PTT Harris cam kết ủng hộ các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương, tuyên bố chiến lược mới
Phó Tổng thống (PTT) Kamala Harris đã gặp gỡ trực tuyến các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) hôm 12/07, tại đây bà đã tuyên bố những cam kết mới và ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với khu vực này cũng như một tài liệu chiến lược sắp tới về các quần đảo Thái Bình Dương.
PTT Harris cho biết: “Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương đầy tự hào và có một cam kết lâu dài đối với các quần đảo Thái Bình Dương, đó là lý do tại sao Tổng thống (TT) Joe Biden và tôi đã tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với quý vị.”
“Chúng tôi nhận thấy rằng, trong những năm gần đây, các quần đảo Thái Bình Dương có thể đã không nhận được sự chú ý và hỗ trợ về mặt ngoại giao mà quý vị xứng đáng có được. Bởi thế hôm nay tôi đến đây để nói trực tiếp với quý vị rằng, chúng tôi sắp thay đổi điều đó.”
Trục xoay chậm sang Thái Bình Dương
PIF là một tổ chức gồm 18 nước, có mục tiêu tăng cường sự hợp tác trong khu vực thông qua việc xây dựng một khối thương mại ở Thái Bình Dương và các hoạt động gìn giữ hòa bình chung. Các lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ là American Samoa, Guam, và Quần đảo Bắc Mariana vẫn duy trì tư cách quan sát viên trong PIF, tuy nhiên Hoa Kỳ không phải là một quốc gia thành viên của khối này.
Bà Harris đã được Thủ tướng Fiji, ông Frank Bainimarama, chủ tịch hiện nay của PIF, mời đến diễn thuyết. Không một đại diện nào khác từ các đối tác đối thoại của PIF, gồm Trung Quốc, Pháp, và Vương quốc Anh, nhận được lời mời.
PTT Harris đã sử dụng cơ hội này để tuyên bố những cam kết ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với khu vực này, với dụng ý làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ – Thái Bình Dương và phát triển hơn nữa các liên minh trong khu vực.
Một tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc được đưa ra trước cuộc họp cho biết những lời hứa của bà phản ánh một “cam kết ngày càng tăng đối với khu vực Quần đảo Thái Bình Dương.”
Các cam kết mà PTT Harris tuyên bố gồm có những nỗ lực để thiết lập các đại sứ quán mới của Hoa Kỳ ở Kiribati và Tonga, tăng cường tài trợ cho một số chương trình kinh tế và môi trường, và một tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên đầu tiên của mình tại PIF.
PTT Harris cũng nói với PIF rằng Hoa Kỳ sẽ đạt được tiến bộ trong việc tái thiết lập một phái bộ của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ tại Fiji, và đưa Đoàn Hòa Bình đến các quần đảo Thái Bình Dương.
Nhìn chung, bài diễn văn của PTT Harris nhằm nhấn mạnh động lực của cái gọi là “trục xoay Thái Bình Dương” của Hoa Kỳ, mà đã được chính phủ cựu Tổng thống Obama tuyên bố hồi năm 2011, nhưng hiện nay chỉ đang củng cố xung quanh điều mà chính phủ đương nhiệm gọi là “thách thức hàng đầu” của Trung Quốc.
Một chiến lược về Trung Quốc mà không có ‘Trung Quốc’
Các tài liệu của Tòa Bạch Ốc tuyên bố sự hiện diện của PIF và bản thân PTT Harris đã thận trọng không nêu tên Trung Quốc. Tuy nhiên, có các dấu hiệu cho thấy việc khôi phục sự tập trung vào mối quan hệ đối tác Thái Bình Dương thông qua PIF là có liên quan đến cuộc cạnh tranh chiến lược đang diễn ra giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Cụ thể, bà Harris sử dụng sự hiện diện của bà ở PIF để tuyên bố rằng chính phủ Tổng thống Biden sẽ thiết kế và ban bố Chiến lược Quốc gia đầu tiên của Hoa Kỳ ở Quần đảo Thái Bình Dương.
