Các chuyên gia đầu ngành và các nhà lập pháp: Sắc lệnh đầu tiên của Hoa Kỳ về AI chưa đủ để giúp Hoa Kỳ cạnh tranh với Trung Quốc
‘Để giành được tương lai và đánh bại Trung Quốc, điều quan trọng là Mỹ phải dẫn đầu trong việc phát triển và khai triển trí tuệ nhân tạo mà trong đó có chứa các giá trị của chúng ta.’
Sắc lệnh mà Tổng thống Joe Biden được ban hành trong tuần này (30/10-05/11) nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một bước tiến tới phát triển AI có trách nhiệm. Tuy nhiên, một số chuyên gia đầu ngành và nhà lập pháp cho rằng sắc lệnh này chưa giải quyết được sự cạnh tranh từ Trung Quốc vốn đang đặt ra thách thức đối với ưu thế AI của Hoa Kỳ.
Một lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, mặc dù hành động này là một bước tiến quan trọng để bảo đảm rằng Hoa Kỳ luôn đi đầu trong đổi mới AI và có thể sử dụng AI với mục đích tốt đẹp, nhưng “có nhiều việc hơn nữa cần phải làm.”
“Hoa Kỳ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc trong việc phát triển AI. Sự cạnh tranh này khốc liệt đến mức không rõ quốc gia nào sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI, điều này gây ra mối lo ngại đáng kể về an ninh cho Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ,” ông Tom Quaadman, phó giám đốc điều hành Trung tâm Tương tác Công nghệ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC), chia sẻ trong trong một tuyên bố đưa ra hôm 30/10.
Theo báo cáo của Ủy ban AI của USCC, “Để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình, Hoa Kỳ và các nhóm pháp lý có cùng quan điểm, chẳng hạn như Liên minh Âu Châu, cần đạt được thỏa thuận để giải quyết những thách thức pháp lý chính hiện đang cản trở sự phát triển của ngành này.”
Báo cáo này viết: “Hoa Kỳ phải hợp tác với các đối tác và đồng minh quan trọng để phát triển các tổ chức quản trị toàn cầu hợp lý hơn để thúc đẩy các mục tiêu và giá trị dân chủ chung của chúng ta.”
Sắc lệnh này của chính phủ Tổng thống Biden là nỗ lực mới nhất nhằm thiết lập các quy tắc xung quanh AI khi việc sử dụng AI ngày càng lan rộng và mang lại hy vọng trong việc nâng cao cơ hội kinh tế, tăng lương, đẩy nhanh nghiên cứu khoa học đời sống với chi phí thấp hơn, và giúp cho cuộc sống này trở nên dễ dàng.
Giai đoạn quan trọng
Hoa Kỳ “đang ở thời điểm hệ trọng trong lĩnh vực AI, và các quy định đơn phương theo kiểu đánh đồng tất cả sẽ không làm giảm bớt tất cả các mối lo ngại và cuối cùng có thể cản trở sự đổi mới,” Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington) chia sẻ trong một tuyên bố.
Bà nói thêm: “Để giành được tương lai và đánh bại Trung Quốc, điều quan trọng là Mỹ phải dẫn đầu trong việc phát triển và khai triển trí tuệ nhân tạo mà trong đó có chứa các giá trị của chúng ta.”
Thật vậy, trong khi Hoa Kỳ đang đi tiên phong trong việc phát triển AI thì quốc gia này lại chậm chạp trong việc quản lý công nghệ. Theo tổ chức tư vấn Brookings, Vương quốc Anh, Liên minh Âu Châu, và Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trong việc hướng tới khung pháp lý cho AI.
