Các chuyên gia: Du lịch ‘Tuần lễ Vàng’ không thể thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh sự gia tăng về hoạt động du lịch trong “Tuần lễ Vàng” cho thấy sự phục hồi sức chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc. Kỳ nghỉ “Quốc khánh” ở Trung Quốc được nhà cầm quyền cộng sản quảng bá là Tuần lễ Vàng.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đánh lừa công chúng, nhấn mạnh rằng tác động của ngành du lịch trong việc vực dậy nhu cầu nội địa nói chung và vực dậy nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc là rất nhỏ.
Bắt đầu từ Tết Trung thu hôm 29/09 và kéo dài đến ngày 06/10, Trung Quốc đã kỷ niệm tuần nghỉ lễ “Quốc khánh” dài nhất của mình. Các cơ quan chính quyền hiện đã công bố dữ liệu liên quan đến những gì họ mô tả là hoạt động “bùng nổ” trong giai đoạn này.
Theo dữ liệu giao dịch trực tuyến của China UnionPay, khối lượng giao dịch trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận chuyển, và các lĩnh vực liên quan của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể vào dịp Tết Trung thu. So với cùng thời kỳ năm ngoái, trước khi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vì COVID-19, giá trị giao dịch trong ngành du lịch đã tăng ngoạn mục 400%, trong khi vận tải và lưu trú chứng kiến tốc độ tăng trưởng tương ứng trên 48%.
Theo thống kê của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, số lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận chuyển trong ngày đầu tiên của tuần nghỉ lễ lần đầu tiên vượt quá 20 triệu, với khoảng 20 triệu hành khách được vận chuyển trong một ngày, lập mức cao mới trong lịch sử đường sắt quốc gia.
Bộ Văn hóa và Du lịch báo cáo tổng cộng 395 triệu người đi du lịch trong 3 ngày đầu kỳ nghỉ lễ, tăng 75.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái; doanh thu du lịch là 342.2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 47.54 triệu USD), tăng 125.3%.
Về miêu tả của ĐCSTQ về thị trường du lịch đang phát triển mạnh, nhà kinh tế Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), cư trú tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 03/10 rằng khẳng định của ĐCSTQ về doanh thu du lịch tăng 125% là dựa trên việc so sánh dữ liệu với tháng 10/2022, có thể “dẫn đến hiểu lầm.”
Ông nói, “Trong thời gian đó, công dân Trung Quốc phần lớn bị giam hãm ở nhà và chỉ có thể ra ngoài để làm xét nghiệm COVID-19. Nhiều người đã được chuyển đến các cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến để thực hiện cách ly bắt buộc. Sự so sánh này có thể gây hiểu nhầm. Sẽ hợp lý hơn nếu dữ liệu hiện tại được so sánh với dữ liệu của năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra. Vì vậy, có thể kết luận rằng ĐCSTQ đang cung cấp thông tin sai lệch và gây hiểu lầm cho dân chúng.”
Nhà kinh tế học Hoàng Tuấn (Davy Jun Huang), cư trú tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng “vào năm 2022, Trung Quốc đang thực hiện chính sách phong tỏa chống dịch COVID-19, vì vậy mức tăng dự kiến được đưa ra dựa trên điểm xuất phát tương đối thấp. Năm 2022 trùng với năm thứ ba của đại dịch khi việc đi lại nói chung đã bị hạn chế đáng kể.”
‘Du lịch tiết kiệm’
Trong khi các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ khoe khoang về những thành tựu du lịch địa phương và ngành du lịch đang phát triển mạnh, thì “du lịch tiết kiệm” thường xuyên được nhắc đến trong các bản tin và mạng xã hội.
Theo Meituan, một nền tảng mua sắm nổi tiếng của Trung Quốc, để cắt giảm chi phí đi lại, một số lượng đáng kể những người trong độ tuổi từ 20 đến 35 đang chọn qua đêm tại phòng xông hơi thay vì khách sạn. Các giao dịch trực tuyến cho thấy chi tiêu cho phòng xông hơi đã tăng 150% so với mức được thấy trong năm 2019.
Phòng xông hơi ở Trung Quốc có nhiều kiểu dáng và tiện nghi khác nhau, thường là nơi để mọi người thư giãn và tận hưởng nhiều trải nghiệm giống như spa, một số cơ sở còn có nhà hàng hoặc quán cà phê ngay trong khuôn viên.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin lượng đặt phòng khách sạn đã giảm trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, và cảnh khách sạn đông đúc quá mức trước đây đã trở nên vắng vẻ trông thấy trong năm nay.
Trong khi đó, du lịch quốc tế của công dân Trung Quốc, vốn từng rất phát triển, vẫn tiếp tục có hoạt động hạn chế.
