Đầu tư vào tiền xu thỏi
Nếu quý vị quan tâm đến việc đầu tư vào vàng, bạc, bạch kim, và palladium, quý vị có thể bắt gặp thuật ngữ “thỏi”. Thỏi là một thuật ngữ chung chung được sử dụng bởi các nhà đầu tư kim loại quý, đại lý, người bán, các tổ chức chính phủ, v.v. Vậy thì, tiền xu thỏi (bullion coin) là gì?
Hiểu được so sánh giữa tiền xu thỏi và tiền đúc sưu tầm có thể giúp quý vị đưa ra quyết định đúng đắn về danh mục đầu tư cho các mục tiêu tài chính của mình. Dưới đây chúng tôi sẽ thảo luận về tiền xu thỏi, cách so sánh giá trị của tiền xu thỏi với giá trị của tiền đúc sưu tầm, thị trường tiền xu thỏi hoạt động như thế nào, quý vị có thể mua những sản phẩm tiền xu thỏi phổ biến nào, v.v.
Tiền xu thỏi là gì?
Tiền xu thỏi là loại tiền xu kim loại quý cao cấp, thường được đúc để sử dụng cho đầu tư. Tiền xu thỏi do chính phủ phát hành là loại có sẵn rộng rãi nhất mà quý vị sẽ hay gặp, mặc dù quý vị cũng có thể mua tiền xu thỏi từ các đại lý tư nhân có uy tín, các ngân hàng được chấp thuận, và các công ty môi giới.
Tiền xu thỏi có giá trị nội tại do hàm lượng kim loại quý của loại tiền này. Để đủ điều kiện là một loại tiền xu thỏi, thì đồng tiền xu đó phải đáp ứng một giá trị nóng chảy (melt value) cụ thể, mà chúng tôi sẽ đề cập bên dưới.
Ngược lại, các loại tiền đúc sưu tầm có được giá trị của chúng là vì chúng hiếm. Ví dụ, những đồng xu quý hiếm — như đồng Saint-Gaudens Double Eagle (Đại bàng đôi Saint-Gaudens*) — là có giá trị vì độ hiếm của chúng chứ không phải vì hàm lượng kim loại đặc biệt cao của chúng. Còn tiền xu thỏi không cần phải hiếm hoặc có thể sưu tập được; mà đúng hơn, là chúng phải có độ tinh khiết hoặc độ mịn cụ thể.
Thông thường, quý vị có thể mua tiền xu thỏi với mức giá cao hơn một chút so với mệnh giá thị trường của kim loại quý này. Ngược lại, các loại tiền xu sưu tầm triển lãm, các loại tiền đúc sưu tầm, và các đồng xu sưu tập khác thường bao gồm các khoản phí bổ sung.
Do tiền xu thỏi có độ tinh khiết cao, nên giá của chúng thường dao động như kim loại quý tương ứng làm ra chúng. Vì kim loại quý không phải lúc nào cũng chịu biên độ biến động giá cao như nhiều loại tài sản khác, như cổ phiếu hoặc mã kim, nên các nhà đầu tư tiền thỏi có thể tận hưởng sự ổn định nhất định. Ngoài ra, vì nhiều loại tiền xu thỏi có sẵn với nhiều kích cỡ khác nhau, nên chúng thường là cách có chi phí hiệu quả nhất cho các nhà đầu tư mới để bắt đầu tham gia vào thị trường đầu tư kim loại quý.
Đặc điểm của tiền xu thỏi
Một đồng xu phải có giá trị nóng chảy (liên quan đến độ tinh khiết của nó) ít nhất là 90 phần trăm để đủ điều kiện được xem là xu thỏi. Các tổ chức phát hành như cơ quan đúc tiền của chính phủ, ngân hàng trung ương, hoặc các cơ sở khác phải đóng dấu hàm lượng vàng hoặc bạc chính thức lên bề mặt của đồng xu đó. Mỗi đồng xu thỏi cũng có một con dấu cho biết cơ sở đúc tiền đã sản xuất ra nó.
Ví dụ, đồng American Eagle (Đại bàng Mỹ) bằng vàng có xuất xứ từ Cục Đúc tiền kim loại Hoa Kỳ sẽ có một con dấu trọng lượng troy-ounce, cơ quan đúc tiền, và tỷ lệ phần trăm độ tinh khiết được in trên mỗi đồng xu.
Thỏi có thể ở các dạng khác ngoài tiền xu, chẳng hạn như các thanh vàng lớn và các thỏi hình tròn. Vàng miếng, hoặc thỏi, thường có mức giá cao hơn nhiều do trọng lượng của chúng cao hơn.
