Các đồng minh NATO cho biết quân đội Wagner đe dọa châu Âu
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương sẵn sàng tự vệ trước mối đe dọa từ lực lượng lính đánh thuê Wagner đang chuyển đến Belarus sau một cuộc nổi loạn ngắn ngủi ở Nga.
Cuộc hành quân gây chấn động ngắn ngủi của lực lượng Wagner về phía Moscow để phản đối giới lãnh đạo quân sự của Nga hồi cuối tuần trước đã kết thúc bằng một thỏa thuận ân xá từ Điện Kremlin, trong đó lực lượng lính đánh thuê này và thủ lĩnh của họ, ông Yevgeny Prigozhin, sẽ chuyển đến nước láng giềng Belarus.
Trong khi tình trạng điều động lại của Wagner ở Belarus vẫn chưa rõ ràng, thì ông Prigozhin đã đến Minsk hôm thứ Ba (27/06). Việc lực lượng Wagner dự kiến di dời tới Belarus đã làm dấy lên lo ngại giữa các thành viên Đông Âu của NATO rằng việc khai triển lực lượng lính đánh thuê gần biên giới của họ sẽ gây ra rủi ro an ninh.
“Nếu như Wagner điều động những kẻ sát nhân hàng loạt của họ ở Belarus, thì tất cả các quốc gia láng giềng thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ bất ổn lớn hơn,” Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho biết hôm thứ Tư (28/06) sau một cuộc họp ở Hà Lan với ông Stoltenberg của NATO và các nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên NATO khác.
Hôm thứ Tư, ông Stoltenberg cho rằng còn quá sớm để nói sự hiện diện của Wagner ở Belarus có ý nghĩa như thế nào đối với các đồng minh NATO nhưng liên minh quân sự này sẽ bảo vệ mọi đồng minh và từng tấc lãnh thổ của NATO trước các mối đe dọa từ Nga hoặc nước láng giềng Belarus.
“Cuộc binh biến của lực lượng lính đánh thuê Wagner … là vấn đề nội bộ của Nga,” ông Stoltenberg nói, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc nổi dậy thất bại này chứng tỏ rằng các hành động của Nga ở Ukraine là “một sai lầm chiến lược lớn.”
“Nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp Nga,” ông Stoltenberg nói tiếp. “Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine, và chúng ta phải duy trì khả năng phòng thủ mạnh mẽ để gửi một thông điệp rõ ràng tới Moscow và Minsk rằng NATO sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của đồng minh.”
‘Rất đáng lo ngại’
Bên cạnh việc tham gia một số trận chiến đẫm máu nhất ở Ukraine trong cái mà Điện Kremlin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt,” các lực lượng của Wagner đã tham chiến ở Libya, Syria, Cộng hòa Trung Phi, và Mali, cùng nhiều nơi khác.
Hồi tháng Một, Hoa Kỳ đã chỉ định Wagner là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền trên diện rộng, còn Điện Kremlin cáo buộc Hoa Thịnh Đốn đã “bôi xấu” lực lượng này một cách vô căn cứ.
Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới với Belarus, bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của lực lượng Wagner ở quốc gia này.
Hôm thứ Tư, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết ông hy vọng rằng vấn đề về sự hiện diện của Wagner ở Belarus và mối đe dọa an ninh mà tổ chức này có thể gây ra sẽ nằm trong nghị trình tại một hội nghị thượng đỉnh của tất cả 31 thành viên ở Vilnius, Lithuania, vào ngày 11-12/07.
“Điều này thực sự nghiêm trọng và rất đáng lo ngại, và chúng ta phải đưa ra quyết định rất mạnh mẽ. Sự việc này đòi hỏi một câu trả lời rất, rất cứng rắn của NATO,” ông Duda nói.
Người đứng đầu NATO cho biết các đồng minh đã tăng cường hiện diện quân sự dọc theo sườn phía đông của NATO ở châu Âu và nhiều quyết định hơn sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo về việc tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ của hiệp ước này với nhiều lực lượng sẵn sàng cao hơn.
Trước những diễn biến gần đây, một số quốc gia vùng Baltic đã bày tỏ lo ngại về việc điều động lại Wagner đến nước Belarus gần đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực như thế nào và đã thúc giục Liên minh Âu Châu gán nhãn Wagner là một tổ chức khủng bố.
