Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Hoa Kỳ điện đàm giữa căng thẳng leo thang vì vụ tấn công phi đạn vào Crimea
Moscow đổ lỗi cho Hoa Thịnh Đốn về vụ tấn công phi đạn khiến bốn thường dân Nga thiệt mạng.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Andrei Belousov trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Hoa Thịnh Đốn và Moscow.
Cuộc điện đàm được tổ chức hôm 25/06 theo yêu cầu của ông Austin, diễn ra hai ngày sau khi Ukraine tấn công phi đạn vào Crimea khiến bốn thường dân Nga thiệt mạng.
Moscow đã quy trách nhiệm về vụ thiệt mạng cho Hoa Kỳ, vì quốc gia này đã cung cấp cho Kyiv phi đạn tầm xa được cho là đã sử dụng trong vụ tấn công này.
Nói chuyện với người đồng cấp Nga, ông Austin “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đường dây liên lạc trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine,” phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng Pat Ryder nói với các phóng viên.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng hai bên đã “trao đổi quan điểm về tình hình xung quanh Ukraine.”
Bộ cũng cho biết ông Belousov đã nhấn mạnh “nguy cơ leo thang hơn nữa do Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine,” và rằng hai bên đã thảo luận về một số “vấn đề khác,” mà không nêu rõ chi tiết.
Lần gần đây nhất ông Austin nói chuyện với người đồng cấp Nga—Bộ trưởng Quốc phòng đương thời Sergey Shoigu – là vào hồi tháng 03/2023.
Tháng trước (05/2024), ông Belousov được bổ nhiệm thay cho ông Shoigu, người đã giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga từ năm 2012.
Cuộc tấn công hiện đã bước sang năm thứ ba của Nga vào miền đông Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng thấy giữa Moscow và Hoa Thịnh Đốn kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hồi tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết các liên lạc chính thức giữa hai nước đang ở mức “tối thiểu nhất.”
Nga: ‘Không nghi ngờ gì’ về trách nhiệm của Hoa Kỳ
Hôm 23/06, Ukraine được cho là đã bắn một loạt phi đạn tầm xa ATACMS (Hệ thống phi đạn chiến thuật lục quân)—mang đạn chùm—vào các mục tiêu ở Crimea.
Được Hoa Kỳ chế tạo và cung cấp, phi đạn ATACMS có tầm bắn khoảng 185 dặm (297 km).
Theo Bộ Quốc phòng Nga, bốn phi đạn đã bị hệ thống phòng không bắn hạ, trong khi phi đạn thứ năm phát nổ trên bầu trời thành phố cảng Sevastopol của Crimea.
Chính quyền địa phương cho biết bốn thường dân, trong đó có hai trẻ em, đã thiệt mạng do mảnh vỡ phi đạn rơi xuống bãi biển Sevastopol, trong khi 150 người khác bị thương.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ “không nghi ngờ gì” việc Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng phi đạn này. Bộ cho biết “các chuyên gia Hoa Kỳ” thậm chí đã lựa chọn những mục tiêu này “dựa trên dữ liệu trinh sát vệ tinh của Hoa Kỳ.”
Bộ Ngoại giao Nga còn khẳng định thêm rằng vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, một thiết bị bay trinh sát điều khiển bằng vô tuyến Global Hawk của Hoa Kỳ đang hoạt động ở chế độ chờ “trên bầu trời gần Crimea.”
Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố của Nga, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng bãi biển Sevastopol nơi xảy ra thương vong “không phải là mục tiêu đã định.”
“Chúng tôi tin rằng một phi đạn phòng không của Nga đã đánh chặn một phi đạn Ukraine đang hướng tới một mục tiêu quân sự ở Crimea và mảnh đạn từ vụ đánh chặn đó đã rơi xuống bãi biển, khiến dân thường bị thương,” phát ngôn viên nói.
“Những người đi biển đó được báo cáo là đã bị thương do vụ đánh chặn,” phát ngôn viên này cho biết thêm.
Liên quan đến cáo buộc về sự tham gia của “các chuyên gia Hoa Kỳ” trong việc thực hiện cuộc tấn công bằng phi đạn, phát ngôn viên này cho biết: “Ukraine tự chọn mục tiêu quân sự và tự đưa ra quyết định quân sự về những gì sẽ tấn công.”
Hôm 24/06, Moscow đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ để thể hiện sự bất mãn và bày tỏ niềm tin rằng Hoa Kỳ “trên thực tế” đã trở thành “một bên của cuộc xung đột.”
Theo tường thuật của Bộ Ngoại giao Nga về cuộc họp, đại sứ đã được thông báo rằng “những hành động như vậy của Hoa Thịnh Đốn … sẽ phải có câu trả lời.”
Khi được các phóng viên hỏi về cuộc họp, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết Hoa Kỳ “cung cấp vũ khí cho Ukraine để nước này có thể bảo vệ lãnh thổ chủ quyền của mình trước sự xâm lược vũ trang.”
“Kể cả Crimea,” ông nói thêm, “vốn, tất nhiên, là một phần của Ukraine.”
Nga đã sáp nhập Crimea một cách hiệu quả vào năm 2014 sau khi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi trên toàn khu vực. Kể từ đó, Moscow coi khu vực chiến lược ở Hắc Hải này là lãnh thổ của Liên bang Nga.
Giống như các đồng minh phương Tây, Ukraine phản đối vụ sáp nhập của Nga và tuyên bố sẽ lấy lại toàn bộ Crimea bằng vũ lực.
Cho đến nay, Kyiv vẫn không bình luận về vụ tấn công phi đạn gần đây vào Crimea, đồng thời phủ nhận rằng quân đội của họ nhắm vào dân thường.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 24/06, ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, tuyên bố rằng: “Crimea là của Ukraine.”
“Nga phải rời khỏi bán đảo này,” ông Yermak nói. “Quân đội và tài sản quân sự của họ ở đó phải biến mất.”
Theo trợ lý Mykhailo Podolyak của ông Zelenskyy, Crimea – nơi có Hạm đội Hắc Hải của Nga – là một mục tiêu quân sự hợp pháp.
“Không có ‘bãi biển’ hay ‘khu du lịch’… ở Crimea,” ông nói hôm 24/06, mô tả bán đảo này là “lãnh thổ ngoại quốc bị Nga chiếm đóng.”