Bộ trưởng Yellen cảnh báo cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể đến từ ‘ngân hàng ngầm’ và cơ quan quản lý phải hành động
Hôm thứ Năm (30/03) Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết các quy tắc ngân hàng có thể cần phải được thắt chặt sau những vụ sụp đổ vừa qua của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, đồng thời cảnh báo về các lỗ hổng cấu trúc phải được giải quyết trong lĩnh vực “ngân hàng ngầm” bao gồm những thứ như các quỹ phòng hộ và quỹ thị trường tiền tệ.
Trong bài phát biểu chuẩn bị gửi tới Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE), bà Yellen nói rằng quy định ngân hàng và các quy tắc giám sát cần phải được xem xét lại sau sự sụp đổ kép của SVB và Signature do việc rút tiền hàng loạt gây ra.
Bà Yellen nói, “Bất cứ khi nào một ngân hàng sụp đổ, đó là nguyên nhân gây lo ngại nghiêm trọng. Các yêu cầu về quy định đã được nới lỏng trong những năm vừa qua. Tôi tin rằng việc đánh giá tác động của các quyết định bãi bỏ quy định này và thực hiện mọi hành động cần thiết nào để đáp ứng là phù hợp.”
Bà Yellen cho biết việc giảm bớt các yêu cầu về vốn ngân hàng trong năm 2018 và sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng vừa và nhỏ có tài sản dưới 250 tỷ USD nên được đánh giá lại.
Bà nói thêm rằng những cải cách về quy định được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã giúp hệ thống tài chính Hoa Kỳ đối phó với những xáo trộn, nhưng vẫn còn những lỗ hổng và có cơ hội tăng cường khả năng bền bỉ.
Bà Yellen nói, “Nhưng sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực trong tháng này chứng tỏ rằng công việc của chúng tôi vẫn chưa hoàn thành,” đồng thời cho biết thêm rằng hệ thống tài chính Hoa Kỳ hiện nay vững chắc đáng kể trước những xáo trộn hơn so với thời kỳ khủng hoảng trước đó cách đây hơn chục năm.
Bà nói: “Điều này có lẽ được minh họa rõ nhất qua thực tế là chúng ta đã chứng kiến được sự ổn định tương đối trong toàn bộ lĩnh vực ngân hàng trong tháng này, ngay cả khi những mối lo ngại gia tăng đối với các định chế cụ thể.”
Các ngân hàng khu vực và cộng đồng nhỏ hơn đã chứng kiến một sự gia tăng dòng tiền gửi ra sau sự sụp đổ của SVB và Signature trong khi các ngân hàng lớn được coi là “quá lớn không thể sụp đổ” và có nhiều khả năng được cứu trợ lại là những người được hưởng lợi. Điều này đã dẫn đến những lo ngại rằng khi tiền gửi rời khỏi các ngân hàng địa phương, việc cung cấp tín dụng của họ sẽ giảm dần, gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Bà Yellen cho biết điều quan trọng là các cơ quan quản lý phải đánh giá xem liệu các chế độ giám sát và quản lý hiện tại có phù hợp với những rủi ro mà các ngân hàng gặp phải hay không và, nếu không, thì các nhà hoạch định chính sách “phải hành động.”
Mặc dù không đưa ra đề xướng cụ thể nào về các tiêu chuẩn giám sát và quản lý chặt chẽ hơn, nhưng bà Yellen cho biết bất kỳ bước tiếp theo nào cũng phải tính đến “sức khỏe và khả năng cạnh tranh của các tổ chức ngân hàng cộng đồng và khu vực sôi động của chúng ta,” có thể phải đối mặt với tác động lớn từ nhiều quy định hơn.
Bà thừa nhận rằng nhiều quy định hơn có nghĩa là gánh nặng lớn hơn và tốn kém hơn đối với các ngân hàng nói chung, nhưng những chi phí đó “không đáng kể so với chi phí bi thảm của các cuộc khủng hoảng tài chính.”
Những ngân hàng ngầm là mục tiêu
Trong phần trình bày của mình, bà Yellen kêu gọi quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực phi ngân hàng hoặc “ngân hàng ngầm” đang phát triển, trong đó có các quỹ thị trường tiền tệ, quỹ phòng hộ, và các tài sản mã kim.
Trong lĩnh vực ngân hàng truyền thống, có các quy tắc và luật được áp dụng để giảm rủi ro rút tiền hàng loạt. Bên cạnh các yêu cầu về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng, còn có các khoản bảo đảm tiền gửi do Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cung cấp, tất cả đều làm giảm khả năng người gửi tiền sẽ đổ xô rút tiền tiết kiệm khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên.
Bà Yellen cảnh báo: “Tuy nhiên, những rủi ro về ổn định tài chính do thị trường tiền tệ và quỹ không giới hạn gây ra vẫn chưa được giải quyết đầy đủ.”