“Sự xuất hiện của nhóm lính đánh thuê Wagner ở Belarus có thể khiến tình hình an ninh ở biên giới phía đông của NATO và EU trở nên bấp bênh hơn,” các phát ngôn viên quốc hội ở Estonia, Latvia, và Lithuania cho biết trong một tuyên bố chung.
Wagner ở Belarus
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo cơ hội cho lực lượng Wagner trở về nhà với gia đình họ, chuyển đến Belarus, hoặc được nạp vào quân đội chính quy của Nga.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết những binh lính Wagner không muốn nằm dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng Nga có thể ở lại Belarus “một thời gian” bằng chi phí của họ.
Ông Lukashenko cho biết ông đã đề nghị cho họ “một đơn vị quân đội bị bỏ hoang” để dựng trại và hứa sẽ “giúp đỡ với bất cứ điều gì chúng tôi có thể.”
Ông Lukashenko nói: “Chúng tôi đang xem xét vấn đề này một cách thực tế — nếu các chỉ huy của họ đến gặp chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi, thì [chúng tôi sẽ có] được kinh nghiệm [của họ].”
Trong khi không rõ các lực lượng Wagner có thể khai triển ở đâu tại Belarus, nhưng đã có các tin tức trên các hãng truyền thông Nga rằng lực lượng này có thể ở Osipovichi, một thành phố cách biên giới với Ukraine 142 dặm (227 km) về phía bắc và cách Minsk khoảng 50 dặm (80 km).
Ông Aliaksandr Azarau, lãnh đạo lực lượng du kích BYPOL của Belarus gồm các cựu thành viên quân đội, nói với The Associated Press rằng “chúng tôi kiên quyết phản đối việc cho lính đánh thuê Nga đóng quân ở Belarus và đang chuẩn bị chào đón ‘nồng nhiệt’ những binh lính Wagner ở Belarus.”
Ông Azarau nói rằng việc xây dựng đã bắt đầu ở Osipovichi cho một địa điểm của Wagner và các binh sĩ Belarus đã tham gia.
Hình ảnh vệ tinh của một ngôi làng Tsel gần đó có vẻ cho thấy các cơ sở mới được thiết lập trong những ngày gần đây, cho thấy việc xây dựng nhanh chóng một căn cứ Wagner.
Ông Lukashenko là một đồng minh thân cận của Nga trong cuộc xung đột Ukraine, hoan nghênh sự hiện diện quân sự liên tục của Nga tại đất nước của ông, bao gồm cả việc khai triển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga.
Về lực lượng Wagner
Wagner Group, tên chính thức là PMC Wagner, hay Công ty Quân sự Tư nhân Wagner, là một tổ chức bán quân sự của Nga được nhận diện lần đầu tiên vào năm 2014 khi tổ chức này hậu thuẫn cho phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.
Trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine của Nga, các lực lượng Wagner đã cung cấp cho Điện Kremlin sự trợ giúp quan trọng, thực hiện nhiều trận giao tranh ác liệt nhất ở vùng Donbas và chịu thương vong đáng kể trong cuộc chiến giành Bakhmut.
Tuy nhiên, trong cuộc xung đột ở Ukraine, thủ lĩnh Wagner đã có tranh cãi với các chỉ huy quân sự hàng đầu của Nga, cáo buộc họ cung cấp không đủ vũ khí và vật tư cho lực lượng Wagner và sau đó cáo buộc rằng họ đã ra lệnh không kích lực lượng lính đánh thuê này.
Đỉnh điểm là ông Prigozhin đưa ra lời buộc tội hôm 23/06 trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình đối với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, người mà thủ lĩnh Wagner cáo buộc đã “tiêu diệt” các binh lính của ông ta và dường như kêu gọi một cuộc binh biến vũ trang.
Ông Prigozhin, người đã là đồng minh của ông Putin trong nhiều thập niên, sau đó đã đăng trên kênh Telegram của mình rằng không có âm mưu “đảo chính” nào mà chỉ là một “cuộc tuần hành vì công lý.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times