Biên bản họp: Fed thận trọng về việc cắt giảm lãi suất quá sớm vì tiến độ giảm lạm phát có thể bị đình trệ
Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết ‘những điểm yếu’ của hệ thống tài chính Hoa Kỳ là ‘đáng chú ý.’
Các quan chức Hệ thống Dự trữ Liên bang cho biết việc giảm lãi suất là không phù hợp cho tới khi có niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang hướng tới mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, trong bối cảnh một số nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng tiến trình kiểm soát lạm phát có thể bị đình trệ.
Theo biên bản cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hồi tháng Một, các quan chức muốn chờ thêm số liệu trước khi Fed cắt giảm lãi suất chuẩn. Tuy nhiên, họ đã bác bỏ khả năng tăng lãi suất, và lưu ý rằng lãi suất chính sách có thể đã đạt đến mức cao nhất trong chu kỳ hiện tại.
Những người tham gia cuộc họp đã thừa nhận rằng có sự không chắc chắn xung quanh khoảng thời gian chính sách tiền tệ sẽ duy trì trong vùng hạn chế (thắt chặt). Các quan chức cho biết thời điểm cắt giảm lãi suất phụ thuộc vào lạm phát, yếu tố có thể mất nhiều thời gian hơn để giảm bớt so với dự kiến ban đầu.
Biên bản cuộc họp nêu rõ, “Rủi ro xung quanh dự báo lạm phát được xem là có xu hướng tăng nhẹ; mặc dù lạm phát đã gần đạt đến kỳ vọng trong hầu hết năm 2023, nhưng các nhân viên đã đặt ra một số cân nhắc về khả năng có thể phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến để có được những cải thiện hơn nữa trong việc giảm lạm phát.”
Về nền kinh tế nói chung, các chuyên gia kinh tế cho rằng triển vọng đã tốt hơn dự báo tháng 12/2023. Đồng thời, các nhân viên của Fed đã khẳng định rằng có những rủi ro đối với dự báo kinh tế và “những điểm yếu của hệ thống tài chính” là “đáng chú ý.”
Tháng trước (01/2024), Hệ thống Dự trữ Liên bang đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5.25–5.5%.
Trong những tuần gần đây, thị trường tài chính đã giảm kỳ vọng đối với việc Fed cắt giảm lãi suất. Bước sang năm 2024, các nhà đầu tư đã báo hiệu rằng họ chắc chắn là ngân hàng trung ương sẽ kích hoạt việc cắt giảm lãi suất ¼ điểm cơ bản vào tháng Ba.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa các bình luận từ các nhà hoạch định chính sách của Fed và dữ liệu kinh tế đã làm tiêu tan hy vọng của các nhà giao dịch về việc Fed sẽ xoay trục chính sách.
“Các nhà giao dịch sẽ hiểu khá rõ bất kỳ ngôn từ quan trọng hoặc sự bất đồng nào giữa các chủ tịch Fed,” ông Jay Woods, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Freedom Capital Markets, viết trong một ghi chú. “Có thể biết khi nào họ nghĩ đến việc tiếp tục tạm dừng hay cắt giảm hoặc thậm chí, tôi dám nói, có thể là một đợt tăng khác tại các cuộc họp trong tương lai.”
Theo CME FedWatch Tool, thị trường tương lai dự đoán rằng việc điều chỉnh một phần tư điểm cơ bản đầu tiên sẽ không xảy ra cho đến cuộc họp hoạch định chính sách của FOMC vào tháng Sáu.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã ở mức nóng hơn dự kiến là 3.1% trong tháng Một. Chỉ số Giá Tiêu dùng cốt lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, ở mức không đổi 3.9%, cao hơn mức ước tính đồng thuận 3.7%.
Giá sản xuất cũng đã tăng cao hơn dự báo thị trường. Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) và PPI cốt lõi tăng lần lượt 0.3% và 0.5% so với tháng trước.
Giảm bảng cân đối kế toán
Các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu thảo luận về tương lai của việc thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Các thành viên ủy ban ấn định lãi suất đã nói rằng bảng cân đối kế toán của Fed tiếp tục “bình thường trở lại.” Theo biên bản của Fed, một số quan chức cho rằng việc thu hẹp bảng cân đối kế toán “có thể tiếp tục trong một thời gian” sau khi ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Kể từ khi Fed bắt đầu chiến dịch thắt chặt định lượng vào tháng 03/2022, bảng cân đối kế toán của Fed đã giảm khoảng 1.4 ngàn tỷ USD.