Bà Yellen cho biết, các quỹ thị trường tiền tệ đặc biệt dễ bị rút tiền và bán tháo, một phần là do cái gọi là “lợi thế của người đi đầu” đã tạo ra một động cơ khuyến khích các nhà đầu tư rút vốn ngay “khi có một vấn đề nào đó xảy ra.”
Lợi thế của người đi đầu trong bối cảnh quỹ thị trường tiền tệ có nghĩa là những người rút vốn đầu tiên có thể rời khỏi quỹ này với giá 1 USD một cổ phiếu, trong khi những người chờ đợi có thể bị giảm giá trị thị trường và do đó phải chịu thiệt hại. Điều này tạo ra một động cơ khuyến khích các nhà đầu tư rút vốn khi có dấu hiệu đầu tiên của một vấn đề, vốn có thể dẫn đến tình trạng tháo chạy và bán tháo một cách hoảng loạn, gây rủi ro cho sự ổn định tài chính.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các khoản thua lỗ được dự kiến đối với thương phiếu của Lehman Brothers đã dẫn đến việc Quỹ Sơ cấp Dự trữ trị giá 62 tỷ USD bị rút cạn, từ đó làm dấy lên lo ngại về thương phiếu do các ngân hàng khác phát hành và dẫn đến tình trạng rút vốn của các quỹ thị trường tiền tệ khác.
Bà Yellen lưu ý rằng lợi thế của người đi đầu cũng khởi tác dụng hồi tháng 03/2020 trong bối cảnh xáo trộn của đại dịch, khi một khoản tiền kỷ lục 255 tỷ USD chảy ra khỏi các quỹ tương hỗ trái phiếu.
Điều này và các lỗ hổng cấu trúc khác liên quan đến thị trường tiền tệ và quỹ không giới hạn không phải là mới, và trong hai năm qua Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã tìm cách giải quyết những vấn đề này thông qua các đề nghị quy định mới.
Đặc biệt, các đề nghị của SEC sẽ làm giảm lợi thế của người đi đầu và cũng đòi hỏi các quy định quản lý thanh khoản mới và yêu cầu các quỹ này cung cấp cho các nhà đầu tư và SEC thông tin toàn diện và kịp thời hơn.
‘Vòng xoáy tiêu cực của các lệnh gọi ký quỹ’
Trong khi đó, bà Yellen nói, các quỹ phòng hộ có tổng tài sản gần 10 ngàn tỷ USD vào năm 2021, phải đối mặt với các rủi ro đòn bẩy.
Bà nói, “Đòn bẩy có thể trợ giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng đòn bẩy quá mức rất nguy hiểm. Diễn biến này có thể tăng cường thúc đẩy tình trạng bán tháo bằng cách kích hoạt một vòng xoáy tiêu cực của các lệnh gọi ký quỹ và thanh lý tài sản nhanh chóng.” Những vụ bán tháo này có thể gây căng thẳng cho những người tham gia thị trường khác, trong đó có các ngân hàng lớn, quan trọng trong hệ thống.
Bà Yellen nói, “Các quy định ngân hàng sau khủng hoảng đã giúp làm giảm khả năng tác động lan tỏa đến hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, tác động lan tỏa từ những vụ bán tháo này sang những người tham gia thị trường khác vẫn là một rủi ro.”
Bà Yellen nói rằng, trong một nỗ lực giải quyết những rủi ro này, Nhóm Công tác Quỹ Phòng hộ được khôi phục của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính đa cơ quan quản lý sẽ tiếp tục giám sát những rủi ro này và khai triển các khuyến nghị chính sách.
Ngoài ra, theo nhận thức của Bộ trưởng Ngân khố, các lỗ hổng hệ thống có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính là các tài sản kỹ thuật số. Mối quan tâm đặc biệt là mã kim cố định giá, cũng có thể bị buộc phải bán tháo tài sản trong những thời điểm căng thẳng.
Bà Yellen nói, “Một cuộc rút tiền hàng loạt trên một mã kim cố định giá có thể dẫn đến các cuộc rút tiền hoảng loạn trên các mã kim cố định giá khác — gây ra tình trạng bán tháo thậm chí còn rộng hơn,” đồng thời cho biết thêm rằng Quốc hội nên thông qua một luật để thiết lập khung pháp lý thận trọng toàn diện cho các nhà phát hành mã kim cố định giá và các tài sản kỹ thuật số khác.
Bà Yellen cho biết chính phủ ông Biden đang nghiên cứu khả năng xảy ra rủi ro hệ thống từ các tài sản kỹ thuật số.
Bà Yellen nói, “Và chúng tôi cũng đang khám phá các vấn đề chính sách rộng lớn hơn xung quanh tương lai của tiền và các khoản thanh toán, trong đó có khả năng về một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.”
Trong khi đó, các cơ quan quản lý ngân hàng toàn cầu đang thảo luận về việc tăng cường giám sát xem những rủi ro từ các ngân hàng ngầm quan trọng trong hệ thống có thể gây bất ổn cho người cho vay như thế nào.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times