Nền kinh tế Hoa Kỳ đã khởi động năm 2023 với một chuyến tàu lượn siêu tốc, lướt qua những thăng trầm với lạm phát cao, lãi suất tăng, các cuộc chiến ở ngoại quốc, và lĩnh vực ngân hàng bấp bênh.
Vào thời điểm này năm ngoái, nền kinh tế Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế vẫn tồn tại suốt trong năm 2023, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng ngân hàng trong quý 2, khi Silicon Valley Bank và First Republic Bank chứng kiến việc rút tiền hàng loạt khỏi các ngân hàng của họ theo phong cách những năm 1930.
Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed) đã can thiệp bằng các biện pháp khẩn cấp, và kết quả là thanh khoản ngân hàng đã được khôi phục và các thị trường tài chính cũng như tín dụng đã nhanh chóng hoạt động trở lại bình thường, như thể cuộc khủng hoảng chưa từng xảy ra.
Trong những tháng tiếp theo, bất chấp những nỗi lo suy thoái, nền kinh tế Hoa Kỳ đã có kết quả vượt quá kỳ vọng. Và trong quý 3/2023, nhờ chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu chính phủ mạnh mẽ, nền kinh tế cũng đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến ở mức 4.9%.
Hiện tại, ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về triển vọng “hạ cánh mềm” trong năm 2024. Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn thận trọng, nhiều người dự đoán một chặng đường gập ghềnh phía trước do ảnh hưởng kéo dài của chính sách tiền tệ thắt chặt trong hai năm qua.
Nỗi lo suy thoái kinh tế vẫn chưa kết thúc
Mặc dù nền kinh tế đã cho thấy khả năng phục hồi khi đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ có một đợt suy giảm đáng kể trong những tháng tới, thậm chí một số người còn dự đoán sẽ xảy ra suy thoái.
Ông Desmond Lachman, thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), nói với The Epoch Times: “Mặc dù cho đến nay, tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì tốt và lạm phát đang giảm xuống, nhưng có nguy cơ cao là chúng ta sẽ trải qua một cuộc suy thoái kinh tế trước cuộc bầu cử năm 2024.”
Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa phản ánh “tác động đầy đủ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Hệ thống Dự trữ Liên bang, và có những vấn đề lớn trong lĩnh vực địa ốc thương mại có thể gây ra một cuộc khủng hoảng khác trong lĩnh vực ngân hàng khu vực.”
Conference Board, một tổ chức tư vấn kinh doanh bất vụ lợi, dự đoán rằng suy thoái sẽ xảy ra vào nửa đầu năm nay.
Ông Erik Lundh, nhà kinh tế trưởng tại Conference Board, cho biết trong một báo cáo gần đây: “Chúng tôi dự báo hai quý tăng trưởng âm sẽ được cảm nhận rộng rãi trên toàn bộ nền kinh tế.”
Mặc dù đợt thu hẹp này sẽ có giới hạn về độ sâu và thời gian, nhưng ông Lundh cho biết ông vẫn dự đoán đợt suy giảm này sẽ chính thức được xem là một cuộc suy thoái.
Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, thì bi quan hơn. Trong bài diễn văn tại hội nghị thượng đỉnh DealBook của The New York Times hồi tháng 11/2023, ông cảnh báo Wall Street không nên tin vào một tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Ông cho rằng áp lực lạm phát có thể vẫn tồn tại và không thể loại trừ khả năng diễn ra suy thoái.
“Những chương trình kích thích này là ma túy chạy qua hệ thống,” ông nói. “Vì vậy tôi khá thận trọng về nền kinh tế.”
Nhiều nhà phân tích dự đoán cuộc bầu cử sắp tới sẽ là nguồn gây bất ổn và lo lắng đáng kể cho nền kinh tế.
Lạm phát: Một tia hy vọng?
Trong suốt năm 2023, người Mỹ phải đối mặt với một loạt thách thức trong môi trường kinh tế được định hình bởi chi phí và lãi suất tăng cao.
Ông Chris Estrada, người sáng lập Nationwide United Auto Transport có trụ sở tại Los Angeles, một nhà cung cấp dịch vụ vận tải chuyên biệt, là một trong những chủ doanh nghiệp nhỏ trực tiếp cảm nhận được tác động của lạm phát.
Ông nói với The Epoch Times, “Lạm phát cao vào năm 2023 thực sự đã gây áp lực lên ngành của chúng tôi. Chi phí vận hành tăng lên — chủ yếu là chi phí nhiên liệu và bảo trì — đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của chúng tôi.”
“Lãi suất cao cũng đặt ra thách thức, đặc biệt là trong việc đầu tư để nâng cấp và mở rộng đội xe.”
