Các khoản lỗ khiến các ngân hàng trung ương mua vàng với số lượng kỷ lục
Trong năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua số lượng vàng lớn nhất trong lịch sử gần đây. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương đã đạt đến mức chưa từng thấy kể từ năm 1967.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 673 tấn vàng trong ba quý đầu năm 2022, và trong quý thứ ba, thì con số này đã đạt đến mức gần 400 tấn. Thực tế này thật thú vị vì kể từ năm 2020 dòng lưu chuyển [vàng] của các ngân hàng trung ương đã chủ yếu là bán ròng.
Tại sao các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang thêm vàng vào dự trữ của họ? Có thể có các yếu tố khác nhau phía sau hành động này.
Tài sản có tỷ trọng dự trữ lớn nhất của hầu hết các ngân hàng trung ương là USD, thường ở dạng công khố phiếu Hoa Kỳ. Việc một số ngân hàng trung ương, đặc biệt là ngân hàng trung ương Trung Quốc, muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD là điều hợp lý.
Dự trữ ngoại hối cao của Trung Quốc là một nguồn chính cho sự ổn định đối với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Lượng USD cao (3.1 ngàn tỷ USD) có thể là một yếu tố ổn định chính trong năm 2022, nhưng trữ lượng này lại có thể là quá nhiều nếu thập niên tới mang đến một làn sóng mất giá tiền tệ chưa từng xảy ra trước đây.
Các ngân hàng trung ương đã nói về ý tưởng phát hành một loại tiền điện toán, thứ sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của tiền tệ ngày nay. Bằng cách phát hành một loại tiền điện toán trực tiếp vào tài khoản của mọi công dân tại ngân hàng trung ương, tổ chức tài chính này sẽ có được toàn quyền truy cập vào thông tin của những người gửi tiết kiệm, và quan trọng hơn là, có thể thúc đẩy [tốc độ của] cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ bằng cách loại bỏ các kênh ngăn ngừa xảy ra lạm phát cao hơn: kênh ngân hàng và kênh bảo lãnh cho nhu cầu tín dụng.
Yếu tố đã giữ cho lạm phát [của hàng hóa, dịch vụ, tài sản thực nói chung] không tăng thêm nhiều hơn là do cách chính sách tiền tệ được dẫn truyền luôn bị giảm tốc bởi nhu cầu về tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Sự giảm tốc này rõ ràng đã dẫn đến một sự gia tăng lớn về giá của các loại tài sản tài chính [để huy động tiền, ví dụ như chứng khoán] và vẫn luôn khiến giá cả [nói chung] tăng vọt khi mức tăng cung tiền được sử dụng để chi trả cho chi tiêu và trợ cấp của chính phủ.
Nếu các ngân hàng trung ương bắt đầu phát hành các đồng tiền điện toán, thì mức độ phá hủy sức mua của các loại tiền tệ mà chúng ta đã chứng kiến trong vòng 50 năm qua [vẫn] sẽ là hết sức nhỏ so với những gì có thể xảy ra khi các ngân hàng trung ương có được quyền kiểm soát không hạn chế.
Trong một môi trường như vậy, thì vị thế dự trữ giá trị của vàng là không gì sánh được.
Còn có nhiều lý do hơn nữa để mua vàng.
Thanh khoản là gót chân Achilles của mã kim. Một vài đợt tăng lãi suất của Fed đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng rằng giá trị của các đồng tiền điện toán chỉ có thể tăng. Mã kim không cản trở việc mở rộng tiền tệ; mà đúng hơn, mã kim còn là một trong những hệ quả của chính sách mở rộng tiền tệ. Giờ đây, vàng là một trong số ít tài sản thực sự dự trữ được giá trị còn sót lại.
Hiệu suất của vàng tính theo USD có thể khiến các nhà đầu tư thất vọng trong năm 2022, mặc dù giá đã đi ngang. Nhưng trong một năm mà tài sản tài chính sụt giảm trên diện rộng, thì vàng đã tăng giá so với đồng euro, đồng bảng Anh, đồng yên, và phần lớn các loại tiền tệ mới nổi.
Các ngân hàng trung ương cần vàng vì có thể họ đang chuẩn bị cho một giai đoạn giá trị tiền tệ bị tàn phá chưa từng có.
Tờ Financial Times tuyên bố rằng các ngân hàng trung ương đã chịu tổn thất đáng kể do giá trị trái phiếu mà họ nắm giữ trên bảng cân đối kế toán giảm. Tính đến cuối quý 2/2022, Cục Dự trữ Liên bang đã lỗ 720 tỷ USD trong khi Ngân hàng Anh lỗ 241 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương Âu Châu hiện đang xem xét lại tài chính của mình, và người ta dự đoán rằng ngân hàng này cũng sẽ phải gánh chịu những tổn thất đáng kể.
