Các chính trị gia Anh quốc kêu gọi tăng cường giám sát cuộc IPO có thể xảy ra của Shein ở London
Các chính trị gia Anh quốc đang kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh giải quyết những lo ngại của họ trước khi chấp thuận cho đại công ty thời trang nhanh Shein của Trung Quốc niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán London.
Những lo ngại này bao gồm các hành vi xâm phạm dữ liệu và cưỡng bức lao động, khai thác các lỗ hổng thuế quan, và những mối liên hệ bị cáo buộc của Shein với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Do ông Hứa Ngưỡng Thiên (Chris Xu) thành lập vào năm 2008, Shein được biết đến với nhiều mặt hàng thời trang có giá rất rẻ và mô hình kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng. Công ty vận dụng việc theo dõi và phân tích dữ liệu người tiêu dùng để xác định xu hướng thời trang. Shein hiện có sự hiện diện đáng kể tại các thị trường trên khắp châu Âu, Hoa Kỳ, và châu Á.
Theo hồ sơ đệ trình cho Cơ quan Đăng ký Kinh doanh Vương quốc Anh (UK Companies House), năm ngoái hoạt động kinh doanh của Shein tại Vương quốc Anh đã đạt doanh thu 1.1 tỷ bảng (khoảng 1.41 tỷ USD), và lợi nhuận trước thuế của công ty trong 16 tháng tính đến ngày 31/12/2022 là 12.2 triệu bảng (khoảng 15.6 triệu USD).
Trích dẫn dữ liệu từ báo cáo năm 2023 của Bloomberg Second Measure, một báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCC) cho biết, Shein chiếm 50% tổng doanh số bán hàng thời trang nhanh ở Hoa Kỳ vào tháng 11/2022, dẫn trước các thương hiệu H&M và Zara.
USCC báo cáo rằng công ty này đã phải đối diện với những tai tiếng đáng kể về chất lượng sản phẩm kém, vi phạm quyền của người lao động, làm tổn hại môi trường, vướng phải sự giám sát của cơ quan quản lý, và vi phạm bản quyền.
Shein được cho là đang đàm phán để niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán London sau khi gặp phải trở ngại pháp lý từ Quốc hội Hoa Kỳ trong nỗ lực niêm yết ở New York.
Nghị viên David Alton đến từ Liverpool nói với The Epoch Times trong thư điện tử ngày 29/05 rằng ông có mối lo ngại “rất lớn” về việc Shein cố gắng IPO tại London.
Ông đề cập rằng mô hình kinh doanh của Shein bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ để tạo ra mức giá cực rẻ, lợi dụng các lỗ hổng thuế quan, và vận hành “một thuật toán không chỉ mang tính xâm phạm mà rất có thể còn làm suy yếu các quy tắc GDPR (Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung).”
Giống như các công ty Trung Quốc khác, Shein được yêu cầu hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh trong các vấn đề thu thập dữ liệu và thông tin tình báo theo Luật Bảo mật Dữ liệu (2021) và Luật Tình báo Quốc gia (2017) của ĐCSTQ.
Hơn nữa, Nghị viên Alton cho biết trong thư điện tử rằng Shein “về mặt pháp lý không thể chia sẻ dữ liệu mà họ thu thập được hoặc tiết lộ mức độ của sự hợp tác đó với Vương quốc Anh hoặc bất kỳ cơ quan quản lý nào của Vương quốc Anh, bao gồm cả cơ quan quản lý tài chính ở thành phố London.”
Nghị viên Alton cho rằng toàn bộ điều kiện này là không thể chấp nhận được.
Ông tin rằng việc yêu cầu các công ty Trung Quốc như Shein “hành xử giống như bất kỳ công ty bình thường nào khác hoạt động trong một nền dân chủ” là một “nhiệm vụ khó thực hiện.”
Nghị viên Alton nói với The Epoch Times: “Tôi tin chắc rằng nếu chính phủ (Anh) đề nghị những yêu cầu hợp lý này, thì sẽ bị khước từ.”
Ông cũng nhắc nhở chính phủ Anh rằng việc chấp thuận cho Shein niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán London sẽ là “sự tán thành cho một mô hình kinh doanh có vấn đề về mặt đạo đức được xây dựng dựa trên lao động nô lệ, thu thập dữ liệu, và phục vụ như một cửa quan sát cho ĐCSTQ.”
Nhiều nghị viên khác của Vương quốc Anh cũng có chung mối lo ngại với Nghị viên Alton.
Bà Alicia Kearns, Nghị viên Đảng Bảo Thủ kiêm chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ; ông Liam Byrne, Nghị viên Đảng Lao Động kiêm chủ tịch Ủy ban Kinh doanh và Thương mại; bà Sarah Champion, chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Phát triển Quốc tế của Đảng Lao Động; và ông Alistair Carmichael, Nghị viên Đảng Dân chủ Tự do kiêm chủ tịch Nhóm Nghị viên thuộc Mọi Đảng phái về Người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur APPG) được cho là đã bày tỏ lo ngại về việc Shein niêm yết tại London.
Nhưng không chỉ các chính trị gia, các nhóm nhân quyền cũng cáo buộc Shein sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất.
Bà Megan Khoo, cố vấn chính sách của tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch, nói với The Epoch Times hôm 30/05 rằng Vương quốc Anh không nên tạo cơ hội cho một công ty Trung Quốc đang phải đối diện với những trở ngại ở Hoa Kỳ.
Bà nói: “Các quan chức Vương quốc Anh nên điều tra xem liệu chuỗi cung ứng của Shein có liên quan đến lao động cưỡng bức hay không để có hành động thích hợp.”
Theo ông Diệp Diệu Nguyên (Yeh Yao-Yuan), chuyên gia về Trung Quốc và giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học St. Thomas, Hoa Kỳ, mối quan hệ Mỹ-Trung và Anh-Trung xấu đi đang ảnh hưởng đến các công ty như Shein và Temu.
Ông nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc hiện đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan vì “một mặt, nước này đang cố gắng mở rộng thị trường và mức tiêu thụ, nhưng mặt khác, Trung Quốc đang duy trì các mối quan hệ quốc tế căng thẳng.”
Ngoài ra, Hoa Kỳ có ngưỡng “tối thiểu” là 800 USD, cho phép hàng hóa có giá trị dưới mức này được miễn thuế. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đề xướng một dự luật mới để khắc phục lỗ hổng này. Ở Anh, ngưỡng “tối thiểu” là 135 bảng (khoảng 173 USD).
Shein đã không phúc đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Trang web công ty nêu rõ: “SHEIN cam kết duy trì các tiêu chuẩn lao động cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng của chúng tôi. Chúng tôi thực thi Quy tắc Ứng xử nghiêm ngặt đối với tất cả các nhà cung cấp, tuân thủ theo luật lao động địa phương.”
Hôm 30/05, Nghị viện Anh đã chính thức giải tán để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử ngày 04/07. Tuy nhiên, “các ứng cử viên (của chính phủ mới) nên hứa sẽ điều tra kỹ lưỡng các vấn đề về chuỗi cung ứng của Shein,” bà Khoo nói.