Lịch sử của tiền xu thỏi
Tiền xu thỏi từng được sử dụng làm tiền tệ hợp pháp trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Ví dụ, đồng USD Thương mại (U.S. Trade Dollar) bằng bạc được tạo ra từ năm 1873 đến năm 1885 cho mục đích sử dụng tại thị trường Trung Quốc, mặc dù đồng xu này sau đó đã được giao dịch trên toàn thế giới.
Hoa Kỳ đã thông qua nhiều đạo luật về tiền đúc, sửa đổi việc sử dụng tiền thỏi làm tiền tệ. Đạo luật Tiền đúc năm 1873 cho phép người dân sử dụng tiền xu thỏi lên đến 5 USD, trong khi Đạo luật Tiền đúc năm 1965 đã loại bỏ các đồng xu thỏi bạc khỏi lưu thông tiền tệ. Trước Đạo luật Tiền đúc năm 1965, đồng 10 xu, đồng 25 xu, và nửa USD chứa 90% bạc, mặc dù Hoa Kỳ đã giảm hàm lượng này xuống 40% sau đạo luật này.
Mặc dù đồng xu tiêu chuẩn mà quý vị sử dụng trong cửa hàng bách hóa có thể không phải là xu thỏi, nhưng quý vị vẫn có thể đầu tư vào loại tài sản hữu hình này cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như phòng ngừa lạm phát. Năm 1974, Hoa Kỳ đã hợp pháp hóa quyền sở hữu vàng vật chất cho mọi mục đích, không chỉ là các đồ sưu tầm quý hiếm và bất thường, cho phép các nhà đầu tư hiện đại mua vàng, đợi giá trị tăng lên, rồi bán kiếm lời.
Các loại tiền xu thỏi
Ngoài xu thỏi làm bằng vàng, còn có nhiều loại xu thỏi khác. Xu thỏi được làm phổ biến nhất bằng các loại kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim, và palladium.
Xu thỏi làm bằng vàng
Vàng và bạc là hai trong số các kim loại quý phổ biến nhất, mặc dù xu thỏi làm bằng vàng thường mang lại giá trị cao nhất. Kể từ tháng 04/2023, giá giao ngay của vàng là khoảng 2,000 USD/ounce, nghĩa là một đồng xu vàng có thể có giá khoảng 2,200 USD, bao gồm cả phí bảo hiểm. Xu vàng và thanh vàng có thể mang lại sự ổn định tuyệt vời trong bối cảnh lạm phát gia tăng, có giá tăng ổn định, và tính thanh khoản tương đối hợp lý so với các kim loại quý khác.
Bạc
Nếu xu vàng vượt quá mức chi trả của quý vị, thì quý vị có thể cân nhắc thay thế bằng xu bạc. Kể từ tháng 04/2023, giá giao ngay của bạc là khoảng 25 USD/ounce, có nghĩa là quý vị có thể mua xu bạc với giá thấp hơn đáng kể so với xu vàng. Mặc dù giá thấp, bạc mang lại sự ổn định giá tuyệt vời, tỷ lệ tăng giá ấn tượng, và giá đầu vào thấp hơn cho các nhà đầu tư mới làm quen.
Bạch kim
Mặc dù vàng và bạc có thể là những kim loại quý được biết đến nhiều hơn, nhưng quý vị vẫn có thể mua tiền thỏi làm bằng một số kim loại khác. Bạch kim là một kim loại quý nặng, có màu trắng bạc, đang nổi lên trong nhiều ngành công nghiệp nhờ các ứng dụng rộng rãi trong ổ cứng máy điện toán, cặp nhiệt điện, sợi quang, thuốc hóa trị, bộ lọc khí thải, v.v. Giá mỗi ounce bạch kim là khoảng 1,100 USD/ounce vào giữa tháng 04/2023.
Palladium
Nhiều ngành công nghiệp và điện tử sử dụng kim loại quý màu trắng bạc này cho các linh kiện công nghệ cao, làm tăng nhu cầu về kim loại này khi toàn cầu thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường hơn cho những mặt hàng hiện đại như xe hơi. Giá trị hiện tại cho một ounce là 1,535 USD vào tháng 04/2023.
Đâu là loại tiền xu thỏi phổ biến nhất?
