Các doanh nghiệp nhỏ đã đi đâu cả rồi?
Trong hai năm qua tại Hoa Kỳ, số lượng cơ sở kinh doanh mới thành lập đã giảm khoảng 3% mỗi tháng. Tại một thời điểm khi mà có tới ⅓ số doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa vĩnh viễn, thì con số này đã phục hồi được một thời gian ngắn sau sự tàn phá của các đợt phong tỏa, nhưng sự phục hồi đó đã kết thúc và chúng ta đang trong một thời kỳ suy giảm chậm.
Quý vị không cần có dữ liệu trong tay để biết điều này. Dù sao thì dữ liệu cũng sẽ không chính xác trong mọi trường hợp. Làm sao mà dữ liệu có thể chính xác được đây? Những người thu thập dữ liệu của chính phủ không phải là điều gì cũng biết. Tuy nhiên, quý vị vẫn thấy sự suy giảm này khắp xung quanh mình tại hầu như mọi thị trấn ở Hoa Kỳ. Các thương hiệu nhượng quyền lớn thống trị hoạt động bán lẻ ngày nay nhiều đến nỗi trải nghiệm mua sắm ở bất cứ nơi nào tại Hoa Kỳ đều rất giống nhau.
Thực tế này thực sự khá là ảm đạm nếu quý vị nghĩ về nó. Các doanh nghiệp nhỏ và thuộc sở hữu địa phương mà chỉ vài thập niên trước là đặc điểm của mọi thị trấn ở Mỹ nay đâu mất rồi? Sự thay đổi này có lẽ đang diễn ra quá chậm để mọi người nhận thấy nhưng nó vẫn rất thực.
Tôi mới nhận thức ra điều này trong lúc tản bộ từ khu phố này đến khu phố khác khi ở Mexico City trong tuần qua. Mọi khu nhà trong thành phố đều tràn ngập các cửa hàng thuộc đủ loại: tiệm cà phê, thuốc lá, quán bar, hiệu bánh taco, quầy bán cá, xúc xích chorizo nướng, và các doanh nhân nhỏ ở khắp mọi nơi làm mọi thứ mà người ta có thể tưởng tượng. Nơi đây tràn đầy sức sống.
Đúng vậy, cũng có những doanh nghiệp rất lớn ở gần trung tâm thành phố hơn, nhưng kể cả ở đó, thì vẫn có đủ mọi hình thức kinh doanh đang diễn ra, từ những người bán hàng rong đến các quán bar và nhà hàng nhỏ. Ai cũng có thứ gì đó để bán. Và khung cảnh ấy thật khiến người ta phấn chấn. Hương vị địa phương gây ấn tượng sâu sắc. Và thật rộn ràng!
Tôi khá chắc chắn rằng Hoa Kỳ đã từng như vậy, và từng như vậy cách đây không lâu. Có một điều, luật phân vùng nghiêm ngặt ở Hoa Kỳ đã tạo ra sự khác biệt khá lớn, do đó có những ranh giới cứng rắn giữa khu thương mại và khu dân cư. Tôi không hiểu tại sao người ta lại nghĩ rằng đó là một ý tưởng hay. Ở Mexico City này, mọi thứ đều hòa lẫn vào nhau và tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì giống như những vùng ngoại ô rộng lớn với những tấm ván ép giống hệt nhau như thể được làm ra trong cùng một khuôn cắt bánh và những cung điện thạch cao Sheetrock thống trị ở Hoa Kỳ.
Từ chỗ tôi ở, mọi thứ mà tôi cần đều cách một quãng đi bộ ngắn. Lẽ nào đó không phải là một lối sống bình thường và nhân đạo hơn?
Khung cảnh này ở Mexico City đưa tôi trở lại mùa hè năm 2020, khi tôi tình cờ đến thăm một số thị trấn nhỏ của Hoa Kỳ trong thời gian bắt buộc đóng cửa. Đó là một cảnh tượng nghiệt ngã, điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chứng kiến ở Hoa Kỳ. Tất cả các cửa hàng đã được che kín bằng các tấm gỗ. Những cửa hàng sách, các quán cà phê quyến rũ, các tiệm bách hóa nhỏ, hiệu sửa chữa xe đạp, v.v. — tất cả đều do người dân địa phương thành lập với ước mơ phục vụ những người khác trong cộng đồng — đều đã bị phá hủy.
