Thủ tướng Solomon hy vọng đạt được thỏa thuận về cảnh sát thường trực với Bắc Kinh để đối phó với ‘các mối đe dọa nội bộ’
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đang hy vọng thiết lập một thỏa thuận an ninh lâu dài với Bắc Kinh để đối phó với “các mối đe dọa nội bộ.”
Thủ tướng đã đưa ra những bình luận trên sau khi một đợt huấn luyện kéo dài năm tháng giữa Đội Liên lạc Cảnh sát Trung Quốc, Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Quần đảo Solomon, và Dịch vụ Cải huấn Quần đảo Solomon kết thúc.
Hôm 01/07, nói tại một cuộc thao diễn huấn luyện, ông Sogavare cho biết ông mong muốn xác định những lỗ hổng được cho là bị những người biểu tình lợi dụng hồi tháng 11 năm ngoái (2021).
Ông nói trong các bình luận do tờ The Island Sun thu được: “Mặc dù chúng tôi đã có các biên bản ghi nhớ (MOU), tôi nghĩ điều thận trọng là Quần đảo Solomon và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu thảo luận về cách chúng tôi có thể nâng thỏa thuận huấn luyện chung hiện tại lên một thỏa thuận lâu dài hơn với các kết quả mong đợi được xác định rõ ràng.”
Ông hy vọng Lực lượng Cảnh sát và Dịch vụ Cải huấn có thể đạt được “năng lực” để đối phó với “các mối đe dọa nội bộ.”
“Hãy để tôi nhắc lại rằng với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, chúng ta không thể tiếp tục phụ thuộc vào các quốc gia khác để giúp đỡ chúng ta,” ông nói. “Chúng ta phải có khả năng giải quyết các mối đe dọa nội bộ của mình.”
“Chúng ta muốn các cơ quan kỷ luật của chúng ta tự chống đỡ được bằng sự chính trực và chuyên nghiệp,” ông nói thêm. “Với tư cách là một quốc gia, chúng ta sẽ tiếp tục khám phá cách chúng ta có thể tích cực thúc đẩy hợp tác thực thi lâu dài với tất cả các đối tác song phương của chúng ta để mang lại hòa bình và an ninh cho người dân Quần đảo Solomon.”
Bắc Kinh thắt chặt sự kìm kẹp với Quần đảo Solomon và khu vực Thái Bình Dương
Bình luận của ông Sogavare sẽ khiến các nhà lãnh đạo dân chủ quan tâm, những người gần đây đã gây sức ép cho vị thủ tướng này về một thỏa thuận an ninh với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Thỏa thuận sẽ cho phép cảnh sát, vũ khí, và thậm chí cả chiến hạm hải quân của Trung Quốc được đồn trú trong khu vực. Từ một góc nhìn rộng hơn, Bắc Kinh đã phát triển các mối liên kết chặt chẽ tương tự — không có hỗ trợ quân sự — với 10 quốc gia Thái Bình Dương khác.
Trong khi đó, đợt huấn luyện cảnh sát hiện tại được thực hiện sau khi các nhân viên an ninh của Úc và New Zealand được điều động tới Quần đảo để duy trì hòa bình sau khi bạo loạn nổ ra vì sự bất mãn với Thủ tướng Sogavare. Nhiều tuần sau đó, Bắc Kinh tuyên bố sẽ cử lực lượng cảnh sát của riêng mình đến để giúp huấn luyện lực lượng an ninh của Quần đảo Solomon đối phó tốt hơn với các cuộc biểu tình.
Trước đó chuyên gia về Nam Thái Bình Dương Cleo Paskal đã cảnh báo rằng vị thủ tướng không được lòng dân này đang cố gắng củng cố quyền lực của mình trước cuộc bầu cử liên bang tiếp theo.
Điều này có thể đạt được bằng cách thiết kế một sự kiện “cờ giả” mà sẽ cho ông Sogavare một lý do để triệu tập lực lượng an ninh của Trung Quốc và Quần đảo Solomon để dập tắt thứ được gọi là “tình trạng bất ổn” trong nước — điều này đổi lại sẽ cho nhà lãnh đạo này lý do để trì hoãn các cuộc bầu cử và phá hoại nền dân chủ.
Trong khi đó, Hoa kiều Shawn Lin tuyên bố rằng Bắc Kinh sử dụng lực lượng cảnh sát theo Sáng kiến Vành đai và Con đường để lan rộng ảnh hưởng ra ngoại quốc.
Ông viết trên The Epoch Times, “Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, các khoản chi tiêu của ĐCSTQ để ‘duy trì sự ổn định’ — trong và ngoài nước — đã vượt quá chi tiêu quốc phòng của nước này trong ba năm liên tiếp kể từ năm 2011. Sau năm 2014, dữ liệu về chi tiêu của lực lượng cảnh sát nước này không còn được công khai nữa.”
“Trong khi đàn áp người dân của mình, ĐCSTQ rất sẵn lòng xuất cảng sự đàn áp theo kiểu cộng sản của mình ra ngoại quốc.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và mối bang giao Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].