Những nỗ lực thu hẹp bảng cân đối kế toán đã chịu đình trệ trong những tuần gần đây, với bảng cân đối kế toán tăng hơn 3 tỷ USD kể từ cuối tháng Một.
Nhiều người đứng đầu các ngân hàng trung ương khu vực, bao gồm cả Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas Lori Logan, đã gợi ý rằng việc làm chậm lại tốc độ giảm danh mục nắm giữ có thể cho phép Fed kéo dài thời gian cắt giảm lãi suất của FOMC.
Mặc dù đã giảm trong vài năm qua, nhưng bảng cân đối kế toán vẫn cao hơn 83% so với mức trước đại dịch.
Cao hay thấp?
Trong bài nói đã được chuẩn bị sẵn trước hội nghị của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE) hôm 16/02, bà Mary Daly, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, đã khuyến nghị ngân hàng trung ương nên kiên nhẫn trước khi cắt giảm lãi suất.
Bà Daly nói: “Chúng ta sẽ cần phải kháng cự cám dỗ của việc nhanh chóng hành động khi điều cần thiết là kiên nhẫn và sẵn sàng ứng phó nhanh chóng khi nền kinh tế phát triển.”
Mặc dù tuyên bố rằng bà không tin vào câu chuyện mới nhất là lạm phát ở chặng cuối sẽ khó khăn hơn, nhưng bà Daly nói rằng “sự cải thiện không phải là chiến thắng” và FOMC sẽ “cần mang lại nhiều hơn là một vài khoảnh khắc nhẹ nhõm thoáng qua.”
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael Bostic đề nghị thị trường tài chính nên đợi đến tháng Bảy để có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Ông Bostic đã nêu rõ trong phần nhận xét đã chuẩn bị sẵn rằng ông sẽ tiếp tục “cảnh giác” về nguy cơ cắt giảm lãi suất quá sớm vì lo ngại lạm phát gia tăng trở lại.
“Nền kinh tế càng mạnh thì giá cả càng khó giảm nhanh,” ông nói với diễn đàn Money Marketeers của Đại học New York hôm 15/02, “Tôi nghĩ rằng trong số các vấn đề có thể gặp phải, đây là một trong những vấn đề dễ giải quyết hơn.”
Trong quý 4/2023, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3.3%. Ước tính ban đầu cho thấy GDP sẽ tăng khoảng 2% trong ba tháng đầu năm 2024.
Một cựu quan chức Fed đã trình bày lập luận cho trường hợp sớm hạ lãi suất.
Trong bài nói ngày 17/02 tại hội nghị chính sách của NABE, cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis James Bullard lập luận rằng ngân hàng trung ương cần cắt giảm lãi suất thay vì đợi cho đến khi tỷ lệ lạm phát hàng năm ở mức mục tiêu 2% của Fed.
“Đó sẽ là câu nói ‘Em thương mến, anh đã quên giảm lãi suất chính sách,’” ông Bullard nói, đồng thời cho biết thêm rằng nền kinh tế sẽ ở “trạng thái ổn định” với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2% và lạm phát 2%.
Trong một bài viết chuyên mục cho Bloomberg hôm 20/02, cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York William Dudley đã viết rằng ngân hàng trung ương cần đạt được sự cân bằng phù hợp trong khi hoàn thành mục tiêu hạ cánh mềm.
“Có thể sẽ có những diễn biến thúc đẩy họ giữ lãi suất ở mức cao sau tháng Năm,” ông Dudley viết. “Họ cũng phải xét đến kỳ vọng của thị trường: Nếu hy vọng về các đợt cắt giảm lãi suất bị tiêu tan, thì các điều kiện tài chính có thể sẽ thắt chặt và khiến tăng trưởng bị kiềm chế quá nhiều.”
Chỉ số Điều kiện Tài chính Quốc gia của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Chicago cho thấy đã có một số mức thắt chặt tiền tệ vừa phải trong những tuần mới đây, mặc dù chúng vẫn lỏng hơn mức trung bình.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times