Các học giả của Đại học Tôn Trung Sơn qua đời trong bối cảnh số ca nhiễm COVID tăng đột biến
Một số chuyên gia và học giả Trung Quốc — hầu hết là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — đã qua đời trong đợt bùng phát COVID-19 mới đây, trong đó có cả các giảng viên tại Đại học Tôn Trung Sơn, một trường đại học quốc gia lớn ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Hôm 27/12, Đại học Tôn Trung Sơn đăng một tin cáo phó cho biết ông Hà Tử Côn (He Zikun), một giáo sư của trường đại học từng tham gia giảng dạy và nghiên cứu chủ nghĩa Marx và hệ tư tưởng của ông Plekhanov, đã qua đời vì bệnh tật hôm 26/12, hưởng thọ 90 tuổi.
Ông là đảng viên ĐCSTQ và từng giữ chức giám đốc Hội Nghiên cứu Triết học Marx Quảng Đông kiêm giám đốc Hội Nghiên cứu Phép biện chứng Xã hội Chủ nghĩa Quảng Đông.
Một người khác qua đời ở tuổi 90 là ông Cầu Hán Khang (Qiu Hankang), một đảng viên ĐCSTQ và là giáo sư đã về hưu tại Khoa Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc của trường đại học Tôn Trung Sơn. Ông qua đời hôm 18/12 vì “lâm bệnh”.
Các cáo phó chính thức gần đây của hầu hết các cơ quan nhà nước và các cơ sở đào tạo công lập đều tuyên bố một cách mơ hồ rằng tất cả các trường hợp tử vong là do “lâm bệnh” mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết, ngay cả khi các trường hợp tử vong này là do COVID-19.
Số ca nhiễm COVID-19 và ca tử vong ở Quảng Châu đã tăng vọt. Hôm 23/12, các nhân viên y tế địa phương đã tiết lộ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng nhà xác của bệnh viện đã quá tải vì gần đây số ca tử vong đã tăng lên đột ngột và số lượng thi thể vẫn đang tăng lên mà không còn chỗ để bảo quản.
Các cáo phó trước đây do Đại học Tôn Trung Sơn đăng tải cũng bao gồm các đảng viên ĐCSTQ khác.
Hôm 19/12, bà Âu Dương Lệ Tư (Ouyang Lisi), 43 tuổi, giảng viên Khoa Giải phẫu Người của Viện Y học, đã qua đời vì “lâm bệnh”. Cáo phó gọi bà Âu Dương là “một người tin tưởng nhiệt thành vào sự nghiệp giáo dục của ĐCSTQ.”
Hôm 16/12, ông Thành Kiên Định (Cheng Jianding), 49 tuổi, phó giám đốc Trung tâm Nhận dạng Pháp y của Đại học Tôn Trung Sơn, phó giám đốc Khoa Pháp Y và giám đốc Khoa Bệnh lý học Pháp y, đã qua đời hôm 15/12 vì “gặp tai nạn giao thông.”
Ông Thành cũng là một ủy viên của Đảng ủy Trường Cao đẳng Y khoa Trung Sơn thuộc Đại học Tôn Trung Sơn và là Bí thư Chi bộ Đảng của Khoa Pháp y.
Hôm 10/12, ông Giang Chí Cường (Jiang Zhiqiang), 40 tuổi, đảng viên ĐCSTQ và là phó giáo sư tại Viện Y học thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, đã qua đời vì “lâm bệnh đột ngột”.
Theo phương tiện truyền thông chính thức Nhật báo Đô thị Phương Nam (Southern Metropolis Daily), sự qua đời của ông Giang đã khiến nhiều sinh viên và giảng viên sững sờ vì ông vừa mới chủ trì một buổi họp giao lưu học thuật trong khuôn viên trường vào cuối tháng trước.
Hôm 30/11, ông Bành Bảo Cương, 59 tuổi, một chuyên gia về phẫu thuật gan mật, giám đốc Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy của Bệnh viện Số 1 của Đại học Tôn Trung Sơn, đồng thời là thành viên ban biên tập của Tạp chí Phẫu thuật Ứng dụng Trung Quốc, đã qua đời do “điều trị bệnh không hiệu quả.”
Nạn thu hoạch nội tạng tại bệnh viện của trường đại học
Bệnh viện Số 1 thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, nơi ông Bành làm việc, đã bị các nhà điều tra nhân quyền đưa vào danh sách tham gia thu hoạch nội tạng cưỡng bức, một thông lệ trong đó người dân bị sát hại để cung cấp nội tạng cho ngành cấy ghép nội tạng đang bùng nổ của Trung Quốc.
Ngày 14/03/2006, tờ Nhật báo Quảng Châu, một cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc, đưa tin: “Gần đây, trong phòng phẫu thuật của Bệnh viện Trực thuộc Số 1 của Đại học Tôn Trung Sơn, phóng viên đã chứng kiến 5 ca ghép gan và 6 ca ghép thận được tiến hành đồng thời,” tổ chức Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép Tạng ở Trung Quốc đưa tin.
Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (viết tắt là WOIPFG) đã viết: “Khoa Cấy ghép Tạng của Bệnh viện Trực thuộc Số 1, Đại học Tôn Trung Sơn bị nghi ngờ là một trong những cái nôi của nạn thu hoạch nội tạng sống để phục vụ cho mục đích cấy ghép ở Trung Quốc.”
Hồi tháng 03/2010, ông Hà Hiểu Thuận (He Xiaoshun), một thành viên trong Ủy ban Chuyên gia thuộc Ủy ban Hiến Tạng kiêm phó chủ tịch của Bệnh viện Trực thuộc Số 1 của Đại học Tôn Trung Sơn, đã nói với Tuần báo Phương Nam, một cơ quan truyền thông nhà nước rằng, “Năm 2000 đánh dấu một bước ngoặt cho ngành công nghiệp ghép tạng ở Trung Quốc. … Số ca ghép gan năm 2000 gấp 10 lần năm 1999; đến năm 2005, con số này còn tăng lên gấp ba lần [kể từ năm 2000].”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times