Có khả năng lạm phát sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2024, giảm bớt một số áp lực tài chính mà những người như ông Estrada đang phải đối mặt.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA), hôm 03/01, giá xăng trung bình trên toàn quốc đã ở mức 3.09 USD/gallon, giảm so với mức 3.24 USD vào một tháng trước.
Các ước tính của GasBuddy cho biết giá xăng trung bình ở Hoa Kỳ vào năm 2024 sẽ ở vào khoảng 3.38 USD/gallon. Mức dự báo này đánh dấu sự sụt giảm so với mức trung bình năm 2023 là 3.51 USD và là một mức giảm đáng kể so với mức trung bình năm 2022 là 3.95 USD mỗi gallon.
Theo ước tính của GasBuddy, người Mỹ có thể tiết kiệm gần 32 tỷ USD chi phí nhiên liệu so với năm 2023.
Những lo ngại về khả năng thị trường năng lượng bị gián đoạn do căng thẳng ở Hồng Hải đã khiến giá dầu tăng vọt gần đây. Tuy nhiên, sản lượng của Hoa Kỳ tăng và nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc dự kiến sẽ gây áp lực giảm giá lên thị trường dầu mỏ.
Ông Lundh nói: “Về lạm phát, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy sự tiến bộ trong những quý tới, nhưng con đường này có thể sẽ gập ghềnh.” Ông dự đoán rằng Fed sẽ không đạt được mục tiêu 2% cho đến cuối năm nay (2024).
Trong năm qua, lạm phát đã giảm bớt, nhưng người Mỹ vẫn chưa từng trải qua tỷ lệ lạm phát ở mức độ này kể từ đầu những năm 1980. Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm đáng kể từ mức cao nhất 9.1% đạt được hồi tháng 06/2022 xuống còn 3.1% vào tháng 11/2023.
Bà Nancy Tengler, Giám đốc điều hành của Laffer Tengler Investments, cho biết trong một ghi chú gửi cho khách hàng gần đây: “Các chuyên gia, chính trị gia, và nhà đầu tư tập trung vào sự thay đổi trong tỷ lệ lạm phát, nhưng sự thay đổi tỷ lệ lạm phát này không phù hợp với trải nghiệm của người tiêu dùng Mỹ, những người vẫn đang trả thêm 18% đến 20% cho hầu hết mọi thứ.”
“Tuy nhiên, khi lạm phát chậm lại, mức giá thực sẽ giảm. Và một số lĩnh vực của thị trường hàng hóa đang trực tiếp bị giảm phát. Điều đó sẽ giúp ích cho túi tiền của người tiêu dùng Mỹ trung bình.”
Bất chấp những dự đoán này, khoảng 63% người Mỹ dự đoán tình hình tài chính của họ sẽ không được cải thiện trong năm nay, theo một cuộc khảo sát gần đây của Bankrate.
Nguyên nhân chính của tâm lý bi quan về tài chính này là lạm phát. Ngay cả khi lạm phát đang giảm, thì hầu hết giá cả vẫn cao hơn mức mà người Mỹ quen thuộc, đó là lý do tại sao họ không cảm thấy áp lực được giảm bớt ngay lập tức. Ngoài ra, những người bi quan về tương lai tài chính cũng cho rằng việc thu nhập của họ bị trì trệ hoặc giảm sút là một trong những nguyên nhân cho tâm lý này.
Sự lạc quan thận trọng trong thị trường việc làm
Theo ông Jon Hill, Giám đốc điều hành của The Energists, một công ty tuyển dụng ngành năng lượng có trụ sở tại Houston, vào năm 2023, kỳ vọng về mức lương đã tăng lên đáng kể.
“Kỳ vọng tăng lương này là công bằng xét từ quan điểm của người tìm việc hoặc nhân viên — khi lạm phát cao, việc chấp nhận mức lương không đổi mà họ từng có trước đây có hiệu ứng như là chịu đựng sự cắt giảm lương,” ông nói với The Epoch Times. “Điều đó nói lên rằng, vì các doanh nghiệp cũng đang cảm nhận được tác động của chi phí và lạm phát cao hơn, kỳ vọng tăng lương này làm tăng thêm áp lực lên ngân sách trả lương vốn dĩ đã eo hẹp.”
Ông Hill cho biết khách hàng của ông lạc quan một cách thận trọng về năm 2024, trong bối cảnh có những bất ổn về kinh tế và chính trị.
Ông nói: “Nhiều công ty mà chúng tôi hợp tác đã chia sẻ kế hoạch tăng cường nỗ lực tuyển dụng trong năm tới nhằm đón đầu sự tăng trưởng trong tương lai hoặc để lấp đầy các vị trí cần tuyển dụng đang có trong năm qua.”
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng thị trường lao động sẽ giảm cầu vào năm 2024, với việc tuyển dụng chậm lại đáng kể so với hai năm trước, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng vào cuối năm.
