Bầu cử ở Anh quốc: Các đảng phái cam kết gì về vấn đề Trung Quốc?
Đảng Tory tuyên bố sẽ xem Trung Quốc là một mối đe dọa hàng đầu trong Dự án Ghi danh Ảnh hưởng Ngoại quốc, trong khi Đảng Lao Động hứa hẹn ‘một phương pháp lâu dài và mang tính chiến lược.’
Với bản tuyên ngôn của Đảng Lao Động được phát hành hôm thứ Năm (13/06), thì hiện tại hầu hết các đảng chính trị quốc gia đã công bố các kế hoạch của họ cho đất nước này.
Đây là quan điểm của họ về Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai đang ngày càng được coi là một trong những quốc gia thù địch hàng đầu của các nền dân chủ tự do.
Đảng Tory: Đại diện ngoại quốc và xe điện
Đã và đang nắm quyền trong 14 năm qua, Đảng Bảo Thủ (tên gọi khác của Đảng Tory) có hồ sơ đầy đủ nhất về Trung Quốc, dẫn đầu cho cái gọi là kỷ nguyên vàng của mối quan hệ Trung-Anh và cả một sự suy thoái nhanh chóng trong mối quan hệ này trong những năm gần đây.
Năm 2022, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố rằng kỷ nguyên vàng đã kết thúc, và Vương quốc Anh sẽ đối phó với chính quyền Trung Quốc bằng “chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ.”
Đảng này đã đảo ngược quyết định trước đó về việc cho phép Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng 5G của Vương quốc Anh, thắt chặt luật xoay quanh các chiến dịch gián điệp và gây ảnh hưởng, chuỗi cung ứng, và các vụ thâu tóm doanh nghiệp, chấm dứt tài trợ của chính phủ cho Viện Khổng Tử.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng chính phủ vẫn thiếu một chiến lược chặt chẽ về Trung Quốc và đã hành động quá ít, quá muộn xoay quanh các lệnh trừng phạt về an ninh quốc gia và nhân quyền.
Trong tuyên ngôn được công bố hôm thứ Tư (12/06), Đảng Bảo Thủ cam kết sẽ đưa Trung Quốc, cùng với Nga và Iran, vào cấp nâng cao của Chương trình Ghi danh Ảnh hưởng Ngoại quốc được mong đợi từ lâu này. Chương trình này đang được các quan chức chính phủ thiết lập.
Những hứa hẹn này có nghĩa là đặc vụ của các quốc gia này sẽ phải khai báo gần như tất cả các hoạt động của họ, với một số ngoại lệ hạn chế chẳng hạn như dịch vụ nấu ăn hoặc xây dựng cho một phái bộ ngoại giao.
Đảng này, từng nói rằng họ sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về các nghị trình toàn cầu quan trọng như khí hậu và an toàn về trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời cho biết họ sẵn sàng bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi của Anh khi phải đối mặt với “sự cạnh tranh chưa từng có từ Trung Quốc trên thị trường xe điện [EVs].”
Việc công bố này diễn ra cùng ngày khi Liên minh Âu Châu thông báo bắt đầu từ tháng Bảy, các mức thuế bổ sung lên tới 38.1% đối với xe điện nhập cảng từ Trung Quốc.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Margaritis Schinas, liên minh đã công bố quy định này sau một cuộc điều tra kéo dài 8 tháng cho thấy xe điện của Trung Quốc được hưởng lợi từ “sự trợ cấp không công bằng,” đang tạo ra “nguy cơ gây thiệt hại kinh tế cho các nhà sản xuất xe điện chạy bằng pin của EU.”
Tuy nhiên, thuế quan này sẽ áp dụng cho các thương hiệu của Trung Quốc cũng như các thương hiệu của phương Tây được sản xuất tại Trung Quốc, chẳng hạn như Tesla, gây lo ngại rằng chính sách này có thể phản tác dụng.
Khi được hỏi liệu Vương quốc Anh có kế hoạch áp thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc hay không, thì trước đó chính phủ nói rằng ngành công nghiệp này đã được khuyên là họ có thể đệ đơn yêu cầu điều tra nếu tin rằng cần có các biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp.
Theo một báo cáo được công bố hồi tuần trước, kể từ năm 2000, Vương quốc Anh là điểm đến số một ở châu Âu cho các khoản đầu tư của Trung Quốc, nhưng xu hướng này đã thay đổi trong những năm gần đây khi số vụ sáp nhập giảm mạnh, và khi các dự án xe điện trở nên chiếm ưu thế.