Những loại xu thỏi phổ biến nhất mà quý vị sẽ tìm thấy trên thị trường là xu vàng và xu bạc. Các đồng xu thỏi làm bằng vàng, như đồng American Eagle từ Cục Đúc tiền kim loại Hoa Kỳ và đồng Maple Leaf (Lá Phong) từ Sở Đúc tiền Hoàng gia Canada, là rất dễ tiếp cận, giúp quý vị dễ dàng đầu tư và bán các đồng tiền này khi quý vị sẵn sàng lấy lại tiền mặt.
Trước khi mua một đồng xu, quý vị có thể muốn bảo đảm rằng đồng xu ấy đáp ứng các yêu cầu của Sở Thuế vụ (IRS) nếu quý vị dự định tài trợ cho tài khoản hưu trí cá nhân (IRA) hoặc 401(k) của mình bằng loại xu này. Quý vị có thể mở tài khoản IRA kim loại quý và tài trợ cho tài khoản này bằng nhiều loại đồng xu và thanh kim loại đúc được IRS chấp thuận, tuy nhiên hãy chắc chắn rằng giao dịch mua của quý vị đáp ứng được các yêu cầu.
Dưới đây là một số đồng xu thỏi phổ biến nhất cũng được IRA chấp thuận:
- Đồng vàng American Eagle của Hoa Kỳ
- Đồng Maple Leaf của Canada
- Đồng Vienna Philharmonic của Áo
- Đồng Kangaroo của Úc
- Đồng vàng Krugerrand của Nam Phi
- Đồng vàng American Buffalo của Hoa Kỳ
Ưu điểm của việc đầu tư vào tiền xu thỏi
Những lợi thế của việc đầu tư đồng xu thỏi bao gồm:
- Bảo vệ khỏi lạm phát: Khi tiền mặt mất giá, thì giá trị khoản đầu tư bằng tiền xu của quý vị sẽ tăng. Kim loại quý hoạt động tốt nhất trong thời kỳ đồng USD yếu, cho phép quý vị bảo vệ sức mua của mình.
- Mức rủi ro thị trường: Mua một đồng xu duy nhất là cách rẻ hơn và dễ dàng hơn để tham gia thị trường kim loại quý, cho phép quý vị tìm hiểu thêm về khoản đầu tư trước khi tham gia.
- Không có rủi ro đối tác: Tiền xu sẽ không dao động về giá khi thị trường chứng khoán sụp đổ hoặc khi các CEO đưa ra những quyết định đáng ngờ. Tiền xu sẽ chỉ phản ánh giá trị của kim loại quý làm ra nó.
- Dễ mua dễ bán: Tiền thỏi kim loại mang lại tính thanh khoản cao, giúp quý vị dễ dàng bán đồng xu của mình khi quý vị đã sẵn sàng kiếm được tiền từ khoản đầu tư.
- Tính hữu hình: Các khoản đầu tư hữu hình, như tiền xu, thường có mức độ rủi ro thấp hơn, không giống như mã kim hoặc cổ phiếu.
- Yêu cầu về kiến thức là tối thiểu: Để bắt đầu đầu tư, quý vị không cần phải biết nhiều về giá trị hóa tệ hoặc đồ sưu tập.
Quý vị nên chú ý điều gì khi mua một thỏi vàng?
Khi mua một đồng xu, hãy chắc chắn chú ý những điều sau đây:
- giấy chứng nhận của đại lý
- độ mịn của đồng xu
- trọng lượng của đồng xu
- an ninh và bảo hiểm vận chuyển và giao hàng
- các lựa chọn thanh toán
- chính sách mua lại khi sẵn sàng để bán
- tổng chi phí, bao gồm tất cả phí vận chuyển, điện, và chuyển khoản
Chú thích:
(*) Đại bàng là đơn vị tiền tệ lớn nhất trong số năm đơn vị mệnh giá thập phân chính được sử dụng để lưu hành tiền đúc ở Hoa Kỳ trước năm 1933, năm mà vàng bị rút khỏi lưu thông. Năm đơn vị mệnh giá căn bản chính đó là mill (0.1 cent), cent, dime (10 cent), dollar (100 cent), và đại bàng (10 dollar). Đơn vị mệnh giá đại bàng được dùng làm cơ sở cho đồng tiền đại bàng một phần tư (Quarter Eagle, 2.50 dollar), đại bàng nửa (Half Eagle, 5 dollar), đại bàng (10 dollar), và đại bàng đôi (20 dollar). Đồng Saint-Gaudens Double Eagle có mệnh giá là 20 dollar, nên dù chỉ khắc một hình đại bàng nhưng vẫn có tên là “đại bàng đôi”.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times