Fed được theo dõi sát sao
Trong cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm, vào giữa tháng 12/2023, Fed đã dự đoán sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Wall Street kể từ đó đã bắt đầu một vòng chơi đoán mò mới. Do ảnh hưởng của Fed đến hoạt động kinh tế và chiến lược đầu tư, các hành động của ngân hàng trung ương vào năm 2024 sẽ là chủ đề của nhiều suy đoán và thảo luận.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng Mười Hai của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang được công bố hôm 03/01 cho thấy các quan chức Fed đã đồng thuận về việc giảm lãi suất trong năm 2024 nhưng cung cấp rất ít thông tin về tốc độ, thời gian, và quy mô các các đợt điều chỉnh lãi suất vì những biến số chưa biết về diễn biến phát triển của nền kinh tế.
Theo ông Greg McBride, nhà phân tích tài chính trưởng tại Bankrate, trước khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, cần phải có thêm tiến bộ về lạm phát.
Ông cho biết trong một báo cáo gần đây: “Điều quan trọng sẽ là lạm phát về chi phí chỗ ở, yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến phong vũ biểu lạm phát căn bản, và là phương diện có dữ liệu phản ánh trễ khiến cho sự cải thiện trở nên khó nắm bắt hơn cho đến nay.”
“Nếu lạm phát chi phí chỗ ở giảm bớt, thì lạm phát căn bản sẽ còn giảm hơn nữa, và Fed sẽ có thể cắt giảm lãi suất phù hợp với mức giảm lạm phát căn bản.”
Theo các chiến lược gia của JPMorgan, Fed có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2024. Ngân hàng này dự kiến lãi suất sẽ giảm dần nếu lạm phát trở lại mức bình thường và dự đoán tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ nhanh hơn trong trường hợp có suy thoái.
Fed đã tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 03/2022, tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất trong vòng 40 năm.
Ông Stoyan Panayotov, cố vấn tài chính và người sáng lập Babylon Wealth Management, cho biết ông tin rằng có hai rủi ro đối với nền kinh tế Hoa Kỳ vào năm 2024.
“Rủi ro thứ nhất là một sự kiện địa chính trị bất ngờ có thể gây ra sự tái diễn của lạm phát và bất ổn trên toàn cầu,” ông nói với The Epoch Times, lưu ý đến những căng thẳng ở Trung Đông và cuộc chiến ở Ukraine.
Ông nói: “Rủi ro thứ hai là Fed chờ đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất.”
Ông Panayotov nói, “Fed phải chơi một trò chơi rất cẩn thận. Một mặt, họ không muốn thấy lạm phát cao hơn. Mặt khác, họ không muốn đẩy nền kinh tế vào suy thoái, đặc biệt là trong năm bầu cử.”
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế và chính trị ngày càng suy đoán nhiều hơn về khả năng Fed sẽ thay đổi chính sách tiền tệ của mình để tác động đến kết quả của cuộc bầu cử năm 2024.
Tuy nhiên, mức độ mà thành kiến chính trị có thể ảnh hưởng đến các quyết định về lãi suất, cũng như sự tham gia tiềm tàng của các nhà hoạch định chính sách ở Fed trong việc định hình bối cảnh kinh tế trước cuộc bầu cử, là chưa biết.
Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn
Ngay cả khi lạm phát giảm và Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, vẫn có một nhận thức rộng rãi rằng lãi suất sẽ vẫn ở mức cao trong tương lai gần, và nhiều người không mong đợi sự quay trở lại mức lãi suất gần bằng 0 như đã diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 — ít nhất là không phải trong một sớm một chiều.
Ông McBride nói với The Epoch Times: “Chúng ta đã chịu ảnh hưởng từ hơn một thập niên lãi suất gần như bằng 0, nhưng đó không phải là điều ‘bình thường.’”
Ông cho biết lãi suất thấp bất thường do tăng trưởng kinh tế yếu và lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu.
Theo ông McBride, lãi suất “sẽ ổn định ở mức thấp hơn so với hiện tại nhưng sẽ cao hơn mức đã từng chứng kiến trong giai đoạn 2008–2022.”
Tuy nhiên, lãi suất cao liên tục cũng sẽ có những tác động tới nền kinh tế và thị trường tài chính.
Ông McBride cho biết, “Lãi suất thấp giả tạo có xu hướng gây ra bong bóng giá tài sản, nhưng lãi suất quá cao trong thời gian dài sẽ làm cản trở tăng trưởng kinh tế và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Khi áp lực lạm phát giảm bớt, Fed sẽ cắt giảm lãi suất để ngăn chặn tình trạng kinh tế tiếp tục chậm lại.”
Theo Bankrate, vào năm 2023, lãi suất thẻ tín dụng và hạn mức tín dụng mua nhà đã đạt mức cao chưa từng có, lãi suất vay nợ mua nhà đạt mức cao nhất trong vòng 23 năm, và lãi suất cho vay nợ mua xe mới đạt mức cao nhất trong vòng 16 năm.
