nhỏ hơn kiếm được một số tiền sau nhiều năm chỉ kiếm được lãi suất thấp trong tài khoản tiết kiệm của họ, trong khi các ngân hàng lớn hơn vẫn đưa ra lãi suất tiết kiệm thấp.
Trong khi đó, ông McBride không thực sự tin rằng có một mối liên hệ trực tiếp giữa cuộc khủng hoảng ngân hàng này và mức tiết kiệm cao hơn, hay lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao hơn.
Ông nói thêm: “Trong một môi trường lãi suất tăng cao, các ngân hàng liên tục trả lãi suất cạnh tranh đã nhiều lần tăng các khoản thanh toán của họ để duy trì tính cạnh tranh.”
Hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng trong tháng Ba đối với lãi suất tiết kiệm có thể là khó đánh giá, vì lãi suất ngân hàng đã tăng đáng kể kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất cho vay thêm 4.75% hồi năm ngoái trong nỗ lực chống lạm phát cao.
Hầu hết các ngân hàng có địa điểm chi nhánh thực tế đã tăng lãi suất tiết kiệm lên 0.35% vì họ có xu hướng có nhiều tiền gửi, nhưng các ngân hàng trực tuyến, có xu hướng nhỏ hơn, thì lại tăng tích cực hơn.
Theo Bankrate, các tài khoản tiết kiệm ngân hàng trực tuyến hiện đang cung cấp mức lãi suất cao tới 5%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 0.23% của tài khoản tiết kiệm quốc gia.
Ông McBride nói: “Quý vị sẽ thiệt thòi rất nhiều tiền nếu không gửi tiền tại ngân hàng trực tuyến.”
Trong một báo cáo khác, DepositAccounts.com cho biết tỷ lệ tiết kiệm trực tuyến trung bình hiện ở mức 3.52%, tăng từ mức 0.49% của một năm trước.
Họ cũng báo cáo rằng lãi suất chứng chỉ tiền gửi trực tuyến một năm trung bình là 4.56%, tăng từ mức 0.67% của một năm trước.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times