Tòa Bạch Ốc cho biết: “Chính phủ Biden-Harris sẽ soạn thảo và công bố chiến lược đầu tiên của Hoa Kỳ ở Quần đảo Thái Bình Dương — một chiến lược toàn chính phủ để ưu tiên cho Quần đảo Thái Bình Dương trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả.”
Tòa Bạch Ốc cho biết thêm, chiến lược đó sẽ nằm trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lớn hơn của Hoa Kỳ (pdf), chiến lược mà chính phủ Tổng thống Biden công bố trước đó trong năm nay và chiến lược này cạnh tranh với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập lại trật tự toàn cầu có lợi cho nước này.
Do đó, sự xuất hiện của PTT Harris tại PIF dường như đã hiện thực hóa một trong những khái niệm chiến lược quan trọng của chính phủ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: tận dụng các mối liên kết đối tác trong khu vực để hình thành sự bao vây với Trung Quốc.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương viết, “Mục tiêu của chúng tôi không phải là để thay đổi [Trung Quốc] mà là để hình thành sự bao vây chiến lược ở vùng mà nước này hoạt động, xây dựng cán cân ảnh hưởng trên thế giới có lợi tối đa cho Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của chúng tôi, cũng như những lợi ích và giá trị mà chúng tôi chia sẻ.”
Để đạt mục tiêu đó, Tòa Bạch Ốc thể hiện mong muốn phát triển hơn nữa các mối liên hệ với PIF nhằm tích cực xây dựng một liên minh khu vực thuận lợi hơn cho các nền dân chủ theo phong cách phương Tây.
Theo lời trong tờ thông tin PIF của Tòa Bạch Ốc, chính phủ đang “ủng hộ chủ nghĩa khu vực ở Thái Bình Dương” và “mở rộng các cơ hội giữa khu vực Thái Bình Dương và thế giới.”
Một dấu hiệu khác cho thấy hành động này được thực hiện với sự cân nhắc đến Trung Quốc là tuyên bố của Tòa Bạch Ốc rằng họ sẽ tập trung hợp tác trong khu vực “để chống lại tai họa do việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, và không được kiểm soát,” một vấn đề mà trước đây chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm lớn nhất.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn thận trọng làm rõ rằng mục đích của chuyến thăm này không phải để thúc đẩy sự chia rẽ giữa Trung Quốc và các quốc gia khối PIF, mà để cải thiện sự gắn kết giữa PIF và Hoa Kỳ theo hướng tích cực.
Một quan chức cao cấp trong chính phủ trước thềm cuộc họp cho biết, “Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia phải chọn lựa.” “Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia không có mối quan hệ với Trung Quốc. Đó là một quốc gia lớn và quan trọng.”
“Vì vậy, đây không phải là chống lại bất kỳ quốc gia nào hay Trung Quốc. Đó là về sự tham gia tích cực mà những nhà lãnh đạo này đang yêu cầu và chúng tôi đang cố gắng đáp ứng.”
Để được như vậy, chính phủ hoan nghênh lời mời dành cho PTT Harris và bài diễn văn sau đó như là bằng chứng cho sự phát triển đầy ý nghĩa trong mối bang giao giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương.
Vị quan chức cho biết, “Chúng tôi nghĩ rằng lời mời này nói lên mối quan hệ đối tác lâu dài và sâu sắc mà Hoa Kỳ có với các Quần đảo Thái Bình Dương, và lợi ích chung khi tăng cường các mối bang giao của chúng ta.”
“Chúng tôi đã có một nền tảng rất vững mạnh với Quần đảo Thái Bình Dương, bao gồm các mối ràng buộc trong lịch sử, mối quan hệ sâu sắc giữa người dân với người dân, cùng các lợi ích và giá trị chung. Và chúng tôi tin rằng hiện tại chúng tôi đang bắt tay vào một chương mới trong mối liên kết đối tác lâu dài này.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.