Bộ trưởng Quốc phòng không xác nhận liệu lệnh cấm tàu hải quân Hoa Kỳ của Quần đảo Solomon có áp dụng với Úc hay không
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles không xác nhận liệu một lệnh cấm gần đây đối với các chuyến thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ tới Quần đảo Solomon có áp dụng với các tàu Úc hay không.
Hôm 29/08, Đại sứ Hoa Kỳ tại Canberra tiết lộ rằng Quần đảo Solomon đã thông báo cho các nhà chức trách Hoa Kỳ về một “lệnh tạm hoãn” đối với tất cả các chuyến thăm của hải quân trong khi chờ nước này cập nhật “các thủ tục theo quy định”.
Một phát ngôn viên nói với The Epoch Times: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình.”
Việc tạm hoãn này xảy ra sau một sự việc trước đó hôm 23/08, lúc đó Tuần duyên hạm Hoa Kỳ Oliver Henry không nhận được câu trả lời qua radio khi yêu cầu cho phép ghé cảng theo lịch trình. Sau đó con tàu này đã chuyển hướng đến Cảng Moresby, Papua New Guinea.
Hôm thứ Tư (31/08), người dẫn chương trình ABC Radio National Patricia Karvelas đã liên tục gặng hỏi ông Marles trả lời về việc liệu “lệnh cấm” này có mở rộng cho các nước đồng minh của Hoa Kỳ như Úc hay không. Tuy nhiên vẫn chưa có một câu trả lời rõ ràng.
Ông nói với Tổng Công ty Phát thanh Truyền hình Úc (Australian Broadcasting Corporation) hôm 31/08: “Rốt cuộc thì đó là một vấn đề của Quần đảo Solomon, đồng thời chúng tôi tôn trọng và hiểu điều đó.”
“Một lần nữa, tôi nghĩ rằng điều cần làm trong mối bang giao với Solomons là chúng ta thực sự tin rằng nếu Úc nỗ lực xây dựng mối bang giao ở đó, cũng như nói rõ với Quần đảo Solomon rằng chúng ta hoàn toàn cam kết hợp tác để cải thiện sự phát triển của họ, thì tất nhiên chúng ta sẽ là đối tác lâu dài.”
Khi được hỏi liệu chính phủ Úc đã yêu cầu Quần đảo Solomon tuyên bố rõ về vấn đề này hay chưa, ông trả lời: “Không có tàu nào của chúng ta sắp ghé Quần đảo Solomon.”
Ông Marles đã không đưa thêm ý kiến về vấn đề này.
Các đối tác Thái Bình Dương lo ngại về Quần đảo Solomon
Trước đó một ngày, chính phủ Quần đảo Solomon đã tuyên bố rằng họ đã “yêu cầu các đối tác của chúng tôi cho chúng tôi thời gian để xem xét và đưa ra các quy trình mới trước khi gửi thêm yêu cầu cho các tàu ghé vào nước này.”
Chính phủ này tuyên bố: “Khi cơ chế mới được áp dụng, chúng tôi sẽ thông báo cho tất cả các quý vị. Chúng tôi mong đợi quy trình mới sẽ suôn sẻ hơn và kịp thời hơn.”
Đáp lại, lãnh đạo ở một quốc gia Thái Bình Dương là Ngoại trưởng Papua New Guinea Justin Tkatchenko cho biết chính phủ Quần đảo Solomon cần phải suy nghĩ thấu đáo về hậu quả của quyết định này.
“[Nếu] quý vị tiếp tục ruồng rẫy một đồng minh thân thiện, thì họ có thể sẽ không hỗ trợ quý vị lúc cần thiết,” ông nói với Tổng Công ty Phát thanh Truyền hình Úc. “Đó là lý do tại sao làm bạn với tất cả, không gây thù oán với ai cũng như hợp tác với tất cả mọi người vì lợi ích của người dân và đất nước của quý vị là cách làm đúng đắn hướng tới tương lai.”
Ông cho biết ba nước Papua New Guinea, Úc, và New Zealand hiện đang đàm phán một hiệp ước an ninh. Tuy nhiên, ông Tkatchenko đã phủ nhận rằng hiệp ước này có liên quan đến ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực, thay vào đó cho rằng nó dựa trên một “sự hiểu biết chung”.
Quần đảo Solomon đã nổi lên như một điểm nóng địa chính trị sau khi chính phủ của Thủ tướng Manasseh Sogavare ký một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh sẽ cho phép quân đội, vũ khí, cảnh sát, và tàu hải quân được đồn trú tại nước này — có khả năng giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện diện quân sự gần Úc, New Zealand, và phần lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times