Các kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang cho ngày mai và xa hơn nữa
Chủ tịch Fed Powell cung cấp cái nhìn sâu sắc về những gì có thể chi phối các quyết định tương lai
Gần đây Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã tạm thoái lui khỏi việc cắt giảm lãi suất và sự bận rộn của việc thúc đẩy các vấn đề chính sách ngay tức thì để cung cấp cái nhìn sâu sắc về các ưu tiên của Fed — một sự đánh giá lại về những sự kiện và hướng dẫn nào sẽ thúc đẩy các quyết định trong tương lai. Một số điều ông Powell nói đã mang đến sự yên trí. Những điều khác đã không mang lại sự an tâm cho lắm. Và cũng có những điều đặt ra những câu hỏi căn bản về các cấu trúc tài chính hiện tại.
Ông Powell bắt đầu với việc đi thẳng vào một vấn đề trước mắt — triển vọng tạm dừng tốc độ tăng lãi suất. Trong bối cảnh này, ông đã ám chỉ đến những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây. Ông phủ nhận rằng các nhà hoạch định chính sách có thể giữ lãi suất ổn định để giảm bớt áp lực lên các ngân hàng. Ông mô tả các nỗ lực chống lạm phát và loại hình ổn định tài chính này là “các mục tiêu riêng biệt.” Đồng thời, ông lưu ý rằng những lo ngại trong cộng đồng ngân hàng có thể thuyết phục một số nhà quản lý giảm mức độ rủi ro hoặc nếu không thì làm chậm dòng tín dụng chảy vào nền kinh tế — những hành động sẽ có tác dụng chống lạm phát, có lẽ đủ lớn để loại bỏ nhu cầu tăng lãi suất.
Trước đây, vị chủ tịch này đã đưa ra những lý do khác để tạm dừng tăng lãi suất: các nhà hoạch định chính sách có thể cần không gian để đánh giá tác động trễ của các đợt tăng lãi suất nhanh chóng trong quá khứ. Sau khi phủ nhận lạm phát trong hầu hết năm 2021, việc nhanh chóng bắt kịp nhu cầu chống lại áp lực lạm phát hồi năm ngoái đã để lại sự không chắc chắn đáng kể về tác động cuối cùng của những đợt tăng lãi suất này đối với dòng tín dụng, nền kinh tế, và do đó là với lạm phát.
Bởi vì các thay đổi về lãi suất luôn có những tác động có độ biến hóa cao và trễ về mặt thời gian, nên các nhà hoạch định chính sách có thể cần tạm dừng để cân nhắc những tác động đó. Việc tạm dừng như vậy — bất kể là vì lý do gì — có thể dễ dàng dẫn đến những đợt tăng lãi suất mới cũng như sự thay đổi về đường hướng. Tất cả sẽ phụ thuộc vào những hiệu ứng mà bây giờ chưa thể biết được. Trái với suy đoán của nhiều hãng truyền thông, việc tạm dừng sẽ không mang ý nghĩa thiên nhiều về chấm dứt tăng lãi suất hơn là bất kỳ diễn biến nào khác, và chắc chắn không phải là sự đảo ngược nhanh chóng trong chính sách chống lạm phát của Fed.
Khía cạnh đáng khích lệ nhất trong những nhận xét của ông Powell là sự tái khẳng định về mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Một số người trong cộng đồng tài chính đã suy đoán rằng các nhà hoạch định chính sách có thể chấp nhận, chẳng hạn như mức lạm phát 4%, vốn cho phép họ dễ dàng làm dịu đi ảnh hưởng của các hành động chống lạm phát sớm hơn. Bác bỏ triển vọng này, ông Powell nói rõ rằng một sự thỏa hiệp như vậy đối với mục tiêu lạm phát sẽ mang lại tác hại kinh tế đáng kể. Bởi vì bản thân những nỗ lực chậm chạp nhằm ngăn chặn làn sóng lạm phát sẽ làm tăng áp lực lạm phát lên gấp đôi, nên mục tiêu thay đổi như vậy cuối cùng sẽ có nghĩa là “tác hại lớn hơn đối với các gia đình và doanh nghiệp.”
Mặc dù tin tức về các mục tiêu lạm phát có đáng hoan nghênh đến mức nào, thì vẫn có nhiều điều đáng ngại xuất hiện trong những bình luận của vị chủ tịch này. Nghiên cứu do Fed New York thực hiện về cái gọi là lãi suất trung lập — không khuyến khích cũng không ngăn cản việc đi vay và cho vay — đã cho thấy rằng mức lãi suất trung tính này gần với mức lãi suất thấp đã phổ biến trong phần lớn thời gian kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008–2009. Đây có thể là tin vui đối với Wall Street, vốn luôn yêu thích lãi suất thấp, nhưng kết quả nghiên cứu này đã vẽ nên một bức tranh xấu xí về triển vọng kinh tế.
Bởi vì lãi suất căn bản cuối cùng sẽ phản ánh lợi nhuận trong nền kinh tế nói chung — lý do khiến các doanh nghiệp và người dân đi vay và cho vay — lãi suất “trung lập” thấp cho thấy lợi nhuận kinh tế căn bản thấp, nói cách khác, một nền kinh tế có ít tiềm năng tăng trưởng. Nhận định này có thể đúng, nhưng đó là một viễn cảnh tồi tệ và là một viễn cảnh khiến Fed và những người khác ở Hoa Thịnh Đốn không chỉ cần quan sát, như Fed New York đã làm, mà còn phải thúc đẩy các chính sách để cải thiện tiềm năng kinh tế đó.
Có một vấn đề chính sách sâu sắc khác nảy sinh từ những nhận xét của ông Powell. Ông nhấn mạnh tính cần thiết của việc ổn định hệ thống tài chính ngay bây giờ khi một số ngân hàng đã gặp khó khăn. Tất nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, trước mắt, Fed và Bộ Ngân khố khó có thể làm được gì khác. Nhưng những hành động này đặt ra câu hỏi về việc liệu sự sẵn sàng can thiệp của Fed mỗi khi một ngân hàng gặp khó khăn có ngầm khuyến khích các chủ ngân hàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn những gì họ có khả năng chịu nhận hay không. Nếu Fed đã cam kết bảo đảm sự ổn định theo cách này, thì họ có nghĩa vụ phải làm tốt hơn đối với công việc kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Fed và Hoa Thịnh Đốn cần tìm ra những thỏa thuận đáng tin cậy hơn, một trạng thái nào đó hiệu quả như lĩnh vực ngân hàng đã từng có cho đến những năm 1980, nếu không muốn nói là sử dụng cụ thể chính cách tiếp cận đó.
Cho tất cả các câu hỏi và các mối bận tâm xảy ra sau đó, lẽ ra các bình luận của ông Powell cần phải làm rõ hai điểm quan trọng: thứ nhất, Fed sẽ giữ nguyên mục tiêu lạm phát 2% ban đầu, và thứ hai, không nên xem bất kỳ việc tạm dừng tăng lãi suất nào trong mô hình tăng lãi suất là một tín hiệu rằng chính sách đã thay đổi hoặc có thể sẽ sớm đảo chiều. Về triển vọng kinh tế, nếu nghiên cứu của Fed New York là đúng, thì các nhà hoạch định chính sách có nhiều việc phải làm để tạo ra một hệ thống ít rủi ro hơn và ổn định tài chính hơn.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times