Theo bản tin của tờ Politico, Ngân hàng Trung ương Âu Châu, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, và ngân hàng trung ương Úc, tất cả đều “hiện đang phải đối mặt với những khoản lỗ có thể lên tới tổng cộng hơn 1 ngàn tỷ USD, khi các trái phiếu một thời đã từng sinh lãi nay trở thành các khoản nợ phải trả.”
Khi một ngân hàng trung ương bị lỗ, ngân hàng ấy có thể lấp đầy khoảng trống bằng cách sử dụng bất kỳ khoản dự trữ sẵn có nào từ những năm trước hoặc yêu cầu trợ giúp từ các ngân hàng trung ương khác. Tương tự như một ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương có thể gặp những khó khăn đáng kể; tuy nhiên, một ngân hàng trung ương lại được có lựa chọn quay sang cầu cứu các chính phủ khác [để vay nợ] như một phương sách cuối cùng. Điều này ngụ ý rằng lỗ hổng thâm hụt sẽ do những người nộp thuế bù đắp, với chi phí rất lớn.
Làn sóng phá hủy giá trị tiền tệ có thể xuất phát từ một kỷ lục mới về nợ toàn cầu, những khoản lỗ rất lớn ở các tài sản của ngân hàng trung ương, và việc phát hành các đồng tiền điện toán sẽ chỉ tìm được một nơi trú ẩn an toàn thực sự ở một loại tài sản có vị thế lưu trữ giá trị đã được minh chứng qua hàng thế kỷ: đó là Vàng. Điều này là do các ngân hàng trung ương biết rằng các chính phủ sẽ không cắt giảm chi tiêu thâm hụt.
Những con số này nêu bật vấn đề to lớn mà việc lạm dụng chính sách nới lỏng định lượng gần đây gây ra. Do không nhận thức được thực tế về khả năng thanh toán của tổ chức phát hành, nên các ngân hàng trung ương đã chuyển từ mua các tài sản có rủi ro thấp với giá hấp dẫn sang mua bất kỳ trái phiếu chính phủ nào với bất kỳ mức giá nào.
Tại sao các ngân hàng trung ương lại tăng mua vàng ngay khi các khoản lỗ xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của họ? Là vì để tăng mức dự trữ, giảm bớt tổn thất, và dự phòng cho ảnh hưởng có thể có của các loại tiền điện toán mới đối với lạm phát. Vì việc mua lại trái phiếu chính phủ của ngân hàng trung ương Âu Châu hoặc Bắc Mỹ không giúp giảm nguy cơ thua lỗ nếu lạm phát vẫn ở mức cao, nên rất có khả năng lựa chọn thực tế duy nhất [đối với các ngân hàng trung ương] là mua thêm vàng.
Ngân hàng trung ương của các quốc gia công nghiệp sẽ cố gắng thu hẹp các bảng cân đối kế toán của họ để chống lạm phát, nhưng họ cũng sẽ phát hiện ra rằng những tài sản [tài chính] mà họ sở hữu sẽ tiếp tục suy giảm giá trị. Một ngân hàng trung ương đang thua lỗ không thể ngay lập tức mở rộng [quy mô] bảng cân đối kế toán hay mua thêm trái phiếu chính phủ. Vậy là một bẫy thanh khoản đã được thiết lập. Chính sách nới lỏng định lượng và lãi suất thấp là cần thiết để có giá trị tài sản [tài chính] cao hơn, nhưng thúc đẩy thêm thanh khoản và hạn chế tài chính có thể sẽ kéo dài áp lực lạm phát, và sau đó sẽ làm tăng áp lực lên giá tài sản thực nói chung.
Ý tưởng rằng việc in tiền sẽ không dẫn đến lạm phát đã có tác dụng làm cơ sở cho ảo tưởng về tiền tệ. Giờ đây bằng chứng ngược lại cho thấy rằng các ngân hàng trung ương đang phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng: họ không thể đồng thời duy trì được nhiều đợt chính sách mở rộng và lạm phát giá tài sản [tài chính], trong khi hạ giá tiêu dùng, và tài trợ cho chi tiêu thâm hụt của chính phủ.
Vậy thì, tại sao lại là vàng? Bởi vì một mô hình chính sách mới chắc chắn sẽ xuất hiện do hậu quả của những tác động tai hại về kinh tế và tiền tệ của nhiều năm nới lỏng quá mức, và cả thu nhập thực tế cũng như tiền gửi tiết kiệm của chúng ta đều không được hưởng lợi từ điều đó. Thật không may, các ngân hàng trung ương đã bị các chính phủ đẩy vào thế buộc phải chọn biện pháp đàn áp tài chính khi được trao mục tiêu ổn định giá trị tiền tệ.
Lý do duy nhất mà các ngân hàng trung ương mua vàng là để bảo vệ bảng cân đối kế toán của họ khỏi các chương trình phá hoại giá trị tiền tệ của chính họ; họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm như vậy.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times