Các hãng thông tấn Hoa ngữ ở ngoại quốc mô tả tình hình này với những dòng tiêu đề như “Sau đại dịch, lượng khách du lịch Trung Quốc đến thăm Hồng Kông trong dịp Quốc khánh giảm 30%”; “Sách hướng dẫn du lịch dành cho những người có ngân sách 100 nhân dân tệ thu hút gần 20,000 người dùng trực tuyến”; “Tuần lễ Vàng Quốc khánh Hồng Kông: Hàng triệu khách du lịch từ Hoa lục đã đến thăm nhưng khả năng chi tiêu của họ đã giảm so với thời kỳ trước đại dịch.”
Ông Lý cho biết chủ đề của kỳ nghỉ Quốc khánh năm nay là “du lịch tiết kiệm.”
“Loại hình du lịch này ngày nay được gọi là du lịch tiết kiệm. Tại sao người Trung Quốc ngần ngại chi nhiều tiền hơn? Đó là vì họ không có hy vọng gì cho tương lai. Mọi người đều nhận ra rằng những thách thức kinh tế mà Trung Quốc đang đối diện không phải ở tương lai xa; mà đang ở ngay trước mặt rồi.”
Ông nói: “Do tính cấp thiết, mọi người mạo hiểm ra ngoài khi vẫn còn cơ hội. Do đó, nhiều người lựa chọn các chuyến đi trong ngày, đi và về trong cùng một ngày để giảm bớt chi phí ăn ở.”
Ông Vương, một cư dân Thượng Hải, nói với The Epoch Times hôm 03/10 rằng mọi người hiện đang giữ chi phí đi lại tương đối thấp, thường dao động từ 100 nhân dân tệ (khoảng 14 USD) đến 200 nhân dân tệ (khoảng 28 USD) mỗi ngày.
Ông nói, “Trước đây, mọi người chi nhiều hơn — 500 nhân dân tệ [khoảng 70 USD], 600 nhân dân tệ [khoảng 83 USD] hoặc hơn 1,000 nhân dân tệ [khoảng 140 USD] một ngày — và thường ở trong các khách sạn 4 sao và 5 sao.”
“Bây giờ người dân bình thường không có tiền, cũng không dám đến những nơi cao cấp tiêu tiền, có tiền cũng không dám tiêu.”
Ông đã lưu ý rằng tầng lớp trung lưu đang chịu áp lực tài chính đáng kể và “mọi người không lạc quan về tương lai. Với hoàn cảnh hiện tại, họ do dự hoặc không muốn chi tiêu, thay vào đó tập trung vào việc tiết kiệm tiền.”
Bà Lý, một cư dân ở siêu thành phố phía tây nam Trùng Khánh, nói với The Epoch Times: “Về căn bản, người dân địa phương không đi [du lịch]. Nhiều nơi làm việc thuộc sở hữu của chính phủ ở Trùng Khánh còn không có tiền để trả lương.”
“Rất nhiều người thất nghiệp và không thể tìm được việc làm. Nhiều cửa hàng đóng cửa.”
Bà nói: “Trong kỳ nghỉ lễ, rất nhiều người muốn đi ra ngoài hít thở không khí trong lành. Người mua sắm thì ít hơn trông thấy. Nhiều người chỉ [vào các cửa hàng] để thăm thú mà không mua bất cứ thứ gì.”
Du lịch kỳ nghỉ lễ không thể thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc
Các chuyên gia chỉ ra rằng du lịch chỉ chiếm một phần nhỏ nhu cầu nội địa của Trung Quốc và không thể kích thích được nhiều.
Ông Hoàng cho biết: “Ngay cả trong thời kỳ hoàng kim, du lịch Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3% đến 4% GDP của Trung Quốc.
Ông nói, “Du lịch không đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận. Thay vào đó, du lịch chỉ phát triển nếu điều kiện kinh tế được cải thiện khi người dân có cả thời gian và nguồn tài chính để chi tiêu. Du lịch tạo thành tiêu dùng thứ cấp hơn là tiêu dùng sơ cấp. Hơn nữa, một phần lớn du lịch Du lịch Trung Quốc phụ thuộc vào khách du lịch ngoại quốc đến thăm Trung Quốc.”
Ông Hoàng tin rằng du lịch nghỉ dưỡng trong nước có tác dụng ngắn hạn và hạn chế trong việc kích thích nền kinh tế.
Ông nói: “Hiện tại, tổng mức tiêu dùng đã giảm, dẫn đến lợi nhuận giảm đáng kể. Ví dụ, trước đây, chi 100 tỷ nhân dân tệ có thể mang lại lợi nhuận 20%, nhưng hiện tại, lợi nhuận đã giảm xuống chỉ còn 5%. Có nghĩa là du lịch mang lại lợi ích kinh tế ít ỏi khoảng 5%, đóng góp chỉ 5% cho nền kinh tế địa phương.”
Ông Lý cũng có quan điểm tương tự. Ông nói: “Môi trường kinh doanh hiện tại [ở Trung Quốc] không lý tưởng lắm. Thật khó để hình dung rằng chỉ riêng tuần nghỉ lễ có thể thúc đẩy được mức tiêu dùng tổng thể.”
Bản tin có sự đóng góp của Dịch Như và Hoàng Vân
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times