Hầu hết các cửa hàng đó đã không sống sót được. Chương trình Bảo vệ Tiền lương cung cấp tiền nhưng chương trình này hầu như đã bị các doanh nghiệp lớn hơn và các tổ chức bất vụ lợi không cần trợ giúp ngốn ngấu hết. Các doanh nghiệp nhỏ đã phải đối mặt với tổn thương xảy ra trong một dịp mà chỉ có thể so sánh với suy thoái và chiến tranh. Họ được xem là những hoạt động kinh doanh không thiết yếu ngay cả khi các đối thủ cạnh tranh lớn của họ được phép phát triển mạnh mẽ.
Tại sao chúng ta nên quan tâm nếu một doanh nghiệp là lớn hay nhỏ? Về lý thuyết, quy mô doanh nghiệp không quan trọng. Tôi đã có nhiều bài giảng trong nhiều năm để bảo vệ các doanh nghiệp lớn. Tất cả các doanh nghiệp lớn đều bắt đầu từ nhỏ. Trong một thị trường, họ phát triển lớn mạnh bằng cách phục vụ những người khác một cách ưu tú. Tăng trưởng là dấu hiệu của sự thành công và phúc lợi của người tiêu dùng. Trong một thị trường thực sự, chúng ta không có gì phải hối tiếc về họ mà đúng hơn là nên ăn mừng.
Nhưng tất cả những phân tích này đều là trên lý thuyết. Còn trong thực tế, mỗi trường hợp là khác nhau. Có điều, một doanh nghiệp nhỏ có thể không nhất thiết muốn phát triển lớn hơn. Tôi biết một quán thịt nướng ở một thị trấn nhỏ ở Texas, nơi hiện có ba thế hệ của cùng một gia đình làm chủ. Cháu của người lập ra quán này đầu tiên giờ đã trưởng thành và đang đào tạo con trai mình trong công việc.
Đó là một lối sống và một kiểu tổ chức.
Các biển báo bên ngoài chưa bao giờ được cải thiện. Họ chưa bao giờ thuê bất cứ ai ngoại trừ có thể là để một người anh em họ đến thăm làm việc. Thực đơn chưa bao giờ thay đổi. Và họ phục vụ hàng ngày cho hàng dài những người yêu mến những gì họ làm. Tôi biết người chủ sở hữu đầu tiên từ nhiều thập niên trước khi ông ấy ở độ tuổi 90 và đã hỏi ông ấy tại sao ông không bao giờ mở rộng.
Ông nói chỉ đơn giản như sau, “Chúng tôi thích quán như vậy.”
Điều ấy chẳng có gì sai cả!
Ngoài ra, hãy để tôi gợi ý cho quý vị về cách thức hoạt động của các doanh nghiệp lớn ở Mỹ. Vâng, họ bắt đầu với quy mô nhỏ nhưng khi lớn lên, họ phải trở nên thoải mái hơn với lừa đảo chính trị. Đầu tiên, họ giao dịch với các hội đồng phân vùng, sau đó là các thị trưởng, rồi sau đó là các ủy ban phát triển, rồi sau đó là các chủ ngân hàng với mối quan hệ chặt chẽ. Sau đó, họ phải đối phó với các cơ quan lập pháp tiểu bang và cuối cùng là các thống đốc. Khi họ mở rộng, thì sự phức tạp về chính trị của họ cũng mở rộng như vậy.
Mọi doanh nghiệp lớn ở Mỹ đều phải hợp tác với các chính trị gia, không có ngoại lệ, nếu không thì họ sẽ phải đối mặt với các cuộc kiểm toán, điều tra, quy định, và đủ loại thủ đoạn dơ bẩn. Cuối cùng, họ phải thuê luật sư và trả tiền cho những nhà vận động hành lang, và cuối cùng mở một văn phòng ở Hoa Thịnh Đốn và tham gia đủ loại hiệp hội. Đơn giản là không thể trở thành một doanh nghiệp lớn ở Hoa Kỳ mà không bỏ ra tất cả các khoản hối lộ cần thiết để tồn tại và phát triển.
Vậy nên, quả đúng là, trong một thị trường hoàn toàn tự do, thì chẳng có lý do đặc biệt nào để ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ hơn các doanh nghiệp lớn. Trở nên lớn chỉ đơn giản là một dấu hiệu của việc làm ăn tốt bằng cách làm điều tốt. Trong một thị trường bị thỏa hiệp, quy mô của một doanh nghiệp càng lớn, thì mối quan hệ của doanh nghiệp đó với chính phủ càng phải chặt chẽ. Cuối cùng, tất cả các doanh nghiệp lớn đều tham gia cuộc chơi này, và mọi chuyện trở nên tồi tệ đến mức sự phân biệt giữa khu vực công và khu vực tư nhân bắt đầu biến mất.