Đảng Lao Động: Kiểm tra toàn diện
Đảng Lao Động đã nhắm vào Đảng Tory trong tuyên ngôn của họ, nói rằng đã có “14 năm gây thiệt hại do sự không nhất quán của Đảng Bảo Thủ về Trung Quốc.”
Đảng này, là đảng dẫn đầu theo các cuộc thăm dò, đã cam kết tiến hành kiểm tra toàn diện để “cải thiện khả năng hiểu biết và ứng phó của Vương quốc Anh trước những thách thức và cơ hội mà Trung Quốc đặt ra,” và mang đến “một phương pháp lâu dài và mang tính chiến lược” để kiểm soát mối quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, không có bất kỳ lời hứa hẹn cụ thể nào, phương pháp “theo quan điểm hiện thực cấp tiến” của Đảng Lao Động trông gần giống với “chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ” của ông Sunak.
Trước đây khi phác thảo chính sách đối ngoại của Đảng Lao Động, Ngoại trưởng thuộc phe đối lập David Lammy cho biết ông được dẫn dắt bởi “ba chữ C”: cạnh tranh (compete) trong một số lĩnh vực, thách thức (challenge) trong các vấn đề khác, và hợp tác (cooperate) trong các vấn đề như khí hậu và sức khỏe.
Cả hai đảng lớn này đều cho biết họ sẽ theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh để chống lại những thách thức và những mối đe dọa do chính quyền Trung Quốc đặt ra.
Đảng Dân chủ Tự do: Chính sách BNO và nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ
Đảng Dân chủ Tự do thì tập trung vào nhân quyền liên quan đến Trung Quốc, hứa hẹn sẽ mở rộng và cải thiện các chính sách BN(O) của chính phủ đối với người Hồng Kông và tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phạm tội diệt chủng đối với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Đảng này cho biết họ sẽ mở rộng quỹ tài trợ hội nhập cho những người mang hộ chiếu BN(O) của Hồng Kông đã chuyển đến Vương quốc Anh trong nhiệm kỳ của Nghị viện, và thu hẹp những khác biệt trong chương trình thị thực này.
Họ cũng cho biết sẽ xác nhận những cuộc áp bức nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương “rốt cuộc là tội ác diệt chủng.”
Theo Nghị viện Vương quốc Anh, sau khi một tòa án độc lập có trụ sở tại London tìm thấy bằng chứng về tội diệt chủng và những tội ác phản nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ, một số cơ quan lập pháp trên thế giới đã bỏ phiếu gọi những cuộc áp bức nhân quyền này là “tội diệt chủng,” nhưng Hoa Kỳ vẫn là chính phủ duy nhất sử dụng nhãn hiệu này.
Đảng Dân chủ Tự do cũng nói rằng họ sẽ hợp tác với các quốc gia dân chủ đang bị Trung Quốc đe dọa, trong đó có Đài Loan, và ngăn chặn các quốc gia như Trung Quốc và Nga “lấp đầy khoảng trống mà Vương quốc Anh đã để lại ở châu Phi và phần còn lại của Nam Bán cầu, sau khi sự cắt giảm thiển cận của chính phủ đối với ngân sách viện trợ.”
Đảng Cải cách: Cắt giảm viện trợ ngoại quốc và loại bỏ chính sách phát thải ròng
Mặt khác, Đảng Cải cách Vương quốc Anh cho biết họ có ý định giảm một nửa viện trợ ngoại quốc của Vương quốc Anh, đồng thời cho rằng không nên chi tiền cho các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Đảng này chưa công bố phiên bản cuối cùng của tuyên ngôn của họ, nhưng một bản dự thảo cho biết cần thiết phải có một cuộc đánh giá lớn tính hiệu quả của viện trợ ngoại quốc.
Đảng này chưa nêu rõ bất kỳ chính sách nào khác về Trung Quốc trong bản dự thảo, nhưng họ cho biết các chính sách phát thải ròng sẽ không ngăn chặn được biến đổi khí hậu, và cam kết loại bỏ các chính sách này. Đây là lĩnh vực mà cả Đảng Lao Động và Đảng Tory đều dự định hợp tác với Trung Quốc.
Trong khi đó, tuần trước, ông Nigel Farage, lãnh đạo của Đảng Cải cách, đã chỉ trích các bộ trưởng vì mời gọi đại công ty thời trang Shein của Trung Quốc, nói với The Telegraph rằng cho để cho công ty này niêm yết trên Thị trường Chứng khoán London là một “ý tưởng rất tệ.”