TT Biden ký sắc lệnh sâu rộng để giải quyết các rủi ro về AI trước những lo ngại ngày càng tăng
Sắc lệnh được đưa ra sau một cảnh báo hồi tháng Năm của các nhà lãnh đạo công nghệ về việc AI có thể là một mối đe dọa về sự tồn vong của nhân loại.
Hôm thứ Hai (30/10), Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký một sắc lệnh [hành pháp], nêu chi tiết một chiến lược toàn diện nhằm ủng hộ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có trách nhiệm, đồng thời bảo vệ công chúng khỏi những nguy hiểm mà AI mang lại, đánh dấu một bước quan trọng trong việc giải quyết các rủi ro ngày càng lớn của AI.
Theo Tòa Bạch Ốc, sắc lệnh [hành pháp] này đặt ra các tiêu chuẩn về an toàn và bảo mật cho AI, bảo vệ quyền riêng tư của người dân Mỹ, thúc đẩy công bằng và dân quyền, đồng thời khuyến khích những người tiêu dùng và người làm việc. Sắc lệnh này cũng nhằm mục đích thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh, đồng thời củng cố vị thế dẫn đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.
“Để hiện thực hóa lời hứa về AI và tránh rủi ro, chúng ta cần quản lý công nghệ này. Và theo quan điểm của tôi, thì không có cách nào khác,” TT Biden cho biết trước khi ký sắc lệnh tại Tòa Bạch Ốc.
Ông lưu ý rằng mặc dù phần lớn AI cải thiện cuộc sống của con người, nhưng cũng có thể khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn trong một số trường hợp.
“Chẳng hạn như, khi [phân tích] dữ liệu cá nhân của thanh thiếu niên để tìm xem điều gì khiến họ phụ thuộc vào các thiết bị, thì AI đã khiến cho truyền thông xã hội trở nên có tính gây nghiện hơn,” TT Biden cho biết.
Khi trí tuệ nhân tạo tân tiến hơn và ngày càng trở nên phổ biến hơn, thì cũng ngày càng nhiều người lên tiếng bày tỏ lo ngại về những mối nguy hiểm có thể xảy ra. Hồi tháng Năm, một nhóm các nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghệ đã đưa ra cảnh báo trong một bức thư ngỏ về công nghệ AI mà họ đang phát triển, cho thấy một ngày nào đó AI có thể trở thành một mối đe dọa cho sự tồn vong của xã hội nhân loại. Họ cho rằng rủi ro mà AI mang đến cho nhân loại cũng tương đương với đại dịch và vũ khí hạt nhân.
Theo tuyên bố của Trung tâm giám sát An toàn Trí tuệ nhân tạo, một tổ chức bất vụ lợi, cho biết: “Việc giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng vì AI phải là một ưu tiên toàn cầu bên cạnh các rủi ro ở quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân.”
Bức thư ngỏ được ký bởi hơn 350 giám đốc điều hành, nhà nghiên cứu, và nhà hoạch định chính sách, trong đó có ông Sam Altman, Tổng giám đốc của OpenAI; ông Demis Hassabis, Tổng giám đốc Google DeepMind; ông Bill Gates; và Dân biểu Ted Lieu (Dân Chủ-California).
Tòa Bạch Ốc mô tả sắc lệnh [hành pháp] này là hành động quan trọng liên quan nhiều đến AI nhất đối với bất kỳ chính phủ nào trên thế giới.
Các phương diện chính của Sắc lệnh về AI
Thiết lập các tiêu chuẩn mới
Sắc lệnh đòi hỏi các nhà phát triển hệ thống AI mạnh nhất phải gửi kết quả kiểm tra an toàn và các thông tin quan trọng khác cho chính phủ Hoa Kỳ.
Tổng thống viện dẫn Đạo Luật Sản xuất Quốc phòng mà chính phủ liên bang sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp như điều động trong thời chiến hoặc phát triển vaccine trong thời đại dịch. Sắc lệnh [hành pháp] này sẽ sử dụng với thẩm quyền tương đương, yêu cầu các tập đoàn phải chứng minh rằng công nghệ mạnh nhất của họ là an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Theo TT Biden, điều đó có nghĩa là các công ty phải thông báo cho chính phủ về các hệ thống AI quy mô lớn của mình và cung cấp kết quả kiểm tra độc lập nghiêm ngặt để xác thực rằng [công nghệ] đó không gây ra rủi ro cho an ninh hoặc an toàn của người Mỹ.
Là một phần của sắc lệnh, Bộ Năng lượng và An ninh Nội địa sẽ hợp tác để giảm thiểu các mối đe dọa do hệ thống AI gây ra đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Để bảo vệ người Mỹ chống lại gian lận và lừa đảo do AI tạo ra, sắc lệnh [hành pháp] quy định việc thiết lập các tiêu chuẩn và hướng dẫn xác thực nội dung, kể cả thủy ấn để dán nhãn nội dung do AI tạo ra.
Bảo vệ quyền riêng tư
AI khiến cho việc thu thập, xác định, và khai thác dữ liệu cá nhân trở nên dễ dàng hơn. Do đó, tổng thống đã kêu gọi Quốc hội thông qua luật của lưỡng đảng về bảo mật dữ liệu để bảo vệ tất cả người dân Mỹ, đặc biệt là trẻ em, khỏi những rủi ro tiềm ẩn do việc AI sử dụng dữ liệu cá nhân.
Giải quyết phân biệt đối xử do thuật toán
Sắc lệnh thừa nhận rằng AI có thể làm trầm trọng thêm vấn đề phân biệt đối xử và thiên vị trong các lĩnh vực như tư pháp, y tế, và nhà ở, và đồng thời vạch ra các biện pháp để giải quyết sự phân biệt đối xử do thuật toán.
Thúc đẩy đổi mới AI
Sắc lệnh thừa nhận vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc đổi mới AI và nhằm mục tiêu duy trì vị thế này thông qua các sáng kiến, chẳng hạn như mở rộng nghiên cứu AI thông qua [chương trình] thí điểm của Nguồn lực Nghiên cứu AI Quốc gia hoặc thúc đẩy một hệ thống sinh thái AI cạnh tranh bằng cách cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ quyền truy cập vào các nguồn lực và trợ giúp kỹ thuật.
Hợp tác quốc tế
Chính phủ TT Biden sẽ hợp tác với các quốc gia khác để thiết lập một khuôn khổ quốc tế mạnh mẽ nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng AI.
Phát triển nhân tài về AI
Sắc lệnh này yêu cầu các nhân tài về AI trên toàn quốc tăng tốc độ áp dụng AI bằng cách đẩy nhanh việc tuyển dụng các chuyên gia về AI. Các cơ quan sẽ cung cấp việc đào tạo về AI cho các nhân viên ở mọi cấp độ trong tất cả các lĩnh vực liên quan.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times