Ông Seth Williams, chủ sở hữu của công ty địa ốc Reference Real Estate có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts, cho biết môi trường lạm phát và lãi suất cao trong hai năm qua đã làm giảm đáng kể số lượng chuyên gia trẻ tìm kiếm nhà ở và căn hộ khởi đầu, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Vì lãi suất vay nợ mua nhà cao hơn nên nhiều người mua nhà tiềm năng đang xem xét các khoản vay nợ mua nhà có lãi suất điều chỉnh (ARM) để tài trợ cho việc mua nhà của họ vì các khoản vay loại này cho phép trả các khoản thanh toán hàng tháng thấp hơn so với các khoản vay nợ mua nhà có lãi suất cố định, ít nhất là vào thời điểm ban đầu. Khoản thanh toán ban đầu thấp hơn cũng giúp người mua dễ dàng đủ điều kiện vay vốn hơn.
Ông Williams nói với The Epoch Times, “Lãi suất cao đã thay đổi các điều khoản đối với các công ty cho vay. Các bên cho vay đã bắt đầu cung cấp miễn phí dịch vụ cho vay ARM đối với mọi giao dịch địa ốc để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người mua.”
Bất chấp những thách thức xuất phát từ nhu cầu thấp hơn do vấn đề về khả năng chi trả trên thị trường nhà đất, ông vẫn duy trì sự lạc quan đối với hoạt động kinh doanh địa ốc của mình.
Ông Williams dự đoán, “Nửa đầu năm 2024 sẽ chậm lại vì các khoản vay nợ mua nhà sẽ không đạt mức lãi suất 6% hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, trong quý cuối cùng của năm, hoạt động kinh doanh sẽ khởi sắc.”
Hiện tượng ‘đợt tăng giá của ông già Noel’ đã kết thúc
Các nhà đầu tư thường mong đợi một đợt tăng giá tốt của thị trường chứng khoán trong tuần cuối cùng của năm, thường được gọi là “Đợt tăng giá của ông già Noel” (Santa Claus Rally). Tuy nhiên, vào năm 2023, ông già Noel đã nhảy lên chiếc xe trượt tuyết của mình vào dịp Halloween và mang niềm vui của ngày lễ đến thị trường tài chính trong khoảng hai tháng trước khi năm 2023 kết thúc.
Hôm giao dịch cuối cùng của năm, bộ ba chỉ số quan trọng đối với thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận tuần tăng thứ chín liên tiếp nhờ kỳ vọng rằng Fed có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay sau tháng Ba.
Chỉ số S&P 500 đã khép lại năm cũ với mức tăng 24.2%. Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones đã tăng hơn 13% trong năm 2023, đạt mức cao chưa từng có và chỉ số Nasdaq tăng 43.4%, ghi nhận kết quả hàng năm tốt nhất kể từ năm 2020 nhờ lợi nhuận của các công ty công nghệ lớn.
Tuy nhiên, nhiều công ty thắng lớn trong năm 2023, đặc biệt là các hãng công nghệ, đã có khởi đầu năm mới khó khăn, góp phần khiến các chỉ số của thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm trong tuần đầu tiên.
Ông Jim Besaw, thành viên sáng lập của GenTrust, một công ty quản lý đầu tư, cho biết công ty của ông đã bước vào năm 2024 với một mức giảm đầu tư vào cổ phiếu.
“Nếu không có một cuộc suy thoái thì lạm phát khó có thể giảm xuống đến mức thị trường kỳ vọng, khiến việc cắt giảm lãi suất mà không để xảy ra suy thoái ít có khả năng xảy ra hơn thị trường nghĩ,” ông viết trong một lưu ý gửi khách hàng. “Xác suất xảy ra suy thoái cao hơn mức thị trường nghĩ.”
Ông cũng cho biết ông tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi về lâu về dài, khiến cổ phiếu công nghệ trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông cho rằng giá trong ngắn hạn của một số cổ phiếu công nghệ sẽ tương tự như bong bóng công nghệ năm 1999.
Ông Panayotov dự đoán thị trường chứng khoán sẽ có nhiều biến động trước cuộc bầu cử.
Ông nói, “Những năm bầu cử nhiệm kỳ thứ hai thường có xu hướng tốt cho thị trường trong lịch sử. Kỳ vọng của tôi là thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trở lại từ 8 đến 12% vào năm 2024, và chúng ta sẽ có một chặng đường gập ghềnh.”
“Thị trường ưa thích một chính phủ bị chia rẽ. Rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều biến động trước những cuộc bầu cử và một khoảng thời gian giá tạm thời phục hồi từ áp lực bán trên diện rộng khi chúng ta nhận được kết quả.”