Ví dụ: Tháng 04/2021, Ủy ban Âu Châu là nơi đầu tiên đề xướng khung pháp lý nhằm quản lý các hệ thống AI dựa trên rủi ro mà các hệ thống này đặt ra cho người dùng. Ủy ban này cho biết các mức độ rủi ro khác nhau sẽ quyết định mức độ quy định, đồng thời cho biết thêm rằng cách tiếp cận của Liên minh Âu Châu tập trung vào việc bảo đảm an toàn, minh bạch, và không phân biệt đối xử trong các hệ thống AI trong khi thúc đẩy đổi mới và phát triển có trách nhiệm.
Hồi tháng Ba năm nay, chính phủ Vương Quốc Anh đã gia nhập lĩnh vực công nghệ cao để đưa ra nhiều nguyên tắc chính cho khung pháp lý AI của họ, với mục tiêu tận dụng tiềm năng mà công nghệ này mang lại đồng thời thúc đẩy niềm tin của công chúng và bảo đảm sự phát triển và sử dụng có trách nhiệm công nghệ này. Theo Bộ Khoa học, Đổi mới, và Công nghệ Vương quốc Anh, cũng giống như Hoa Kỳ, chính phủ Vương Quốc Anh cũng muốn củng cố vị thế dẫn đầu toàn cầu về AI bằng cách khuyến khích đổi mới, đầu tư, và các thực hành có đạo đức.
Tuy nhiên, vào ngày 13/07, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên hoàn thiện các quy tắc về AI tạo sinh gọi là “Các biện pháp tạm thời để quản lý các dịch vụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh,” có hiệu lực vào ngày 15/08. Các biện pháp này đã được bảy bộ ngành chính của Trung Quốc cùng phê chuẩn, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, và Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, cơ quan quản lý các vấn đề internet của Bắc Kinh.
Tại sao Trung Quốc lại quan trọng
Có một số yếu tố đã góp phần giúp Trung Quốc ngày càng nổi bật trong cuộc cạnh tranh AI toàn cầu. Đáng chú ý nhất, Trung Quốc phân bổ phần ngân sách cao hơn đáng kể cho phát triển AI, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Công ty nghiên cứu dữ liệu chính phủ Govini tiết lộ rằng Quân Giải phóng Nhân dân dành 1% đến 2% ngân sách cho AI. Ngược lại, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phân bổ 0.1% đến 0.2% cho ngân sách này.
Ngoài phân bổ ngân sách, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực AI khác nhau, bao gồm nhận dạng khuôn mặt, công nghệ tài chính, phi cơ không người lái, viễn thông 5G, và đầu tư chiến lược. Về cam kết nghiên cứu AI, lập hồ sơ bằng sáng chế, và đầu tư, Trung Quốc không chỉ đơn thuần là bắt kịp Hoa Kỳ; quốc gia này đang tự khẳng định mình là một thế lực đáng gờm định hình tương lai của AI.
Ví dụ, các viện ở Trung Quốc được báo cáo đã nộp 29,853 bằng sáng chế liên quan đến AI vào năm 2022, cao hơn số lượng hồ sơ của Hoa Kỳ 80%. Ngược lại, số đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế của Hoa Kỳ giảm 5.5% trong cùng thời gian này. Về số lượng các tài liệu nghiên cứu AI có ảnh hưởng, các báo cáo chỉ ra rằng số tài liệu nghiên cứu AI được trích dẫn nhiều nhất của Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2025.
Theo USCC, do cả hoạt động nghiên cứu và sử dụng các hệ thống dựa trên AI đều đang mở rộng theo cấp số nhân, nên trong một hoặc hai thập niên tới, AI sẽ được hầu hết các ngành và cơ quan chính phủ sử dụng. Hơn nữa, những tác động của AI đối với văn hóa, kinh tế, và an ninh quốc gia sẽ rất sâu rộng.
Do đó, “Mặc dù sắc lệnh này là một bước tiến lớn, nhưng Quốc hội sẽ cần phải hành động để bảo đảm việc quản lý AI,” Dân biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California), thành viên cao cấp của Ủy ban Khoa học, Không gian, và Công nghệ Hạ viện, cho biết trong một tuyên bố.