Đây là những gì đã xảy ra với tất cả các công ty công nghệ lớn. Cả Microsoft và Google đều khởi đầu với đặc tính nhìn chung là tự do đối với sự gián đoạn và doanh nghiệp, từ đó tìm ra một con đường mới bằng cách sử dụng các công nghệ mới để tạo nên một tương lai tự do hơn. Kể cả họ cũng vẫn bị cuốn vào việc mở các văn phòng vận động hành lang ở Hoa Thịnh Đốn. Vụ kiện chống độc quyền chống lại Microsoft là phát súng cảnh cáo. Quý vị sẽ bị săn lùng mãi mãi cho đến khi quý vị phải chi tiền và quỳ gối!
Vì vậy, theo thời gian, các doanh nghiệp lớn trở nên khôn ngoan hơn và bắt đầu hợp tác. Đó là khi chủ nghĩa yếm thế chiếm ưu thế và lấn át chủ nghĩa lý tưởng. Google cuối cùng đã loại bỏ khẩu hiệu “Don’t Be Evil” (“Không Làm Điều Xấu’’) và loại bỏ khẩu hiệu này đơn giản bởi vì Google đã bắt đầu làm điều ác để tồn tại.
Đây là điều mà lý thuyết thuần túy về doanh nghiệp tự do không dạy: để trở nên lớn mạnh trong một nền kinh tế hỗn hợp đòi hỏi quý vị phải ủng hộ các ưu tiên của nhà cầm quyền. Nếu một ngoại lệ đột nhiên xuất hiện, thì ngoại lệ đó sẽ nhanh chóng được dạy theo lẽ đời.
Đến một lúc nào đó, các doanh nghiệp sẽ tự nhận ra cuộc chơi này và chạy đua đến Hoa Thịnh Đốn với số tiền rất lớn trong tay. Đây thật ra chính là câu chuyện của FTX/Alameda. Dưới chiêu bài “lòng vị tha hữu hiệu”, công ty này đã phát triển một chuyên môn về hối lộ. Chiến lược hối lộ này đã có tác dụng trong một thời gian. Trên thực tế, FTX hoạt động hiệu quả đến mức công ty này được phép trộm và cướp hàng chục tỷ USD trong khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đã tảng lờ đi một cách hữu ích!
Đó là lý do tại sao hầu như không ai ở Hoa Thịnh Đốn muốn nói về FTX. Tất cả bọn họ đều kiếm được hàng triệu USD từ đó. Chính các lực lượng thị trường đã tràn vào và ngăn chặn trò lừa đảo này. Bây giờ, Sam Bankman-Fried đã bị trừng phạt và chúng ta được cho là phải quên đi mọi chuyện đã xảy ra. Số tiền hối lộ do FTX trả sẽ không bao giờ được trả lại cho những người nghèo lười biếng đã tin vào tất cả những lời quảng cáo. Họ đã bị cướp để trả cho những nhóm lợi ích đặc biệt, nhất là những kẻ lừa đảo tuyên bố đang tham gia “phòng chống đại dịch.”
Do đó, điểm chính ở đây là: Doanh nghiệp nhỏ ít có khả năng tham nhũng hơn doanh nghiệp lớn. Vì vậy, một khu vực doanh nghiệp nhỏ phát triển mạnh là một dấu hiệu của tự do, có lẽ không phải trên lý thuyết nhưng chắc chắn là trên thực tế. Quán thịt nướng ở Texas kia là một doanh nghiệp hạnh phúc với một gia đình hạnh phúc làm hài lòng thực khách qua nhiều thế hệ. Mong tất cả nguyện ước đến với họ! Họ không cần một sự nhượng quyền thương mại lớn để thành công. Họ chỉ cần sự chính trực và tinh thần dám nghĩ dám làm, ấy là điều mà tôi thấy có ở đây tại Mexico City, thứ mà tôi rất nhớ tại Hoa Kỳ ngày nay.
Ba năm vừa qua đã tàn phá các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp này xứng đáng được bồi thường cho những gì đã xảy ra với họ, nhưng họ sẽ chẳng nhận được gì. Đó là bởi vì chính các doanh nghiệp lớn sở hữu Hoa Thịnh Đốn và các doanh nghiệp lớn sử dụng hệ thống này để nghiền nát bất kỳ và mọi thứ cản đường họ. Chẳng có gì là đáng khen về điều đó cả.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times